Triển vọng xuất khẩu phân bón sang Myanmar

15:21 | 28/09/2012

2,535 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Triển vọng xuất khẩu phân bón (đặc biệt là phân đạm urê) sang Myanmar được các nhà sản xuất phân bón hàng đầu của Việt Nam (trong đó có Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo) đánh giá là một thị trường lớn, rất có tiềm năng nhưng cũng có những thách thức không nhỏ.

Tiềm năng lớn lao

Cũng giống như Việt Nam, Myanmar - “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á” - có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp với mức đóng góp 60% GDP và thu hút 70% lực lượng lao động của cả nước (Myanmar hiện có 18,9 triệu lao động nông nghiệp, lực lượng lao động dồi dào này chưa được sử dụng hết năng lực). Myanmar hiện có 19,39 triệu hécta đất đai nông nghiệp màu mỡ có thểtrồng hơn 60 loại cây nông nghiệp khác nhau từ những loại cây nhiệt đới đến ôn đới, nhưng hiện mới khai thác được 13,15triệu hécta, diện tích đất còn bỏ hoang hóa tới 6,24 triệu hécta. Cây nông nghiệp chủ yếu của Myanmar là lúa nước, lúa mì, ngô, đậu các loại, lạc, vừng, bông, mía, hoa hướng dương (lấy dầu), thuốc lá...

Đối với thị trường Myanmar, PVFCCo đặt ra mục tiêu sẽ xuất khẩu với số lượng lớn qua thị trường này bắt đầu từ năm 2014

Vào thế kỷ XIX, Myanmar thời kỳ thuộc Anh đã từng được gọi là “vựa lúa của châu Á”, là nước xuất khẩu gạo sớm nhất châu Á. Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, Myanmar từng là cường quốc xuất khẩu gạo số 1 châu Á (3 triệu tấn). Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan trong hơn nửa thế kỷ qua, sản lượng lương thực của Myanmar bị giảm sút, thậm chí trong thập niên 80 của thế kỷ XX, Chính phủ Myanmar phải thực hiện chính sách tem phiếu phân phối lương thực.

10 năm trở lại đây, Myanmar mỗi năm sản xuất gần 30 triệu tấn lương thực, đủ cung cấp nhu cầu trong nước và xuất khẩu từ 500.000 tấn đến 1 triệu tấn/năm. Năm 2010, Myanmar đứng thứ hai thế giới về sản lượng và xuất khẩu các loại đậu và vừng; đứng thứ 10 thế giới về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, từ năm 2011, Myanmar đã giảm xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước.

Cơ hội trong thách thức

Theo đánh giá, tổng lượng cầu đối với phân urê của Myanmar vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm và sẽ còn tăng trong những năm tới do nước này đang muốn gia tăng năng suất vốn đang ở dưới khả năng trong nhiều năm qua.

Myanmar vốn có 3 nhà máy sản xuất phân urê với tổng công suất thiết kế khoảng 400.000 tấn/năm, tuy nhiên tất cả đều được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, máy móc cũ kỹ, công nghệ lạc hậu và đã từ lâu chỉ còn hoạt động dưới 30% công suất. Tổng lượng cung mà Myanmar đáp ứng cho thị trường chưa đạt đến 10% nhu cầu.

Thực hiện việc chuẩn bị thị trường xuất khẩu phân bón, từ năm 2009 đến nay, PVFCCo đã tổ chức nhiều đoàn công tác sang Myanmar khảo sát thị trường nhằm tìm hiểu về nhu cầu thị trường cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ để chuẩn bị cho hoạt động của PVFCCo tại thị trường này, tham dự các hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư, trở thành thành viên của Hiệp hội Các nhà đầu tư tại Myanmar. Điều thuận lợi cho PVFCCo là Chính phủ Myanmar luôn coi trọng hợp tác nông nghiệp với Việt Nam. Qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của PVFCCo, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar cam kết phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho PVFCCo xuất khẩu các loại vật tư nông nghiệp, hợp tác để triển khai các ruộng trình diễn tại Myanmar để người dân Myanmar tận mắt thấy được sự khác biệt và hiệu quả sử dụng phân bón, đặt biệt là phân urê mang thương hiệu Đạm Phú Mỹ.

Với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kinh doanh, mang lại lợi ích thiết thực cho PVFCCo, tháng 4/2012, Hội đồng Quản trị của PVFCCo đã ra quyết định thành lập văn phòng đại diện tại Myanmar nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai theo dõi việc thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận giữa PVFCCo và các doanh nghiệp, tổ chức tại địa phương. Sự có mặt trên thị trường Myanmar không chỉ là cột mốc đánh dấu sự phát triển không ngừng mà còn là bước ngoặt lớn trong chiến lược vươn lên thị trường nước ngoài của PVFCCo.

 Được biết trong 6 tháng đầu năm 2012, bước đầu PVFCCo mới xuất được 200 tấn urê sang thị trường Myanmar với mục đích thăm dò thị trường. “Đối với thị trường Myanmar, PVFCCo đặt ra mục tiêu sẽ xuất khẩu với số lượng lớn qua thị trường này bắt đầu từ năm 2014 sau khi các nhà máy sản xuất phân bón ở Việt Nam đi vào hoạt động ổn định và đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước”, ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó tổng giám đốc PVFCCo cho biết.

Theo nhận định, nhờ có vị trí thuận lợi, giao thông thuận tiện (thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang Myanmar chỉ mất khoảng 3-5 ngày) và có sự gần gũi, tương đồng với quốc gia có nhu cầu sử dụng phân bón lớn như Myanmar nên các nhà sản xuất phân bón lớn của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn nguồn hàng từ Trung Đông, các nước vùng Baltic. Cước phí vận chuyển phân bón từ Việt Nam sang Myanmar so với việc vận chuyển từ các khu vực khác cũng thấp hơn rất nhiều. Đây chính là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho PVFCCo trong quá trình mở rộng thương hiệu vào thị trường Myanmar.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc xuất khẩu urê vào thị trường Myanmar sẽ gặp một số vấn đề khó khăn thách thức nhất định cần phải sớm được tháo gỡ. Đó là chính sách trợ giá của Chính phủ Myanmar đối với mặt hàng phân bón. Sự cạnh tranh quyết liệt của phân bón có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc cũng là một thách thức lớn (một điểm bất lợi khác đối với doanh nghiệp Việt Nam là không có chung đường biên giới với Myanmar, nên việc vận chuyển sẽ tốn kém và mất thời gian hơn so với các công ty của Trung Quốc). Hệ thống logistics ở Myanmar còn chưa phát triển, chi phí cao. Ngoài ra, hệ thống tài chính - ngân hàng của nước này còn yếu kém, nguồn ngoại tệ dành cho nhập khẩu của nước này còn hạn hẹp (tại Myanmar cùng tồn tại 3 loại tỷ giá, vẫn còn nhiều bất cập đối với hệ thống quản lý ngoại hối ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu). Không những vậy, Chính phủ Myanmar vẫn còn thực hiện cấp phép nhập khẩu theo chuyến nên thủ tục chậm. Và một vấn đề cũng khá lưu tâm là kỹ thuật canh tác nông nghiệp của Myanmar còn lạc hậu, chưa quen sử dụng phân hóa học.

Bên cạnh đó, nếu muốn xuất khẩu phân bón sang Myanmar thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý là việc các công ty nước ngoài hiện chưa được phép làm thương mại trực tiếp tại Myanmar. Theo ông Đàm Trung Bắc, Tổng lãnh sự danh dự Liên bang Myanmar tại TP HCM, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất hàng sang Myanmar phải tìm đối tác là công ty Myanmar đã có giấy phép xuất nhập khẩu để nhập và phân phối hàng hóa. Đây là yếu tố quyết định cho một chiến lược làm ăn lâu dài với thị trường này. Thông thường việc làm thủ tục thông quan hàng hóa tại hệ thống cảng của Myanmar khá phức tạp, mất thời gian và phải tốn phí “bôi trơn”. Cho nên, doanh nghiệp trong nước nên đề nghị các công ty vận chuyển Myanmar đảm nhận luôn dịch vụ thông quan.

Muốn “thắng” trên thị trường phân bón Myanmar, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam, trong đó có PVFCCo phải nỗ lực vượt qua được những thách thức nêu trên, tận dụng những cơ hội thuận lợi, cạnh tranh bằng lợi thế về chất lượng và mang lại hiệu quả cho sự phát triển nền nông nghiệp Myanmar thì việc thâm nhập vào thị trường này sẽ rộng mở và bền vững.

Thế Vinh

(Năng lượng Mới số 158, ra thứ Ba ngày 25/9/2012)

DMCA.com Protection Status