Tăng trưởng xanh - những vấn đề đặt ra:

Bài 5: Cần xây dựng tổng thể “chính sách thuế xanh” để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh

10:00 | 12/08/2024

1,803 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được, cần hoàn thiện khung pháp lý và tạo ra cơ chế rõ ràng về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để thực thi các chính sách thuế xanh. Từ đó xây dựng tổng thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực này.

Thời gian qua, chính sách thuế xanh đã được xây dựng, ban hành và triển khai. Một mặt chính sách này hạn chế hành vi sản xuất và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới sản xuất xanh, đầu tư xanh và người dân chuyển hướng sang tiêu dùng xanh (chủ yếu thông qua các ưu đãi thuế). Tuy nhiên, những hạn chế, vướng mắc vẫn tồn tại và phát sinh.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PetroTimes có cuộc trao đổi với Chuyên gia về thuế - ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín.

Bài 5: Cần xây dựng tổng thể “chính sách thuế xanh” để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh
Chuyên gia Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín

PV: Thưa ông, Việt Nam đã có những chính sách thuế như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xanh và giảm lượng phát thải CO2?

Ông Nguyễn Văn Được: Việt Nam hiện vẫn chưa có các chính sách thuế tổng thể và mang tính chiến lược đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là trong sản xuất xanh và giảm phát thải CO2. Dù chưa có chính sách thuế rõ ràng, Chính phủ đã triển khai một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích lĩnh vực này.

Cụ thể, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), theo Luật Thuế TNDN hiện hành, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% trong vòng 15 năm. Ngoài ra, họ còn được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 9 năm.

Về thuế xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý môi trường và sản xuất sạch có thể được miễn hoặc giảm thuế đối với các máy móc, thiết bị, linh kiện phục vụ cho dự án đầu tư theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu.

Liên quan đến thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập từ chuyển nhượng phát thải không phải kê khai nộp thuế GTGT, theo quy định của Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Thêm vào đó, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành ưu đãi đối với xe ô tô điện và ô tô chạy bằng năng lượng sinh học với mức thuế thấp hơn so với sản phẩm cùng loại sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học chỉ bằng 50 - 70% mức thuế của các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, tùy theo từng loại.

Về thuế tài nguyên môi trường, các doanh nghiệp tham gia hoạt động bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả cũng có thể được giảm thuế theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Bên cạnh các ưu đãi thuế, theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP, các doanh nghiệp có thể được hỗ trợ tài chính từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cho các dự án đầu tư vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và giảm phát thải CO2. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng có thể hưởng các chính sách tài chính, tín dụng xanh như trái phiếu xanh, cổ phiếu phát triển bền vững, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và duy trì sự ổn định trong giá cổ phiếu.

Như vậy, về cơ bản Việt Nam vẫn chưa có một chính sách thuế ưu đãi và hỗ trợ rõ ràng và trực tiếp cho kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, nhưng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ hiện hành đã bước đầu hỗ trợ, ưu đãi cho lĩnh vực này hình thành và phát triển. Do vậy, cần có những cải cách và chính sách mạnh mẽ hơn trong tương lai để thúc đẩy kinh tế xanh và giảm phát thải CO2.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những chính sách thuế này?

Ông Nguyễn Văn Được: Việt Nam chưa có chính sách thuế tổng thể và toàn diện về ưu đãi hỗ trợ cho sản xuất xanh và giảm phát thải CO2. Điều này dẫn đến hiệu quả của các chính sách hiện tại chưa đảm bảo tính phổ quát và chưa đủ mạnh để thúc đẩy kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo lộ trình mà Chính phủ đã đề ra.

Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tích cực về những hiệu quả mà các chính sách hiện hành này đã phát huy trong thời gian qua, có thể kể đến như:

Thứ nhất, các chính sách này đã kích thích và thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận không cao hoặc yêu cầu chi phí đầu tư lớn cùng trình độ khoa học kỹ thuật cao.

Thứ hai, các chính sách đã góp phần xây dựng môi trường đầu tư và hệ sinh thái kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo định hướng của Chính phủ giai đoạn 2020-2050.

Thứ ba, các ưu đãi kịp thời đã hỗ trợ các dự án đầu tư có được nguồn tài chính, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế, cải thiện và bảo vệ môi trường, bao gồm giảm khí thải CO2 và các chỉ tiêu hiệu ứng nhà kính.

Cuối cùng, các chính sách cũng đã thay đổi nhận thức và văn hóa của doanh nghiệp, doanh nhân, và người tiêu dùng trong vấn đề bảo vệ môi trường thông qua các ưu đãi thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt và các hình thức hỗ trợ khác.

PV: Vậy theo ông, việc triển khai chính sách thuế xanh tại Việt Nam hiện đang gặp phải những thách thức, khó khăn nào?

Ông Nguyễn Văn Được: Tôi cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất là thiếu khung pháp lý và cơ chế rõ ràng để thực thi các chính sách thuế xanh. Hiện nay, khung pháp lý đối với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa thực sự rõ ràng tại Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP chưa ban hành cụ thể “Danh mục phân loại xanh” để từ đó có thể ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp cho từng lĩnh vực cụ thể cũng như giúp nhà đầu tư và các bên có cơ sở tham chiếu thực hiện.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đối với hầu hết các lĩnh vực được xây dựng trên nền tảng ưu đãi và hỗ trợ “dự án đầu tư” theo pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, trong thực tế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần phải có đồng bộ các giải pháp ưu đãi, hỗ trợ tại nhiều khâu của quá trình từ sản xuất đến lưu thông sản phẩm, dịch vụ cũng như quá trình xử lý hậu sản xuất, hậu tiêu dùng. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện nay chưa được luật hóa cụ thể, vẫn còn chung chung và chưa đi vào thực chất với mức ưu đãi, hỗ trợ còn khá khiêm tốn, chưa tạo được động lực và cú hích để phát triển so với các quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, thách thức khó khăn do chưa có hệ sinh thái, thị trường đối với kinh tế xanh cũng như nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức quản lý, vận hành, thực thi, đánh giá và giám sát kinh tế xanh cũng đang là bài toán lớn cho Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong 142 quốc gia tham gia chính sách “Thuế tối thiểu toàn cầu” từ ngày 1/1/2024, khi đó các chính sách ưu đãi về thuế TNDN sẽ không còn là ưu thế thu hút đầu tư khối ngoại (FDI) đặc biệt là các ông lớn về vốn và công nghệ. Vì vậy, Việt Nam gặp thách thức lớn từ xây dựng chính sách ưu đãi thuế TNDN và buộc phải chuyển sang quan tâm đến chính sách ưu đãi và hỗ trợ khác để thu hút đầu tư.

Cuối cùng, khi thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ gặp phải các vấn đề về chi phí đầu tư, chi phí vận hành và chi phí thực hiện, kiểm tra, đánh giá, giám sát có xu thế tăng lên trong khi lợi ích thu được trong dài hạn, tác động gián tiếp đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đặc biệt là văn hóa, thói quen cũng như ý thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế về vấn đề này.

PV: Vậy theo ông, cần có những giải pháp nào để khắc phục những thách thức này?

Ông Nguyễn Văn Được: Cá nhân tôi cho rằng, để khắc phục những thách thức này, cần có một chiến lược tổng thể và dài hạn. Trước tiên, cần hoàn thiện khung pháp lý và tạo ra cơ chế rõ ràng về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để thực thi các chính sách thuế xanh. Từ đó xây dựng tổng thể các chính sách thuế ưu đãi, hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực này. Theo đó, cần sớm ban hành “Danh mục phân loại xanh” để từ đó có cơ sở xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ phù hợp. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ không chỉ dừng lại trong lĩnh vực đầu tư mà cần mở rộng đối tượng ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với mức ưu đãi và hỗ trợ đủ lớn để tạo cú hích mạnh cho lĩnh vực này.

Ngoài ra, cần xây dựng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ về nguồn nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực vận hành, kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường đối với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, môi trường và thị trường hoạt động tiệm cận với khu vực và quốc tế.

Mặt khác, thực hiện và đẩy mạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác để bù đắp lợi thế mà ưu đãi thuế TNDN mất đi do phải áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Đặc biệt, cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời cho sản xuất, tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thuộc “Danh mục phân loại xanh” như các quốc gia đã và đang thực hiện với mức hỗ trợ kịp thời, thiết thực trực tiếp cho nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng chính sách tạo sự liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà băng (ngân hàng), nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông (người dân) cùng tham gia tích cực đối với lĩnh vực này trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề ưu đãi và hỗ trợ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bài 5: Cần xây dựng tổng thể “chính sách thuế xanh” để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh
Hoàn thiện “chính sách thuế xanh” sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất xanh tại Việt Nam xuất khẩu vào thị trường khó tính (Ảnh minh họa)

PV: Nếu Việt Nam hoàn thiệnchính sách thuế xanh, điều này có tác động như thế nào đến doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Được: Theo tôi, ngoài các tác động tích cực về mặt quản lý vĩ mô thì chính sách thuế xanh còn tác động tích cực đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất xanh sẽ có lợi thế cạnh tranh khi được hưởng các ưu đãi thuế. Điều này giúp họ giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, đồng thời khuyến khích họ đầu tư vào công nghệ sạch và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, chính sách thuế xanh có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại hơn, giúp giảm lượng phát thải CO2. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như cải thiện thương hiệu đối với các doanh nghiệp Việt trên thị trường khu vực và quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển xanh tại các thị trường “khó tính” đòi hỏi tiêu chuẩn về môi trường nghiêm ngặt như EU, Mỹ, Nhật Bản,… từ đó mở rộng quy mô thị trường, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu.

Ngoài ra, với xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên thế giới hiện nay sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho nhà sản xuất, người dân, doanh nghiệp khi thực hiện kinh tế xanh, ví dụ như: Được bao tiêu sản phẩm, sản phẩm được định giá và giao dịch với hàm lượng giá trị cao hơn (giá bán cao hơn), được bảo hộ và được bảo vệ lợi ích giá trị gia tăng cũng như giá trị thặng dư tăng thêm đối với người sản xuất qua các khâu lưu thông, tùy theo từng chính sách và từng thị trường khác nhau…

Cuối cùng, tạo động lực và thuận lợi thu hút đầu tư, từ đó doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, điều hành và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của các quốc gia trên thế giới, giúp Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra vào năm 2050.

Như vậy, việc xây dựng tổng thể “chính sách thuế xanh” không chỉ tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất xanh tại Việt Nam mà còn giúp họ tiếp cận và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Chính sách thuế xanh không chỉ giúp doanh nghiệp trong ngắn hạn mà còn hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh bền vững hơn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho nền kinh tế quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Tưởng (thực hiện)

Mobile Version DMCA.com Protection Status