Phát hiện Dầu ở tầng đá móng mỏ Bạch Hổ: Hành trình từ trái tim đến ngọn lửa Dầu khí

Bài 2: Việt Nam ghi tên lên bản đồ dầu khí

09:00 | 18/08/2018

2,604 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Từ những tài liệu vô cùng hạn chế, những nhà khoa học Liên Xô và Việt Nam đã tìm ra dầu thô dưới đáy biển.

Từ triển vọng đến phát hiện

Ngay từ khi hình thành Xí nghiệp Liên doanh Vietsopetro, công tác khảo sát địa vật lý tổng hợp đã được tiến hành do Liên đoàn Địa vật lý biển Viễn Đông Liên Xô thực hiện. Từ năm 1980, các tàu nghiên cứu khoa học Poisk, Iskatel đã thực hiện khảo sát từ, trọng lực, địa chấn với mạng lưới khu vực, phủ toàn thềm lục địa Việt Nam từ vịnh Thái Lan đến vịnh Bắc Bộ, nhằm nghiên cứu cấu trúc và đánh giá tiềm năng các bể trầm tích Đệ Tam thềm lục địa Việt Nam.

bai 2 viet nam ghi ten len ban do dau khi
Mỏ Bạch Hổ ngày nay.

Hằng năm, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã tiến hành khảo sát địa vật lý mạng lưới khu vực và chi tiết. Từ năm 1980 đến năm 1989, các tàu nghiên cứu khoa học Poisk, Iskatel, viện sĩ Gambursev, Malưgin tập trung khảo sát ở 7 lô (lô 09, 15, 16, 04, 05, 10 và 11) có triển vọng dầu khí nhất thuộc bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn (trên 50.000 km tuyến địa vật lý).

Tại các lô 09,16 đã hoàn thành 22 giếng khoan tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu cấp B+C trên 100 triệu tấn. Đã phát hiện 3 mỏ có trữ lượng công nghiệp là Bạch Hổ, Rồng và Đại Hùng. Mỏ Bạch Hổ được xác định có trữ lượng lớn nhất.

Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 25/12/1983, tàu Mikhain Mirchin đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và 5 tháng sau, tức ngày 24/5/1984, đã phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên. Liên tục sau đó mỏ Rồng được phát hiện vào ngày 21/6/1985 và mỏ Đại Hùng được phát hiện vào ngày 18/7/1988, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Việt Nam có dầu! Đất nước có dầu! Tin vui đó truyền đi rất nhanh, tạo ra không khí vui mừng phấn khởi không chỉ cho những người làm dầu khí, cho nhân dân Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, mà còn đối với nhân dân cả nước.

Ngày 3/6/1984, lễ mừng tìm thấy dầu tại thềm lục địa được tổ chức long trọng tại thành phố Vũng Tàu, tưng bừng như một ngày hội lớn với sự có mặt của đại diện Chính phủ Việt Nam, các ban, ngành Trung ương và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, đông đảo chuyên gia, công nhân dầu khí Việt Nam - Liên Xô tại Vũng Tàu.

Ngọn lửa đốt lên tại buổi lễ, từ dòng dầu đầu tiên là ngọn lửa rực sáng niềm tin ở triển vọng tương lai, báo hiệu sự mở đầu cho những kết quả tiếp theo của sự nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Nam Việt Nam.

Mất ăn mất ngủ vì... dầu

Để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, lịch sử Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro là một chuỗi những bước thăng trầm, có khi gần như không vượt qua nổi.

bai 2 viet nam ghi ten len ban do dau khi
Dòng dầu thô đầu tiên của mỏ Rồng khai thác bởi tàu khoan Mikhain Mirchin (ngày 21/6/1985).

Sự việc đầu tiên có lẽ phải nhắc đến từ giếng khoan BH-5. Ngày 25/12/1983, tàu khoan Mikhain Mirchin khoan giếng BH-5 gần vị trí giếng BH-1X của Công ty Mobil trước đây. Giếng dự kiến sẽ khoan hết lát cắt trầm tích Đệ Tam với chiều sâu thiết kế 3.500 m dựa theo cấu trúc giếng của BH-1X. Hy vọng của cả nước đặt vào kết quả giếng khoan do Kỹ sư Đặng Của, Vụ trưởng Vụ Khoan và Khai thác đại diện Tổng cục Dầu khí (Phía Việt Nam) trực tiếp giám sát.

Vào những ngày cuối tháng 4, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ra thăm giàn khoan… Nhưng sau khi khoan qua “tầng sản phẩm 23” ở chiều sâu khoảng 2.730 m (hiện gọi tầng dầu Bạch Hổ) đến khoảng chiều sâu 3.001 m thì có lo ngại với chiều sâu quá lớn không được chống ống và có thể gặp sự cố địa chất phức tạp do tầng sét trương nở ở khoảng 2.600 m, tương tự khi Mobil khoan giếng BH-1X, điều này có thể gây sự cố cho giếng, nên hai Phía chấp nhận dừng ở chiều sâu 3.001m, không khoan đến chiều sâu thiết kế để bảo đảm an toàn cho giếng và tầng sản phẩm đã gặp ở giếng BH-1X.

Ngày 24/5/1984, sau khi thử vỉa, phát hiện dầu trong trầm tích Miocen (tầng 23), cả nước vui mừng vì lần đầu tiên Việt Nam tìm thấy dầu và dầu chắc chắn sẽ được khai thác trong tương lai gần. Lễ đốt đuốc mừng dòng dầu công nghiệp được tổ chức. Không vui sao được khi đất nước đang gặp nhiều khó khăn nay phát hiện thấy dầu.

Tin vui thật đấy nhưng cũng là nỗi lo lắng tràn ngập trong tâm trí những người làm địa chất dầu khí ở Vietsovpetro vì lưu lượng thử khoảng 20 tấn/ngày chỉ bằng 1/15 lưu lượng mà Mobil công bố. Tại sao? Trong khi bắn vỉa có gì sai sót chăng ở giếng BH-5? Hoặc do bản thân năng lượng vỉa yếu không đúng như Mobil công bố?!

Rất nhiều nhà khoa học trong ngành Dầu khí đã kể lại với chúng tôi rằng, thời điểm đó hầu như anh em đều mất ăn, mất ngủ bởi đã đến đích rất gần nhưng nếu trữ lượng quá thấp thì không thể đưa vào khai thác. Tất cả nỗ lực trong hơn 20 năm sẽ sụp đổ.

Tùng Dương (lược ghi theo cuốn Lịch sử ngành Dầu khí)

Bài 3: Đỉnh điểm trong “chiến dịch” Bạch Hổ

bai 2 viet nam ghi ten len ban do dau khiBài 1: Dốc toàn lực tìm dầu
bai 2 viet nam ghi ten len ban do dau khiTìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả mỏ dầu Bạch Hổ
bai 2 viet nam ghi ten len ban do dau khiNhớ chuyến xuất khẩu dầu thô năm ấy

DMCA.com Protection Status