Bình Minh - Con tàu chở hy vọng dầu khí

07:00 | 01/03/2018

1,582 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Vừa qua, trong chuyến thực tế tìm hiểu về lịch sử ngành Dầu khí, tôi may mắn được gặp ông Đỗ Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện say sưa về chuyến ra biển tìm dầu đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.
binh minh con tau cho hy vong dau khi
Ông Đỗ Chí Hiếu

Tiếp đón chúng tôi tại ngay phòng truyền thống Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Đỗ Chí Hiếu hào hứng bảo: Nói chuyện về lịch sử dầu khí thì hay nhất là ngồi ở đây cho có không khí, chứ ngồi văn phòng điều hòa thì khó có sự hào hứng lắm. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Hiếu trông quắc thước lắm với đôi mắt sáng chiếu ánh mắt thẳng tắp và nụ cười ấm áp đặc trưng của người từng trải và tự tin.

Trầm ngâm nhớ lại cái ngày nhận được lệnh điều động từ miền Nam ra Hải Phòng thực hiện sứ mệnh lần đầu tiên ra biển thăm dò địa chấn, ông Hiếu vanh vách “đọc”: Lúc đầu là Đội Địa chấn biển trực thuộc Công ty Địa vật lý, về sau được đổi tên thành Đoàn Địa vật lý biển. Địa điểm đóng quân, thời gian đầu tại nhà kho trong cảng Vật Cách, Hải Phòng, sau này được UBND TP Hải Phòng cấp cho một đơn nguyên nhà 4 tầng tại thị trấn Quán Toan.

Chẳng cần lục lọi trí nhớ nhiều như những người lớn tuổi khác, ông Đỗ Chí Hiếu đã kể ra một loạt cái tên gạo cội trong ngành Dầu khí như nguyên Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu ngày ấy được điều từ Đội Địa chấn 5 về làm công tác chuẩn bị, anh Vũ Tiến Hải từ Tổng cục Dầu khí, cán bộ tàu thuyền Việt Nam gồm có Thuyền trưởng, phó là các anh Nẫm, Trương; anh Tư - Máy trưởng, anh Long - Thủy thủ trưởng, anh Tâu - Liên lạc vô tuyến điện; các kỹ sư đứng máy: anh Hiệp, anh Huy; trắc địa định vị: anh Thường, anh Uy, anh Toại; lực lượng trên bờ gồm: hành chính - anh Biển, kế toán thủ quỹ - anh Thường và một số anh chị em khác. Biên chế của đoàn khoảng 30 người.

Ông Đỗ Chí Hiếu nói vui: Lãnh đạo đoàn gồm Hậu, Hải và tôi đều được đào tạo cơ bản ở Liên Xô và có kinh nghiệm làm địa chấn biển, đặc biệt là tên của cả ba anh em đều có chữ H nên rất tâm đầu ý hợp.

Ở đây, cần phải nói thêm rằng, sau hơn 20 năm tìm kiếm, khoan thăm dò dầu khí trên đất liền ở miền võng Hà Nội - Đồng bằng sông Hồng và cả Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đã phát hiện được dầu mỏ và một mỏ khí tự nhiên tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Quan trọng nhất là các nhà khoa học Liên Xô và chúng ta đã khẳng định một kết luận quan trọng có tính chiến lược là: Càng tiến ra biển thì khả năng phát hiện dầu khí của nước ta càng lớn.

binh minh con tau cho hy vong dau khi
Ông Đỗ Chí Hiếu đứng giữa trên tàu Bình Minh

Ban đầu, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam cũng triển khai thí nghiệm công tác địa vật lý biển nông tại khu vực cửa một số cửa biển Ba Lạt của sông Hồng (tỉnh Nam Định) nhưng do điều kiện địa hình rất phức tạp, bao gồm sú vẹt, sình lầy, sông ngòi chằng chịt, lại thiếu thiết bị phương tiện thu nổ địa chấn chuyên dùng cho nên công việc gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng tài liệu đạt thấp. Trước tình hình đó, Tổng cục đã đưa ra một quyết định đầy quyết đoán và sáng tạo là tiến thẳng ra biển sâu bằng các thiết bị vật tư và lực lượng hiện có. Đây là tiền đề để thành lập lực lượng địa chấn biển đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.

Khi đó, đất nước ta đang chìm trong gian khó, thiếu thốn đủ bề. Nhưng cái khó, ló cái khôn, Đoàn Địa vật lý biển nỗ lực hoán cải tàu đánh cá 240CV tại căn cứ Bến Kiền của Quân chủng Hải quân ở Hải Phòng làm tàu thăm dò địa chấn. Do tàu nhỏ, khoang hẹp nên mọi thiết bị như trạm thu địa chấn của Liên Xô Progress (sau được thay thế bằng trạm ghi số của Pháp SN 338B) đều phải cải tạo cho nhỏ gọn mới đặt vừa lên tàu, còn nguồn nổ thì dùng súng bắn hơi chứ không phải thiết bị hiện đại như bây giờ nhưng khi ấy là những phương tiện chuyên dùng và phương pháp thi công thực địa hiện đại nhất của Liên Xô và Pháp lúc bấy giờ.

Ông Đỗ Chí Hiếu cho biết thêm, đây là dự án tự làm đầu tiên của ngành Dầu khí, yêu cầu kỹ thuật cao, đồng bộ, chính xác giữa các khâu định vị - nổ mìn - thu sóng. Trong khi đó, điều kiện khí hậu ở Vịnh Bắc Bộ lại rất phức tạp, mưa bão thất thường, sóng to gió lớn mà thu nổ địa chấn trên biển chỉ có thể được thực hiện khi sóng dưới cấp 3 nên luôn phải chờ “cửa sổ thời tiết” thích hợp mới ra biển thu nổ được.

Ông Hiếu nhớ lại: “Khi ấy luồng lạch ra vào cảng rất phức tạp, lực lượng kỹ thuật trên tàu, kể cả lãnh đạo đoàn phải đi theo thì sức khỏe chưa đáp ứng được cho việc đi biển nên thường hay bị say sóng, nôn mửa đầy tàu. Đặc biệt có nhiều đợt đang lênh đênh trên biển thì gặp bão, phải tránh vào những vùng đảo xa. Trong nhiều ngày chờ bão tan, chúng tôi bị cạn kiệt lương thực, thực phẩm đói tới vàng cả mắt. Còn chuyện cả tháng không tắm rửa là quá bình thường bởi nước ngọt chỉ dùng để uống và ưu tiên cho chuyên gia Liên Xô”.

binh minh con tau cho hy vong dau khi
Tàu Bình Minh

Cuối cùng trời cũng không phụ lòng người, chúng tôi vượt qua hết những khó khăn để có thể đồng bộ các thiết bị chuyên dùng, tàu Bình Minh được hoán cải thành công sau hàng trăm lần thử nghiệm. Chiếc tàu thu nổ địa chấn đầu tiên của ngành Dầu khí đã ra khơi tiến hành chuyến thu nổ địa chấn đầu đời của mình tại khu vực phao số 0 cửa Sông Cấm - Hải Phòng. Ngay khi nhìn kết quả trên băng địa chấn thu được hơn 30 cán bộ, nhân viên trên tàu đã hò reo hân hoan khôn xiết. Từ đó, con tàu Bình Minh tự tin rẽ sóng ra khơi tại Vịnh Bắc Bộ, tiến hành công tác thu nổ địa chấn chính thức.

Riêng cái tên của tàu Bình Minh, ông Đỗ Chí Hiếu bảo đây là cái tên anh em trong đội tự đặt sau rất nhiều lần thảo luận, nó mang ý nghĩa là khởi đầu một ngày mới, mang theo hy vọng và niềm tin bất diệt của những người làm dầu khí về sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Sau này có nhiều tàu địa chấn hiện đại của các tập đoàn dầu khí quốc tế đến làm việc tại thềm lục địa Việt Nam, ngành Dầu khí cũng đã có thêm tàu Bình Minh 02 trang bị đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng tàu Bình Minh vẫn là dấu son, điểm sáng từ thuở “khai thiên lập địa” dầu khí vươn ra Biển Đông bằng lực lượng của chính mình, đầy ắp những kỷ niệm đẹp, sâu sắc và không thể nào quên của chúng tôi.

Riêng cái tên của tàu Bình Minh, ông Đỗ Chí Hiếu bảo đây là cái tên anh em trong đội tự đặt sau rất nhiều lần thảo luận, nó mang ý nghĩa là khởi đầu một ngày mới, mang theo hy vọng và niềm tin bất diệt của những người làm dầu khí về sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

Thành Công (ghi)

DMCA.com Protection Status