Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng

06:38 | 30/09/2022

395 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 29/9, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã họp báo giới thiệu về nền tảng Thông tin Đông Nam Á cho lĩnh vực Chuyển đổi Năng lượng (SIPET), thuộc chương trình “Năng lượng sạch, Giá phải chăng và An toàn cho Đông Nam Á (CASE)”.

Các diễn giả tham dự họp báo bao gồm: ông Simon Rolland, Giám đốc chương trình CASE, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ); Bà Judith Hecke, đại diện đến từ Viện NewClimate Institute; ông John Cotton, đại diện từ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á (ETP); ông Agus Tampubolon, đại diện từ Viện Cải cách Dịch vụ Thiết yếu (IESR).

Họp báo trực tuyến ra mắt nền tảng SIPET
Họp báo trực tuyến ra mắt nền tảng SIPET

Đánh giá khảo sát về một loạt thách thức phổ biến, các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á đã nhấn mạnh các thách thức như sau: thiếu hệ thống tổ chức; thiếu những nền tảng để chia sẻ thông tin và kiến thức kịp thời; dành quá nhiều thời gian cho các buổi gặp hợp tác; trùng lặp công việc vì các bên liên quan không nhận thức và nắm bắt được những gì người khác đang làm.

SIPET sẽ giải quyết những thách thức này thông qua bốn tính năng chính: tập hợp tài nguyên về ngành năng lượng; cơ sở dữ liệu dự án và công cụ lập bản đồ; trung tâm chia sẻ kiến thức và diễn đàn cộng đồng dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Dự án hướng đến hỗ trợ các nước đối tác trong khu vực Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng tương lai, có thể cung cấp điện cho người dân một cách ổn định với giá thành hợp lý, đồng thời thúc đẩy việc tuân thủ Thỏa thuận Paris.

“Chúng tôi rất hào hứng khi giới thiệu SIPET với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia xuất sắc đến từ các tổ chức quốc tế và trong nước nghiên cứu về một loạt các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. SIPET là nền tảng tập hợp đầy đủ các thông tin và nghiên cứu có sẵn, tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận dựa trên những kết quả và kinh nghiệm được đúc kết, giúp các chuyên gia hiểu thêm về dữ liệu và xu hướng chính, tạo nên những ảnh hưởng tích cực lên sự hợp tác và chia sẻ tri thức giữa các bên liên quan”, ông Simon Rolland nói.

Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng
Giao diện website "sipet.org"

Trong cuộc họp báo, bà Judith Hecke đã giới thiệu về trang web “sipet.org”, nơi mọi người có thể tìm hiểu các dự án chuyển đổi năng lượng, tiếp cận trung tâm tri thức và theo dõi các khảo sát đánh giá về năng lượng tái tạo của 4 quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia.

Ông Rolland cho biết thêm: "Thông qua SIPET, chúng tôi mong muốn có thể tạo điều kiện cho ngành điện hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên những kết quả và kinh nghiệm đã được chứng minh, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ các chiến lược phát triển của khu vực và hướng tới những hoạt động chung nhằm đảm bảo một tương lai có năng lượng sạch với mức giá phải chăng và an toàn cho Đông Nam Á".

Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng
Số liệu đánh giá ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam qua nhiều yếu tố, Nguồn: SIPET

Theo trang SIPET, các chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam và các chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo đã góp phần vào sự gia tăng mạnh mẽ của năng lượng tái tạo trong những năm qua, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.

Trong quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức. Thách thức lớn hiện nay là tắc nghẽn lưới điện, dẫn đến vấn đề cắt giảm năng lượng tái tạo. Ngành điện của Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ dựa trên nhiệt điện than. Việt Nam đã có cam kết cấp cao về việc loại bỏ than để phát điện vào năm 2050, tuy nhiên vẫn chưa có chính sách cụ thể nào để thực hiện điều này.

Các kế hoạch đề xuất yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than chuyển dần sang sử dụng sinh khối hoặc amoniac từ năm 2035 hoặc sau 30 năm hoạt động. Xu hướng tăng giá than có thể khiến một số nhà máy điện than mới quy hoạch gặp khó khăn khi đi vào hoạt động.

Sự ủng hộ chính trị cho quá trình chuyển đổi năng lượng ngày càng tăng: Việt Nam gần đây đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và đưa ra một số mục tiêu chính liên quan đến chuyển đổi năng lượng và môi trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang xem xét một luật năng lượng tái tạo để tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn và thủ tục kỹ thuật, nhằm quản trị tốt hơn và huy động cao hơn khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng tái tạo.

Minh Đức