Thượng đỉnh Mỹ-Đức: Nord Stream 2 sẽ tiếp tục là bất đồng “gai góc”

19:40 | 15/07/2021

|
(PetroTimes) - Trước khi hết nhiệm kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến công du nước ngoài quan trọng cuối cùng, đó là chuyến thăm tới Mỹ để hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 15/7/2021 (giờ Mỹ). Trước thềm chuyến thăm, báo New York Times và Đài phát thanh Đức DW ngày 14/7 phản ánh dư luận về tầm quan trọng của quan hệ Mỹ-Đức trong quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, thách thức liên quan đến Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) và quan hệ với Trung Quốc.
Tăng cường quan hệ Mỹ-Đức và đồng minh xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh địa chính trị thay đổi

Trong 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Đức Merkel đã làm việc với 4 đời Tổng thống Mỹ, trong đó Tổng thống Joe Biden là thứ tư. Khi lựa chọn mời Thủ tướng Đức Merkel là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến thăm Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden thể hiện rõ mong muốn đưa Đức, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tham gia vào một số mục tiêu địa chính trị của mình, đặc biệt là về Trung Quốc và Nga.

Thượng đỉnh Mỹ-Đức: Nord Stream 2 sẽ tiếp tục là bất đồng “gai góc”
Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Đức Merkel gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: Guido Bergmann/AFP/Getty Images.

Chuyên gia chính sách đối ngoại Alexander Graf Lambsdorff của Đảng tự do Đức cho rằng Mỹ muốn biết là họ có thể dựa vào một đối tác châu Âu có ảnh hưởng và ổn định trong bối cảnh địa chính trị thay đổi. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đánh giá rất cao quan hệ đối tác song phương bền chặt với Đức. “Các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đặc biệt quan trọng đối với chính quyền mới của Hoa Kỳ”, "Joe Biden là một người bạn quan trọng của Đức và châu Âu, và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken thậm chí còn lớn lên ở Pháp"; “sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra thách thức chiến lược lớn nhất trong thời đại chúng ta, nhưng Mỹ sẽ không bỏ qua các mối quan hệ khác”.

Tổng thống Biden ủng hộ quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ và các quan hệ đối tác đa phương. Cả hai quốc gia Mỹ và Đức đang tìm cách củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau khi chính quyền Trump theo đường lối đơn phương, gây căng thẳng cho quan hệ của Mỹ với các đồng minh trên thế giới. Ulrich Speck, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức cho biết: “Washington đang đề nghị hợp tác trong lãnh đạo”. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để khôi phục mối quan hệ này. Trước tiên, đó là đem lại sự ổn định và tin cậy, thoát ra khỏi điều nhiều người châu Âu lo ngại là sự gián đoạn chính sách do chu kỳ các cuộc bầu cử bốn năm một lần ở Mỹ. Peter Beyer, Điều phối viên của Đức về các vấn đề xuyên Đại Tây Dương cho biết: “Trên thực tế có mối lo ngại là một số chính quyền khác ở Hoa Kỳ có thể sẽ áp dụng lại những những gì đã thấy dưới thời Trump”; “nhiều người đang nỗ lực để có thể làm cho mối quan hệ Mỹ-Đức trở nên bền vững, mạnh mẽ, để sẽ không quay trở lại như vậy”.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Merkel là một trong số ít chuyến thăm nước ngoài của bà kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Cathryn Clüver, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức cho biết một phần của chuyến đi sẽ tập trung củng cố những giá trị được chia sẻ chung giữa Mỹ và Đức, trong đó lập trường đối với các hệ thống đa phương; đảm bảo sự phát triển của nước Đức hiện đại trở thành mỏ neo hòa bình, thịnh vượng, ổn định ở trung tâm châu Âu.

Chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương Markus Kaim thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức (SWP) cho rằng “Angela Merkel đang trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ", “Mỹ đang lo lắng về khoảng trống chính trị mà Thủ tướng Merkel sẽ để lại". Trong bối cảnh đó, trước chuyến thăm của Thủ tướng Merkel, một số Bộ trưởng cao cấp nhất của Thủ tướng Merkel và nhóm cố vấn của bà đã thực hiện nhiều chuyến đi tới Washington, cho thấy tầm quan trọng mà Berlin đặt vào chuyến thăm này, như một cơ hội để củng cố một chính sách chung sẽ tồn tại lâu dài hơn kỳ hạn của một Thủ tướng.

Vấn đề hóc búa về Nord Stream 2

Nord Stream 2 là bất đồng kéo dài trong quan hệ hai nước. Chuyên gia Lambsdorff cho rằng nhiều bên ở Mỹ chỉ trích dự án Nord Stream 2 và coi Đức là “không đáng tin cậy"về quan hệ với Nga. Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ, một số đối tác châu Âu phản đối gay gắt Nord Stream 2. Tổng thống Biden, cũng như Trump trước đây, cho rằng Nord Stream 2 sẽ tạo cho Nga một “đòn bẩy” đối với an ninh năng lượng của châu Âu, khiến Đức và châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đồng thời làm suy yếu quốc gia trung chuyển khí đốt Ukraine, nước thu được 1 tỷ USD hàng năm từ hệ thống đường ống dẫn khí của Nga đi qua lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với công ty Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành người Đức, vì cho rằng nỗ lực ngăn cản dự án gây phương hại cho quan hệ Mỹ-Đức.

Thượng đỉnh Mỹ-Đức: Nord Stream 2 sẽ tiếp tục là bất đồng “gai góc”
Cơ sở của Nord Stream 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Walter Graupner/Nord Stream 2.

Thủ tướng Merkel và Chính phủ Đức mạnh mẽ ủng hộ Nord Stream 2, coi đây chỉ là một dự án thương mại. Phát biểu cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Hai, bà Merkel nói rằng sẽ thảo luận về "một lập trường chung" về đường ống dẫn khí Nord Stream 2 với Tổng thống Biden, nhưng bà không kỳ vọng họ sẽ đạt được một giải pháp. Thủ tướng Merkel khẳng định Liên minh châu Âu và Đức cam kết đảm bảo khí đốt đến châu Âu tiếp tục vận chuyển qua Ukraine, kể cả sau năm 2024; nhấn mạnh “Chúng tôi đã hứa điều này với Ukraine và chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện", khẳng định “Thủ tướng Đức sẽ duy trì thỏa thuận”.

Jeff Rathke, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đức đương đại của Mỹ tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng những gì diễn ra với Nord Stream 2 nên được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn của một quan điểm chung xuyên Đại Tây Dương mới về Nga, và cần Thủ tướng Merkel đảm nhận vai trò lãnh đạo quyết đoán hơn trên trường quốc tế. “Điều Hoa Kỳ cần là một sự hợp tác nào đó của Đức trong tiếp cận vấn đề này”. Hiện tại, Mỹ và Đức là những đối tác chính trị với nhiều lợi ích chung. Trước cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Đức ngày 15 tháng 7, cả hai bên đều đang cố gắng hạ thấp sự khác biệt liên quan đến Nord Stream 2. Markus Kaim cho rằng gần đây, Tổng thống Biden muốn chuyển sự chú ý ra khỏi bất đồng liên quan đến Nord Stream 2. "Có những nỗ lực chung để tập trung vào các lĩnh vực khác và đóng băng những bất đồng liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc", "chính quyền Biden đang nỗ lực ngăn chặn sự leo thang về vấn đề này vì Mỹ cần sự hợp tác của Đức ở những nơi khác".

Khác biệt trong quan hệ với Trung Quốc

Thủ tướng Merkel là người coi trọng quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức. Theo số liệu của Chính phủ Đức, hơn 212 tỷ euro (250 tỷ USD) là tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên vào năm 2020. Trước khi ông Biden nhậm chức, Thủ tướng Đức Merkel đã thúc đẩy ký Hiệp định Đầu tư mới giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc, tuy Hiệp định này còn cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Chuyên gia chính sách đối ngoại Alexander Graf Lambsdorff cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang ngày càng thách thức vai trò thống trị của Hoa Kỳ đối với trật tự quốc tế, Washington nhìn nhận Đức một cách nghiêm khắc do "cách tiếp cận tập trung vào kinh doanh của Thủ tướng Merkel đối với Trung Quốc, điều này khiến Washington tức giận".

"Nước Mỹ quay trở lại" của Tổng thống Biden đã thay thế cho “Nước Mỹ trên hết” dưới thời Trump.

Cuộc gặp của Thủ tướng Merkel với Tổng thống Biden vào ngày 15/7 sẽ được đánh dấu bằng các cử chỉ thân thiện và phát biểu ấm áp. Điều này được thể hiện rõ khi Ngoại trưởng Mỹ Blinken thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Berlin vào cuối tháng 6, khẳng định với nước chủ nhà rằng "Hoa Kỳ không có người bạn nào trên thế giới tốt hơn nước Đức". Tháng 6, khi Tổng thống Biden và Thủ tướng Merkel gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh, Tổng thống Mỹ cũng hết lời ca ngợi người đồng cấp Đức, nói rằng bà Merkel là nhà lãnh đạo châu Âu mà ông ngưỡng mộ nhất.

Thanh Bình