Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để PV Power phát triển bền vững
![]() |
Kế hoạch phát triển dài hạn của PV Power là xây dựng hệ sinh thái năng lượng thông minh, tích hợp nhiều thành phần: điện khí LNG, năng lượng tái tạo, lưu trữ điện, dịch vụ phụ trợ và hạ tầng quản lý số. Trong đó, năng lượng tái tạo, điện khí LNG sẽ là chiến lược phát triển của tổng công ty năm 2025, phù hợp với Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025 vừa qua, ban lãnh đạo PV Power cho biết tổng công ty sẽ phát huy thế mạnh, kinh nghiệm để hoàn thành Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4. Dự án LNG đầu tiên ở Việt Nam này đang dần về đích, dự kiến đi vào vận hành lần lượt vào đầu quý III và đầu quý IV/2025, ước tính từ năm 2027 trở đi sẽ bắt đầu có lợi nhuận. Đây không chỉ là bước đi quan trọng, tiên phong trong việc dịch chuyển năng lượng xanh, sạch phù hợp với sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn và cam kết quốc tế, hướng tới mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050, mà còn là cơ hội để PV Power khẳng định năng lực làm chủ công nghệ điện khí LNG hiện đại.
Bên cạnh việc hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành 5 nhà máy điện mặt trời mái nhà, lắp đặt một số dự án trạm sạc xe điện, PV Power cũng lên kế hoạch thực hiện thêm các dự án điện khí và năng lượng tái tạo phù hợp với Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
Một trong những giải pháp hàng đầu PV Power xác định là trụ cột nổi bật để hoàn thành chiến lược phát triển trong chuyển dịch năng lượng là phát triển KHCN. Tổng công ty đã tập trung chuyển đổi số toàn diện tại các nhà máy điện, đặc biệt là Nhơn Trạch 2, Vũng Áng 1 và Cà Mau 1&2. Các nhà máy điện đã và đang được tích hợp hệ thống giám sát vận hành từ xa, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) nhằm tối ưu hóa bảo dưỡng, dự báo hư hỏng thiết bị và giảm chi phí vận hành.
PV Power đã ứng dụng các giải pháp KHCN để nâng cao hiệu suất sản xuất tại các nhà máy điện cũng như phục vụ quản trị điều hành: áp dụng phần mềm quản lý bảo trì sửa chữa (CMMS) và quản trị tài chính kế toán (SAP). Chủ động hợp tác với Trường Đại học Bách khoa nghiên cứu năng lượng xanh và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về “Nghiên cứu đánh giá các ảnh hưởng tới các thiết bị chính nhà máy điện turbine khí chu trình hỗn hợp của tổng công ty”.
Với nhiều nỗ lực và chính sách khuyến khích, PV Power đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên toàn tổng công ty. Những cuộc thi, phong trào: “Sáng tạo PV Power”, “Một triệu sáng kiến”, “Ngày hội sáng tạo PV Power 2024” thu hút lớn số lượng đăng ký với chủ đề đa dạng, hướng tới mục đích cải tiến vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy điện, cải tiến hệ thống quản lý quy trình, quy định, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao hiệu suất làm việc…
Trong giai đoạn 2020-2025, toàn tổng công ty có hơn 280 sáng kiến được công nhận, với giá trị làm lợi quy đổi được công nhận xấp xỉ 100 tỉ đồng. Những giải pháp này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu, mà còn giảm thiểu thời gian dừng máy - một yếu tố sống còn trong bối cảnh giá điện cạnh tranh và thị trường điện ngày càng biến động.
![]() |
Người lao động PV Power |
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, Đảng ủy PV Power đã ban hành Nghị quyết số 62-NQ/ĐU ngày 11-11-2021 về thực hiện công tác chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến cuối nhiệm kỳ, công tác chuyển đổi số đã đạt một số kết quả như: chuẩn hóa dữ liệu vật tư tại các nhà máy điện; kết nối giám sát tập trung dữ liệu các nhà máy điện qua hệ thống Power Monitoring; tích hợp dữ liệu, báo cáo vận hành, ứng dụng Chatbot; duy trì các công cụ quản trị hiện đại và tăng cường bảo mật hệ thống mạng.
Việc ứng dụng Chatbot đã giúp cán bộ công nhân viên, người lao động PV Power dễ dàng được giải đáp các thông tin nội bộ, quy chế, quy định nội bộ hiện hành. Hiện nay, PV Power đã đưa Chatbot vào sử dụng chính thức với phạm vi trong hệ thống mạng Lan, tích hợp trên phần mềm quản lý văn bản Voffice và không cho ra kết quả ở Internet, nhằm bảo đảm về an toàn dữ liệu văn bản quy phạm nội bộ.
Bên cạnh đó, với quan điểm KHCN là “bệ đỡ” phát triển dài hạn, PV Power chú trọng đầu tư cho đội ngũ kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, đào tạo nội bộ chuyên sâu, khuyến khích sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn, bắt kịp sự phát triển về khoa học kỹ thuật hiện đại cho đội ngũ cán bộ công nhân viên, PV Power đã tích cực triển khai công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực với nhiều hình thức đa dạng. Bao gồm: các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và cán bộ thuộc diện quy hoạch; đào tạo kèm cặp nội bộ cho các chức danh tại các nhà máy điện; đào tạo dự nguồn cùng chương trình đào tạo kỹ thuật, kỹ thuật chuyên sâu khác với tổng số lượt đào tạo đạt 13.800 lượt và tổng kinh phí 55 tỉ đồng trong 5 năm vừa qua.
Hàng loạt đề tài nghiên cứu đã được triển khai nhằm ứng dụng thực tiễn vào vận hành nhà máy, tiết kiệm chi phí, nâng cao độ tin cậy hệ thống và giảm phát thải. Không dừng lại ở đó, PV Power đang hướng tới việc thiết lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - nơi các ý tưởng công nghệ có thể được thử nghiệm, thương mại hóa và mở rộng.
Trong bối cảnh thị trường biến động và áp lực cạnh tranh lớn, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ, con người và mô hình vận hành thông minh, PV Power có cơ sở vững chắc là KHCN để bứt phá. Đây là công cụ chiến lược để PV Power hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh nhiệm kỳ 2020-2025 và tạo nền tảng định hình một doanh nghiệp năng lượng tiên phong, hiện đại và bền vững trong giai đoạn 2025-2030.
PV Power lên kế hoạch các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2025 cao hơn năm 2024. Cụ thể, mục tiêu sản lượng điện 18,864 tỉ kWh; tổng doanh thu 38.185 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế 493 tỉ đồng; nộp ngân sách 734 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự kiến 6.632 tỉ đồng; giá trị giải ngân 9.052 tỉ đồng. |
Diệu Phương
-
PV Power-DHC tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025
-
Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam khẳng định vai trò “xương sống” trong đảm bảo an ninh năng lượng
-
Dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn trị giá hơn 2,2 tỷ USD tái mời thầu
-
PV Power đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng: Chủ động bắt nhịp xu thế xanh