Người 'giữ lửa' ở Biển Đông

Nơi đầu sóng ngọn gió, có những người lính không quân hàm lặng lẽ “giữ lửa” giữa trùng khơi. Các anh sống giữa máy móc, ngủ cạnh tiếng rền động cơ, làm việc hằng ngày với áp suất và áp lực thời gian. Đó là những người thợ, những người k¬ sư dầu khí ngày đêm miệt mài giữ cho giàn không tắt, cho dòng khí không dừng, cho đất liền không thiếu lửa.

Trong cuộc đời làm nghề của người kỹ sư dầu khí, có lẽ ai cũng đều ít nhất một lần trải qua khoảnh khắc chống chếnh trên khoang trực thăng giữa Biển Đông, từng tiếng gió rít qua tai khiến người ta không nhớ nổi tên mình. Đêm 25-12-2017 chính là một đêm như vậy. Trời tối đen như mực, bầu không khí căng như dây đàn trên giàn PQP Hải Thạch - nơi cách đất liền đến hơn 320km. Tin bão Tembin được báo về từ sớm, nhưng sức gió lên tới cấp 13 (giật trên 130 km/giờ), tiệm cận giới hạn cho phép của bay cứu hộ. Trên giàn lúc ấy còn 19 người. Cấp trên yêu cầu phải di tản toàn bộ trước 0 giờ. Không còn nhiều thời gian để phân vân.

Lý Văn Dao - Trưởng phòng Vận hành Khai thác, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) - lúc ấy đang chỉ huy trực tiếp từ bờ. Lệnh dừng giàn, xả áp, chằng buộc thiết bị được đưa ra ngay trong buổi chiều. Mỗi thao tác đều là ranh giới giữa an toàn và sự cố. Máy bay cất cánh trong điều kiện mưa lớn, gió quất, biển động kinh hoàng giữa đêm đen đặc quánh. Tất cả chỉ biết cầu nguyện. Đến gần nửa đêm, khi trực thăng hạ cánh an toàn, anh mới thở phào. 19 người - không ai thiếu mặt.

Anh Dao kể lại câu chuyện ấy như một phần ký ức khó quên: “Chuyện đã lâu rồi. Nhưng lần đó đúng là... căng thật. Tôi nhớ nhất là lúc đứng trước bản đồ giàn mà nghĩ: mình phải chọn cách ít rủi ro nhất, chứ không có cách an toàn tuyệt đối”.

Nhiều năm làm nghề, kỹ sư Lý Văn Dao đã trải qua không ít tình huống “mất ăn mất ngủ”. Nhưng bão Tembin là một bước ngoặt, không chỉ vì độ hiểm nguy, mà bởi sau đó, anh càng hiểu rõ hơn: làm kỹ sư giàn khoan không chỉ là hiểu thiết bị, tính toán sản lượng hay kiểm tra áp suất. Đó còn là nghề của những quyết định - và đôi khi, quyết định ấy gắn với sinh mệnh người khác.

Lý Văn Dao sinh năm 1969, quê gốc Hưng Yên, lớn lên giữa những ngày đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, cả nước còn khó khăn. Lúc ấy, chọn học ngành khoan - khai thác dầu khí không phải là sự lựa chọn dễ dàng. Anh cũng chẳng mơ mộng lương cao hay danh vọng, đơn giản chỉ là thích kỹ thuật, thích máy móc, thích những gì đang còn là ẩn số dưới lòng đất.

Vào nghề từ những ngày đầu tiên BIENDONG POC còn đang hoàn thiện hệ thống, anh Dao gắn bó với cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh từ thời còn chưa có dòng khí đầu tiên. Hơn 14 năm ở một vị trí, một dự án, nhiều người cho là nhàm chán, nhưng với anh thì khác. Mỗi ngày lên giàn, mỗi lần quay lại sơ đồ giếng, anh đều thấy có điều gì đó mới cần hiểu rõ hơn. “Giàn có hàng nghìn thiết bị. Một thiết bị mà dừng, có thể cả giàn phải dừng theo. Làm nghề này, cẩn trọng không chỉ là nguyên tắc nghề nghiệp - mà còn là điều kiện sống còn”, anh nói.

Người 'giữ lửa' ở Biển Đông

Nghề vận hành khai thác dầu khí không cho phép người kỹ sư có một đêm ngủ yên. Như đợt tháng 9-2023, khi phát hiện có hiện tượng sinh cát tại một số giếng ở mỏ Hải Thạch. Đó là một tình huống khó, rất khó - vì toàn bộ hệ thống công nghệ lúc thiết kế không tính tới yếu tố cát. Cát không chỉ gây tắc nghẽn, mà còn có thể mài mòn thiết bị, ảnh hưởng đến toàn vẹn hệ thống. Kinh nghiệm trong nước thì ít, điều kiện địa chất của mỏ lại quá đặc thù nên không thể bê nguyên mô hình ở đâu về áp dụng. “Mỗi mỏ khí là một bài toán riêng, không ai giải hộ mình được”, Lý Văn Dao nói.

Mỗi ngày trì hoãn là một rủi ro cho thiết bị, một hao hụt cho sản lượng. Hiểu rõ điều này, cho nên, thay vì báo cáo tình hình rồi chờ chỉ đạo từ cấp trên, Lý Văn Dao chọn cách chủ động tổ chức các buổi họp kỹ thuật ngay tại phòng vận hành.

Trong lúc bàn bạc tìm cách định lượng lượng cát sinh ra từ giếng, anh em trong phòng đưa ra một ý tưởng nghe có vẻ đơn giản: sử dụng chính bình đo hiện có trên giàn để hứng cát, sau đó dừng dòng chảy, rửa sạch và cân lượng cát thu được. Đây là phương án thủ công, nhưng là cách khả thi duy nhất vào thời điểm đó, khi mà thiết bị chuyên dụng không có sẵn, phải mất ít nhất 6 tháng để nhập khẩu và làm thủ tục.

Ý tưởng đó ban đầu khiến không ít người nghi ngờ. Nhưng sau thử nghiệm thành công ở một giếng, phương pháp này nhanh chóng được chuẩn hóa thành quy trình áp dụng cho toàn cụm mỏ. Tính ra, sáng kiến này đã giúp BIENDONG POC tiết kiệm hơn 3 triệu USD. Nhưng với Lý Văn Dao, điều quan trọng nhất chưa phải là con số ấy, mà là việc đội ngũ đã giữ được thế chủ động trong một tình huống chưa từng có tiền lệ.

Một sáng kiến khác, không kém phần quyết liệt, là giải pháp tận thu các giếng đã ngừng phun - điều mà trước đây gần như luôn bị xếp vào nhóm “vô phương cứu chữa”. Thay vì chấp nhận “bỏ giếng” hoặc tốn hàng triệu USD để đầu tư hệ thống mới, Lý Văn Dao cùng anh em nghiên cứu, đề xuất một cách làm gọn gàng: hạ áp suất bình đo, tận dụng chính hạ tầng sẵn có trên giàn Hải Thạch để kéo lưu lượng còn sót lại trong giếng về bờ.

Người 'giữ lửa' ở Biển Đông

Sáng kiến này - nghe thì đơn giản - nhưng lại làm lợi tới hơn 14,8 triệu USD, đồng thời khai thác thêm một lượng khí và condensate không nhỏ mà lẽ ra đã bị lãng phí. Ở thời điểm thiết bị đã cũ, mỏ bước vào giai đoạn suy giảm, thì tận thu - dù chỉ một phần nhỏ - cũng là cách để giãn tuổi thọ mỏ, giảm áp lực lên hệ thống và tránh lãng phí tài nguyên. Với anh Dao, chuyện đó không chỉ là tiết kiệm chi phí, mà còn là giữ lại từng giọt giá trị trong cái nghề vốn chẳng có chỗ cho dư thừa.

Những sáng kiến ra đời không phải ngẫu nhiên mà có, mà từ bức bối của thực tiễn - khi bài toán cần lời giải sớm nhất có thể để không lãng phí bất cứ giây phút hoạt động nào của cụm mỏ. Điểm chung của những sáng kiến không nằm ở độ hoành tráng, mà ở hiệu quả - thiết thực, tiết kiệm và hoàn toàn có thể nhân rộng. Đó cũng là cách Lý Văn Dao và đội ngũ của mình chọn để đối diện với những vấn đề mới: không né tránh, không trì hoãn, mà đối mặt bằng tư duy cải tiến.

Gần đây, anh cùng đội ngũ cũng đang thử nghiệm áp dụng các công cụ số vào vận hành - từ quản lý vật tư, giám sát thiết bị, tới phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Tự nhận không nhanh nhạy công nghệ bằng lớp trẻ, nhưng anh bảo: “Biết chọn đúng người và đặt họ vào đúng việc cũng là một phần của chuyển đổi số”. Việc gì có thể rút ngắn thời gian thao tác, giảm lỗi, nâng hiệu quả là anh muốn làm.

Người 'giữ lửa' ở Biển Đông

Đặt mình giữa biển, giữa một cụm giàn với hàng nghìn thiết bị và hàng triệu áp lực từ sản lượng, vận hành đến an toàn, Lý Văn Dao không chỉ là người đứng đầu phòng vận hành khai thác, anh còn là người “giữ lửa” cho một chi bộ đặc biệt - nơi mà hơn một nửa đảng viên quanh năm công tác ngoài khơi.

Để ý kỹ sẽ thấy, trong tay Lý Văn Dao không bao giờ rời điện thoại, nhất là trong những thời điểm công việc ngoài giàn đang gặp vấn đề. Không ít lần anh là người cuối cùng tắt đèn ở văn phòng, vì chưa yên tâm với phương án khắc phục. Cũng có khi, chỉ để chắc chắn một dòng dữ liệu bất thường là do cảm biến lỗi, không phải rò rỉ áp suất thật.

Điều khiến anh luôn giữ được sự tận tụy ấy, là vì anh biết rằng, ngoài giàn, các đồng nghiệp vẫn đang chờ tín hiệu từ bờ. Với anh, người đứng đầu một tập thể không chỉ là người biết xử lý sự cố, mà còn là người giữ được sự kết nối, để anh em ngoài khơi luôn cảm thấy có người đồng hành. Và đôi khi, chỉ một cuộc gọi đúng lúc, một câu phản hồi chắc chắn, cũng đủ để tiếp thêm niềm tin giữa cơn sóng gió.

Những chia sẻ hết sức “đời” của Lý Văn Dao khiến chúng tôi thấy được một điều, anh không chỉ là một người kỹ sư “hiểu” máy móc, mà còn là người lãnh đạo hiểu con người - nhất là khi làm việc trong một tập thể mà mỗi quyết định đều phải được đồng thuận, không thể áp đặt mệnh lệnh. Anh cũng không thích dùng từ “lãnh đạo” khi nói về mình. Anh nói mình “chỉ là người được giao trách nhiệm đứng đầu một tập thể”. Nhưng từ cách anh nói chuyện, cách anh mô tả các phương án xử lý sự cố, điều độ bảo dưỡng, tổ chức sản xuất theo ca kíp… khiến chúng tôi tin rằng: anh không chỉ là người “đứng đầu”, mà còn là người “đứng đằng sau” anh em mỗi khi có sự cố và “đứng bên cạnh” họ mỗi khi đưa ra một quyết định khó.

Người 'giữ lửa' ở Biển Đông

Mỗi năm, lại thêm một dạng khó khăn mới xuất hiện mà không có lời giải sẵn. Lúc thì suy giảm áp suất, khi thì ngập nước, rồi sinh cát. Đó là thực tế của mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh khi bước vào giai đoạn suy giảm. Nhưng như Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Từ suy nghĩ ấy, người Bí thư chi bộ đã chọn cách gắn hoạt động của Đảng với chính công việc sản xuất. “Ngay từ khi kế hoạch vận hành được duyệt vào cuối năm trước, tôi đã huy động anh em trong phòng - đặc biệt là đảng viên - cùng nhau bàn thảo phương án triển khai. Không ai đứng ngoài. Càng nhiều người tham gia từ sớm, kế hoạch càng khả thi, càng sát thực tiễn”.

Không triết lý cao siêu, anh học theo Bác từ những điều nhỏ nhất. “Tôi học từ chuyện tập thể dục đều đặn, làm việc có kỷ luật, tiết kiệm, đúng giờ, quan tâm tới người khác. Trong họp hành, tôi đặt nguyên tắc: đúng giờ là sớm 5 phút, họp ngắn, bàn đúng việc. Không dài dòng, không vòng vo. Họp ít, làm nhiều - đấy là cách tiết kiệm thời gian tốt nhất”.

Chính cách làm đó đã tạo ra văn hóa làm việc nghiêm túc, mạch lạc và hiệu quả trong một môi trường mà mỗi quyết định kỹ thuật có thể ảnh hưởng tới hàng chục con người, hàng triệu USD sản lượng. Đảng viên trong chi bộ vì thế cũng dần trở thành nòng cốt trong các tổ kỹ thuật, vận hành, bảo dưỡng. Không phải vì cấp bậc, mà vì thói quen làm trước - nói sau.

Người 'giữ lửa' ở Biển Đông

Khi sinh cát xuất hiện hồi tháng 9-2023, cũng là giai đoạn rất bế tắc. Đó là lúc phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” được anh áp dụng đúng nghĩa. Anh huy động đảng viên trong chi bộ - người giỏi ngoại ngữ thì nghiên cứu tài liệu quốc tế, người giỏi thực địa thì phân tích số liệu vận hành, tình trạng thiết bị, tốc độ mài mòn…, người có kinh nghiệm thì góp ý giải pháp. “Làm người đứng đầu là phải biết truyền năng lượng, chứ không phải ra mệnh lệnh. Ai cũng có phần việc của mình trong quá trình tìm ra một giải pháp chung. Đó mới là sức mạnh tập thể”, Lý Văn Dao khẳng định.

Nhưng vai trò của người đảng viên không chỉ dừng ở chuyện kỹ thuật. Có lúc, anh phải đối mặt với mâu thuẫn giữa hiệu quả kinh tế và nguyên tắc tổ chức Đảng. Như chuyện tổ chức đại hội chi bộ - theo quy định, phải có ít nhất 75% đảng viên tham dự trực tiếp. Nhưng chi bộ có hơn một nửa đảng viên làm việc ngoài biển. Muốn đủ tỷ lệ, chỉ có hai cách: hoặc thuê trực thăng đưa đảng viên vào bờ - tốn chi phí không ít hoặc cách khác là điều chỉnh lịch đổi ca.

“Tôi chọn cách hai. Cho đổi ca sớm hoặc muộn một chút để đủ tỷ lệ. Ảnh hưởng sản xuất là có, nhưng ít hơn nhiều so với phương án bay bờ. Quan trọng là mình giữ được nguyên tắc Đảng, mà vẫn không phá vỡ dòng chảy sản xuất”, anh kể. Và từ những trải nghiệm thực tiễn ấy, anh tin rằng trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng phát triển, một số quy định tổ chức sinh hoạt Đảng có thể được nghiên cứu, cập nhật linh hoạt hơn, để phù hợp với đặc thù của những ngành nghề như khai thác dầu khí - nơi người lao động thường xuyên bám giàn, bám biển, xa đất liền quanh năm.

Người 'giữ lửa' ở Biển Đông

Khi chúng tôi hỏi, điều gì làm nên phẩm chất khác biệt của một đảng viên giữa biển khơi, anh chỉ nói một từ: “Cống hiến”. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”, anh nhắc lại câu hỏi như một lời khẳng định. Với anh, ngoài khơi, kỹ sư dầu khí tuy không mang quân hàm nhưng vẫn là những người chiến sĩ. Không chỉ là người vận hành giàn khoan - mà còn là người đang góp phần bảo vệ an ninh biển đảo Tổ quốc. Tinh thần cống hiến của một đảng viên nơi đây, vì thế, không chỉ là trách nhiệm công việc, mà còn là một sứ mệnh hết sức lớn lao.

Nội dung : Trúc Lâm

Đồ họa: Quang Huy