Thủy điện Hủa Na: Nơi chứng minh bản lĩnh người Dầu khí

07:00 | 18/09/2013

2,039 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thủy điện Hủa Na là công trình trọng điểm quốc gia trong Tổng sơ đồ điện VI của Chính phủ. Đây là dự án thủy điện đầu tiên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) trực tiếp chỉ đạo thực hiện trên vùng giáp ranh biên giới Lào. Nhiều lần đến với Hủa Na, lần nào chúng tôi cũng vội vã cuốn theo những hạng mục thi công của dự án. Lần này đến với Hủa Na chúng tôi mang theo những cảm xúc thật khó diễn tả, không còn sự gấp gáp, hối hả mà thay vào đó là một Hủa Na tràn đầy sức sống, sinh sôi mạnh mẽ trên vùng núi rừng miền Tây xứ Nghệ.

Công trình… “bất khả thi”

Thủy điện Hủa Na dường như là công trình đi trái ngược với lẽ thường nhiều nhất. Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến vùng đất Quế Phong để khảo sát tính khả thi của Dự án Thủy điện Hủa Na, hầu hết các nhà tư vấn hàng đầu về thủy điện đều nhận định, đó là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Những người đi mở đất đầu tiên kể lại rằng, khi ấy đã có một bản báo cáo dài 17 trang phân tích tỉ mỉ những điểm không thể thực hiện được dự án. Trong đó có bằng chứng về kết cấu địa tầng phức tạp, diện tích lòng hồ quá lớn, đặc biệt là đường sá giao thông quá phức tạp, chất lượng kém không thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị xây dựng…

Các nhà tư vấn còn cho rằng, ngay từ đầu dự án này đã đi ngược quy luật của thủy điện. Trình tự của thủy điện là nhà máy được đặt thấp hơn đập nước nên đường vào công trình thủy điện nào cũng là nhà máy trước rồi đến đập nước nhưng Hủa Na thì ngược lại, do chỉ có một con đường độc đạo nên phải đi theo đường xoắn ốc từ thấp lên cao rồi lại vòng xuống nên vào Hủa Na ai cũng phải đi qua đập thủy điện rồi mới vòng qua nhà máy. Cách đây 3 năm, để nói về mức độ khó khăn của dự án, những người xây dựng Thủy điện Hủa Na còn đùa tếu với nhau rằng: “Hủa Na như một ca đẻ ngược”.

Đập chính Thủy điện Hủa Na

Đầu năm 2009, trong một buổi giao ban trên công trường, lãnh đạo PVN, lãnh đạo PV Power đã yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (PV Power HHC), Nhà thầu Sông Đà, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) lập “quân lệnh trạng” trong vòng 3 năm là phải phát điện. Khi ấy không ít người cho rằng, họa chỉ có “kỳ tích”, hội tụ “thiên thời -  địa lợi - nhân hòa” mới có thể giải quyết được một khối lượng công việc khổng lồ như thế. Ấy là xử lý địa chất phức tạp, thi công các hạng mục xây dựng trong điều kiện đường sá vừa xa vừa kém chất lượng và công tác di dân, tái định cư của hơn 1.000 hộ dân sống phân tán trong vùng lòng hồ. Vậy mà như để chứng minh cho một tinh thần dầu khí “không gì là không thể làm được” những kỳ tích liên tục xuất hiện trên công trường Hủa Na để đúng 3 năm Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã chính thức phát điện, sản xuất ổn định hàng trăm triệu kWh điện trong những tháng vừa qua.

Vậy điều gì đã làm nên kỳ tích ấy?

Kỳ tích đầu tiên phải nhắc đến là các giải pháp kỹ thuật được áp dụng vào Hủa Na đã tiến hành rất thuận lợi, “trị được tính cứng đầu” của địa chất Hủa Na rút ngắn rất nhiều thời gian thi công các hạng mục công trình quan trọng của dự án.

Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Trần Văn Biên cho biết: Dưới sự chỉ đạo sát sao của PV Power, chúng tôi đã có những đột phá thi công. Đầu tiên là hạng mục đường hầm dẫn dòng. Trải qua rất nhiều cuộc họp cùng các chuyên gia thi công thủy điện hàng đầu Việt Nam đã nghiên cứu, đánh giá địa chất và quyết định bỏ 200m bê tông đường hầm dẫn dòng thi công. Đây là lần đầu tiên một công trình thủy điện thực hiện thành công giải pháp này. Khi tiến độ thi công đường tây Nghệ An chậm tiến độ, việc lãnh đạo HHC quyết đoán mở đường công vụ lắp đặt cầu thép định hình thay thế cầu bê tông cốt thép đã rút ngắn thời gian vận chuyển vật tư, thiết bị vào công trường, đảm bảo tiến độ xây dựng. Mặt khác các cải tiến kỹ thuật thi công như chuyển đổi bộ cốp pha đơn thành bộ cốp pha kép trong thi công hầm dẫn nước, cải tiến phương án dẫn nước mùa lũ 2011 trong điều kiện đập chính chưa hoàn thành đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo tiến độ của dự án.

“Yếu tố quyết định sự thành bại đó là sức mạnh nội lực, đoàn kết trên dưới một lòng, khẳng định trí tuệ của người Việt chúng ta”, anh Biên tâm đắc.

Kỳ tích thứ hai là chỉ trong vòng 20 ngày đã di dời kịp thời và an toàn hơn 1.300 hộ dân đến các khu tái định cư trước thời điểm tích nước. Tháng 5/2012 công tác di dời các hộ dân được ví như cuộc chuyển quân rầm rộ và thần tốc vang vọng khắp núi rừng Nghệ An.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT PV Power HHC cho biết: “Trong ký ức của người dân huyện Quế Phong và những người làm công tác tái định cư Hủa Na vẫn còn ấn tượng bởi khung cảnh hoành tráng của đoàn người gồng gánh nhà cửa, lợn gà nối đuôi nhau kéo dài cả cây số lên 13 khu tái định cư. Để thực hiện được công tác di dời là sự nỗ lực của hàng trăm các cán bộ, xã Đồng Văn, xã Phong Thụ, huyện Quế Phong và đặc biệt là lực lượng vũ trang quân khu IV đã hỗ trợ bà con di dời nhà cửa, tài sản được an toàn khi vượt hàng chục kilômét đường rừng. Hoàn thành kỳ tích này không thể không nhắc đến vai trò quyết định của lãnh đạo PVN và PV Power khi chu toàn vấn đề tài chính cho dự án. Việc tích nước đúng thời hạn này đã tạo tiền đề thắng lợi cho nhà máy phát điện đúng thời hạn 3 năm đã giao ước”. 

Đứa con khó sinh thường cực kỳ khỏe mạnh. Sau khi trải qua những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua những may mắn và thuận lợi như quả ngọt cuối mùa đã đến với Thủy điện Hủa Na. Công tác tích nước, dẫn dòng lần đầu tiên đã đạt áp suất theo yêu cầu kỹ thuật, nhà máy đi vào vận hành liên tục ổn định và đạt công suất rất cao
90-100% dường như là minh chứng cho luật nhân quả từ Hủa Na.

Sức sống mới từ Hủa Na

Quế Phong sau 5 năm xây dựng, những người từng qua đây rất dễ dàng nhận ra một sức sống mới đang bừng cháy từ thị trấn đến các xã vùng cao như Đồng Văn, Thông Thụ. Bộ mặt của một huyện miền núi nằm trong tốp đầu các huyện nghèo nhất nước với tỷ lệ hộ nghèo hơn 43% trước đây giờ đã có hàng trăm kilômét đường nhựa, đường bê tông trải dài trong toàn huyện. Những chiếc xe máy đời mới láng cóng được bà con dân tộc thồ thổ sản chạy vè vè khắp các ngõ xóm, chợ huyện họp cả ngày với lượng hàng hóa tấp nập. Hàng trăm cửa hàng, quán xá ngồn ngộn các mặt hàng xa xỉ như: xe máy, điện thoại, máy ảnh với đèn điện sáng choang suốt ngày đêm. Đến Quế Phong, hỏi bất cứ người dân nào về sự thay da đổi thịt của cả thị trấn, cũng như toàn huyện sẽ nhận được câu trả lời giống nhau: “Nhờ thủy điện cả đấy!”. Chúng tôi đã làm một cuộc hành trình đến với các khu tái định cư vùng lòng hồ Thủy điện Hủa Na để mục sở thị cú hích thần kỳ về kinh tế, xã hội mà một dự án của PVN mang lại.

2 tổ máy công suất 180MW Thủy điện Hủa Na

Đi cùng chúng tôi là anh Vũ Đình Tuấn, Trưởng phòng Đền bù, Hỗ trợ và Tái định cư của Dự án Thủy điện Hủa Na, người đã có thâm niên 5 năm “cắm bản” trong suốt quá trình triển khai dự án. Điểm dừng chân đầu tiên của nhóm phóng viên là khu tái định cư bản Mường Hinh, xã Huội Quảng. Chỉ cách đường nhựa khoảng 500m, một thung lũng mới được khai phá rộng gần 1.000ha với hàng chục quả đồi xanh mướt tầm mắt.

Mới sáng sớm nhưng cả bản đều vắng tanh, lác đác mấy bóng phụ nữ vội vã vác gùi lên nương muộn. Tiếng trẻ con khóc váng lên từ ngôi trường mẫu giáo đầu bản còn nguyên những mảng sơn màu mới vẽ xanh đỏ thật vui mắt. Một quán bán hàng xén của người kinh từ Thanh Hóa mới đến đang tụ tập vài người phụ nữ chuyện trò rôm rả. Những căn nhà sàn nằm xen kẽ với những ngôi nhà mới xây theo kiểu nhà sàn mái ngói đỏ tươi khiến anh em trong đoàn khá sững sờ. Anh Vũ Đình Tuấn, cho biết: “Khi chúng tôi xây dựng nhà tái định cư cho bà con, hiểu rằng tập quán ở nhà sàn hàng trăm năm nay của người dân tộc Thái nên Ban Quản lý Dự án đã thiết kế một số mẫu nhà cho bà con lựa chọn. Nhiều người không biết con chữ, sợ quên, nhầm lẫn kiểu dáng mà mình đã chọn nên chúng tôi đã nảy sinh sáng kiến ai chọn nhà kiểu nào thì cầm hình vẽ thiết kế nhà kiểu đó rồi chụp ảnh, lăn tay vào đấy làm… bằng chứng”.

Đến cuối làng, ngay trước mắt chúng tôi là những vạt lúa nương, vạt sắn xanh rì mới trồng kín hết cả các sườn đồi quanh bản. Lô nhô vài bóng người đang cặm cụi làm mùa nương rẫy đầu tiên trong khu tái định cư. Chúng tôi bắt gặp cụ Lữ Văn Tính, một bô lão trong bản nhưng vẫn khá nhanh nhẹn. Biết chúng tôi là cán bộ của Thủy điện Hủa Na, ông niềm nở mời chúng tôi vào nhà ngồi chơi. Ông Tính rót mời chúng tôi mấy bát nước đun sôi. Tuy không được trong vắt như nước tinh khiết nhưng lại có vị ngọt rất lạ. Nhà ông tính là một căn hộ xinh xắn xây theo kiểu nhà sàn khoảng 40m2 dành cho 2 người ở.

Ông Tính cho biết: “Bà lão nhà tôi thì lên nương, con gái đi dạy học, con trai thì đi làm nên chỉ có mình tôi trông nhà thôi. Cái cầu thang nhà tôi vừa tự ốp đá hoa vào đấy. Trước đây khi nhận nhà mới chỉ được vỉa xi măng thôi. Cuộc sống ổn định rồi nên cũng phải làm đẹp một tý chứ”. Từ cụ Tính, chúng tôi được biết nguồn nước của khu tái định cư đã khá ổn định, cung cấp đủ cho nhu cầu sinh hoạt của các hộ dân của Mường Hinh. Ông cũng “lên án” ý thức của bà con trong việc giữ gìn vệ sinh 15 giếng nước dự phòng trong bản. Ông cũng chỉ ra phải thành lập tổ chức tự quản của bản mới giáo dục, nâng cao ý thức của bà con trong việc bảo vệ nguồn nước. 

Rời Mường Hinh, chúng tôi đến bản Huôi Sai thuộc xã Thông Thụ. Ngay từ đầu bản đã có một tấm biển chỉ dẫn của PV Power và PV Power HHC chỉ rõ số lượng hộ dân và diện tích đất sử dụng (320ha, 103 hộ dân). Huôi Sai là một thung lũng có vị trí địa lý thuận lợi với gần 50ha lúa nước được dân bản canh tác nhiều năm trước. Người dân trong bản cũng có ý thức canh tác hơn với những mảnh vườn nhỏ trước nhà được trồng cây ăn trái như chuối, mướp, rau dền và cả sắn cao sản. Những vạt đồi quanh bản đều được phủ kín màu xanh của ngô, sắn nổi bật trên nền đất đỏ bazan. Chị Lữ Thị Mây nói: “Sau khi ổn định cuộc sống, bà con trong bản hầu hết đều bắt đầu làm nương, làm rẫy. Một số người trẻ được đi học trên huyện hoặc buôn bán măng rừng, gần đây còn thêm nghề đánh cá trong hồ Hủa Na nữa”.

Ngoài Mường Hinh và Huôi Sai, chúng tôi lần lượt vào thăm các khu tái định cư như Na Lướm, Huôi Chà La, Nậm Nui, Nậm Dừa, Khủn Na… Nhìn chung đời sống của bà con dân tộc đã đi vào ổn định với những tín hiệu đáng mừng như chăm chỉ làm nương, phát rẫy, các nghề phụ như bắt cá, làm măng đã dần xuất hiện. Nhìn ánh mắt hồ hởi của những người làm công tác tái định cư chúng tôi hiểu được khát vọng của các anh về một tương lai tươi đẹp cho người dân vùng lòng hồ đã dần thành hiện thực.

Đà Lạt của xứ Nghệ

Vượt gần 100km đèo núi, mở ra trước mắt chúng tôi là một vùng núi non hoang sơ đẹp như một bức tranh thủy mặc với hồ nước rộng hàng trăm hécta nằm nghiêng mình trong những dãy núi trùng điệp của miền Tây xứ Nghệ. Thủy điện Hủa Na có vị trí trung tâm của huyện Quế Phong, huyện có đường biên giới dài nhất của tỉnh Nghệ An với nước bạn Lào anh em. Với vị trí ngã ba giữa tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và các dãy núi liên tiếp vùng biên giới nước bạn Lào, Hủa Na đang là thủy điện đầu tiên nằm trên thượng nguồn sông Chu, có khả năng điều tiết cho hàng ngàn hécta nước nông nghiệp và sản xuất mỗi năm hơn 700 triệu kWh điện cho quốc gia.

Điểm tái định cư Piêng Cu thuộc Dự án Thủy điện Hủa Na

Lần đầu tiên đến với Hủa Na, nhiều khách tham quan đã không khỏi ngỡ ngàng với những cảnh đẹp nơi đây, nhiều người đã phải thốt lên rằng: “Có phải đây là Đà Lạt của xứ Nghệ?”. Nói cũng không ngoa khi ngay từ ngoại vi huyện Quế Phong, một vùng thung lũng rộng lớn bằng phẳng trải dài theo hai bên bờ sông Chu hiền hòa là hàng trăm hécta ruộng lúa xanh mướt tầm mắt đang dập dờn trong nắng thu vàng óng như mật ong. Hai bên bờ sông có hàng chục chiếc guồng lấy nước màu nâu sậm cao hơn 20m đang thong thả quay theo dòng chảy của sông đưa nước phù sa vào những cánh đồng.

Theo con đường lên vùng Thủy điện Hủa Na, cách trung tâm huyện Quế Phong khoảng 20km, thác Sao Va (tiếng dân tộc Thái là 20 sải tay) trải rộng hơn 100m tung bọt trắng xóa trong một thung lũng nhỏ với một truyền thuyết khá đặc biệt. Người dân tộc Thái cho rằng, đây là dòng thác mà các tiên nữ con gái của vua Thủy Tề thường hay lên tắm mỗi khi ghé nhân gian. Bởi vậy các chàng trai chưa vợ không được phép tắm dưới thác nếu không sẽ bị các tiên nữ mang về thủy cung. Thác Sao Va có hồ nước lớn rộng khoảng 800m2 nơi chân thác. Hồ nước này nhìn có vẻ hiền từ nhưng lại có độ sâu ít ai đo được.

Theo bà con ở đây kể lại, nó có độ sâu hai mươi sải tay, tương đương với 30m. Hằng năm, về mùa mưa lũ, nơi thượng nguồn sẽ có lũ lớn đổ về, cùng với độ dốc hai bên sườn núi sẽ làm cho đất đá lở xuống và tấp về hồ nước này nên tạo ra trong hồ nước có những tảng đá lớn bằng cả ngôi nhà. Đã có hàng ngàn trận lũ lớn cuốn tới hồ Sa Va trong những năm qua nhưng số đá lớn đó xuống hồ rồi trôi đi đâu, về đâu mà hồ nước vẫn xanh trong thăm thẳm, đây thực sự là một điều bí ẩn của vùng đại ngàn xứ Nghệ.

Nếu chỉ có những thung lũng lúa vàng, thác nước Sao Va hay đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái thì chưa thể so sánh vùng núi rừng Quế Phong thành một thắng cảnh huyền thoại như Đà Lạt. Điểm nhấn ở đây chính là hồ Thủy điện Hủa Na. Với diện tích 2.042km2, hồ Hủa Na mới được tích nước hơn 1 năm nay nên giữ lại tất cả những hoang sơ e ấp của miền sơn cước. Những vạt rừng nhiệt đới thẳng tắp, với hàng trăm loại cây gỗ quý muôn hình muôn trạng được PV Power HHC giữ bảo tồn nguyên trạng bao bọc rậm rạp và tỏa bóng xanh ngát xuống mặt hồ. Những vạt cây trong vùng lòng hồ vẫn còn vươn ngọn lấp ló mặt nước đã trở thành nguồn thức ăn và nơi trú ngụ cho nhiều loại thủy sản đang theo con nước sông Chu về làm tổ tại Hủa Na. Mỗi chiều người dân trong các bản Huội Muồng, Nậm Khe lại có thêm một nghề mới là bắt cá trên mặt hồ.

Chị Lữ Thị Lý, thuộc khu tái định cư Nậm Khe cho biết: “Chồng em và 3 người nữa trong bản mỗi ngày cũng lưới được 60-80kg cá trên hồ nên thu nhập cũng ổn định và đều đặn”. Nhìn những con cá tươi ngon mà người phụ nữ trẻ đang trên đường ra chợ bán, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới đang về trên Hủa Na, một vùng đất hoang sơ còn đang cần được khai phá, phát triển.

Phóng sự của Thành Công - Mạnh Kiên

DMCA.com Protection Status