Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (31/1-6/2)

09:58 | 07/02/2022

644 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc ký hợp đồng khí đốt quan trọng; Shell bị tấn công mạng; Sinopec hoàn thành dự án thu giữ carbon quy mô lớn đầu tiên tại Trung Quốc… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (31/1-6/2)

Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, lên tới 10 tỷ mét khối mỗi năm. Hợp đồng này được Tổng thống Vladimir Putin công bố trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, cũng như một hợp đồng khác liên quan đến 100 triệu tấn dầu, đã được ký vào đúng ngày khai mạc Thế vận hội mùa đông. Gazprom Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã ký hợp đồng khí đốt này trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Putin. Đối với tập đoàn khổng lồ khí đốt Nga, đây là "một bước quan trọng nhằm tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực khí đốt". Khi dự án đạt công suất tối đa, nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc sẽ tăng thêm 10 tỷ mét khối lên tổng cộng 48 tỷ mét khối mỗi năm, bao gồm cả việc giao hàng qua đường ống Sức mạnh Siberia, tập đoàn Gazprom lưu ý trên trang web của mình. "Việc ký kết hợp đồng thứ hai về việc cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc thể hiện sự tin cậy lẫn nhau ở mức độ cao nhất giữa hai nước và các công ty của chúng ta. Đối tác Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc của chúng tôi đã thừa nhận rằng Gazprom là một nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy”, Alexei Miller, Tổng giám đốc Gazprom, nhận xét.

Ngoài ra, công ty dầu mỏ Nga Rosneft hôm thứ Sáu tuần trước thông báo họ đã ký một số thỏa thuận với CNPC, trong đó có thỏa thuận về việc giao 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc qua Kazakhstan trong thời hạn 10 năm. "Dầu sẽ được chế biến bởi các nhà máy ở tây bắc Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của nước này về các sản phẩm dầu mỏ", Rosneft lưu ý. Kể từ năm 2005, Rosneft đã cung cấp 445 triệu tấn dầu cho Trung Quốc.

Cũng trong tuần qua, Gazprom cho biết xuất khẩu khí đốt tự nhiên của hãng này sang các nước bên ngoài Liên Xô cũ đã giảm 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời báo cáo sản lượng khí đốt của mình tăng 1% hàng năm. Gazprom cho biết: "Việc giao khí đốt của công ty được thực hiện theo yêu cầu của người tiêu dùng và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ hợp đồng", trong khi Nga đang bị cáo buộc cố tình giữ lại nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, nơi mức tồn kho đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Gazprom trích dẫn dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy, tồn kho khí đốt hoạt động trong các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm của châu Âu đã tụt lại so với mức của năm ngoái 27,2% tính đến ngày 30/1. Có tới 81% lượng khí đốt được bơm vào trong giai đoạn mùa hè. Gazprom cho biết đã rút khỏi các cơ sở, đồng thời cho biết thêm rằng "tổng lượng khí tồn kho tại các cơ sở của UGS ở châu Âu xuống mức thấp 38,1 tỷ m3 vào ngày 30/1, giảm 2,7 tỷ m3 so với mức tối thiểu lịch sử vào ngày này". Mặc dù sản lượng khí đốt tự nhiên cao kỷ lục, nhưng Nga đã không thúc đẩy lượng khí đốt tới châu Âu trong mùa đông năm nay. Điều này kết hợp với mức dự trữ thấp tại các cơ sở ở châu Âu, đã dẫn đến tình trạng khan hiếm khí đốt tự nhiên ở châu Âu. Mức giá cao kỷ lục đã đẩy giá điện lên cao và tạo gánh nặng cho doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu.

Liên quan đến Gazprom, tên của cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder thuộc Đảng Dân chủ Xã hội 77 tuổi nằm trong danh sách được Gazprom phê duyệt vào thứ Sáu, theo một tuyên bố từ Gazprom. Các ứng viên này còn phải được xác nhận tại Đại hội đồng cổ đông vào tháng 6 tới. Ông Schröder đã là Chủ tịch hội đồng quản trị của Rosneft, Tập đoàn dầu lửa hàng đầu của Nga và ủy viên Hội đồng cổ đông của Nord Stream 2 - đường ống dẫn khí gây tranh cãi giữa Nga - Đức cũng do Gazprom xây dựng.

Chevron đang đàm phán với Chính phủ Venezuela để giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với liên doanh của họ và giúp Caracas tăng cường khai thác dầu. Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng, các cuộc đàm phán đang được dẫn đầu bởi giám đốc bộ phận người Venezuela của Chevron, Javier La Rosa và Chủ tịch của PDVSA, Asdrubal Chavez. Cuộc thảo luận diễn ra xoay quanh vấn đề PDVSA trao cho công ty Mỹ quyền kiểm soát lớn hơn đối với hoạt động chung để đổi lấy một số khoản giảm nợ. Tuy nhiên, hiện tại, các cuộc đàm phán là không chính thức vì Chevron sẽ cần được lệnh miễn trừ trừng phạt để thực hiện bất kỳ cam kết chính thức nào. Trên thực tế, Chevron và PDVSA đang hợp tác vận hànhh 4 mỏ dầu. Theo Bloomberg, trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, liên doanh này đã khai thác khoảng 200.000 thùng/ngày. Hiện tại, con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 140.000 thùng/ngày.

Giám đốc điều hành của ConocoPhillips, Ryan Lance mới đây cho rằng thị trường nên lo lắng về tốc độ khai thác dầu thô của Mỹ có thể tăng trong năm nay. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng từ 11 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2021 lên 11,7 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng ở Mỹ có thể tăng trưởng mạnh hơn trong năm nay, Lance lưu ý. Theo Lance, sản lượng dầu thô của Mỹ có thể tăng tới 900.000 thùng/ngày trong suốt năm 2022. Tốc độ tăng sản lượng dầu thô này có thể gây lo lắng, bất chấp thị trường hiện nay đang thắt chặt.

Tập đoàn TotalEnergies của Pháp thông báo họ đã ký kết với Uganda, Tanzania và đối tác là gã khổng lồ dầu mỏ Trung Quốc CNOOC một thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỷ USD trong khuôn khổ siêu dự án khai thác và xuất khẩu dầu gây tranh cãi ở Uganda. Patrick Pouyanné, Giám đốc điều hành của TotalEnergies cho biết trong một buổi lễ ký kết chính thức tại thủ đô Kampala của Uganda: “Hôm nay, chúng tôi cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào các dự án Tilenga và Kingfisher và đường ống dẫn dầu dài 1.443 km nối Uganda với Tanzania”. Thỏa thuận này, được gọi là Quyết định đầu tư cuối cùng (FID), được ký khoảng 16 năm sau khi phát hiện ra những mỏ Tilenga và Kingfisher nằm trong vùng hồ Albert.

Tài nguyên dầu khí dưới nước và trên bờ hồ Albert được ước lượng tương đương 6,5 tỷ thùng dầu thô, trong đó có khoảng 1,4 tỷ thùng có thể thu hồi trong tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, việc khai thác dầu ở đây bị chỉ trích mạnh mẽ từ các tổ chức phi chính phủ về môi trường, vì tin rằng việc này đang khiến hàng chục nghìn nông dân mất đất và là mối đe dọa sinh thái đối với hồ Albert, khu vực giàu đa dạng sinh học.

Một cuộc tấn công mạng nhằm vào một công ty hậu cần và lưu trữ dầu của Đức đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng dầu của Shell ở Đức, nơi hãng đang định tuyến lại nguồn cung đến các kho thay thế. Người phát ngôn của Shell tại Đức, Shell Deutschland GmbH, cho biết Shell đã có thể "định hướng lại các kho cung ứng thay thế vào thời điểm hiện tại". Các công ty đang nỗ lực để khôi phục hoạt động trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể, nhưng trong thời gian đó, chuỗi cung ứng và hậu cần dầu ở Đức đã bị ảnh hưởng, bao gồm cả hậu cần dầu tại địa phương của Shell. Tất cả các hệ thống xếp dỡ các bồn chứa do Oiltanking Deutschland ở Đức vận hành đang bị tê liệt, nhật báo kinh doanh Đức Handelsblatt đưa tin hôm 1/2.

Ngày 29/1, Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) đã hoàn thành việc xây dựng dự án thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc. Dự án CCUS Qilu-Shengli sẽ giảm một triệu tấn khí thải carbon mỗi năm, tương đương với việc trồng gần 9 triệu cây xanh.

Là dự án CCUS điểm trước khi triển khai trên quy mô công nghiệp lớn toàn diện ở Trung Quốc, dự án dự kiến ​​sẽ tăng sản lượng dầu thêm 2,965 triệu tấn trong 15 năm tới. Dự án có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển quy mô lớn của CCUS ở Trung Quốc và việc xây dựng mô hình "chu trình carbon nhân tạo" để tăng khả năng giảm phát thải carbon của Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này nỗ lực đạt được các mục tiêu "carbon kép" về lượng phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Việc xây dựng dự án bắt đầu vào tháng 7 năm 2021 và bao gồm hai phần: thu giữ carbon dioxide từ Sinopec, sau đó chuyển đến mỏ dầu Shengli. Khí carbon dioxide do Sinopec thu được sẽ được vận chuyển đến mỏ dầu Shengli thông qua phương thức thân thiện với môi trường. Tại đây, carbon dioxide sẽ được bơm xuống lòng đất và ép dầu ra khỏi mỏ.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (24/1 - 30/1)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (24/1 - 30/1)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (17/1-23/1)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (17/1-23/1)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (10/1-16/1)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (10/1-16/1)

Nh.Thạch

AFP