Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (12/-17/12)

16:02 | 18/12/2022

1,367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Saudi Aramco và TotalEnergies xây dựng khu phức hợp hóa dầu lớn ở Ả Rập Xê-út; Saudi Aramco tìm kiếm nhà đầu tư; Shell bán bớt tài sản ngoài khơi Malaysia; Petronas đàm phán bán toàn bộ tài sản tại Nam Sudan; TotalEnergies rút đại diện khỏi Ban Giám đốc Novatek… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (12/-17/12)

Vào hôm 16/12, Cục quản lý cạnh tranh Tây Ban Nha đã mở cuộc điều tra hoạt động của ba gã khổng lồ hydrocarbon là Repsol, Cepsa (cả hai đều từ Tây Ban Nha) và BP (Vương quốc Anh) sau nghi vấn có “những hành vi hạn chế cạnh tranh” trong việc bán nhiên liệu”. Theo một thông cáo báo chí của Ủy ban về Thị trường và Cạnh tranh Quốc gia (CNMC), nhiều công ty sản xuất nhiên liệu độc lập đã đệ đơn khiếu nại. Theo đó, họ cáo buộc “một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng của Tây Ban Nha” có hành vi bất hợp pháp. Theo một nguồn tin thân cận với vụ việc này, đây là 3 doanh nghiệp bị cáo buộc đã vi phạm quy tắc cạnh tranh bằng cách thiết lập chính sách giảm giá mạnh cho người tiêu dùng và bán buôn xăng với giá cao cho các trạm xăng độc lập.

Vài ngày trước, công ty năng lượng Savannah Energy (Vương quốc Anh) cho biết đã hoàn tất thủ tục mua lại tài sản dầu khí của ExxonMobil tại Cameroon và Tchad. Thương vụ bắt đầu được thỏa thuận từ năm 2021. Tuy nhiên, các cơ quan pháp lý của Tchad không thừa nhận hợp đồng thanh lý tài sản này. Theo hợp đồng, Savannah Energy sẽ mua lại cổ phần của công ty năng lượng ExxonMobil (Mỹ) trong mỏ dầu Doba và đường ống dẫn dầu Tchad-Cameroon. Những cơ quan này cho biết, thỏa thuận trên sẽ xâm phạm vào những đặc quyền pháp lý được công nhận đối với công ty dầu mỏ nhà nước Tchad (tên SHT), cụ thể là quyền ưu tiên của công ty này đối với khối tài sản của ExxonMobil tại Tchad. Nhà nước cũng chỉ trích các bên liên quan vì đã không tôn trọng vài điều khoản thiết yếu trong bộ luật của Tchad, trước khi phê duyệt thủ tục ký kết hợp đồng thanh lý. Theo chính phủ, hai bên không tuân thủ công ước năm 1988 về việc thăm dò, khai thác và vận chuyển hydrocarbon của các công ty doanh nghiệp tại khu vực mỏ Doba. Như vậy, vấn đề này sẽ tạo sự gián đoạn trong tiến trình thu nhận lại tài sản và khiến các bên liên qua phải khởi động lại các cuộc thảo luận. Thỏa thuận khai thác mỏ Doba có hiệu lực đến năm 2050.

Vào hôm 15/12, hai gã khổng lồ dầu mỏ TotalEnergies (Pháp) và Saudi Aramco (Ả Rập Xê-út) đã công bố quyết định đầu tư cuối cùng cho dự án xây dựng cơ sở hóa dầu trị giá 11 tỷ USD tại Ả Rập Xê-út. Dự án sẽ xây dựng khu phức hợp hóa dầu mang tên “Amiral”. Dự án này “cần khoản đầu tư trị giá 11 tỷ USD, bao gồm 4 tỷ USD từ Aramco (62,5%) và TotalEnergies (37,5%)”. Dự kiến Amiral sẽ bắt đầu đi vào xây dựng từ quý đầu tiên của năm 2023 và đi vào vận hành thương mại từ năm 2027. Liên doanh tên “Saudi Aramco Total Refining and Petrochemical” (SATORP) – do TotalEnergies và Saudi Aramco đồng sở hữu, sẽ quản lý và vận hành Amiral. SATORP có trụ sở tại thành phố công nghiệp Jubail ở miền đông Ả Rập Xê-út. Do đó, khu phức hợp Amiral sẽ được tích hợp vào hệ thống đô thị công nghiệp có sẵn trong khu vực. Khu phức hợp lọc dầu Amiral sẽ hỗ trợ nhà máy lọc dầu của SATORP trong những hoạt động sau: Sản xuất, xử lý khí đốt và naphtha do SATORP sản xuất được; xử lý khí etan và xăng tự nhiên nhập từ Aramco; sản xuất được những sản phẩm hóa dầu với chất lượng cao hơn.

Saudi Aramco đang tìm kiếm các nhà đầu tư để hỗ trợ dự án phát triển mỏ Jafurah, mỏ khí đốt không đồng hành lớn nhất ở Ả-Rập-Xê-Út. Nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này đang tìm cách phát triển tài sản khí đốt để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong việc sản xuất điện và dành thêm dầu thô cho xuất khẩu. Theo đó, Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Saudi Aramco đã liên hệ với các công ty cổ phần tư nhân và quỹ cơ sở hạ tầng có thể đầu tư vào các dự án trung nguồn và hạ nguồn liên quan đến mỏ khí đốt khổng lồ này.

Shell đã đạt được thỏa thuận bán hai tài sản thượng nguồn tại Malaysia trị giá 475 triệu USD cho Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Sarawak (PSEP), Upstream đưa tin. Thỏa thuận bao gồm các cổ phần không điều hành của Shell Sarawak tại hai hợp đồng phân chia sản phẩm ngoài khơi tại vùng Baram: 40% cổ phần tại hợp đồng khai thác tận thu Baram 2011 và 50% cổ phần tại hợp đồng phân chia sản phẩm SK307, đối tác còn lại là Công ty thăm dò và khai thác Petronas Carigali thuộc nhà nước Malaysia. Giao dịch có hiệu lực từ 1/1/2023, dự kiến sẽ hoàn thành trong đầu năm tới. Bên cạnh đó, hợp đồng sẽ cần được Petronas phê duyệt. Chưa rõ Petronas Carigali có quyền ưu tiên trong PSEP hay không.

Vào hôm 13/12, Công ty năng lượng Savannah Energy (Anh) công bố đã hoàn tất tiến trình đàm phán với công ty dầu mỏ quốc gia Petronas (Malaysia) để mua lại toàn bộ tài sản hydrocarbon của Petronas tại Nam Sudan (châu Phi). Thỏa thuận trị giá 1,25 tỷ USD. Danh mục tài sản bao gồm cổ phần 3 mỏ dầu, cụ thể là lô 3/7 (40%), lô 1/2/4 (30%) và lô 5A (67,9%). Hiện nay, 3 lô dầu này có sản lượng tổng cộng 153.200 thùng/ngày. Hiện hai bên đang chờ sự chấp thuận từ các đối tác của Petronas CNPC Sinopec của Trung Quốc, ONGC của Ấn Độ và Nilepet - công ty dầu khí nhà nước Nam Sudan (Nilepet). Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất vào quý 1 năm tới.

Novatek hôm 12/12 đã xác nhận việc hai đại diện của TotalEnergies rút khỏi Ban Giám đốc Novatek, 3 ngày sau khi tập đoàn Pháp thông báo sẽ chia tay đối tác của mình. Vào thứ Sáu tuần trước (9/12), TotalEnergies thông báo rằng họ đã quyết định không đưa vào kết quả kiểm toán của mình 19,4% cổ phần mà họ nắm giữ trong gã khổng lồ khí đốt Nga, đối tác của họ trong hơn 10 năm. Để trang trải cho việc rút lui dần dần của mình khỏi Nga, TotalEnergies sẽ ghi vào tài khoản của mình một khoản khấu hao tài sản mới, trị giá 3,7 tỷ đô la, tức là lần thứ tư kể từ đầu năm liên quan đến các hoạt động ở Nga. Giải pháp cũng quy định việc rút hai đại diện của TotalEnergies khỏi Hội đồng quản trị của Novatek.

Theo Upstream, Công ty dầu khí thượng nguồn quốc gia Thái Lan PTTEP đang chuẩn bị đầu tư gần 30 tỷ USD cho đến năm 2027 vì muốn thúc đẩy khai thác dầu khí cùng với quá trình chuyển đổi năng lượng sang một tương lai ít carbon. PTTEP cho biết kế hoạch đầu tư của họ trong năm tới dựa trên ba trụ cột chính – tăng cường hoạt động kinh doanh khai thác và sản xuất, khử cacbon để giảm phát thải khí nhà kính và đa dạng hóa. Công ty Thái Lan dự tính chi 5,481 tỷ USD vào năm 2023, trong đó 3,152 tỷ USD sẽ dành cho chi phí đầu tư, phần còn lại là chi phí hoạt động. PTTEP có kế hoạch tăng tốc các hoạt động thăm dò và sản xuất khối lượng lớn hơn từ các dự án hiện có như Bongkot, Erawan và Arthit ngoài khơi Thái Lan để đảm bảo an ninh năng lượng cho vương quốc. Tiền cũng sẽ được đầu tư vào tài sản sản xuất của công ty ở Malaysia. PTTEP đã phân bổ 322 triệu USD vào năm tới để đẩy nhanh các dự án đang được phát triển như dự án khí đốt Lang Lebah và CCS ngoài khơi Malaysia và dự án Khu vực 1 Mozambique. Trong số vốn đầu tư của năm 2023, 193 triệu USD được dành cho các nghiên cứu địa chất và khoan các giếng thăm dò và thẩm lượng ở Thái Lan, Malaysia và Oman.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (21-26/11)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (21-26/11)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (28/11-4/12)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (28/11-4/12)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (5/-10/12)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (5/-10/12)

Nh.Thạch

AFP