Chiến lược công nghiệp hydro của Trung Quốc

14:00 | 15/02/2022

1,225 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trung Quốc hiện là nhà sản xuất hydro lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 25 triệu tấn mỗi năm, tương đương 1/4 sản lượng hydro toàn cầu. Phần lớn khối lượng hydro ở Trung Quốc được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.
Chiến lược công nghiệp hydro của Trung Quốc
CHN ENERGY là Chủ tịch của Liên minh Hydrogen Trung Quốc.

Tầm nhìn

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất hydro lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 25 triệu tấn mỗi năm, tương đương 1/4 sản lượng hydro toàn cầu. Phần lớn khối lượng hydro ở Trung Quốc được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch (60% từ than và 25% từ khí thiên nhiên) và hầu hết được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu và cơ sở hóa chất. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sản xuất và tiêu thụ hydro phát thải carbon thấp để giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng và thúc đẩy phát triển công nghiệp hydro, cũng như giải quyết các mối lo ngại về khí hậu. Đặc biệt, với cam kết trung hòa carbon vào năm 2060, chính quyền nước này đang cho thấy một sự phát triển có định hướng, giúp hỗ trợ chuyển đổi sản xuất hydro từ nhiên liệu hóa thạch sang NLTT, triển khai nhiều hơn xe chạy pin nhiên liệu và sử dụng hydro trong các lĩnh vực khó cắt giảm phát thải carbon.

Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa công bố chiến lược hydro quốc gia nhưng triển vọng nhu cầu hydro đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Một nhóm các nhà công nghiệp được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đã thành lập Liên minh Hydrogen Trung Quốc vào năm 2018. Liên minh này dự báo, nhu cầu hydro của Trung Quốc sẽ đạt 35 triệu tấn vào năm 2030 (chiếm ít nhất 5% nguồn cung năng lượng quốc gia) và 60 triệu tấn vào năm 2050 (chiếm 10% nguồn cung năng lượng). Bên cạnh đó, sản lượng hydro sản xuất từ NLTT ở Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 100 triệu tấn vào năm 2060, chiếm 20% mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng của đất nước.

Chi phí sản xuất hydro từ than vẫn ở mức thấp nhất tại Trung Quốc. Theo đó, sản xuất hydro từ than có chi phí chỉ bằng 1/2 so với hydro tái tạo. Bất lợi về chi phí đang cản trở phát triển hydro “xanh”, hiện chỉ chiếm 1,5% tổng nguồn cung hydro quốc gia. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc dường như ngày càng tập trung vào phát triển hydro “xanh”. Điều này cho thấy sự kết hợp tiềm năng giữa công nghệ lưu trữ năng lượng và hydro trong bối cảnh mở rộng nguồn cung cấp NLTT.

Là quốc gia có công suất phát điện tái tạo lớn nhất thế giới hiện nay, Trung Quốc có kế hoạch tăng gấp đôi công suất phát điện từ năng lượng mặt trời và gió từ gần 600 GW (2020) lên 1200 GW vào năm 2030. Việc gia tăng công suất lắp đặt NLTT giúp giảm nhanh chóng chi phí điện phân nước. Ví dụ, theo báo cáo của Hội đồng hydrogen toàn cầu, chi phí điện phân hiện nay ở Trung Quốc đã cạnh tranh được với công nghệ sản xuất carbon thấp như khí hóa than kết hợp thu gom và lưu trữ CO2. Bên cạnh đó, điện phân nước được đánh giá sẽ là công nghệ phát thải carbon thấp với chi phí sẽ ở mức thấp nhất tại Trung Quốc vào năm 2030.

Chiến lược

Vấn đề hydro nổi lên sau khi được đề cập trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (2021 - 2025) như một lĩnh vực đột phá và là một trong sáu ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển. Nhiều chính quyền địa phương và cơ quan chính quyền trung ương như Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia (NEA) cũng như các Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các chính sách hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế hydro, bao gồm phát triển tiêu chuẩn FCV và sản xuất, lưu trữ, vận chuyển hydro.

Trung Quốc dành chi tiêu quan trọng cho phát triển hydro, bao gồm cả nghiên cứu và phát triển (R&D). Vào cuối Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020), chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển công nghệ hydro của nước này đã tăng gấp 6 lần, lên hơn 600 triệu USD vào năm 2019. Ngoài ra, chương trình trợ cấp ở địa phương cũng sẵn có để hỗ trợ phát triển lĩnh vực pin nhiên liệu.

Hơn nữa, một số quỹ đã được thành lập để đầu tư vào phát triển và ứng dụng hydro, bao gồm cả Quỹ công nghiệp năng lượng hydro Sơn Tây vào năm 2021. Những người tham gia vào các quỹ này bao gồm doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, chính quyền địa phương và các tổ chức thương mại. Mặc dù ít phổ biến hơn, các dự án hydro cũng đã nhận được các khoản vay ngân hàng, trái phiếu và đầu tư tư nhân. Cuối cùng, trong khi châu Âu dẫn đầu về các công ty khởi nghiệp hydro thì Trung Quốc đang nổi lên như một nguồn cung cấp các công ty khởi nghiệp công nghệ hydro và đầu tư mạo hiểm để mở rộng quy mô.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước nổi lên như một động lực chính. Theo Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc, hơn 1/3 các doanh nghiệp nhà nước đang lập kế hoạch sản xuất, lưu trữ, phân phối và sử dụng hydro. Ví dụ, tập đoàn dầu khí Sinopec - một trong những công ty dầu khí hàng đầu Trung Quốc đã xây dựng 31 trạm tiếp nhiên liệu hydro ở 17 tỉnh, thành phố. Tập đoàn này đang theo đuổi mục tiêu trở thành nhà sản xuất hydro quốc gia lớn nhất với vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 4,6 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho các dự án sản xuất hydro từ điện mặt trời ở Tân Cương, sản xuất hydro từ năng lượng gió ở khu vực Nội Mông và sản xuất hydro từ năng lượng gió ngoài khơi ở tỉnh Phúc Kiến.

Bên cạnh Sinopec, Tập đoàn đầu tư điện lực quốc gia (State Power Investment Corp.) - chủ sở hữu tài sản tái tạo lớn nhất trên thế giới, không chỉ tham gia vào hoạt động kinh doanh nhiên liệu hydro mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng 10 GW công suất điện phân vào năm 2027. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia vào lĩnh vực hydro thì dường như bị hạn chế trong phát triển công suất điện phân.

Tiến Thắng