Từ binh nhì đến tư lệnh (Kỳ I)

08:04 | 24/11/2011

2,153 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đầu tháng 6/2014, TSKH Phùng Đình Thực nhận quyết định nghỉ hưu, rời cương vị Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, tâm huyết, những đóng góp của ông vẫn sẽ lưu danh trong lịch sử ngành dầu khí như một người đã dành trọn cuộc đời mình cho hành khúc của những người đi tìm lửa. TSKH Phùng Đình Thực cũng là một trong những tác giả nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý với Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu lại ghi chép của nhà văn Xuân Ba về một người đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp phát triển của ngành dầu khí.

Ghi chép của Xuân Ba

Mỗi bận ngang qua đại bản doanh dầu khí ở Láng Hạ, thoáng trong ý nghĩ nét thân quen những yếu nhân nào là ông Thăng, ông Hậu, ông Dũng, ông Hồng... Thế mà mấy bận định dứt ra những bấn bíu này khác để mà ngồi lâu lâu với Tiến sĩ Khoa học Phùng Đình Thực nhưng đâm nhỡ với hụt cả. Lần trà mới rót lại có khách. Lần chưa ấm chỗ, ông lại mắc việc đột xuất. Những thứ việc có tên lẫn không tên, thứ hoạch định lẫn đột xuất cứ hè nhau mà ập xuống ông Tổng giám đốc và sau này là Chủ tịch Tập đoàn, nghĩ cũng là lẽ thường.

tu binh nhi den tu lenh ky i
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho TSKH Phùng Đình Thực.

Dung dị miền quê thiêng

Đận ấy mấy ông làm sử xứ Thanh hẹn vào tìm hiểu thêm về danh nhân Lương Đắc Bằng. Nhân vật lịch sử quê xứ Hoằng Hóa, tỉnh Thanh tuy bằng xương thịt phàm trần nhưng dường như đã nhuốm phần huyền tích xứ cao xanh. Nội chuyện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thuở hàn vi tiền lưng gạo bị lần mò vào xứ Hoằng Hóa đất Thanh học chữ thầy Lương Đắc Bằng. Đành một nhẽ là thầy dạy giỏi hay chữ nức tiếng xứ Thanh nhưng xứ kinh kỳ rồi những tỉnh Đông (mạn Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên) rồi xứ Đoài thiếu chi những thầy giỏi? Cứ phân vân cái nỗi, ai mách mà Nguyễn Bỉnh Khiêm lặn lội mãi vô tận Thanh để tầm thầy? Rồi chuyện cuốn Thái Ất huyền bí ghi thuật chiêm tinh với sấm truyền mà thầy Lương Đắc Bằng rộng tâm cùng tin cẩn ban dạy duy nhất cho học trò yêu Nguyễn Bỉnh Khiêm nữa.

Lang thang ít ngày ở đất Hoằng Hóa lại được cuốn hút thêm vào chuyện ông Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Có thể nói, ông Trạng nguyên này thuở hàn vi từng rỏ lắm lắm những giọt mồ hôi cơ hàn trên đất Hoằng Hóa. Hoằng Hóa là cái nôi, là sức bật của một nghị lực ý chí và tài năng. Lật giở chi ly sử cũ, thấy lóe hiện những khoảnh khắc mà ai đó viết tiểu sử về ông Trạng này chả thể bỏ qua. Thử diễn dịch lại một đoạn thế này.

Những năm trẻ tuổi, Phùng Khắc Khoan ngụ đất nhà Mạc nhưng tiết tháo không chịu ra thi cử. Đầu đời Lê Trung Tông, ông theo Lê Bá Ly vào Thanh Hóa quy thuận nhà Lê. Những ngày đầu vào Thanh, nghe tin Hoằng Hóa là đất văn học, ông bèn tìm đến cư ngụ. Thuê nhà, mở trường dạy trẻ. Giai đoạn Phùng Khắc Khoan dạy học ở Hoằng Hóa, như một thứ chờ thời.

Năm Quý Tỵ (1593), vua Lê Thế Tông bước lên chính điện tại Kinh đô Thăng Long, mở đầu sự nghiệp Trung Hưng của nhà Lê, Phùng Khắc Khoan được phong chức Kiệt tiết tuyên lực công thần, năm 1595, được thăng Công bộ Tả thị lang.

Vua Lê về kinh đô, việc nội trị là kinh tế nhưng ngoại trị vẫn chuyện với nhà Minh. Sử cũ còn nắc nỏm mãi trí lự mẫn tiệp sắc sảo trong sự nghiệp ngoại giao khi ấy của Phùng Khắc Khoan. Ở Yên Kinh, gặp sinh nhật vua Minh Thần Tông, bèn làm thi tập Vạn thọ thánh tiết gồm 30 bài dâng lên. Thần Tông xem và phê: “Hiền tài đất nào chẳng có. Trẫm xem thi tập, thấy Phùng Khắc Khoan là người trung hậu, thật đáng ngợi khen; mệnh lệnh in ngay để ban hành trong thiên hạ”.

Dịp này, ông còn đối đáp với sứ thần Triều Tiên về chủ quyền đất nước, chế độ khoa cử và làm thơ xướng họa với Lý Toái Quang. Lý Toái Quang rất phục tài. Người Trung Quốc bấy giờ khen ông là sứ giỏi. Khi đi sứ trở về, Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng rất kính trọng chỉ gọi là Phùng tiên sinh mà không gọi tên. Người trong nước kính mến đều gọi ông là Trạng nguyên. Dân gian gọi nôm là Trạng Bùng. Lê Kính Tông lên ngôi, ông được phong Thượng thư bộ Công, năm thứ 3 (1602) lại thăng Thượng thư bộ Hộ, tước Mai quận công. Tháng Chín năm Quý Sửu (1613) ông mất, thọ 86 tuổi, truy tặng Thái phó.

Đất Hoằng Hóa mãi sau này mới phát lộ giai thoại Trạng Quỳnh. Lạ một nỗi, đến tận bây giờ chưa ai dám khẳng định hoặc phủ định giai thoại Trạng Quỳnh thời vua Lê chúa Trịnh xuất phát từ nguyên mẫu là một ông Cống Quỳnh bằng xương bằng thịt ở Hoằng Hóa (trong Nam từng có con đường mang tên Cống Quỳnh) Hoằng Hóa chắc phát về văn chỉ? Bởi lắm đấng bậc văn tài? Ngó coi sử cũ, bâng khuâng mãi cái đoạn ông Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan coi như cùng thời với ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chắc những năm nương náu đợi thời ở Hoằng Hóa xứ Thanh, Trạng Bùng hẳn biết danh ông thầy Lương Đắc Bằng? Biết để giữ thói hay nết tốt của những kẻ liên tài là trân trọng học hỏi nêu gương!

Chúng tôi cũng được đưa đi tham quan Trường THPT Hoằng Hóa, tên cũ là Trường phổ thông cấp 3 Hoằng Hóa I. Đất học nổi danh nên nay huyện có đến mấy trường cấp 3. Trường cấp 3 Hoằng Hóa I, không rõ từ thời điểm nào nay mang tên Trường THPT Lương Đắc Bằng.

Có lẽ cũng biên ra cái trích đoạn trong báo cáo của Ban Giám hiệu nhà trường để thấy vượng khí của đất học.

tu binh nhi den tu lenh ky i
"Binh nhì" Phùng Đình Thực (hàng đầu từ trái sang) tại công trường xây dựng Trạm xử lý khí Tiền Hải năm 1980

…Gần 50 năm qua, các thế hệ thầy trò Trường THPT Lương Đắc Bằng đã đào tạo bồi dưỡng được 16 giải học sinh giỏi quốc gia, 43 học sinh được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam ngay tại trường, trên 1.000 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, hơn 7.000 học sinh đỗ vào các trường đại học, hơn 2 vạn học sinh tốt nghiệp THPT tung cánh đi muôn phương. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2009, trường đã có 6 tướng lĩnh trong quân đội và công an: Trung tướng Lê Hải Anh, Thiếu tướng Lê Quang Bình, Trịnh Xuân Thu, Vũ Văn Tùng, Nguyễn Văn Xô, Lương Hữu Quang và nhiều cựu học sinh trưởng thành, đạt học hàm, học vị cao quý là những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đã và đang công tác ở các bộ, cục, vụ, viện, các trường đại học hoặc đang giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tiêu biểu như: Tiến sĩ Lê Duy Đồng – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tiến sĩ, Vụ trưởng Phạm Thị Liên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngữ – Vụ trưởng Vụ Tài chính – Kế hoạch, Bộ GD&ĐT, Tiến sĩ Khoa học Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ – Nhà giáo ưu tú, Đại tá – Phó giám đốc Học viện An ninh Lê Minh Hùng. Nhiều cựu học sinh là những người đang giữ cương vị lãnh đạo ở tỉnh, cùng hàng trăm nhà doanh nghiệp giỏi, hàng ngàn người có trình độ cử nhân, hàng vạn người có trình độ tú tài hiện đang công tác, học tập, lao động trong và ngoài nước.

Tôi cũng dò tìm trên một biểu đồ tên hiệu những vị tiến sĩ nguyên là học sinh cũ của trường. Quan chức thì không thấy trích ngang lý lịch nhưng tiến sĩ thì nhà trường nêu lẫn trích khá trang trọng. Trên ấy có những dòng thế này.

Ông Phùng Đình Thực, sinh ngày 12/5/1954, tốt nghiệp Học viện Hóa dầu Bacu (Liên Xô cũ) chuyên ngành khai thác dầu khí năm 1977. Ông là Tiến sĩ Khoa học về công nghệ dầu khí biển, từng đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc Xí nghiệp Khai thác Dầu khí (1993-1996); Chánh kỹ sư Vietsovpetro (1997-2001); Tổng giám đốc Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (2001-2005). Và từ tháng 6/2009 đến nay, ông Thực giữ vị trí Tổng giám đốc Petrovietnam.

Tôi thầm nghĩ, không rõ vị học sinh cũ này của trường có liên quan gì đến họ Phùng của ông Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan? Lại nữa, ông tiến sĩ khoa học ngành dầu khí này cũng chả dính dáng họ hàng chi đến thầy học Lương Đắc Bằng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm? Nhưng dường như sự xuất hiện của hai đấng bậc ấy đã tạo nên thứ vượng khí vững bền và gần như việc tiếp lửa cho lứa môn sinh sau này của đất học, xứ học Hoằng Hóa?

…Một sáng thu mới đây thôi, trong sắc hoa mừng cùng những lời chúc tốt lành nhân buổi công bố quyết định bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Thành viên Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với sự hiện diện của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, tôi để ý đến lời phát biểu mộc mạc của một cựu quan chức ngành Dầu khí. Đó là ông Hồ Tế sau này là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông Tế nói đại ý xin trân trọng những bước đi từ thuở gian khó của những người lính binh nhì nay chững chạc ở các cương vị lãnh đạo của ngành Dầu khí trong đó có Kỹ sư Phùng Đình Thực nay là Tiến sĩ Khoa học Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn, một Tư lệnh của ngành Dầu khí!

Từ ven bờ Tiền Hải ra biển lớn

May mắn có một buổi lang thang trong nhà bảo tàng ngành Dầu khí, tôi chợt nhận ra một thứ lẩn thẩn của mình biết đâu đâm có… lý? Ấy là, thay vì thuận miệng cụm từ dầu khí liệu có nên gọi ngược lại là khí dầu? Đơn giản ở Việt Nam, khí có trước dầu?

Đầu năm 1975 chúng ta lần đầu phát hiện khí công nghiệp ở vùng ven biển Tiền Hải – Thái Bình. Các năm tiếp theo tiếp tục khoan thêm nhiều giếng khác. Đến năm 1981 đã khẳng định thêm về sự tồn tại một số vỉa khí mới và gia tăng trữ lượng của mỏ lên tới 600 triệu mét khối khí!

tu binh nhi den tu lenh ky i
TS Phùng Đình Thực ký văn bản hợp tác với ông Perter Voser, Chủ tịch Shell

Những năm cuối 70 đầu 80 của thế kỷ trước cũng là thời gian nhọc nhằn khốn khó. Trong vô khối thứ khốn ấy, ám ảnh nhất vẫn là nạn thiếu điện! Ngày 20/2/1980 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phải ban hành gấp một chỉ thị như thế này:

Để có chất đốt khác thay cho dầu diesel chạy máy phát điện phải xúc tiến nghiên cứu việc khai thác và sử dụng khí mỏ Tiền Hải C. Giao trách nhiệm cho Tổng cục Dầu khí, Bộ Điện và Than, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Hóa chất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình phối hợp khẩn trương triển khai việc này.

Nhiều bộ, ngành và cả địa phương phối hợp triển khai khẩn trương quyết định nói trên của Thủ tướng nhưng phần gian nan nhất vẫn phải do quân của Tổng cục Dầu khí đảm trách và nhiều nhân sự ngành Dầu khí đã được điều chuyển gấp về Tiền Hải – Thái Bình.

Tấm ảnh đen trắng ở một góc Bảo tàng chụp bốn người, trong đó có một chuyên gia Liên Xô với dòng chú thích tại công trường xây dựng Trạm Xử lý khí Tiền Hải cuối năm 1980. Cô nhân viên bảo tàng chỉ vào một thanh niên gầy mảnh, đầu trần áo màu sáng đứng tít ở bên thiết bị xử lý khí đây là ông Chủ tịch Hội đồng Thành viên Phùng Đình Thực bây giờ…

Tôi không rõ thời điểm ấy mình cùng các đồng nghiệp có lẽ đã tới cái Trạm Xử lý khí ở Tiền Hải này rồi nhưng không nhớ có gặp kỹ sư Phùng Đình Thực không?

Không kịp nhớ thì phải gặp lại ông Thực?

Chất giọng điềm đạm cố hữu của ông Chủ tịch Hội đồng Thành viên dẫn tôi về những ngày gian nan năm 1977. Những ngày mà nhóm kỹ sư dầu khí trẻ mới ở nước ngoài về Tiền Hải không phải để đi du lịch để nghe sóng bãi bể Đồng Châu vọng về âm thanh tiếng trống năm ba mươi. Họ phải nhiều ngày bạc mặt, đạp xe chài chãi sang tận mấy bến bãi, khắp các kho vùng Xuân Trường Hải Hậu, Xuân Thủy, Hưng Yên để tìm từng đoạn cút nối, tìm cái van phục vụ việc khai thác giếng khí. Quần áo thì nhuốm vàng nước phèn nước lợ. Da dẻ nhiều anh ở Liên Xô về trắng trẻo là thế khi ấy sần sùi lở loét bởi dĩn muỗi vùng nước lợ. Nhưng tiến độ công việc ở các giếng khoan và Trạm xử lý khí vẫn phải chạy. Một thời gian sau, KS Phùng Đình Thực được điều động giữ chức Phó GĐ phụ trách kỹ thuật của xí nghiệp khai thác khí. Công sức cùng những lao tâm khổ tứ của những kỹ sư thợ kỹ thuật trẻ đã không uổng. Chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã được thực hiện nghiêm chỉnh. Xin trích biên ra đây một đoạn trong cuốn Lịch sử ngành dầu khí Việt Nam (phần Tổng Cục dầu mỏ và khí đốt) Ngày 19/4/1981 dòng khí đã được khai thác xử lý và vận chuyển đến trạm turbine phát điện. Ngày 8/7 năm 1981 bắt đầu khai thác ổn định mỏ khí Tiền Hải. Đây là công trình hoàn toàn mới lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta. Công trình đã được tặng Huy chương vàng tại Hội chợ Triển lãm thành tựu kỹ thuật năm 1985. Chỉ trong năm đầu (từ ngày 7/8/1981 đến ngày 8/7/1982) trạm xử lý đã cung cấp 16 triệu mét khối khí cho turbine sản xuất được 70 triệu kWh điện. Đến năm 1986 đã khai thác được trên 120 triệu m3 khí cung cấp cho turbine phát điện và sau đó cung cấp khí cho hàng loạt các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng như sành, sư,ù thủy tinh, xi măng, gạch tráng men góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp tỉnh Thái Bình nói riêng.

(Xem tiếp kỳ sau)

X.B

DMCA.com Protection Status