Thuyền trưởng mới ở Vinashin

09:22 | 03/11/2011

2,080 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ông là Trương Văn Tuyến nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nguyên Trưởng ban QLDA NMLD Dung Quất, nay là Tổng giám đốc Vinashin.

Hồi xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất), ông luôn phải bốc máy lên nghe giới báo chí hỏi chuyện tiến độ, nay trong cương vị Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), ông vẫn gồng mình lên chèo lái con tàu Vinashin và trả lời câu hỏi "Bao giờ Vinashin hết khủng hoảng”. Dù ở cương vị nào thì ông vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông là Trương Văn Tuyến – nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nguyên Trưởng ban QLDA NMLD Dung Quất, nay là Tổng giám đốc Vinashin.

Hoa hồng trên đất cằn

Được đến NMLD Dung Quất vào tháng 3/2011, đúng 2 năm ngày nhà máy ra sản phẩm đầu tiên cho đất nước. Trong nhà máy, bên cạnh những tòa tháp chưng cất khổng lồ, những khối thép vĩnh cửu là những ngôi nhà trông rất kỳ quái dành cho công nhân viên. Gọi là kỳ lạ vì nó được chế từ những container dùng để làm nơi nghỉ chân cho thợ trông máy, thay ca kíp và trực ban. Bên ngoài ngôi nhà, công nhân trồng rất nhiều hoa hồng, hoa lan và hoa mười giờ. Khi phóng viên ngắm nhìn và tò mò hỏi thì được một công nhân ví von: “Đất Dung Quất thế đấy, cằn cỗi nhưng mỗi người như một bông hoa đang nở rộ”.

Nay ngồi trò chuyện với vị chỉ huy năm xưa của NMLD Dung Quất Trương Văn Tuyến tại nhà điều hành Vinashin, nghe ông kể về những con người đã sát cánh cùng ông xây dựng công trình công nghiệp thế kỷ cho đất nước, người viết mới cảm nhận được hết ý nghĩa câu nói của anh công nhân ngày nào. Hơn 1.000 người lao động của NMLD Dung Quất là một câu chuyện hấp dẫn về nghề dầu khí. Và theo từng nấc thời gian, vị Trưởng ban như hồi tưởng lại một thời hào hùng đã qua về con người và về chính những cỗ máy khổng lồ Dung Quất.

Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Về ông Trưởng ban QLDA Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất, có nhiều giai thoại. Nhưng cho đến nay, “dân” Bộ Xây dựng cũng như “dân” dầu khí đều phải công nhận là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân có con mắt tinh đời khi quyết ông Tuyến về làm Trưởng ban.

Số là vào cuối năm 2003, “đùng” một cái, Bộ trưởng ra quyết định điều ông Tuyến về làm Trưởng ban Quản lý dự án, khi đó, ông đang là Giám đốc Công ty Lắp máy 45-1. Nghe tin phải về “dầu khí”, ông Tuyến ngỡ ngàng bởi vì công việc sắp tới là trái ngành, trái nghề và ông có hiểu gì về dầu khí đâu. Ông xin gặp Bộ trưởng, trình bày mọi lý do và xin cho làm công việc cũ vài năm rồi về hưu sớm…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho hay là cơ quan tổ chức đã chọn được 6 ứng cử viên, nhưng bên dầu khí, chẳng hiểu sao lại cứ “mê” Trương Văn Tuyến. Cũng có thể là họ đã biết tố chất của ông qua những công trình lớn của đất nước như Thủy điện Sông Đà, Nhiệt điện Phả Lại, Supe phốt phát Lâm Thao, Điện Phú Mỹ… Xin lui không nổi thì phải nhận nhiệm vụ. Mà khi đã nhận thì phải lao vào làm.

Thời điểm ông Tuyến về Dung Quất cũng là năm “đại hạn” của ngành Dầu khí: Liên doanh Việt – Nga xây dựng nhà máy giải tán; các tập đoàn lớn của Pháp, Đài Loan… cũng “bỏ của chạy lấy… tiền” từ lâu. Một bầu không khí ảm đạm, lo lắng, chán nản bao trùm lên toàn ngành Dầu khí. Chính vì vậy không ít người thực lòng khuyên ông Tuyến không nên về cái “chảo lửa” Dung Quất.

Vì tự cho là mình không am hiểu về dầu khí, cho nên ông Tuyến dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu quá trình tìm kiếm địa điểm và xây dựng nhà máy lọc dầu. Chính vì vậy mà chẳng cần sổ sách, ông cũng kể vanh vách.

Ông Trương Văn Tuyến đã tham gia rất nhiều dự án nhưng chưa thấy dự án nào phức tạp như NMLD Dung Quất. Từng là Giám đốc Công ty Lắp máy và Xây dựng 45-1 (LILAMA 45-1) nhưng khi đứng trên đất Dung Quất (mùa hè 2003), ông Trương Văn Tuyến không khỏi lo lắng cho số phận của nhà máy. Thời điểm năm 1997, tổng mức đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1,5 tỉ USD. Sau nhiều lần điều chỉnh và bổ sung đã tăng lên 2,5 tỉ USD. Dù là 1,5 hay 2,5 tỉ USD thì đều là tiền của nhân dân và với vị Trưởng ban Trương Văn Tuyến, ông ý thức được rằng, nhân dân đã góp công, góp sức giao cho ông một số tiền khổng lồ để ông cùng hàng ngàn công nhân xây dựng cho đất nước một ngành công nghiệp lọc hóa dầu. Thế là ông Tuyến cùng các chiến hữu sau này là Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Đinh Văn Ngọc… và hàng nghìn công nhân ngày đêm quên mình xây dựng công trình này. Mảnh đất Quảng Ngãi nắng gió, bão bùng, nhiều đêm ông phải thức trắng để “điều binh khiển tướng” cho công nhân tránh bão, gia cố chân đê chắn sóng để khỏi bị bão quét, sóng biển cuốn đi. Nhiều hạng mục phải thay đổi nhà thầu, họp bàn nhiều cuộc để đi đến kết luận nhanh chóng đảm bảo tiến độ của nhà máy.

Hạng mục được coi là “xương” đối với ông Tuyến là đê chắn sóng. Đây là công trình lạ lẫm với nhà thầu Việt Nam. Đê chỉ dài 1,6km nhưng phải huy động nhiều thiết bị chuyên dụng để xử lý nền đất yếu dưới đáy biển, đổ đá thân đê trong điều kiện thời tiết phức tạp, biển động sóng dữ. Nhiều cơn bão quét qua con đê nhưng nó vẫn đứng vững bởi vị Trưởng ban luôn ý thức được tầm quan trọng của hạng mục này. Nếu đê không hoàn thành thì gần như mọi công tác xây dựng bên trong vịnh Dung Quất phải ngưng lại, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể xây dựng nhà máy. Trong quá trình thi công, Công ty Lũng Lô phát hiện túi bùn gây khó khăn cho việc xây dựng đê chắn sóng. Đây là công việc phức tạp, nhà thầu trong nước chưa thể đảm đương, Trưởng ban Trương Văn Tuyến đã đã đề xuất và được chấp thuận ký hợp đồng với nhà thầu Van Oord (Hà Lan) thi công từ tháng 10/2006. Đến tháng 5/2008, công trình đê chắn sóng hoàn thành trong niềm hân hoan của hàng nghìn cán bộ, công nhân viên xây dựng NMLD Dung Quất.

“4 năm, lúc nào tôi cũng căng thẳng. Thời kỳ đầu nhìn mặt bằng xây dựng là một vùng đất rộng vài trăm ha, cây cỏ mọc um tùm rồi xem mô hình nhà máy đồ sộ thế kia. Tôi đã băn khoăn rằng liệu chúng ta có thể xây dựng được không?” – ông Tuyến hồi tưởng lại. Hồi đó, nhiều công ty nước ngoài đánh giá Việt Nam không thể tự mình xây dựng được nhà máy lọc dầu. Nhưng sau 48 tháng thi công, xây lắp và cho ra sản phẩm đầu tiên, thì giấc mơ đã thành hiện thực. Việt Nam đã ghi tên mình vào bản đồ thế giới là một quốc gia có sản xuất xăng dầu.

Có nhiều người nói vui: “Úi ùi, nếu không có ông Tuyến thì NMLD Dung Quất không hoàn thành”. Ông khẳng định: “Không phải, mình chỉ là cá nhân trong tập thể lớn”. Ông Trương Văn Tuyến là thế, giản dị, thẳng tính và luôn đề cao sức mạnh của tập thể. Chính cái tập thể vài nghìn người mà ông đã vinh dự làm việc cùng đã làm nên những kỳ tích cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Chèo lái con tàu mắc cạn

Giữa tháng 6/2010, ông Trương Văn Tuyến – Trưởng ban QLDA NMLD Dung Quất được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 3 tháng sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi ông Tuyến lên gợi ý việc điều động về Vinashin. Thủ tướng có nói rằng, công nghiệp đóng tàu là công nghiệp cơ khí chế tạo. Ông Tuyến là “dân cơ khí” nên ngôi nhà Vinashin sẽ không quá lạ lẫm với ông. Ngay cả khi làm Trưởng ban QLDA NMLD Dung Quất, khối lượng công việc chế tạo, lắp ráp cơ khí là chính, công tác chế tạo, công tác xây dựng chiếm tỉ lệ nhỏ hơn. Tin cậy ở kinh nghiệm và chuyên môn 30 năm làm về cơ khí, Thủ tướng quyết định đưa ông Trương Văn Tuyến về làm việc tại Vinashin trong giai đoạn tái cấu trúc.

Về Vinashin, ông phải bắt tay vào việc “bắt bệnh, chữa bệnh” và vực dâïy một tập đoàn đang trong giai đoạn khủng hoảng. Bây giờ, điều ông Tuyến cảm thấy lo lắng nhất là ông tự cảm thấy mình lớn tuổi, không còn mạnh mẽ như cách đây 10 năm nhưng bù lại nhiệt huyết trong tim không bao giờ vơi cạn.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau cả chủ quan và khách quan, Vinashin lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn, mất cân đối tài chính, sản xuất đình trệ, hàng vạn người lao động có nguy cơ mất việc làm, không có thu nhập. Ngành đóng tàu đã có lúc gặt hái được những thành công nhất định, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Việt Nam luôn là địa chỉ đặt hàng của các chủ tàu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Panama, Hà Lan, Anh… Nhưng thực tế chỉ ra rằng, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam còn rất non trẻ về khoa học công nghệ, máy móc hầu hết phải nhập ngoại. Ngành này chưa thiết kế ra những dòng tàu biển mới để chào hàng, chủ yếu là làm theo đơn đặt hàng của các chủ tàu nước ngoài.

Ông Tuyến nhẩm tính, phải đến 60-70% giá trị con tàu là nhập ngoại từ thiết kế bản vẽ, máy móc, động cơ của tàu… “Phần chúng ta làm chỉ chiếm 1/3 giá trị con tàu. Nếu biến động xảy ra ở 70% kia thì 30% giá trị còn lại cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến ngành đóng tàu bị phụ thuộc vào nước ngoài” – Tổng giám đốc Trương Văn Tuyến trầm ngâm. Ông cũng rút ra một kinh nghiệm xương máu là phải quản lý tốt 30% giá trị con tàu do người Việt làm. Ba bài toán: năng suất, chất lượng, tiết kiệm chi phí phải được quán triệt từ cấp quản lý đến người lao động để mục tiêu cuối cùng là đưa con tàu đóng mới hạ thủy đúng hạn, đạt các tiêu chuẩn đăng kiểm quốc tế và có chi phí đúng kế hoạch để sinh lãi.

Ông Tuyến cũng nhận thấy trình độ người lao động Vinashin đã đáp ứng yêu cầu nhưng năng suất lao động chưa cao. Và việc cần làm ngay là khuyến khích người lao động để vẫn người lao động ấy, năng suất lao động tăng gấp hai, gấp ba. Ông mong muốn, mọi người phải tận tâm, đồng lòng, cùng nâng cao chất lượng lao động. Đó chính là “vấn đề sống còn” luôn được vị Tổng giám đốc thấm nhuần và truyền đạt cho đồng nghiệp. Việc thuê chuyên gia đóng tàu nước ngoài sang làm việc để cán bộ, công nhân Việt Nam trực tiếp học hỏi cũng là bước đi đang được Vinashin tính tới. Vị Tổng giám đốc họ Trương cũng cho rằng, việc Nhà nước tạo cơ chế đặc cách cho Vinashin là rất cần thiết. Nhưng cơ chế chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định, cơ bản Vinashin phải tự lực làm ra tiền để trả nợ và phát triển.

Quyết định mang tính bước ngoặt ở Vinashin của Tổng giám đốc Trương Văn Tuyến là thay đổi phương thức quản lý. Nếu không quản lý chi phí, hạch toán mạch lạc từng sản phẩm thì sẽ thất bại. Đóng một con tàu hàng trăm người làm miệt mài ngày đêm, sau một hoặc vài năm sau mới hoàn thành nhưng khi hạch toán thì lỗ. Lỗi không phải do người lao động mà do người quản lý. Có như vậy chúng ta mới từng bước ổn định sản xuất và phát triển, lấy lại niềm tin với Đảng và nhân dân, khôi phục uy tín với khách hàng trong nước và quốc tế.

Vinashin được tái cơ cấu tập trung vào ba lĩnh vực gồm đóng và sửa chữa tàu thủy; công nghiệp phụ trợ gắn với công nghiệp đóng tàu; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đóng tàu và sửa chữa tàu. Tổng giám đốc Trương Văn Tuyến cho biết, Vinashin sẽ không mở rộng cơ sở vật chất nhằm tiết kiệm chi phí tối đa. Qua nhiều đợt tham quan học hỏi các nước có nền công nghiệp đóng tàu tiên tiến, ông Tuyến cho rằng, cơ sở vật chất ngành đóng tàu nước ta không thua kém các nước nhưng không đồng bộ nên quá trình đóng tàu sẽ phát sinh nhiều chi phí sản xuất. Điều quan trọng là phải quản lý tốt những cơ sở vật chất hiện có để rút ngắn thời gian hạ thủy tàu, nhanh chóng xoay vòng đóng mới.

Trong câu chuyện, Tổng giám đốc Trương Văn Tuyến rất ít khi kể về những việc đã làm được trong hơn một năm chèo chống ở Vinashin. Bởi giai đoạn này Vinashin vẫn đang khủng hoảng, vẫn phải gồng mình để trả hết nợ và vươn lên làm ăn có lãi. Nhiệm vụ của ông ở Vinashin còn gian nan gấp trăm ngàn lần so với việc xây dựng NMLD Dung Quất. Nhưng khi nghe ông nói ra câu: “Anh làm không tốt thì phải làm tốt”, thì cái quyết tâm của ông sau vài năm tới, Vinashin làm ăn có lãi sẽ nhanh trở thành hiện thực.

Ông Trương Văn Tuyến

- Năm sinh: 2/7/1950

- Quê quán: Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội

- Trình độ chuyên môn: Kỹ sư cơ khí

- Lý luận chính trị: Cao cấp

Từng tham gia các chức vụ:

- 1992: Giám đốc Công ty Lắp máy và Thí nghiệm cơ điện (thuộc Tổng Công ty Lắp máy – Bộ Xây dựng).

- 1995-2003: Giám đốc Công ty Lắp máy 45-1.

- 12/2003 – 6/2008: Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban QLDA NMLD Dung Quất.

- 6/2008 – 11/2008: Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban QLDA NMLD Dung Quất kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tỉnh ủy viên – Ủy viên thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Quảng Ngãi.

- 12/2008 – 6/2010: Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban QLDA NMLD Dung Quất kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi, Bí thư Đảng ủy Ban QLDA NMLD Dung Quất, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

- 10/2010: Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

Khen thưởng:

- Ông Trương Văn Tuyến đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Năm 2008, Chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status