Hội Dầu khí Việt Nam

Chỗ dựa trí tuệ của ngành Dầu khí

10:08 | 06/04/2018

1,230 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Với khẩu hiệu “Hội luôn đồng hành và là chỗ dựa trí tuệ cho ngành Dầu khí Việt Nam”, trong thời gian tới, Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN) sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp hiệu quả trí tuệ, kinh nghiệm, để góp phần cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã ghi lại một số ý kiến tâm huyết tại Đại hội III nhiệm kỳ 2018-2020 Hội DKVN.
cho dua tri tue cua nganh dau khi

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh: Thay đổi căn bản nhận thức về dầu khí

Sau hai nhiệm kỳ vừa qua, Hội DKVN đã có những bước phát triển rất nhanh về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động rất rộng, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nói riêng và ngành Dầu khí nói chung. Hoạt động của Hội có cùng nhịp đập với hoạt động của PVN. Hội không chỉ là nơi gửi gắm niềm tin của ngành Dầu khí, của Tập đoàn mà còn là của Đảng, Chính phủ về kho trí tuệ, kho kinh nghiệm và khoa học của các thành viên rất ưu tú của những người làm dầu khí, là chỗ dựa tinh thần của tập thể những người làm dầu khí trong những thời điểm có nhiều trăn trở.

Trước tình hình hiện nay, Tập đoàn rất mong muốn các thành viên trong Hội DKVN, đặc biệt là những nhà khoa học trong các lĩnh vực chuyên sâu về dầu khí, có kinh nghiệm và sự từng trải qua các biến cố, thăng trầm, có những ý kiến, phản biện thực sự trách nhiệm, có chất lượng về chiến lược của ngành Dầu khí chúng ta từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2035. Đây là bài toán đầy thách thức đối với ngành Dầu khí trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế biến đổi nhanh, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định vị trí, định hướng của ngành Dầu khí.

Sắp tới, Bộ Công Thương và Tập đoàn sẽ có báo cáo điều chỉnh, sửa đổi mục tiêu của ngành Dầu khí sao cho phù hợp theo Nghị Quyết 41 của Bộ Chính trị. Cụ thể, chúng ta sẽ khai thác, thăm dò ở đâu, khai thác thăm dò như thế nào trong bối cảnh này? Thực tế, nếu chúng ta không gia tăng trữ lượng mà cứ khai thác theo tốc độ hiện nay thì đến khi nào chúng ta sẽ hết dầu, khí, rồi quan hệ giữa dầu với khí và xu hướng công nghệ liên quan đến năng lượng sẽ phát triển theo hướng nào? Từ đó chúng ta có giải pháp để tìm đường đi, tìm công cụ để triển khai có hiệu quả. Chẳng hạn như hiện nay chúng ta còn nhiều mỏ nhỏ, cận biên trước đây chưa tận thu, vậy tận thu như thế nào?...

Hội DKVN không chỉ là nơi gửi gắm niềm tin của ngành Dầu khí, của Tập đoàn mà còn là của Đảng, Chính phủ về kho trí tuệ, kho kinh nghiệm và khoa học của các thành viên rất ưu tú của những người làm dầu khí, là chỗ dựa tinh thần của tập thể những người làm dầu khí trong những thời điểm có nhiều trăn trở.

Có một vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, truyền thông. Công tác đào tạo là tương đối tốt. Còn công tác truyền thông như truyền thông nội bộ, truyền thông ra bên ngoài thì cần làm sao phát triển nhiều kênh để có thể bảo vệ và phát triển thương hiệu PVN. Chúng ta đang bị tổn thương, tổn hại rất nhiều. Trong khi đó, không phải ai cũng hiểu về ngành Dầu khí. Người ta nghĩ đến dầu khí là cắm mũi khoan xuống biển, bơm một chất gì đó xuống là hút được dầu lên và có tiền. Không hiểu được nội hàm của giọt dầu ấy là công sức, trí tuệ là cực kỳ vất vả, gian khó. Làm sao để mọi người hiểu được thực chất để ra được giọt dầu là bao nhiêu mồ hôi, xương máu, cần sự hy sinh lớn lao đến thế nào?

Thứ hai, nói đến PVN là nhiều người nói đến các vi phạm, động đâu cũng thấy vi phạm. Hiểu chưa đúng chỉ là một phần, tổn thương ghê gớm. Trước hết, đây là trách nhiệm của Tập đoàn, nhưng chúng tôi cũng mong muốn Hội DKVN cùng có kế hoạch hành động để thay đổi nhận thức rất căn bản về dầu khí. Điều quan trọng nhất hiện nay là vấn đề nhận thức chứ không phải là chủ trương, kế hoạch. Đang có những luồng nhận thức rất khác nhau về dầu khí, cần giải quyết một cách căn bản, tìm được sự đồng thuận. Đó là mong mỏi của Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn.

cho dua tri tue cua nganh dau khi
Các đại biểu biểu quyết tại đại hội

Về tổ chức, tôi thấy rằng Hội DKVN đã phát triển khá nhanh và đồng đều. Đã đến lúc Hội cũng cần tổ chức lại, đừng vì số lượng mà quên chất lượng, cần xem xét đánh giá về hiệu quả, tập trung nguồn lực, sát sao hơn với các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Tôi thay mặt lãnh đạo Tập đoàn xin hứa sẽ thật sự quan tâm, phối hợp với hoạt động toàn diện và mọi mặt hoạt động của Hội DKVN. Đề nghị các đồng chí thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc hỗ trợ Hội về cả mặt chuyên môn, tài chính trong điều kiện có thể.

Hội DKVN là nơi tập hợp những người yêu ngành Dầu khí, “sinh tử với ngành”. Tôi xin chúc nhiệm kỳ III Hội DKVN sẽ phát triển tốt, có những đóng góp chất lượng vào sự phát triển chung của PVN, của ngành Dầu khí Việt Nam.

cho dua tri tue cua nganh dau khi

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) Nghiêm Vũ Khải: Hội DKVN có nhiều ưu điểm, thế mạnh

Tôi đánh giá cao vai trò, vị thế của Hội DKVN. Hội DKVN không phải là hội có lịch sử lâu dài nhưng là thành viên tích cực, có nhiều đóng góp hữu ích cho Vusta. Các thành tích của Hội DKVN thể hiện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của một hội theo điều lệ đã được ban hành. Bên cạnh đó, Hội DKVN đoàn kết và phát huy vai trò của trí thức ngành Dầu khí trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, truyền thông quảng bá phổ biến kiến thức và các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, là sứ mệnh làm cầu nối giữa ngành Dầu khí với các cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Hội DKVN có nhiều ưu điểm, thế mạnh mà không phải hội nào trong mái nhà Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có được. Đội ngũ người làm dầu khí là các thế hệ trùng trùng điệp điệp, là tài sản quý báu của ngành Dầu khí. Ở thời kỳ huy hoàng, ngành Dầu khí chiếm đến hơn 20% ngân sách Nhà nước.

Hội DKVN có nhiều ưu điểm, thế mạnh mà không phải hội nào trong “ngôi nhà” Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam có được. Đội ngũ người làm dầu khí là các thế hệ trùng trùng điệp điệp, là những tài sản quý báu của ngành Dầu khí.

Trong bối cảnh ngành Dầu khí đang gặp khó khăn, cần phải siết chặt đội ngũ, đồng thời làm công tác truyền thông quảng bá để ngành Dầu khí, con người hoạt động trong lĩnh vực dầu khí trở lại vị trí đã từng có hoặc cao hơn nữa trong lòng nhân dân cũng như Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, Hội DKVN cần tích cực đổi mới hoạt động của Hội, đặc biệt là phương thức hoạt động. Ngành Dầu khí có sự gắn bó giữa các thế hệ, giữa lãnh đạo, giữa nhà khoa học, các tập đoàn, đơn vị doanh nghiệp, đây là điểm mới của Hội DKVN trong Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Mong Hội DKVN tiếp tục phát huy các kết quả, thành tựu mới để có đóng góp nhiều hơn nữa cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

cho dua tri tue cua nganh dau khi

Phó giám đốc Công ty Vật liệu nổ công nghiệp (Bộ Quốc phòng), Ủy viên Ban Chấp hành Hội DKVN khóa III - Thiếu tá Nguyễn Việt Hưng: Hội DKVN đã gắn kết được các đơn vị trong Tập đoàn

Trong thời gian qua, ngành Dầu khí gặp rất nhiều khó khăn khi giá dầu sụt giảm sâu, các thành viên của Hội đã cùng chia sẻ với khó khăn chung của ngành, luôn đồng hành tìm các giải pháp tháo gỡ, hoạt động rất tốt, hiệu quả, để đóng góp vào thành công chung của Tập đoàn

Dầu khí Việt Nam.

Ngành Dầu khí đã đóng góp rất nhiều vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Bộ Quốc phòng giúp ngành Dầu khí vươn tới những điểm thuộc chủ quyền của chúng ta đang thăm dò, khai thác, cũng như bảo vệ giàn khoan. Đối với Công ty Vật liệu nổ công nghiệp, chúng tôi sẽ tiến tới sản xuất vật liệu nổ chuyên dùng cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Nhiệm kỳ qua, Hội DKVN đã gắn kết được các đơn vị trong Tập đoàn, thông qua Hội có được những sáng kiến, phương pháp hoạt động để khắc phục những khó khăn trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.

cho dua tri tue cua nganh dau khi

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, Ủy viên Ban chấp hành Hội DKVN khóa III - Nguyễn Đức Thành: Cần tổ chức các hoạt động chia sẻ về cuộc sống

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội DKVN tập hợp rộng rãi trí tuệ và kinh nghiệm của những người làm công tác khoa học, kỹ thuật và công nghệ, kinh tế trong ngành và ngoài ngành Dầu khí, giúp đỡ nhau phát huy tài năng cống hiến cho sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, đồng thời làm công tác tư vấn, phản biện, tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ khác trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí theo yêu cầu của Tập đoàn, các đơn vị thành viên và cơ quan quản lý cấp trên.

Xuất phát từ đặc thù của ngành Dầu khí, bên cạnh công tác chuyên môn, theo tôi, các chi hội ở các địa phương cần tổ chức các hoạt động chia sẻ về cuộc sống vì đa số các thành viên của Hội là những người đã về hưu; cần tổ chức thêm những hình thức sinh hoạt khác có tính chất giao lưu, chia sẻ, giới thiệu về những hoạt động của chi hội địa phương.

Nguyễn Xuân Nhự, Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình: Trăn trở với cái nôi dầu khí

Thái Bình là cái nôi Dầu khí, câu nói này chẳng biết từ bao giờ đã trở thành câu nói cửa miệng của các thế hệ những người "đi tìm lửa" cho tới tận hôm nay và có lẽ mãi về sau này. Nơi đây được coi là cái nôi bởi gần như tất cả khởi đầu của Dầu khí Việt Nam đều từ đây. Những công trình như giếng khoan sâu 3.303m thăm dò dầu khí đầu tiên, giếng khoan phát hiện mỏ khí đầu tiên, mỏ khí đầu tiên được khai thác… cũng từ Thái Bình và ngày nay, dòng khí đầu tiên khai thác từ Vịnh Bắc Bộ cũng được đưa vào Thái Bình…

Ngay sau khi ra đời, Chi hội Dầu khí Thái Bình đã được đón nhiều đoàn và nhiều cán bộ lão thành dầu khí về thăm cội nguồn. Trong khi trò chuyện, tâm tình về quá khứ và ngay trong các hội nghị của Chi hội mọi người đều ủng hộ và rất tâm đắc với ý kiến của Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam về việc xây dựng tại đây một khu lưu niệm về cội nguồn với tên gọi Khu Lưu niệm Thăm dò dầu khí Đồng bằng Sông Hồng.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí, một hội viên tập thể của Hội Dầu khí Việt Nam sinh hoạt tại Chi hội Thái Bình, thuộc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) được tách ra từ Công ty Xăng dầu Thái Bình đã âm thầm nhưng rất quyết tâm làm việc này với ý tưởng nhỏ bé xây dựng Phòng Lưu niệm Thăm dò Dầu khí Đồng bằng Sông Hồng. Với vai trò tư vấn, Chi hội Dầu khí Thái Bình đã tích cực cùng công ty tiến hành gửi thông báo tới các cán bộ đã từng làm công tác thăm dò dầu khí tại Đồng bằng Sông Hồng để thu thập tài liệu và hiện vật liên quan. Bước đầu đã thu được rất nhiều tư liệu, hình ảnh và hiện vật quý giá của quá khứ và đang dần dần tùy theo sức mình để thực hiện ý tưởng rất tốt đẹp này.

Quý hóa biết bao khi Giám đốc công ty là cán bộ rất trẻ lại có chủ trương tâm huyết này. Anh tâm sự: "Hằng năm được đón nhiều các bác, các chú là cán bộ lão thành của ngành về thăm cơ sở hoạt động cũ, ai ai cũng đăm đăm hồi tưởng nơi đây là gì? Ngày ấy làm gì? Chỗ này là phòng ai? Hội trường ở chỗ này, nhà ăn ở chỗ kia… tất cả đều gắn với những kỷ niệm của những hoạt động, của những cống hiến và tất cả đều ước ao giá như có một cái gì đó ghi lại dấu ấn của những ngày đầu lao động vì ngành Dầu khí nước nhà".

Chi hội Dầu khí Thái Bình tin rằng Hội Dầu khí Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện nguyện vọng chính đáng này và nó sẽ trở thành hiện thực không xa. Đó là sự tri ân quá khứ, tri ân cội nguồn, nơi có căn cứ đầu tiên điều hành công tác thăm dò dầu khí, nơi có Giếng khoan tổ (giếng khoan phát hiện mỏ khí đầu tiên của nước nhà), nơi có rất nhiều cái đầu tiên… Đó cũng là tri ân mảnh đất và người dân Thái Bình đã cưu mang, sát cánh cùng ngành Dầu khí trong những tháng năm gian khó nhất của đất nước.

Trăn trở thứ nữa là về mỏ khí Thái Bình nằm ngoài khơi Thái Bình cách bờ khoảng 20km được khai thác và khí được đưa vào Khu Công nghiệp khí Tiền Hải để sử dụng, Chi hội Dầu khí Thái Bình đã báo cáo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam về hiệu quả sử dụng khí thấp và mỏ khí nhỏ nên cần phải tính chuyện lâu dài. Được biết khu vực ngoài khơi cửa Sông Hồng và Sông Thái Bình có nhiều mỏ khí nhỏ đã được phát hiện với trữ lượng ước tính khoảng 70 tỉ m3. Ý tưởng cần có giải pháp để khai thác các mỏ khí này nhằm phát triển công nghiệp khí khu vực Phía Bắc đã được hình thành. Với vai trò tư vấn của mình Chi hội đã đề xuất tổ chức hội thảo với tiêu đề Nâng cao hiệu quả sử dụng khí phía Bắc Vịnh Bắc Bộ với Hội Dầu khí Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thái Bình nhằm mục đích kêu gọi đầu tư thăm dò, khai thác khí tại khu vực này và kêu gọi phát triển thị trường sử dụng khí. Hiện nay các ý kiến này mới chỉ được ủng hộ về mặt tinh thần. Trăn trở thì nhiều, tuy nhiên tôi chỉ chia sẻ một vài điều với hy vọng vào tương lai sẽ sáng sủa hơn.

Công - Hinh - Hoan

DMCA.com Protection Status