Tình hình cung cầu năng lượng trên thế giới

10:39 | 14/06/2011

777 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Theo dự báo mức tăng trưởng nhu cầu cao về năng lượng thế giới sẽ vượt mức tăng sản lượng dầu khí vào những năm gần đây, vì vậy vai trò than đá và các nguồn năng lượng thay thế ngày càng quan trọng.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã và đang tìm cách sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn và tìm kiếm nhiều nguồn năng lượng thay thế, do vậy cường độ sử dụng năng lượng (energy intensity) dự kiến sẽ suy giảm với tốc độ nhanh, trong đó cường độ sử dụng dầu sẽ giảm nhanh hơn so với các nguồn năng lượng khác.

Dự báo dài hạn của PFC Energy, trong vòng một thập kỷ tới, thế giới sẽ đạt sản lượng khai thác dầu cực đại vào khoảng 100 triệu thùng/ngày do những giới hạn tự nhiên về trữ lượng dầu khí. Trong bối cảnh đó, phần nhu cầu dầu mỏ tăng sẽ chủ yếu do năng lực sản xuất dự trữ của OPEC (hiện vào khoảng 4-5 triệu thùng/ngày) và Nga bù đắp.

Các phương án gia tăng sản lượng cho khối này hiện nay là phải gia tăng sản lượng các vùng nước sâu, dầu nặng, khí thiên nhiên lỏng (NGL) và nhiên liệu sinh học ở mức cao hơn độ suy giảm của sản lượng dầu truyền thống. Đây là những thách thức không nhỏ cả về công nghệ lẫn nguồn vốn đối với những nước như Việt Nam.

Do khủng khoảng kinh tế chi phí tìm kiếm thăm dò bị cắt giảm, nhiều dự án bị đẩy lùi tiến độ do tính kinh tế và khó khăn trong tiếp cận vốn, nguồn cung có thể sẽ thiếu hụt nhẹ trong tương lai gần và kéo dài trong một thời gian.

Thị trường khí hiện tại và trong tương lai, sẽ không có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Á – Thái Bình Dương.

Các thị trường khí phát triển nhanh là Trung Quốc, Ấn Độ, bên cạnh các nước nhập khẩu lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đến 2015, Việt Nam, Pakistan, New Zealand sẽ tham gia vào nhóm các nước nhập khẩu khí. Sau đó đến lượt Bangladesh, Philippines. Các nước xuất khẩu chính là Australia, Indonesia và Malaysia. Chỉ có Papua New Guinea sẽ tham gia vào nhóm các nước xuất khẩu vào năm 2015, nhưng khả năng tiếp tục xuất khẩu đến 2030 (kể cả Malaysia) vẫn là một dấu hỏi.

Trong khi đó trên quy mô toàn cầu nhu cầu khí trong nước của chính các nước xuất khẩu khí cũng đang tăng mạnh. Điều này sẽ làm giảm khả năng tăng nguồn cung trên quy mô toàn cầu. Như vậy thị trường nhập khẩu khí rất cạnh tranh và sẽ có tác động mạnh tới giá khí trong tương lai.

Liên quan tới lĩnh vực hạ nguồn, cùng với sự tăng trưởng của kinh tế, nhiều số liệu cho thấy nhu cầu sản phẩm dầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương có xu hướng tăng cao hơn các khu vực còn lại (châu Á đang chiếm tới 20% nhu cầu thế giới và dự kiến sẽ tăng lên 24% trong vòng 10 năm tới). Trong khi đó, năng lực lọc dầu của các công ty dầu khí quốc tế lại hạn chế ở khu vực này do những chính sách chưa hợp lý của các Quốc gia đang phát triển.

Bên cạnh cơ hội này là thách thức do tính cạnh tranh trong khu vực rất gay gắt và rủi ro, do lợi nhuận bên trong lĩnh vực này thấp và nguy cơ bị thuế CO2 do xu hướng cộng đồng thế giới ngày càng quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu.

T.D (Nguồn PVN)

DMCA.com Protection Status