Ấn tượng PV Drilling

06:36 | 14/02/2018

1,641 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
2017 là năm đánh dấu nhiều kết quả ấn tượng trong việc tiến ra thị trường quốc tế của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu: PVD) khi 4/6 giàn khoan sở hữu đang thực hiện các chiến dịch khoan tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã gặp và trò chuyện với Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng trước thềm xuân Mậu Tuất về thành tích ấn tượng này. 

PV: 2017 tiếp tục là năm khó khăn của ngành khoan dầu khí, trong đó có PV Drilling, nhưng cũng là năm đánh dấu sự thành công của đơn vị trong việc phát triển dịch vụ ra thị trường nước ngoài, thưa ông?

an tuong pv drilling
Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng

Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng: Đây thực sự là năm ấn tượng nhất trong công tác phát triển dịch vụ khoan và các dịch vụ kỹ thuật khoan của PV Drilling ra thị trường nước ngoài. Tính đến hết tháng 12-2017, có 4/6 giàn khoan đang hoạt động tại thị trường nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Algeria.

Những thành công này đã minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của PV Drilling trong việc tìm kiếm nguồn việc mới khi thị phần khoan trong nước giảm do giá dầu giảm sâu một thời gian dài. Dĩ nhiên, công tác tìm việc ở thị trường bên ngoài không hề đơn giản, bởi chúng tôi phải tiến hành đấu thầu sòng phẳng dựa trên năng lực sẵn có và sự tự tin vào thương hiệu đã xây dựng trong 16 năm qua, có bề dày hoạt động, đảm bảo các giàn khoan sở hữu của PV Drilling hoạt động liên tục, không bị gián đoạn trong giai đoạn thị trường khoan trong nước còn nhiều thách thức như hiện nay.

PV: Trong các thị trường mà PV Drilling đang thực hiện chiến dịch khoan, theo ông, thị trường nào khó tính nhất và có những đòi hỏi khắt khe? PV Drilling phải làm sao để thâm nhập vào các thị trường khó này?

Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng: Mỗi thị trường nước ngoài có những đặc thù riêng, không dễ dàng gì khi cố gắng thâm nhập vào các thị trường này, đặc biệt khi các giàn khoan tại nước sở tại và của các công ty khoan hàng đầu trên thế giới có mặt tại khu vực này cũng còn nhiều giàn không kiếm được việc làm. Khi chúng tôi nỗ lực tiếp cận thị trường Malaysia, luật pháp tại đây bắt buộc chúng tôi phải ký hợp đồng với đại lý (agent) là công ty nội địa có giấy phép của nước chủ nhà (Petronas License) thì mới có cơ hội tiếp cận thị trường này. Để được tham gia đấu thầu cũng không phải dễ dàng. Để ký được hợp đồng với Petronas trong giai đoạn 2015 trở lại đây, khi mà thị trường dầu khí toàn cầu đang lao dốc (downturn) thì Chính phủ Malaysia đưa ra chính sách phải ưu tiên công việc cho các công ty nội địa, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi các công ty nội địa có đủ việc.

Những công ty khoan như UMW, Perisai, Sapura-Kencana được Chính phủ Malaysia và Tập đoàn Petronas bảo hộ với các chính sách ưu đãi cực kỳ tốt, do đó quá trình đấu thầu chúng tôi cũng bị bất lợi nhưng PV Drilling vẫn cố gắng hết khả năng và đã thắng thầu. Khi tham gia đấu thầu, chúng tôi sẵn sàng bỏ giá thấp hơn giá quốc tế nhưng vẫn cam kết duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn có những thị trường mà chúng tôi phải thừa nhận là không thể tiếp cận, trong đó có thể kể đến là thị trường Indonesia. Các yêu cầu của Chính phủ Indonesia rất khắt khe, trong đó có yêu cầu đơn vị tham gia phải có 35% nội địa, thể hiện bằng sở hữu tài sản chung là giàn khoan. Hơn nữa, giàn khoan hoạt động tại đây phải chuyển đổi cờ sang cờ Indonesia, theo chính sách Cabotage Policy trong khi PV Drilling là công ty Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên không thể thực hiện điều kiện này. Nhân đây, tôi cũng rất mong ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, nghiên cứu, triển khai các chính sách bảo hộ cụ thể, phù hợp pháp luật nhằm bảo vệ một cách công bằng cho các công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước tại Việt Nam.

PV: PV Drilling đã phát huy nội lực như thế nào để tồn tại khi thị trường khoan bị khủng hoảng một thời gian dài, nhiều công ty khoan trên thế giới phá sản, sáp nhập hoặc sa thải hàng chục nghìn nhân viên?

Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng: Đó là một hành trình dài chúng tôi không ngừng xây dựng và hoàn thiện chính mình. Thứ nhất, phải nói đến là chất lượng nguồn nhân sự, ở PV Drilling có nguồn nhân lực rất chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm đã được trui rèn qua nhiều chiến dịch khoan cực kỳ khó, đầy thử thách và khắc nghiệt ở thị trường trong nước. Thứ hai, PV Drilling luôn duy trì hiệu quả hoạt động với chỉ số an toàn cao, mặc dù cắt giảm chi phí triệt để - đây là một trong những điều kiện tiên quyết để thương hiệu chúng tôi được đối tác đánh giá rất cao. Đồng thời hiệu ứng của chiến dịch khoan đầu tiên hoạt động tại nước ngoài thành công là minh chứng quan trọng nhất giúp cho hành trình tiến ra biển lớn của PV Drilling thuận lợi về sau. Phải nói rằng, thành công của giàn PV DRILLING I trong chiến dịch khoan của Total Myanmar đã mang lại danh tiếng và uy tín, giúp thương hiệu PV Drilling nâng cao trên thị trường khoan quốc tế. Nhờ vậy, chúng tôi đã được các nhà thầu lớn tin cậy, đưa vào danh sách dự thầu, tham gia đấu thầu công khai và thắng thầu nhiều dự án lớn tại đây.

an tuong pv drilling
Giàn khoan PVDrilling II

Chúng tôi cũng hết sức biết ơn sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của các cấp lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Liên doanh Vietsovpetro đã ủng hộ mạnh mẽ, giúp cho PV Drilling có nhiều cơ hội việc làm trong giai đoạn thị trường khó khăn.

Từ kinh nghiệm thực tiễn đã qua, chúng tôi đã rút ra những bài học quý báu cho quá trình đơn vị trụ vững trên thị trường khoan trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Đó là nỗ lực hết mình và không ngừng vươn lên, giữ vững thương hiệu “Người tiên phong của ngành khoan dầu khí Việt Nam”, trong quá trình thực hiện chiến dịch khoan đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ, hiệu quả dự án ở mức cao nhất, đồng thời luôn đảm bảo HSEQ ở mức cao nhất.

PV: Ông có thể cho biết, chiến lược của PV Drilling trong năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó có chiến lược tăng cường hợp tác quốc tế của đơn vị?

Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng: Bước đầu chúng tôi đạt được những thành công trong quá trình đấu thầu và thắng thầu ở các thị trường lớn trong khu vực nhưng không vì thế mà tự mãn, ngủ quên trên thắng lợi bởi thị trường khoan hiện nay cạnh tranh vô cùng khốc liệt và biên độ lợi nhuận không cao. Nên bên cạnh việc thực hiện tốt các chiến dịch khoan ở thị trường nước ngoài thì PV Drilling tiếp tục theo sát các dự án lớn sắp được triển khai trong nước; nỗ lực tiếp cận và ký hợp đồng hoạt động tại các nước trong khu vực. Bên cạnh giàn khoan, chúng tôi sẽ nỗ lực đưa các dịch vụ liên quan đến khoan ra nước ngoài, như trường hợp PVD Offshore năm 2016 đã cung ứng thành công nguồn nhân lực khoan địa nhiệt ở Atika (Nhật Bản), PVD Tech đã xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật khác hay PVD Training đã có những thành quả nhất định trong công tác xuất khẩu “đào tạo”. Đó cũng là tiền đề để chúng tôi xúc tiến đấu thầu các hợp đồng cung cấp nhân lực và dịch vụ kỹ thuật khoan ở những thị trường khác trong khu vực.

Năm 2018 cũng sẽ là một năm quan trọng, chúng tôi phải hết sức tích cực chuẩn bị các nguồn lực như con người, thiết bị… để sẵn sàng cho các chiến dịch khoan phát triển trong tương lại như: Cá Voi Xanh, Lô B Ô Môn, Sao Vàng - Đại Nguyệt, Cá Rồng Đỏ…

PV: Mong ước của ông trong năm 2018?

Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng: Mong ước lớn nhất của tôi là tất cả giàn khoan PV Drilling đang sở hữu đều có việc làm dài hạn. Năm 2018 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức với ngành Dầu khí nói chung và ngành khoan dầu khí nói riêng, PV Drilling không là ngoại lệ, nhưng trên kết quả đạt được năm 2017, chúng tôi kiên trì với mục tiêu đã đề ra, giữ vững thị phần khoan và phát triển sang những thị trường mới trên cơ sở chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho các chiến dịch khoan trong nước khi thị trường ấm trở lại và luôn giữ vững thương hiệu: “Người tiên phong trong ngành khoan dầu khí Việt Nam”.

PV: Cảm ơn ông và chúc PV Drilling gặt hái nhiều thành công trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

2017 là năm ấn tượng nhất trong công tác phát triển dịch vụ khoan và các dịch vụ kỹ thuật khoan của PV Drilling ra thị trường nước ngoài. Tính đến hết tháng 12-2017, có 4/6 giàn khoan đang hoạt động tại thị trường nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Algeria.

Nguyễn Thanh

DMCA.com Protection Status