Bir Seba - dự án kỳ lạ

06:50 | 11/12/2015

1,548 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chuẩn bị cho lễ đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Bir Seba, Algeria, chúng tôi tìm gặp Tiến sĩ Đỗ Văn Hậu, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), người thủ lĩnh gắn bó từ những ngày đầu tiên với dự án thăm dò khai thác dầu khí tại sa mạc lửa Sahara. Vẫn bình dị và cuốn hút, ngay câu nói đầu tiên ông đã khái quát: “Đây là dự án kỳ lạ luôn gây ‘thót tim’ cho những người Việt làm nghề thăm dò, khai thác dầu khí”.  

PV: Xin ông cho biết, dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Algeria có phải là khởi điểm “đem chuông đi đánh xứ người” của Việt Nam hay không?

Tiến sĩ Đỗ Văn Hậu: Muốn nói đến đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài phải điểm lại lịch sử thành lập Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) một chút. Khởi đầu từ các công ty Petrovietnam II (PV-II, thành lập tháng 5/1988) và Petrovietnam I (PV-I, thành lập tháng 11/1988). Năm 1993, Công ty Giám sát các hợp đồng chia sản phẩm (PVSC) và Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí đã được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Petrovietnam I, Petrovietnam II, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của ngành Dầu khí trong việc quản lý hiệu quả hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam, đồng thời tham gia vào các hợp đồng dầu khí ở trong nước và nước ngoài với tư cách là một bên nhà thầu để từng bước phát triển thành một công ty dầu khí thực thụ.

bir seba du an ky la
Tiến sĩ Đỗ Văn Hậu

Sự ra đời của Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí (PIDC) vào năm 2000 trên cơ sở PVSC là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển PVEP ngày nay với việc PIDC tăng cường tự đầu tư, tham gia góp vốn vào các dự án ở trong nước, bước đầu thành công trong tự điều hành các dự án khai thác quan trọng, đồng thời triển khai đầu tư thăm dò khai thác ở nước ngoài với các dự án đầu tiên được ký kết ở Iraq, Algeria, Malaysia và Indonesia.

PVEP hiện nay được thành lập ngày 04/05/2007 trên cơ sở hợp nhất Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí và Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí để thống nhất hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và nước ngoài.

Hợp đồng nhượng quyền đầu tiên là Petrovietnam ký với Iraq nhưng dự án thăm dò khai thác dầu khí đầu tiên chúng ta dự thầu và thắng thầu chính là Algeria. Khi đó tôi đang làm Giám đốc PIDC, còn anh Lê Văn Trương là Phó giám đốc kỹ thuật dẫn đoàn đem hồ sơ đấu thầu sang Algeria. Tôi vẫn nhớ khi anh Trương sang đến nơi trong hồ sơ vẫn thiếu phê duyệt của Chính phủ. Anh em ở nhà động viên nhóm đấu thầu cứ đi cho đúng hạn, còn chúng tôi cố gắng báo cáo chờ phê duyệt của Thủ tướng. Rất may là đến phút chót chúng tôi kịp thời gửi phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ sang để bổ sung vào hồ sơ thầu.

Algeria họ mở thầu công khai tất cả các bên tham gia, chấm thầu và công bố thắng thầu trước tất cả mọi người. Nhờ có sự chuẩn bị tích cực của toàn bộ các chuyên gia PIDC từ việc xử lý thông tin địa chấn, đánh giá tiềm năng trữ lượng, khả năng thu lại lợi nhuận kinh tế… mà hồ sơ nhỉnh hơn các đối thủ. Đây là lần tiên phong chúng ta đấu thầu quốc tế và đã thắng thầu. Hợp đồng thăm dò, thẩm lượng dầu khí lô 433a và 416b thuộc vùng Tuguoc, Đông Bắc Algeria được ký kết giữa PIDC và Công ty Dầu Quốc gia Sonatrach ngày 10/7/2002.

Nói thật, cả quá trình đấu thầu, chúng tôi đi từ hồi hộp, đến vui mừng hồ hởi rồi lại lo lắng. Nguyên nhân vì khi đó ở Algeria vẫn có xung đột, bắt cóc, khủng bố.

PV: Vậy khi bắt đầu triển khai dự án ông và các đồng nghiệp đã làm thế nào để vượt qua những khó khăn đó?

Tiến sĩ Đỗ Văn Hậu: Bước đầu chuẩn bị triển khai, chúng tôi thành lập PIDC Algeria có cơ cấu như một ban để triển khai hợp đồng. Khi đó chỉ có khoảng 6-7 người thôi, có tôi là giám đốc còn anh Lê Văn Trương, anh Trần Danh Liên làm phó giám đốc. Thời gian đầu chúng tôi phải thuê 1 căn nhà dân để ở và 1 phòng khách sạn làm văn phòng giao dịch. Theo như tính toán thì chúng tôi ăn sáng, ăn tối ở nhà còn ăn trưa thì văn phòng thu xếp. Nhưng ra ngoài ăn thì vừa đắt, vừa không hợp khẩu vị lại cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy chúng tôi có một cái nồi cơm điện “bảo bối”, vừa luộc rau, luộc trứng, hâm nóng thức ăn sẵn rồi nấu cơm. Thế là trưa nào anh em cũng ngả mâm ra đánh chén rồi tranh thủ ngủ lấy sức để làm việc. Đặc biệt chúng tôi phân công rất rõ ràng lịch “rửa bát, nấu cơm” của từng người, không phân biệt “quân” hay “tướng”.

bir seba du an ky la
Tiến sĩ Đỗ Văn Hậu (thứ 2 từ trái sang) làm việc với Tổng giám đốc Sonatrach (Algeria)

Một khó khăn nữa là ở Algeria họ sử dụng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính. Vì vậy tất cả văn bản của họ đều dùng Pháp ngữ còn mình lại dùng tiếng Anh để soạn văn bản. Ngoài tôi biết một chút tiếng Pháp để đọc hiểu được còn lại thì anh em ai nấy đều bập bẹ. Sau này phải huy động thêm một số người nhà mình sang để hỗ trợ, ăn ở cũng tiến bộ khi thuê được một cái biệt thự cũ và 2 người bản xứ để hỗ trợ công việc ăn ở, đi lại và phiên dịch. Tôi nhớ nhất là những lần có người nhà sang, hoặc anh em thay nhau trả phép sang đến nơi là phải thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thực phẩm. Thời đó quý nhất là thùng mì tôm, thứ hai là nước mắm, mắm tôm, magi. Đặc biệt là thịt lợn vì Algeria là quốc gia theo đạo Hồi nên họ kiêng thịt lợn, anh em chúng tôi cứ liều giấu mang theo ăn, nếu có bị phát hiện thì đành vứt đi thôi.

Cuộc sống thời đó đơn giản mà vui lắm, mọi người đều hăng say làm việc vì một mục đích chung là nhanh chóng hoàn thành dự án.

PV: Khi bắt tay vào làm thực địa, PIDC Algeria đã phải vượt qua những thử thách gì, thưa ông?

Tiến sĩ Đỗ Văn Hậu: Phải nói giai đoạn làm địa chấn của dự án là cực kỳ vất vả, căng thẳng. Khi đó chúng ta thuê nhà thầu Trung Quốc thực hiện công tác thu nổ địa chấn 2D, 3D. Công việc tiến triển rất chậm do khí hậu khắc nghiệt, đường xá xa xôi và đặc biệt là sự phức tạp địa chất của khu vực sa mạc Sahara. Hơn thế nữa là tình hình an ninh phức tạp của Algeria. Các nhà thầu của chúng ta đã có lần bị khủng bố chặn đường “lột sạch” 2 xe địa hình và trang thiết bị. Cũng may là họ thả người cho tự đi bộ về. Sau lần đó chúng ta phải thuê thêm quân đội đi cùng bảo vệ các nhà thầu và người của chúng ta mỗi khi ra thực địa làm việc 24/24.

Sau khi hoàn tất thu nổ địa chấn, sàng lọc thông tin thu được, chuẩn bị khoan thăm dò thì mũi khoan đầu tiên chúng ta đã thất bại khi không tìm được dầu. Khi đó tinh thần anh em xuống khá thấp, ai cũng căng thẳng bởi chúng ta cam kết khoan 3 giếng mà thôi. Cũng may là mũi khoan thứ 2 và thứ 3 đều tìm được dầu trên cả 2 cấu tạo Bir Seba và MOM. Từ đó chúng tôi đã tự tin hơn hẳn, khích lệ nhau tiếp tục làm rõ những thông số địa chất, mở rộng bản đồ thăm dò. Mặc dù vậy nhưng để giảm thiểu rủi ro, Petrovietnam đã mời thêm đối tác PTTEP (Công ty Dầu Quốc gia Thái Lan) vào hợp tác. Sau một thời gian đàm phán phía PTTEP đã đồng ý mua lại 35%, PIDC vẫn còn 40% vốn góp và giữ vai trò điều hành.

Đến giai đoạn phát triển mỏ thì dự án lại gặp những vấn đề mới. Chính phủ Algeria ban hành luật cấm đốt khí khi khai thác dầu mà các mỏ dầu luôn kèm theo khí đồng hành. Bởi vậy chúng ta lại phải đàm phán 3 bên suốt 3 năm liền mới được phê duyệt phương án xây dựng nhà máy xử lý, thu gom khí, xây dựng đường ống chuyển đến địa điểm bán khí quy định của chính quyền nước bạn. Trong khoảng thời gian xây dựng nhà máy thu gom và đường ống dẫn khí lại xảy ra một đợt khủng bố. Chúng bắt và giết hại hơn chục kỹ sư người Nhật tham gia dự án. Thế là toàn bộ dự án bị đình lại mất hơn 6 tháng. Sau khi đàm phán rất nhiều lần, liên doanh điều hành lại phải đền bù tổn thất nhà thầu, đồng thời trả thêm tiền để thuê bảo vệ, tăng chi phí cho nhân viên của nhà thầu…  

Cuối cùng khi chúng ta tìm được mỏ dầu Bir Seba Lô 433a (năm 2005), được thẩm định trữ lượng, đánh giá có giá trị thương mại lớn, hoàn tất các công đoạn khai thác. Có 3 cấu tạo trong dự án là Bir Seba, MOM, BAT nên khi đó chúng tôi vẫn đùa nhau rằng có “bia, mâm và bát” thế là “chén” được rồi. Ấy thế mà mất đúng 12 năm mới có thể lấy dầu lên mặt đất thì lại rơi đúng vào chu kỳ giá dầu lao dốc. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế của dự án.         

PV: Làm việc khá lâu ở Algeria, ông thấy tình cảm của các bạn đối với đất nước ta và người Việt Nam như thế nào?

Tiến sĩ Đỗ Văn Hậu: Người Algeria đặc biệt yêu quý người Việt Nam. Anh em PIDC đi đến đâu, khi biết chúng tôi là người Việt, các bạn Algeria đều “giơ ngón tay cái” để ca ngợi Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên Petrovietnam mời đối tác Sonatrach sang nước ta dự họp, đoàn đại biểu của nước bạn nhất định yêu cầu thu xếp cho họ được một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các bạn nói gặp Đại tướng là ước ao của tất cả những người Algeria. Khi đó Đại tướng đang nghỉ an dưỡng ở Đồ Sơn, sau khi được Đại tướng cho phép, đích thân tôi đã ngay lập tức lái xe đưa các bạn đến gặp Đại tướng. Buổi gặp mặt đó cả bác Giáp và 6 đại biểu của Sonatrach đều rất xúc động.

PV: Xin cảm ơn ông về những tâm sự này.

Thành Công

Năng lượng Mới 482

DMCA.com Protection Status