Vì sao Arập Xêút muốn tăng giá dầu?

08:47 | 25/10/2022

877 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 5-10-2022, các quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã họp mặt tại Vienna (Áo) để quyết định cắt giảm sản lượng dầu nhằm đẩy giá dầu lên. Trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt, biện pháp này khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên, nhất là vì Nga sẽ được hưởng lợi.
Vì sao Arập Xêút muốn tăng giá dầu?
Đại diện OPEC+ họp tại Vienna ngày 5-10-2022

Theo Financial Times, lần đầu tiên sau đại dịch Covid-19, 13 quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 10 đồng minh (trong đó có Nga) đã tiến hành cuộc họp trực tiếp tại Vienna, nhằm mục đích “nhấn mạnh tầm quan trọng của quyết định sắp tới”.

Đa số các nhà quan sát đều kỳ vọng vào việc giảm đáng kể sản lượng dầu để thúc đẩy tăng giá dầu thô. Mức giảm có thể từ 500.000 đến 1,2 triệu thùng/ngày.

Ông Olivier Appert - Cố vấn của Trung tâm Năng lượng và khí hậu thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) - cho biết: “Trong cuộc họp lần trước vào đầu tháng 9-2022, OPEC đã phát đi tín hiệu bằng cách giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày. Tuy đây chỉ là một giọt nước giữa đại dương đối với con số 100 triệu thùng/ngày, nhưng đối với OPEC, đây là màn dạo đầu cho một quyết định lớn hơn”.

Thực tế, mong muốn tăng giá dầu của OPEC+ đã bắt đầu có hiệu quả. Chỉ riêng tin đồn về khả năng giảm sản lượng đã khiến giá dầu thô tăng 4% trong 2 ngày.

Theo góc nhìn của châu Âu, quyết định này có vẻ là nghịch lý. Nếu giá năng lượng tiếp tục tăng cao, vì sao Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Nga hay Venezuela lại lo lắng về lợi nhuận từ dầu khí của họ?

Trên thực tế, theo báo RFI, đó là quyết định hợp lý, được chứng minh qua nhận định của ông Olivier Appert: “Giá dầu đã giảm xuống mức thấp hơn trước khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ”. Cụ thể, sự xáo trộn về giá thị trường xuất phát một phần từ việc Trung Quốc áp dụng “chính sách Zero Covid”, dẫn đến sự sụt giảm mạnh hoạt động kinh tế và do đó, Trung Quốc ít sử dụng năng lượng hơn. Ngoài ra, sự sụt giảm nhu cầu chung về dầu do nền kinh tế thế giới ngày càng đi xuống cũng góp phần kéo giá giảm.

Vì sao Arập Xêút muốn tăng giá dầu?
OPEC+ giảm 2 triệu thùng dầu/ngày, xung đột mạnh với Mỹ

Ông Olivier Appert bổ sung: “Thậm chí, giá dầu còn không tăng vọt sau nhiều gói trừng phạt nhắm vào Nga. Nguyên nhân thứ nhất là vì hiện nay, hoạt động xuất khẩu của Nga ít bị ảnh hưởng hơn so với dự kiến. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ, đã thay thế châu Âu làm khách hàng của Nga”. Điều đó có nghĩa là nguồn cung dầu không giảm, “vàng đen” không trở nên hiếm. Đã vậy, các khách hàng mới mua dầu của Nga còn được giảm giá.

Nói cách khác, không có một chút cơ hội nào có thể trấn an các nước sản xuất dầu và các đồng minh của họ rằng tình thế sẽ đảo ngược. Do đó, OPEC giải quyết vấn đề bằng cách đặt cược vào quyết định mạnh tay cắt giảm sản lượng sản xuất dầu.

Báo RFI nhận định, từ quan điểm địa chính trị và kinh tế, đây là một vụ đánh cược mạo hiểm, đặc biệt là đối với Arập Xêút, quốc gia đứng đầu OPEC.

Từ nhiều thập niên qua, Arập Xêút luôn là đồng minh vững chắc của Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Arập Xêút lại có một ước muốn mạnh mẽ: Hỗ trợ tăng giá dầu. Điều này đi ngược lại lợi ích chiến lược của Mỹ. Financial Times nhận định: “Ước muốn này có thể gây cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Mỹ”. Vì sao vậy?

Đầu tiên, giá dầu tăng sẽ làm suy yếu nỗ lực của Mỹ trong việc bóp nghẹt kinh tế Nga. “Vàng đen” là nguồn doanh thu chính của Nga trong xuất khẩu, vượt xa cả khí đốt (năm 2019, Nga thu 123 tỉ USD lợi nhuận từ dầu, so với 23 tỉ USD từ khí đốt). Do đó, bất kỳ sự gia tăng nào về giá dầu thô cũng có tác động đáng kể đối với Nga, ngay cả khi Nga đang bán tháo.

Do đó, Arập Xêút có nguy cơ trở thành đồng minh bất đắc dĩ của Nga và đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế.

Trên hết, theo New York Times, đây không phải là lần đầu tiên Arập Xêút “nắm tay ngoại giao” sau lưng Mỹ vì lợi ích của Nga.

Cuộc điều tra của New York Times về quan hệ giữa Nga và Arập Xêút cho thấy, trong khi những binh đoàn xe tăng Nga đang chuẩn bị vượt qua biên giới Ukraine vào giữa tháng 2-2022, thì Arập Xêút đã hoàn tất một loạt các khoản đầu tư hấp dẫn, trị giá hơn 600 triệu USD, vào 3 gã khổng lồ năng lượng chủ lực của Nga (Gazprom, Rosneft và Lukoil). Từ mấy tháng nay, Arập Xêút cũng đã vận động nội bộ OPEC+ để giao cho Nga một vai trò quan trọng hơn.

Hồi tháng 7-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Arập Xêút. ông Olivier Appert nhận định: “Sau chuyến đi tới Arập Xêút, ông chủ Nhà trắng không thu được gì nhiều từ cuộc đối thoại về cam kết sản xuất dầu ngoại trừ những bức ảnh khắp các mặt báo chí”.

Như thể vẫn chưa đủ, quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ rơi ngay vào thời điểm tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, giá dầu tăng sẽ đẩy giá xăng lên, gây khả năng thúc đẩy tình trạng lạm phát. Đây rõ ràng không phải là tin tức làm Tổng thống Joe Biden và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hài lòng, vì họ đang đấu tranh quyết liệt để cố gắng ngăn chặn cuộc lạm phát cao chưa từng thấy trong gần 40 năm qua.

Do đó, cuộc họp của OPEC+ có thể phơi bày sự chia rẽ ngoại giao đang tạo ra giữa hai đồng minh lịch sử. Không phải chuyện ngẫu nhiên mà Arập Xêút đang có nguy cơ trở thành “kẻ phản diện” lớn nhất của Mỹ và các đồng minh trong thời điểm hiện tại. Ông Olivier Appert lưu ý: “Mỹ và Arập Xêút đã ký kết một thỏa thuận có hiệu lực kể từ năm 1945. Thỏa thuận này quy định rằng Mỹ sẽ bảo vệ Arập Xêút để đổi lấy nguồn cung năng lượng. Nhưng tình hình đã thay đổi, đặc biệt là sự xuất hiện của khí đốt và dầu đá phiến tại Mỹ”.

Khi dầu đá phiến bùng nổ, Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Do đó, Mỹ trở nên ít phụ thuộc vào đối tác vùng Vịnh của mình. Vị cố vấn tại IFRI giải thích: “Ngay từ năm 2010, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng sự thay đổi trong bối cảnh dầu mỏ đã giúp ông mở rộng ngoại giao và đi tìm những đối tác xa hơn xứ Arập Xêút”.

Arập Xêút dường như cũng nhận thấy được điều đó, thể hiện qua việc quốc gia này dễ dàng đưa ra quyết định có lợi cho chính mình và rất có thể sẽ trở thành “kẻ thù” của Mỹ.

Mỹ và Arập Xêút đã ký kết một thỏa thuận có hiệu lực kể từ năm 1945. Thỏa thuận này quy định rằng Mỹ sẽ bảo vệ Arập Xêút để đổi lấy nguồn cung năng lượng. Nhưng tình hình đã thay đổi, đặc biệt là sự xuất hiện của khí đốt và dầu đá phiến tại Mỹ.

S.Phương