Vực dậy xuất khẩu của đầu tàu kinh tế

07:00 | 01/03/2022

2,376 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Do dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên hoạt động xuất khẩu của TP HCM - đầu tàu cả nước sụt giảm mạnh. Cùng với các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đang nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, nhằm vực dậy xuất khẩu trong bình thường mới.
Vực dậy xuất khẩu của đầu tàu kinh tế

Đại dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành kinh tế và ngành lương thực thực phẩm cũng không ngoại lệ, nhất là đối với hoạt động xuất khẩu. Trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh tại TP HCM, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... đều diễn ra rất chậm và giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, giao thương. Trong tình trạng như vậy doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu ngành lương thực thực phẩm nói riêng đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Hiện nhiều đối tác quốc tế đánh giá cao cố gắng của doanh nghiệp Việt. Ghi nhận từ các doanh nghiệp thành viên thì tín hiệu xuất khẩu khả quan ngay từ những ngày đầu năm mới. Dự báo, tình hình xuất khẩu trong năm 2022 sẽ có chuyển biến tốt hơn nhiều.

Vực dậy xuất khẩu của đầu tàu kinh tế
Cảng Cát Lái TP HCM

Mặc dù nhận được đơn hàng lớn từ các nước nhưng doanh nghiệp cũng thận trọng nhận vì giá nguyên liệu đầu vào tăng 30-50%, đặc biệt phí dịch vụ logistics tăng cao. Ngay từ năm 2020, cước vận chuyển hàng hóa đường biển đã tăng gấp 2-3 lần so với trước dịch Covid-19 và đến nay tăng gấp 5-6 lần, thậm chí tới 10 lần so với trước. Đơn cử giá cước phí một container loại 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ trước đây có giá từ 2.000 USD trở lại, 28 ngày đến nơi. Hiện nay giá tăng lên 13.000-15.000 USD/container, thời gian vận chuyển kéo dài gần 3 tháng. Do chi phí dịch vụ logistics tăng cao khiến doanh nghiệp mất đơn hàng, mất thị trường dày công xây dựng. Nhưng vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng cơ quan nhà nước, bộ, ngành có những chính sách logistics để hỗ trợ được cho doanh nghiệp trước khó khăn này.

Vực dậy xuất khẩu của đầu tàu kinh tế

Trong năm 2022 - giai đoạn cuối của dịch bệnh Covid-19 nên giao thương thuận lợi hơn, vì vậy doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ sẽ có những mặt hàng mới được tung ra thị trường. Nhưng theo tôi, xuất khẩu đồ gỗ chỉ thật sự tăng tốc trở lại ở cuối năm 2022. Cơ hội cho doanh nghiệp trong năm nay vẫn là phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống Hoa Kỳ (chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ), EU, Nhật Bản, Australia. Trong vài năm tới thị trường ASEAN và Trung Quốc sẽ có sự chuyển hướng mạnh về mặt hàng đồ gỗ, thay vì hiện nay chỉ xuất khẩu gỗ dăm.

Hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, nhưng doanh nghiệp không dám nhận quá nhiều đơn hàng vì chi phí đầu vào tăng cao, chi phí vận tải cũng ngất ngưởng cùng với đó là sự thiếu hụt lao động cũng dẫn đến chi phí cao. Chính vì còn tồn tại những thách thức trên nên ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ TP HCM chỉ dám đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 16%, thay vì 20%. Thời gian tới, Hội Mỹ nghệ và Chế biến đồ gỗ sẽ tiếp tục kết nối giao thương với bạn hàng nhằm giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm mới ra thị trường. Riêng chi phí logistics quá cao thì nằm ngoài khả năng của hội và cần sự hỗ trợ, can thiệp của các bộ ngành.

Vực dậy xuất khẩu của đầu tàu kinh tế
Vực dậy xuất khẩu của đầu tàu kinh tế

Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tại TP HCM. USAID thông qua Dự án tạo thuận lợi thương mại luôn xem TP HCM là đối tác chiến lược trong các hoạt động tạo thuận lợi thương mại. Thời gian qua, dự án tạo thuận lợi thương mại đã triển khai các báo cáo “Cải thiện hoạt động thương mại và logistics tại cảng Cát Lái và khu vực lân cận tại TP HCM”, tổ chức các hoạt động đào tạo liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Các hoạt động này có nét tương đồng với các giải pháp của “Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Chúng tôi hy vọng thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan. Từ đó có các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng.

Vực dậy xuất khẩu của đầu tàu kinh tế

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong đại dịch Covid-19, Cục Hải quan TP HCM chủ động điều hành công tác ứng với từng giai đoạn, đảm bảo thông quan hàng hóa nhập khẩu để kịp thời phục vụ công tác chống dịch và không để đứt gãy hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu của thành phố. Ngoài ra, Hải quan TP HCM cũng thành lập tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, tổ thường trực chống ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu; kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn bùng phát dịch tại thành phố. Để hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn, trong thời gian tới doanh nghiệp cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực đối với Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh như: Đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí…; Tuân thủ quy tắc xuất xứ để tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và lẩn tránh phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu. Tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo không bị đứt gãy việc sản xuất kinh doanh… để vừa cạnh tranh được với thị trường trong nước và cả thị trường nước ngoài.

Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP HCM đạt 44,9 tỉ USD, tăng 1% so với năm 2020. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của thành phố đều có kim ngạch giảm. Điển hình, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 14,7%, Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, châu Âu giảm 0,8%... Các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng giảm so với cùng kỳ như: Giày dép giảm 24,8%; sản phẩm dệt may giảm 21,4%; sản phẩm máy vi tính, điện tử và linh kiện giảm 5,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 2,2%...

Thanh Hồ