Giải pháp gỡ khó cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

14:45 | 19/10/2021

359 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tọa đàm "Giải pháp gỡ khó cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" do báo điện tử Dân trí tổ chức sáng nay đã giải đáp, tư vấn, chia sẻ nhiều vấn đề về chính sách, việc làm cho người lao động.
Giải pháp gỡ khó cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Toàn czảnh buổi tọa đàm

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục gia tăng

Trong bối cảnh thị trường lao động cả nước đang phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, thị trường lao động Hà Nội, một trong những thị trường lao động lớn của cả nước cũng không ngoại lệ. Kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng ở nhiều ngành nghề không thiết yếu giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng…

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, riêng tại Hà Nội, thị trường lao động phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới 20-30% công suất, do phải đảm bảo công tác giãn cách xã hội và không nằm trong các lĩnh vực thiết yếu. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi việc cung ứng hàng hóa gặp nhiều hạn chế.

Người lao động có việc làm ở Hà Nội tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ rất cao phải nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, không đảm bảo điều kiện làm việc… Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục gia tăng, kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận người lao động mất việc phải rời khỏi thị trường.

Một nguy cơ nữa chính là tình trạng gián đoạn kết nối cung - cầu. Tính đến tháng 9, nhiều dịch vụ không thiết yếu đã bắt đầu trở lại, thị trường khôi phục dần nhưng vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, đó là việc thiếu hụt lao động bởi một lượng lớn người lao động đã về quê, cũng như nhiều học sinh sinh viên đã rời thành phố...

Kịch bản nào cho thị trường lao động

Liên quan đến Nghị định 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ; những lưu ý để người lao động có thể trở lại thị trường sau khi nới lỏng giãn cách, trở về trạng thái bình thường mới, Luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn những diễn biến phức tạp, Việt Nam đã có sự chuyển hướng tích cực trong cách thức tiếp cận và ứng phó với đại dịch, tiến hành khoanh vùng, dập dịch tại những nơi có dịch.

Giải pháp gỡ khó cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Đồng thời, các cơ quan đã hỗ trợ và tích cực triển khai phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho lao động có việc làm đảm bảo nguồn thu nhập. Nên về cơ bản, lao động Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm đã có những tín hiệu tích cực hơn so với năm 2020. Đây là những cơ sở vững chắc để chúng ta tin vào tương lai gần chúng ta sẽ chặn đứng đại dịch Covid-19. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường lao động việc làm sẽ thêm gam màu sáng hơn.

Có thể lấy ví dụ một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh... đã khoanh vùng dập dịch, qua cơn bão dịch và người lao động đã bắt đầu trở lại làm việc với những chính sách ưu đãi của doanh nghiệp để phát triển sản xuất song song với phòng, chống dịch trong thời kỳ mới.

Những địa phương, thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp, ngành nghề dịch vụ như Hà Nội, TP HCM đều đã có các kịch bản cho lao động có việc làm, duy trì sản xuất.

Đối với kịch bản thứ nhất: Tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội; các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…); khu vực công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng…).

Lúc này, xu hướng việc làm tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: kinh doanh thương mại; công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông; dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế; dệt may - da giày; marketing; chế biến lương thực - thực phẩm; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; hành chính văn phòng; tài chính - tín dụng - ngân hàng; kế toán - kiểm toán…

Kịch bản 2: Trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực, tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội và với việc triển khai tiêm chủng vắc xin và kiểm soát dịch tễ tốt, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021 (đặc biệt khi đây cũng là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ Tết) thì sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc.

Tuy nhiên, khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch), khu vực công nghiệp (ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ) vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất - nhập) bị gián đoạn.

Xu hướng việc làm tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: kinh doanh thương mại; công nghệ thông tin - điện tử; dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế; dệt may - da giày; marketing; chế biến lương thực - thực phẩm; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; du lịch - lưu trú và ăn uống… Như vậy, theo bà Thu, người lao động cần phải theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh nói chung và định hướng trước công việc dựa trên hai kịch bản hoặc có thể chuyển hướng việc làm để đảm bảo thu nhập và cuộc sống.

"Dự báo, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ khắt khe hơn rất nhiều so với trước đây, để xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển đồng thời, yêu cầu đối với công tác tuyển dụng nhân sự cũng cao hơn cả về trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề và thái độ làm việc", Luật sư Phạm Thị Thu nhận định.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, Luật sư Phạm Thị Thu cho biết: Đối với trường hợp người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phòng chống dịch Covid-19 thì sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều kiện áp dụng cho trường hợp này phải đáp ứng 2 điều kiện. Cụ thể, đối với nhóm đối với người lao động ngừng việc, được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019; Thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Điều kiện thứ 2 để được hưởng chính sách hỗ trợ này là đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước đó, kể từ thời điểm mà người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương.

Triển khai nhiều nhóm giải pháp ưu tiên

Chia sẻ về những nhóm giải pháp được ưu tiên phục hồi thị trường lao động trong tình hình mới. Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Việc làm Hà Nội, trước hết cần triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, TP Hà Nội. Khi chúng ta đã tạo được môi trường chống dịch tốt thì sẽ mang lại được tín hiệu tích cực cho thị trường.

Giải pháp gỡ khó cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Tiếp đến là áp dụng các nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch: tiêm vắc xin miễn dịch cộng đồng; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; thêm chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá sinh hoạt; chính sách đảm bảo an sinh cho lao động ngoại tỉnh…

Thứ hai là các giải pháp để làm cơ sở cho phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội: cần có chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là lao động không có việc làm, bổ sung nguồn vốn vay đối với tổ chức, cá nhân đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó cần nhanh chóng thiết lập thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch về lao động. Đồng thời, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động như thu thập dữ liệu, kết nối người lao động và cơ sở sử dụng lao động.

Từ dữ liệu có thể đánh giá được cơ cấu ngành nghề và có hướng dịch chuyển trong công tác đào tạo nghề cho phù hợp hơn với thời đại mới, hỗ trợ tốt hơn cho người sử dụng và người lao động. Mặt khác, cần tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm rút ngắn thời gian tìm việc, tuyển dụng của người lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Minh Châu