e magazine gia tang tru luong dau khi can khai thong diem nghen

Theo ước tính của các nhà khoa học địa chất, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng dầu thô 4,4 tỉ thùng (khoảng 750 triệu tấn), trong đó đã khai thác đưa vào sử dụng khoảng gần 450 triệu tấn. Trữ lượng khí khoảng hơn 730 tỉ m3, hiện đã khai thác trên 170 tỉ m3. Trữ lượng dầu khí còn lại không nhiều, nhưng phần lớn nằm ở đâu đó dưới thềm lục địa, mỗi năm chúng ta phải bỏ rất nhiều chi phí để đầu tư cho việc tìm kiếm, xác định vị trí, sản lượng có thể khai thác trong tương lai - việc đó thường được gọi là gia tăng trữ lượng.

Số liệu mới nhất được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công bố, hệ số gia tăng trữ lượng dầu khí bù trừ vào sản lượng khai thác của Việt Nam đang ở mức báo động (0,63 lần), kể từ năm 2016 đến nay. Nguyên nhân cơ bản là đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò giảm 5 lần so với giai đoạn 2011-2015 - giai đoạn hệ số gia tăng trữ lượng đạt 1,5 lần, nghĩa là khai thác 1 thì tìm kiếm thăm dò thêm 1,5, mức an toàn cho phát triển ngành Dầu khí. Để đạt được hệ số đó hiện là thách thức vô cùng lớn vì tiềm năng dầu khí còn lại được đánh giá tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, đòi hỏi đầu tư lớn, rủi ro cao.

Hiện tượng này được các nhà quản lý đánh giá là đang “ăn” vào tương lai, hay “tiêu” lạm vào dự trữ. Nếu như việc tìm kiếm, thăm dò bị chững lại thì mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí khó đạt được, đồng nghĩa với an ninh năng lượng quốc gia bị đe dọa, trong khi an ninh năng lượng là cơ sở để duy trì an ninh lương thực, an ninh tài chính.

Ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đặt ra mục tiêu quan trọng là phải gia tăng trữ lượng dầu khí.

e magazine gia tang tru luong dau khi can khai thong diem nghen

Ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó một lần nữa chỉ rõ định hướng cũng như mục tiêu phát triển ngành Dầu khí nước nhà: “Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót cận biên. Rà soát, có chiến lược chủ động và hiệu quả trong hợp tác về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài...”.

Làm thế nào để đạt được mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí trong hiện tại và tương lai là vấn đề sống còn, hệ trọng của an ninh năng lượng quốc gia, sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

“Điểm nghẽn” chính đã được xác định là cơ chế đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng. Tại những hội thảo quốc gia gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã khẳng định bài toán tài chính, đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò hiện chưa có lời giải.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thời gian qua đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm đưa Nghị quyết số 41 vào thực tế cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ những tháng cuối năm 2015 đến nay, việc tuyên truyền, quán triệt, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động Dầu khí thực hiện tốt nhất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 41 được thường xuyên triển khai nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ban hành chương trình, quy hoạch, kế hoạch hành động cụ thể đến từng tổ chức, doanh nghiệp trong toàn hệ thống. Song song với đó là tập trung chỉ đạo các đơn vị đưa ra những giải pháp tối ưu hóa về tổ chức, quản trị, quản lý tài chính, kinh tế kỹ thuật… để nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác; kịp thời nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị các cơ chế để thúc đẩy hơn nữa công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí.

Nhìn lại để thấy, Nghị quyết 41 đã chỉ rõ, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí, trong đó quy định rõ về hoạt động dầu khí từ thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển dầu khí trong nước tại những vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm.

e magazine gia tang tru luong dau khi can khai thong diem nghen

Bên cạnh đó, Nghị quyết 41 cũng yêu cầu phải xây dựng hành lang pháp luật đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhất là về quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; về cơ chế đầu tư ra nước ngoài; về công tác tự tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc thù trong nội bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn bảo đảm vận hành đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; nghiên cứu phát triển các tổng công ty, công ty chuyên ngành trong lĩnh vực cốt lõi và các lĩnh vực chính đủ mạnh để có thể chủ động, tự thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Nhưng sau 4 năm, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 41 đặt ra vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng vì chưa có các giải pháp, chính sách cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu của ngành Dầu khí.

Nghị quyết số 55 đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém, trong đó nhấn mạnh: Quy định pháp luật của ngành năng lượng nói chung và từng phân ngành nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu thống nhất, chưa bảo đảm tính tương thích với pháp luật quốc tế.

e magazine gia tang tru luong dau khi can khai thong diem nghen

Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa thúc đẩy việc xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh. Chính sách về đầu tư phát triển, quản lý tài nguyên năng lượng còn thiếu, chưa đồng bộ.

Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết số 55 tiếp tục khẳng định phải sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về dầu khí. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Ngành Dầu khí nói chung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng, cần huy động tối đa mọi nguồn lực, tập trung hoàn thành mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030). Theo đó, đến năm 2030, ngành Dầu khí cung cấp khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi, đến năm 2045 khoảng 320-350 triệu tấn dầu quy đổi.

Để Nghị quyết 55 và Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, “dòng chảy năng lượng” cần phải được khai thông từ đầu nguồn, một trong những đầu nguồn đó là gia tăng trữ lượng dầu khí. Rào cản ở đâu? Ai có trách nhiệm tháo gỡ? Khi nào hoàn thành?

Được biết, câu trả lời phần lớn nằm ở các cơ quan quản lý nhà nước.

Người viết xin thống kê những vấn đề được coi là “điểm nghẽn” mà trong thời gian qua đã nhiều lần được đề cập tại các hội thảo quốc gia, trong các văn bản kiến nghị, đề xuất của ngành năng lượng và dầu khí.

Thách thức lớn nhất là hiện nay là Quy chế quản lý tài chính của Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (bao gồm cả quy định về trích lập Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí) vẫn chưa được phê duyệt. Cơ chế tài chính cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí còn nhiều vướng mắc, chồng chéo. Việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nhiều rủi ro và rất tốn kém này cũng bị vướng rất lớn bởi các chính sách trước đây đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Một cơ chế tài chính đặc thù cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí là rất cần thiết nhằm tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, nhà thầu quốc tế. Tỷ lệ lãi dầu khí nước chủ nhà từ các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, lợi nhuận từ hoạt động hằng năm của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) và phần thu từ cổ phần hóa và thoái vốn tại các công ty con cũng cần để lại với tỷ lệ hợp lý nhằm tạo nguồn vốn tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Hiện nay, việc triển khai các dự án đầu tư tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau (Luật Dầu khí, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng...). Rào cản về thể chế, chính sách pháp luật còn nhiều hạn chế, thiếu thống nhất, chưa bảo đảm tính tương thích với pháp luật quốc tế là những bất cập tạo thành trở lực lớn đối với hoạt động của ngành Dầu khí nói chung và hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí nói riêng. Đặc biệt, nhiều nội dung trong Luật Dầu khí và một số luật khác cũng như văn bản dưới luật, quy chế, quy định về đầu tư không còn phù hợp với thực tiễn, thậm chí xung đột với nhau. Những quy định về Hợp đồng dầu khí hiện hành (ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22-4-2013 của Chính phủ) kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực, không thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

e magazine gia tang tru luong dau khi can khai thong diem nghen

Trữ lượng dầu khí trong nước còn lại phần lớn là những mỏ nhỏ, mỏ cận biên, mỏ ở xa hạ tầng cơ sở, ở vùng nước sâu, xa bờ, điều kiện địa chất phức tạp, đầu tư tốn kém, rủi ro cao. Việc phát triển, khai thác các mỏ nhỏ, cận biên được xem là một trong các giải pháp hạn chế mức độ suy giảm sản lượng, nhưng cần phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật, quản lý kinh tế để nâng cao hiệu quả dự án và đặc biệt phải có cơ chế, chính sách phù hợp với những đối tượng này.

Và cuối cùng, cần có sự thay đổi mạnh hơn trong việc phân cấp, phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý, tách bạch giữa quản lý Nhà nước tầm vĩ mô và quản lý doanh nghiệp, giảm bớt các đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho các nhà thầu, nhà đầu tư, tạo biên độ mở để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài.

Những giải pháp được áp dụng trên thực tế trong thời gian qua mới chỉ là tháo gỡ phần ngọn của vấn đề. Đường lối của Đảng đã rõ ràng, nhưng thể chế, chính sách, phần gốc rễ, điều kiện để giải bài toán tài chính, đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí cần phải được sớm hoàn thiện để Nghị quyết số 55 và Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị có thể thực sự trở thành định hướng mang tính bước ngoặt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

e magazine gia tang tru luong dau khi can khai thong diem nghen

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tư cách là công ty dầu khí quốc gia được tiến hành các hoạt động dầu khí và ký kết hợp đồng dầu khí với tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí theo quy định của pháp luật. Và chiếu theo “quy định của pháp luật” thì hầu hết các dự án, công trình trọng điểm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều phải được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phê duyệt. Thẩm quyền quyết định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hết sức hạn hẹp.

Thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về việc cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động dầu khí. Tuy nhiên, câu trả lời dường như còn để ngỏ, trông đợi sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng quy mô toàn cầu như hiện nay; trong tình trạng dư cung dầu mỏ tăng, giá dầu thế giới xuống thấp, nguồn vốn đầu tư cho tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng càng eo hẹp, khó thu xếp... Trong khi chờ đợi sự hoàn thiện về thể chế, để ngành Dầu khí Việt Nam có thể chủ động ứng phó, đảm bảo duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như mục tiêu kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu khí, rất cần những giải pháp “đặc biệt” cho tình huống “đặc biệt”, những quyết sách mạnh mẽ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành.

Nguyễn Tiến Dũng

Thiết kế: Quang Huy