Bài 1: Thực trạng chế biến dầu khí và các đề xuất
Tổng quan chế biến dầu khí
Lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN nói riêng và Việt Nam nói chung mới được hình thành và phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây, với cột mốc quan trọng là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính thức vận hành thương mại từ 30/5/2010, đưa Việt Nam từ một quốc gia chỉ có khai thác và xuất khẩu dầu thô thành đất nước có thể tự sản xuất được trên 30% nhu cầu xăng dầu.
![]() |
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
Các dự án đã đi vào vận hành thương mại bao gồm: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công suất 5,9 triệu tấn sản phẩm/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu thị trường trong nước; Nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, công suất 1,6 triệu tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu phân urê trong nước; Nhà máy Polypropylen Dung Quất thuộc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công suất 154.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu trong nước...
Các nhà máy chế biến dầu khí của PVN đều là các nhà máy có công nghệ, thiết bị hiện đại được cung cấp bởi các nhà bản quyền công nghệ và các nhà sản xuất chế tạo thiết bị của các nước phát triển, uy tín trên thế giới.
Đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành được đào tạo bài bản, có năng lực kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, đến nay đã có thể làm chủ trong vận hành, bảo dưỡng sửa chữa tại các nhà máy.
Vì vậy, các nhà máy như: Lọc dầu Dung Quất, Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ... đều được duy trì vận hành liên tục, ổn định trong nhiều năm đạt 100% công suất thiết kế, thời gian dừng máy do sự cố thấp. Sản phẩm của các nhà máy chế biến đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường, phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế của đất nước, góp phần giảm nhập khẩu.
Những việc cần làm ngay
Hằng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20 - 25% tổng doanh thu của toàn PVN và ngày càng giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của PVN nói riêng, cũng như hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia và góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
![]() |
Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Cà Mau. |
Phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí, PVN đã hoàn chỉnh chuỗi công nghiệp dầu khí của nước nhà, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng nượng, an ninh lương thực, góp phần phát triển bền vững ngành Dầu khí cũng như phát triển bền vững đất nước.
Để thực hiện thành công giải pháp chế biến dầu khí Việt Nam trong giai đoạn tới, Nhà nước cần có chính sách giá khí cho từng đối tượng cụ thể phục vụ mục tiêu phát triển chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong đó, có chính sách giá khí với lộ trình ưu tiên để phát triển hóa dầu ở giai đoạn đầu, sau đó tăng dần theo giá khí thị trường. Mặt khác, coi phát triển công nghiệp hóa dầu từ khí thiên nhiên là một trong những lĩnh vực quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững ngành Dầu khí Quốc gia. Dành tối thiểu 20% sản lượng khí để phục vụ phát triển hoá dầu.
TS. Nguyễn Hoàng Yến