Xuân mới trên Hủa Na

11:56 | 27/01/2014

1,822 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Theo dòng sông Chu, chúng tôi trở lại Hủa Na để chứng kiến một mùa xuân mới sau gần 1 năm Nhà máy Thủy điện Hủa Na hòa lưới điện quốc gia. Là một trong những người may mắn có mặt trong những thời khắc quan trọng suốt những năm xây dựng Thủy điện Hủa Na, chúng tôi cảm nhận rõ sự khác biệt của mùa xuân đầu tiên trên công trình thủy điện dầu khí ở vùng đất của miền Tây xứ Nghệ.

Năng lượng Mới số Xuân Giáp Ngọ

Mùa quả ngọt đầu tiên

Đứng dưới độ sâu hơn 150m trong lòng sông Chu, tôi lắng nghe hai tổ máy phát điện tổng công suất 180MW đang êm ả phát liên tục ổn định dòng điện lên tới 640 triệu kWh trong suốt năm 2013. Những cảm xúc đan xen, trào dâng trong lòng mỗi người bởi chứng kiến thành quả của hàng vạn ngày gian khó của những người đi xây dựng nguồn điện ngành Dầu khí.  Thủy điện Hủa Na có nhiều nét lạ như dự án thủy điện dầu khí đầu tiên xây dựng tại thượng nguồn sông Chu, nơi có địa hình, địa lý và khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Sau khi trải qua hàng loạt khó khăn thử thách trong quá trình xây dựng, đến khi vận hành dự án thì ngay từ những ngày đầu tiên lại rất “thuận buồm xuôi gió”. Nhà máy luôn hoạt động trơn tru, phát điện với công suất cao.

Toàn cảnh đập chính Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Ngay từ đầu tháng 10/2013, tổng sản lượng điện Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã phát được gần 505 triệu kWh điện, hoàn thành và vượt kế hoạch phát điện năm 2013, về đích trước 80 ngày. Dự kiến ngày 31/12/2013, nhà máy sẽ phát đạt 640 triệu kWh vượt 126% kế hoạch năm, tổng doanh thu khoảng 576 tỉ đồng, vượt kế hoạch tới hơn 122 tỉ đồng.

Để có được những kết quả đáng kinh ngạc cho một dự án mới được chính thức vận hành, không thể không nhắc đến sự quyết đoán và khả năng nhìn xa trông rộng của Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (PV Power HHC). Ngay từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, Ban lãnh đạo PV Power HHC đã thực hiện cơ cấu tổ chức với tiêu chí gọn nhẹ, hiệu quả, đưa hơn 20 lượt cán bộ đi học tập kinh nghiệm vận hành. Bởi vậy, là một nhà máy thủy điện có công suất lên tới 180MW nhưng lượng nhân sự thường trực vận hành nhà máy chỉ khoảng hơn 20 người, chia làm 3 ca trực liên tục và một tổ dự bị. Công tác quản lý vận hành nhà máy được đánh giá đạt tiêu chuẩn vận hành các nhà máy hiện đại trên thế giới, nhân lực làm chủ công nghệ, xử lý các tình huống chuyên nghiệp.

Lãnh đạo PVN, PV Power kiểm tra tiến độ thi công Nhà máy Thủy điện Hủa Na - 2012

Mặc dù Thủy điện Hủa Na đã chính thức khánh thành từ tháng 9/2013 nhưng công tác hoàn thiện dự án, nghiệm thu vẫn đang nhanh chóng tiến hành. Đến nay, dự án đã thông qua 5 đợt kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và 3 đợt kiểm định chất lượng các hạng mục công trình của đơn vị kiểm định độc lập Viện Khoa học Thủy lợi. Toàn bộ các lần kiểm tra đều có kết luận chất lượng vật liệu đầu vào và bê tông kết cấu được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu thiết kế, hồ sơ pháp lý đầy đủ và đáp ứng yêu cầu về công tác đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT PV Power HHC cho biết: “Một thành tích nổi bật của Thủy điện Hủa Na trong năm 2013 đó là việc chính thức tham gia thị trường điện cạnh tranh vào ngày 1/11/2013. Được sự hỗ trợ tích cực và chỉ đạo kịp thời của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), PV Power HHC đã hoàn thiện bộ máy tổ chức, hệ thống quản lý, chất lượng và trải qua sự đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công ty mua bán điện nên chính thức trở thành một thành viên của thị trường điện cạnh tranh. Sự thành công này rất đúng thời điểm bởi tháng 11 là đầu mùa khô nên giá điện thị trường thuận lợi cho việc chào giá góp phần đạt doanh thu, lợi nhuận cao hơn trong năm 2014”.

Lắp đặt thành công tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Hủa Na ngày 20/10/2012

Song song với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và quản lý dự án, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh lao động phòng cháy nổ tại nhà máy được đặc biệt quan tâm và chú trọng. Một nhà máy lớn trên mặt bằng hàng chục ha và hàng trăm ha mặt hồ nên công tác an ninh, an toàn lao động là cực kỳ quan trọng. Thủy điện Hủa Na luôn duy trì chế độ trực ban 24/24 đối với tổ bảo vệ trên công trường, bố trí chốt chặn barie để kiểm tra, kiểm soát các loại phương tiện chuyên chở vật tư hàng hóa, tài sản  ra vào nhà máy, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, tết. Đồng thời chủ động phối hợp với Công an huyện Quế Phong, Công an xã Đồng Văn và Bộ đội Biên phòng để nắm chắc tình hình, có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo an ninh chính trị, an toàn nhà máy. Bởi vậy, năm 2013 cả nhà máy đã thực hiện hàng triệu giờ lao động an toàn, xây dựng nên một môi trường làm việc thân thiện, góp phần quan trọng để vận hành nhà máy hiệu quả cao.

Sức sống từ thủy điện Dầu khí

Về với Hủa Na trong khí thế bừng bừng của mùa xuân mới, không khó để nhận ra sự thay đổi lớn của vùng rừng sâu núi thẳm gần biên giới nước bạn Lào. Hơn 14 làng bản của người Thái trước đây heo hút rải rác trong rừng thẳm nay đã tụ hội và ngập tràn sức sống trong các khu tái định cư của Thủy điện Hủa Na. Tổng cộng 1.362 hộ dân thuộc 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ qua hơn 1 năm di dời ra khỏi vùng lòng hồ đã thực sự bám rễ, hòa mình vào cuộc sống mới. Những cánh đồng ngô, sắn mượt mà, xanh um đã qua vụ thu hoạch đầu tiên, những nếp nhà sàn ngói đỏ nằm xen kẽ trong những ngôi nhà sàn tái định cư bê tông kiên cố nằm yên bình trong những thung lũng đầy nắng vàng. 

Nhà sàn trong khu tái định cư Huội Quảng

Anh Vũ Đình Tuấn, Trưởng phòng Đền bù, hỗ trợ và tái định cư, người đã có thâm niên hơn 5 năm “cắm bản” trong cả vùng Hủa Na đầy tự hào cho biết: “Hiện nay, các hộ dân tái định cư theo Dự án Thủy điện Hủa Na vẫn đang nhận hỗ trợ lương thực, hỗ trợ về y tế, giáo dục, tiền sử dụng dầu thắp sáng, chất đốt để ổn định đời sống với mức hỗ trợ 30kg gạo một người. Với tiêu chí tạo những điều kiện tốt nhất cho môi trường sống của bà con, những trường mẫu giáo, tiểu học, trạm xá đã được cung cấp đầy đủ trang thiết bị. Ở Hủa Na bây giờ người lớn lên nương làm rẫy, xuống hồ bắt cá, tiếng trẻ nhỏ bi bô học chữ, chơi đùa trong sân trường làm các khu tái định cư rộn ràng một nhịp sống mới”.

Chúng tôi về thăm lại Mường Hinh, gặp lại cụ Lữ Văn Tính, một già làng trong khu tái định cư Mường Hinh, cụ đón chúng tôi ở cuối Bản. Cụ hồ hởi khoe: “Cuộc sống bà con trong khu tái định cư đã tương đối ổn rồi cán bộ ạ, năm nay lại ăn tết to nữa đấy. Cả bản hầu hết các gia đình đều đang làm nương vụ thứ hai kể từ khi được phân đất. Nhà tôi có hai ông bà già và 2 người con nên được phân tới hơn 1ha đất đồi ngay cạnh nhà nhưng chỉ có tôi và bà lão làm nương còn con gái đi dạy học, con trai thì đi làm trên thị trấn. Hôm nay cũng chỉ có mình tôi trông nhà thôi”. Từ cụ Tính, chúng tôi được biết nguồn nước của khu tái định cư đã cung cấp đủ cho nhu cầu sinh hoạt của các hộ dân của Mường Hinh. Sau khi ban quản lý phổ biến kiến thức, nhắc nhở nên ý thức của bà con trong việc giữ gìn vệ sinh 15 giếng nước dự phòng trong bản đã được nâng cao rõ rệt, không lo mùa khô phải đi xa mới lấy được nước như trước đây nữa.

Khu tái định cư Muồng Sai

Ngoài Mường Hinh, chúng tôi lần lượt vào thăm các khu tái định cư như Na Lướm, Huôi Chà La, Nậm Nui, Nậm Dừa, Khủn Na… có thể thấy đời sống của bà con đã đi vào ổn định. Thay vì chỉ biết đi rừng như trước, giờ đây nhà nhà chăm chỉ làm nương, phát rẫy, cùng các nghề mới như đánh cá, làm măng khô, làm vườn... Nhìn ánh mắt hồ hởi của những người làm thủy điện, chúng tôi hiểu được khát vọng của các anh về một tương lai tươi đẹp của Thủy điện Hủa Na cùng người dân vùng lòng hồ đã dần thành hiện thực.

T.C

DMCA.com Protection Status