Tương lai quan hệ Mỹ-Đức ổn định và gắn kết: Thỏa hiệp về Nord Stream 2?

20:30 | 16/07/2021

|
(PetroTimes) - Theo tin từ Nhà Trắng, CNN, DW, AP, CNBC và báo chí quốc tế ngày 15/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel một cách trọng thị tại Nhà Trắng chiều thứ Năm. Tổng thống Biden và Thủ tướng Merkel đã có cuộc hội đàm hẹp tại Phòng Bầu dục, sau đó hội đàm mở rộng với sự tham dự của quan chức hai nước, họp báo chung, chiêu đãi tại Nhà Trắng với sự tham dự của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ngoại trưởng Blinken, các Nghị sỹ Quốc hội Mỹ, các quan chức, cựu quan chức có nhiều đóng góp cho quan hệ Mỹ-Đức.Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tiếp và mời Thủ tướng Đức Merkel ăn sáng tại nhà riêng. Thủ tướng Đức Merkel được Đại học Johns Hopkins trao bằng Tiến sỹ danh dự.
Tuy còn có bất đồng và không có đột phá chính sách lớn, chuyến thăm chia tay của Thủ tướng Đức Merkel diễn ra tốt đẹp. Thủ tướng Đức Merkel đã mời Tổng thống Biden thăm Đức và Tổng thống Biden hy vọng “sẽ sớm” thực hiện chuyến thăm.
Tương lai quan hệ Mỹ-Đức ổn định và gắn kết: Thỏa hiệp về Nord Stream 2?
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Biden tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng ngày 15/7/2021. Ảnh:Evan Vucci/AP

Khơi lại quan hệ nồng ấm hơn của Mỹ với Đức và các đồng minh châu Âu

Tổng thống Biden đặt ưu tiên hàng đầu trong việc “sửa chữa” mối quan hệ của Mỹ với Đức và các quốc gia châu Âu khác. Chuyến thăm là “nỗ lực gần đây nhất” của Tổng thống Biden nhằm khơi lại quan hệ nồng ấm hơn với các đồng minh châu Âu, góp phần vạch ra một con đường cho tương lai quan hệ Mỹ-Đức. Hai bên đã thảo luận một chương trình nghị sự trên phạm vi rộng, tập trung vào các ưu tiên chung như biến đổi khí hậu, chống đại dịch Covid-19, vấn đề tấn công an ninh mạng, quan hệ với Nga và Nord Stream 2, sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình hình Hồng Công. Bên cạnh đó là các vấn đề rút quân và an ninh ở Afghanistan, nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran, tình hình Cuba, Haiti.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Merkel mang tính biểu tượng cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Hai bên bày tỏ cam kết rõ ràng đối với quan hệ đồng minh, đối tác xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ. Tổng thống Biden nhấn mạnh thông điệp về việc quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu quay trở lại đúng hướng, thoát ra khỏi đường lối “Nước Mỹ trên hết” dưới thời chính quyền Trump, ca ngợi Thủ tướng Merkel là “nhà vô địch kiên định của Liên minh xuyên Đại Tây Dương, Đối tác Đại Tây Dương”, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Merkel “ quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Đức và Hoa Kỳ ngày càng phát triển bền chặt hơn”. Thủ tướng Đức Merkel bày tỏ cảm ơn về "đóng góp xuất sắc" của Hoa Kỳ trong việc thống nhất nước Đức, nhấn mạnh “Đức và Mỹ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau”; cho rằng "Không có hai khu vực nào trên thế giới được liên kết cả về chiều rộng và bề sâu thông qua những lợi ích và giá trị chung như Châu Âu và Bắc Mỹ."

Đưa ra tầm nhìn chung để giải quyết các vấn đề toàn cầu

Tổng thống Biden và Thủ tướng Merkel đã ký Tuyên bố Washington, tái khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc, giá trị và thể chế dân chủ, đưa ra tầm nhìn chung để giải quyết các vấn đề toàn cầu, cam kết hợp tác song phương chặt chẽ để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trên thế giới. Đặc biệt trong “cam kết bảo vệ một thế giới mở”, hai bên tái khẳng định “tầm quan trọng của các quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như các hình thức sử dụng hợp pháp khác của biển, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Về “một châu Âu toàn vẹn, tự do và hòa bình”, hai bên khẳng định “hợp tác để cùng nhau củng cố quốc phòng”, “NATO sẽ tiếp tục là hòn đá tảng của nỗ lực này” và cam kết mạnh mẽ về Điều 5 (phòng thủ tập thể); nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác để “đối phó với những thách thức phía trước”. Hai bên nhất trí về một số cam kết nhằm thúc đẩy việc phát triển “các giải pháp toàn cầu cho những thách thức chung” như cam kết về “thực hiện các hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”, “khởi động Đối tác Khí hậu và Năng lượng để tăng cường hợp tác về các chính sách và công nghệ năng lượng”; hợp tác “tăng cường sức khỏe toàn cầu và an ninh y tế”, chống các đại dịch trong tương lai; cam kết thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững; sáng tạo các giải pháp mới cho những thách thức mới; thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương (G7 và G20, Liên hợp quốc…). Hai bên nhất trí khởi động Diễn đàn Tương lai Hoa Kỳ-Đức nhằm tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học, giới kinh doanh hai nước, cùng làm việc đề xuất các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu; thiết lập Đối thoại Kinh tế Mỹ-Đức.

Tương lai quan hệ Mỹ-Đức ổn định và gắn kết: Thỏa hiệp về Nord Stream 2?
Họp báo chung giữa Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Biden tại Nhà Trắng ngày 15/7/2021. Ảnh: Susan Walsh/AP.

Tổng thống Mỹ Biden ca ngợi Tuyên bố Washington đã “khẳng định các cam kết của chúng ta đối với các nguyên tắc dân chủ mà nằm trong tim của cả hai dân tộc” và cách thức áp dụng các nguyên tắc này để giải quyết “những thách thức lớn nhất của hôm nay và mai sau”. Tổng thống Biden cho biết thêm quan hệ Đối tác về Khí hậu và Năng lượng, sẽ hỗ trợ an ninh năng lượng và phát triển năng lượng bền vững ở các nền kinh tế mới nổi ở Trung Âu và Ukraine.Thủ tướng Merkel cho rằng Tuyên bố Washington đã vạch ra “con đường phía trước và cả các biện pháp”, chính sách thiết thực để đối mặt với những thách thức mới trong thời đại hôm nay.

Liệu có phải là thỏa hiệp về Nord Stream 2

Hai bên đã trao đổi về những khác biệt liên quan đến Nord Stream 2 nhưng không đạt được tiến triển rõ ràng về vấn đề này. Nord Stream 2 từ lâu là nguồn cơn căng thẳng giữa Washington và Berlin. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng Nord Stream 2, hiện đã hoàn thành gần 90%, sẽ “đe dọa an ninh năng lượng của châu Âu, tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn khí đốt của Nga, cho phép Nga “có thêm đòn bẩy năng lượng”, “gia tăng áp lực chính trị tới các nước Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ukraine”, làm suy yếu vị thế của Ukraine là nước trung chuyển trong hệ thống đường dẫn khí đốt tự nhiên của Nga. Tổng thống Joe Biden cho biết “Quan điểm của tôi về Nord Stream 2 đã được biết đến từ lâu”; tuy nhiên, “bạn tốt vẫn có thể có bất đồng”, “vào thời điểm tôi trở thành Tổng thống, nó đã hoàn thành 90%”, “việc áp đặt các biện pháp trừng phạt dường như không có ý nghĩa gì”; hai bên đã “yêu cầu đội ngũ của chúng tôi xem xét các biện pháp thực tế mà chúng tôi có thể cùng nhau thực hiện”, nhất trí căn cứ vào các hành động của Nga để xem xét “an ninh năng lượng của châu Âu, an ninh của Ukraine thực sự được củng cố hay bị làm suy yếu”. Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng “Trong khi tôi nhắc lại mối quan tâm của mình về Nord Stream 2 với Thủ tướng Merkel, chúng tôi hoàn toàn thống nhất với niềm tin rằng Nga không được phép sử dụng năng lượng như một vũ khí để ép buộc hoặc đe dọa các nước láng giềng.”

Tương lai quan hệ Mỹ-Đức ổn định và gắn kết: Thỏa hiệp về Nord Stream 2?
Cơ sở Nord Stream 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Tư liệu Nord Stream 2.

Thủ tướng Đức Merkel tiếp tục ủng hộ Nord Stream 2, tìm cách giảm nhẹ các khác biệt giữa Mỹ và Đức và cho rằng hai bên đã đi đến những đánh giá khác nhau về dự án. Thủ tướng Merkel đã nêu rõ lý do ủng hộ Nord Stream 2, nhấn mạnh Nord Stream 2 là “một dự án bổ sung và chắc chắn không phải là dự án thay thế bất kỳ hình thức vận chuyển nào qua Ukraine”; “Ý tưởng của chúng tôi là Ukraine vẫn là một quốc gia trung chuyển khí đốt tự nhiên”; “không chỉ của Đức, mà toàn bộ Ủy ban châu Âu đã đàm phán với Nga và Ukraine, một hiệp ước đảm bảo hợp đồng khí đốt đến năm 2023 và sau đó, việc cung cấp khí đốt phải khả thi”. Thủ tướng Merkel nói rằng “bất kỳ hành động nào của Nga” nhằm đe dọa vai trò của Ukraine “sẽ tạo ra rất nhiều căng thẳng”; Đức và châu Âu đều có các công cụ “trừng phạt”, “chúng tôi sẽ tích cực hành động” nếu như Nga không tôn trọng quyền của Ukraine với tư cách là một quốc gia trung chuyển. Dư luận hai nước cho rằng Nhà Trắng không kỳ vọng đạt được một giải pháp về Nord Stream 2; quyết định của Tổng thống Biden miễn trừ các lệnh trừng phạt của Quốc hội đối với công ty Đức đã tạo "không gian ngoại giao" cho các cuộc đàm phán giữa hai bên, ngay cả khi không tìm thấy giải pháp cho vấn đề hóc búa này.

Matthias Matthijs, một thành viên cấp cao về châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins, cho rằng, rõ ràng là Đức "muốn tiếp tục triển khai dự án và muốn trấn an Mỹ ", "Người Đức đang hy vọng có được bước tiến cơ bản về Nord Stream 2, một cam kết từ Mỹ rằng Mỹ có thể tăng xuất khẩu Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu".

Đức muốn đạt sự đồng thuận về quan hệ với Trung Quốc

Thủ tướng Đức cho biết hai bên đã trao đổi về Trung Quốc, là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của cả hai nước, “về nhiều khía cạnh hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc, có thể là trong lĩnh vực kinh tế, có thể là bảo vệ khí hậu, có thể là trong lĩnh vực quân sự và an ninh”; “có nhiều hiểu biết chung rằng Trung Quốc, trong nhiều lĩnh vực, là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”; “thương mại với Trung Quốc cần dựa trên cơ sở một sân chơi bình đẳng, theo cùng một luật lệ, có cùng tiêu chuẩn”; đặc biệt liên quan đến quan hệ với Trung Quốc, cần có sự phối hợp các nỗ lực trong Liên minh châu Âu, với Hoa Kỳ; "dựa trên các giá trị chung" của Mỹ và Đức.

Dư luận Mỹ và Đức cho rằng Thủ tướng Merkel ủng hộ một cách tiếp cận hợp tác hơn với Bắc Kinh, đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, khi Tổng thống Biden nỗ lực củng cố sự ủng hộ của phương Tây đối với một cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn. Thủ tướng Merkel mong muốn đạt sự đồng thuận với Mỹ về quan hệ với Trung Quốc, tránh không để bị lôi kéo vào một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới” với Trung Quốc; tranh thủ lợi thế hợp tác với Bắc Kinh về thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu, chống Covid 19.

Khác biệt trong hợp tác chống Covid-19 Tổng thống Biden và Thủ tướng Merkel đã trao đổi về đề xuất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc từ bỏ các bảo hộ bằng sáng chế đối với vắc xin Covid-19. Tổng thống Biden ủng hộ việc miễn trừ để tăng cường sản xuất và cho phép các quốc gia tự sản xuất vắc-xin; tuy nhiên, Thủ tướng Merkel phản đối việc miễn trừ. Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang xem xét về việc gỡ bỏ hạn chế công dân châu Âu tới Mỹ, hứa sẽ có câu trả lời “trong 7 ngày tới”.

Chuyến thăm báo hiệu sự kế thừa và ổn định trong quan hệ Mỹ-Đức

Johannes Timm, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức, một tổ chức tư vấn ở Berlin, cho biết "chuyến thăm đang báo hiệu sự liên tục và ổn định trong mối quan hệ Đức-Mỹ". Thủ tướng Merkel mong muốn đảm bảo rằng sẽ không có sự thay đổi lớn trong quan hệ.

Ba đảng phái dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh bầu cử ở Đức trong tháng 9/2021, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Merkel, đảng Xanh và đảng Dân chủ Xã hội, tuy khác nhau trong nhiều lĩnh vực chính sách nhưng tất cả đều cam kết hướng tới một mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương bền chặt./.

Thanh Bình