Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới

07:00 | 05/07/2018

2,371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 19-5-2018, đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 128 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về "tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nghị quyết Trung ương lần này đã kế thừa, bổ sung và phát triển Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đó đến nay với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế".

Trong bài "20 năm thực hiện chiến lược cán bộ và những bài học quý giá cho chúng ta", đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng khẳng định: "Sự trưởng thành và phát triển của đội ngũ cán bộ 20 năm qua là minh chứng sinh động, khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến lược cán bộ". Trong bài viết này, chỉ xin nêu các tiêu chuẩn được hiểu một cách cụ thể mang tính khái quát về nghị quyết đối với cán bộ cấp chiến lược trong giai đoạn cách mạng hiện nay như sau:

1. Trung thành với nền tảng tư tưởng của Ðảng là Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn kiên định những vấn đề quan điểm có tính nguyên tắc, nhất là vào những thời điểm tình hình thế giới và trong nước có những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín đối với hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

2. Thử thách rèn luyện qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có "sản phẩm" cụ thể, đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh và có triển vọng phát triển. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện thử thách qua thực tiễn. Thực hiện nghiêm túc chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới để hoàn thành trọng trách được giao. Có tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đặt lợi ích của Ðảng và nhân dân lên trên hết.

3. Trí tuệ ngang tầm để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Muốn đạt tới đích thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới thì phải xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ sức lãnh đạo, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN vào năm 2045. Từ đó, đòi hỏi ở người cộng sản, người lãnh đạo cấp chiến lược trong tình hình mới không chỉ có trung thành, nhiệt tình, có quyết tâm mà đòi hỏi phải có trí tuệ ngang tầm để đảm nhận trách nhiệm cao cả trước Ðảng và nhân dân giao phó trong giai đoạn mới.

4. Trong sạch, tiên phong đi đầu trong cuộc vận động, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc gương mẫu thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Ðẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Ðây là tiêu chuẩn rất quan trọng trong tình hình hiện nay để người cán bộ lãnh đạo trở thành tấm gương cho quần chúng noi theo. Nếu cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược không có phẩm chất trong sạch mà lại mắc tệ tham nhũng, quan liêu thì sẽ làm suy yếu Ðảng. Ðể tiêu chuẩn này thực sự đi vào cuộc sống thì trước hết, cán bộ lãnh đạo phải có phẩm chất trung thực, gương mẫu thực hiện các nghị quyết, quy định của Ðảng, trong đó có việc thực hiện kê khai tài sản hết sức trung thực và công khai ở cơ quan làm việc, ở nơi công tác để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát.

5. Trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tụy với công việc được giao. Luôn có tinh thần chủ động, sáng tạo, nói đi đôi với làm để lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ một cách kịp thời và hiệu quả nhất. Người lãnh đạo phải có phẩm chất không tự bằng lòng, thỏa mãn với kết quả các công việc đã lãnh đạo, chỉ đạo mà phải luôn chú trọng cải tiến không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng các công việc. Cho nên, cũng có ý kiến cho rằng khi đã đảm đương vị trí lãnh đạo cấp chiến lược, thì phải xác định như một "nghề" không mệt mỏi về phía trước: "Ăn không trọn bữa, ngủ không trọn giấc, nghỉ phép không trọn ngày" để thực hành nhiệm vụ chứ không phải làm "quan cách mạng" chỉ giao việc cho cấp dưới thực hiện.

6. Tuổi thực hiện theo ba độ tuổi để bảo đảm sự kế thừa trong công tác lãnh đạo và nên theo phương châm: Nhất quán, có nguyên tắc và có cân nhắc để chọn những người có đức, có tài tham gia lãnh đạo, nhất là tham gia các vị trí chủ chốt. Có thể vận dụng một số trường hợp đặc biệt nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch và dân chủ để thực sự xứng đáng là "đặc biệt", được mọi người thừa nhận, tôn vinh. Ngoài ra, cũng cần bảo đảm cơ cấu hài hòa nữ, dân tộc… để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay.

Chúng ta tin tưởng rằng việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ, trong đó có cán bộ cấp chiến lược xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân sẽ đáp ứng được những đòi hỏi của tình hình mới để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

TS BÙI THẾ ÐỨC Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

(Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)