![]() |
Bài thơ “Trái tim ngọn lửa” của anh Nguyễn Thành Hưởng - Trưởng ban Quản trị rủi ro Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) vừa được một nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn khá nổi tiếng quê Lệ Thủy (Quảng Bình) phổ nhạc. Khi hay tin, tôi liền đến tận nơi để tìm hiểu điều bất ngờ, thú vị này. |
Trước hết, bài thơ “Trái tim ngọn lửa” lần đầu tiên được đăng trên Tạp chí điện tử PetroTimes vào dịp 30-4-2024, nay xin được giới thiệu lại với bạn đọc: |
TRÁI TIM NGỌN LỬA Khi chiếc xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập một cánh cửa mở tung bao cánh cửa người dầu khí sẽ cùng nhau kể mãi khoảng mở bây giờ cho tới cả tương lai Như tiếng trống thúc giục ta ra trận như nhịp chân vượt những gian nan trái tim đập ngày đêm không suy nghĩ không đắn đo không ngơi nghỉ bao giờ Một ngọn đuốc rồi ngàn ngọn đuốc trái tim hồng rực cháy những ước mơ biển Việt Nam Dầu khí của Việt Nam đuốc trái tim thắp đuốc vỉa dầu Ngày lại ngày cùng mặt trời đỏ thắm trong ngực ta sẵn một mặt trời cả đội ngũ ngời ngời ánh sáng một vầng dương ngàn vạn vầng dương Đêm trên biển thao thức cùng tiếng sóng nghe nhịp tim trong những nhịp tim xin niêm yết tình - yêu - ngọn - lửa trái tim người Dầu khí Việt Nam. |
Theo anh Nguyễn Thành Hưởng, bài thơ được hoàn thành trên một chuyến xe buýt ra sân bay Nội Bài. Đơn giản vì người cán bộ dầu khí rất ít có thời gian thảnh thơi, nên khi ngồi trên xe, chứng kiến không khí vui tươi phấn khởi của Thủ đô chào mừng kỷ niệm chiến thắng 30-4 nên chất thi sĩ trong anh bỗng dâng trào. Anh miên man liên tưởng tới hình ảnh Petrovietnam với những ngọn lửa trên các giàn khoan trên biển, bồi hồi nhớ lại xúc cảm khi nghe nhịp tim mình trong những đêm biển lặng. Tất cả cùng dồn dập kéo về để anh viết một mạch bài thơ “Trái tim ngọn lửa”. Và khi vừa gõ xong bài thơ trên điện thoại, anh liền gửi tới Tạp chí điện tử PetroTimes như một lời chúc mừng đất nước, Tập đoàn bước vào một giai đoạn mới, sự chuyển mình của dân tộc. Ngồi nghe anh Hưởng kể lại hoàn cảnh ra đời của bài thơ, tôi đã phần nào cảm nhận rằng người thi sĩ đúng là “khác thường”. Tình cảm và lý trí đan xen nhau, lắng đọng qua hàng chục năm như một hạt giống chỉ chờ thời cơ là nảy mầm, góp thêm màu xanh cho đời. Dù đã hiểu được đôi chút, nhưng tôi vẫn cắc cớ hỏi anh rằng, dầu khí dường như chẳng liên quan gì đến chuyện xe tăng húc đổ cửa Dinh Độc Lập cả? Nghe vậy, anh Hưởng cười phá lên bảo, đó là hình ảnh ấn tượng giống như một cuốn phim tài liệu (ký ức ngược dòng) được quay ngược trở lại về lịch sử đất nước ta. Hình ảnh đó là biểu trưng sống động cho mốc thời gian đất nước ta chấm dứt chiến tranh sau 30 năm đằng đẵng. Chiến tranh kết thúc và mở ra những khởi đầu mới. Cánh cổng Dinh Độc Lập sập xuống nhưng “nhiều cánh cửa” mới cho đất nước, trong đó có cánh cửa dầu khí, đã mở ra một không gian phát triển mới cùng xây dựng và phát triển Tổ quốc cho đến ngày hôm nay. Anh Hưởng bộc bạch: Còn hình ảnh “trái tim ngọn lửa” là ký ức trong thời gian làm việc trên các tàu dịch vụ và giàn khoan ngoài khơi. Nhiều khi tôi mường tượng trái tim như ngọn lửa, như đuốc lửa nơi giàn khoan. Có những đêm biển lặng, tôi nằm thao thức nghe được cả nhịp đập của trái tim mình. Rồi nhiều đồng chí, đồng đội, những người đang mang tinh thần “một đội ngũ - một mục tiêu”, như có một sợi dây liên kết, chúng tôi thắp lên những ngọn lửa từ trái tim dưới sự chỉ đạo của Đảng để thực hiện nhiệm vụ lớn bảo đảm an ninh năng lượng, làm giàu cho đất nước. Những lúc ấy, bên tai tôi như vang mãi giai điệu “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam… (PV - ca khúc “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng). |
![]() |
Sau những giây phút bồi hồi xúc động, anh Nguyễn Thành Hưởng cho tôi số điện thoại của nhạc sĩ Trần Khởi, người phổ nhạc bài thơ “Trái tim ngọn lửa”. Được biết nhạc sĩ Trần Khởi không chỉ làm nhạc, ông còn là một nhà thơ, nhà văn rất nổi tiếng quê ở Lệ Thủy (Quảng Bình), là một sĩ quan tình báo chiến trường thuộc Sư đoàn 3 anh hùng. Ông có nhiều tập thơ, nhiều bài viết đã đăng và xuất bản. Trong các tác phẩm nổi tiếng của ông, tập truyện ký “Cha và con lính trận” được đánh giá cao nhất không chỉ tại Việt Nam mà còn cả ở Hoa Kỳ với sự đón nhận của đông đảo bạn đọc, của cựu binh từ hai phía. Tôi liền bốc máy gọi cho ông Khởi thì nghe tiếng bên kia khá ồn ào như một công trường. Biết tôi muốn tìm hiểu về ca khúc, ông Khởi liền vui vẻ giãi bày, tôi bất chợt “gặp” được bài thơ của anh Hưởng vào đúng dịp 30-4 năm ngoái, ngay câu thơ đầu tiên tôi đã thấy trong mình rừng rực âm điệu của bài thơ, âm điệu của một bài hát. Hình ảnh cánh cửa Dinh Độc Lập đổ sập đã thực sự mở ra nhiều cánh cửa, mở ra độc lập tự do cho Tổ quốc. Một nhịp sống mới được mở ra với bao nhiêu cánh cửa tươi đẹp, mà trong đó dầu khí là một cánh cửa có giá trị nhất, nhiều cam go nhất. Chính vì vậy nên tôi phổ nhạc ngay để tặng bài hát này cho anh em, chiến hữu dầu khí. Lời bộc bạch của người cựu chiến binh khiến người viết bài lặng đi vì xúc động. Quả thật nếu ngược dòng lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam thì những người mở đất, xây nền móng cho Petrovietnam chính là những người lính của Binh đoàn 318 vừa buông tay súng đã cầm lên cuốc, xẻng, cờ lê, búa tạ… xắn tay vào xây dựng “Căn cứ Dầu khí Vũng Tàu”. Ngọn lửa của các bậc cha anh đã, đang truyền lại cho lớp lớp cán bộ, công nhân viên Petrovietnam “một ngọn đuốc rồi ngàn ngọn đuốc - trái tim hồng rực cháy những ước mơ”, “Đuốc trái tim thắp đuốc vỉa dầu”… Kết thúc bài thơ cũng như bài hát là từ “niêm yết” - một từ cổ mà hiện nay hay dùng trong phát hành cổ phiếu. Từ “niêm yết” theo nghĩa thông thường ngắn gọn là “dán ở nơi công cộng, ở chỗ đông người để mọi người đều biết”. Nhưng theo anh Hưởng, đó mới chỉ là một nửa của từ “yết”, cái quan trọng ở đây là “niêm” là sự gói gém cẩn thận để giữ lại trong thời gian dài những gì mà mình yêu quý, trân trọng nhất, cái mà theo anh là không ai được xâm phạm, đó là “tình yêu ngọn lửa” - trái tim người dầu khí Việt Nam. |
|
Thành Công Đồ họa: Quang Huy |