Vì sao cần sớm có Luật Năng lượng tái tạo?

Bài 7: PGS.TS Ngô Trí Long: Vướng mắc về giá là rào cản lớn nhất với phát triển năng lượng tái tạo

08:00 | 11/12/2023

5,607 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trao đổi với PetroTimes, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với việc đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Viêt Nam là các vấn đề liên quan tới chính sách, pháp lý và cơ chế giá...

Năng lượng tái tạo có tiềm năng phát triển lớn

Châu Á có tiềm năng gió và mặt trời rất lớn, theo báo cáo về lộ trình phát thải ròng bằng 0 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Các nước Đông Nam Á có tiềm năng tăng gấp 3 lần công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào năm 2030, đồng thời nguồn tài nguyên gió dồi dào ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines đã thu hút sự quan tâm đáng kể đến phát triển điện gió ngoài khơi. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo ở châu Á có thể mang lại nhiều lợi ích bao gồm an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã dành sự quan tâm đặc biệt tới các khu vực có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, trong đó có Việt Nam.

Bài 7: PGS.TS Ngô Trí Long: Vướng mắc về giá là rào cản lớn nhất với phát triển năng lượng tái tạo
Năng lượng tái tạo có tiềm năng phát triển lớn/Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, năng lượng mặt trời có tiềm năng rất lớn do có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp, có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, cho nên có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học…

Tổng số giờ nắng trong năm tại các tỉnh miền Bắc bình quân khoảng 1.800-2.100 giờ, các vùng miền Trung và miền Nam khoảng 1.400-3.000 giờ; số ngày nắng trung bình trên các tỉnh miền Trung và miền Nam là khoảng 300 ngày/năm. Bên cạnh đó, cường độ bức xạ mặt trời trung bình nhận được tại mặt đất dao động trong khoảng 3,54-5,15 kWh/m2/ngày và tăng dần từ Bắc vào Nam. Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW.

Về điện gió, theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng tiềm năng ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Campuchia (26.000 MW). Nghiên cứu của WB cũng cho thấy, 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các turbine gió lớn.

Bên cạnh đó, tỷ trọng phát điện của năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) không ngừng tăng cao và tốc độ rất nhanh trong cơ cấu phát điện của hệ thống điện Việt Nam trong giai đoạn 2010-2022, từ 27% vào năm 2010 lên hơn 48% vào năm 2022, đặc biệt với sự đóng góp rất lớn từ điện gió, mặt trời vào các năm 2019-2022.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 cơ cấu nguồn điện nghiêng mạnh sang các nguồn năng lượng tái tạo với tỷ lệ 27%, trong đó điện gió trên bờ chiếm 14,5% tổng công suất các nhà máy điện, điện gió ngoài khơi (4,0%), điện mặt trời (8,5%).

Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ còn cao hơn rất nhiều từ 59,5 đến 63,8%, trong đó lần lượt điện gió trên bờ chiếm 12,2-13,4%, điện gió ngoài khơi chiếm 14,3-16% và điện mặt trời chiếm 33,0-34,4%.

Chính sách, pháp lý, cơ chế giá... là rào cản lớn nhất cần được tháo gỡ

Theo các chuyên gia, ưu điểm của sản xuất điện năng lượng tái tạo là không tốn tiền mua nguyên liệu đầu vào, giá thành chỉ phụ thuộc vào giá cả công nghệ, thiết bị. Tuy nhiên, công nghệ thế giới phát triển nhanh, nên giá thành công nghệ giảm đi hàng năm, làm giá thành điện năng, năng lượng tái tạo chưa tính giá truyền tải và lưu trữ điện giảm theo thời gian. Về lâu dài, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn rẻ nhất nếu chưa tính chi phí truyền tải, lưu trữ điện.

Tiềm năng, ưu điểm là vậy, song trên thực tế khi kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án này lại đang gặp nhiều trở ngại. Trong đó, các vấn đề như: chính sách, pháp lý, cơ chế giá, bao tiêu sản lượng… đang là những vướng mắc chính kìm hãm sự phát triển năng lượng tái tạo.

Trao đổi với PetroTimes về vấn đền này, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cơ chế giá có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đầu tư và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Việc chưa ban hành khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo mới có thể coi là “điểm nghẽn” là rào cản lớn nhất để phát triển nguồn năng lượng này.

Bài 7: PGS.TS Ngô Trí Long: Vướng mắc về giá là rào cản lớn nhất với phát triển năng lượng tái tạo
PGS.TS Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đầu năm 2023, dựa trên những tính toán từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại ngày 7/1/2023. Theo đó, khung giá mới cho các nguồn điện của các nhà máy điện chuyển tiếp thấp hơn 21-29% so với mức giá trong biểu giá điện hỗ trợ FIT (là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, giá bán điện được tính toán để nhà đầu tư thanh toán đủ chi phí đầu tư, có lãi vừa phải và giá này được giữ cố định trong 20 năm). Tuy nhiên khung giá mới chỉ áp dụng cho khoảng 16 dự án điện mặt trời và 62 dự án điện gió trong diện chuyển tiếp, tức là những dự án đã tiến hành đầu tư, triển khai nhưng chưa kịp hoàn thành trước hạn giá FIT (đối với điện mặt trời là từ ngày 1/1/2021, đối với điện gió là từ ngày 1/11/2021). Còn những dự án năng lượng tái tạo mới thì chưa thống nhất khung giá phát điện nên chưa thu hút được nhà đầu tư.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, khung giá mới là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoảng thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn. Tuy nhiên, với khung giá này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chính sách giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẽ là tiền đề để Bộ Công Thương có cơ sở đánh giá cũng như điều chỉnh khung giá cho các dự án năng lượng tái tạo mới một cách cẩn thận và hợp lý. Với những cam kết mạnh mẽ trong COP26, Việt Nam cần có chính sách giá chính thức, khung pháp lý minh bạch, ổn định, đủ hấp dẫn nhưng vẫn mang tính cạnh tranh, dài hạn và thu hút các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực tham gia vào lĩnh vực này.

Về cơ chế giá, theo ông Ngô Trí Long, điện là hàng hóa đặc thù, hàng hóa thiết yếu, cho nên giá phải theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, điều tiết nhằm phục vụ an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, có nghĩa là tùy theo mục tiêu kinh tế của từng giai đoạn, căn cứ yếu tố lạm phát để tính giá điện hợp lý. Chính vì vậy, hiện nay giá điện tại Việt Nam đầu vào thì theo cơ chế thị trường nhưng đầu ra lại theo sự điều tiết của nhà nước. Do đó, giá điện hình thành từ năng lượng tái tạo không thể cạnh tranh được với giá điện truyền thống hình thành từ năng lượng hóa thạch.

Từ những bất cập nêu trên, ông Long cho rằng, cần xây dựng và ban hành biểu giá điện phù hợp cho cả điện gió, điện mặt trời, điện được hình thành từ các dạng năng lượng tái tạo khác hài hòa lợi ích của cả 3 bên, đó là: Chủ đầu tư (bên bán điện), EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh - không phát thải khí nhà kính của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ, loại bỏ trợ cấp đối với điện hình thành từ các nhiên liệu hóa thạch nhằm đẩy mạnh tính minh bạch và cạnh tranh công bằng trên thị trường mua bán điện.

Ngoài ra, cần thiết lập các chính sách hỗ trợ như hạn chế thuế, đầu tư công, hay các khoản tài trợ vay vốn có lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo. Điều này có thể giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu và làm giảm giá bán điện từ nguồn năng lượng tái tạo.

Xác định giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo một cách công bằng và hợp lý dựa trên các yếu tố như chi phí sản xuất, hiệu suất và đóng góp vào môi trường.

Cùng với đó, tạo các cơ chế để thị trường có thể mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo trực tiếp, thay vì thông qua các nhà cung cấp truyền thống.

Ông Long cũng cho biết thêm, cần phải sớm ban hành khung giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo mới, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

“Vừa qua có một công ty nước ngoài muốn đầu hàng tỷ USD vào dự án điện gió tại Việt Nam, tuy nhiên do cơ chế giá chưa rõ ràng nên nhà đầu tư này đã rút lui”, ông Long thông tin.

“Cơ chế giá này cần phải được xây dựng dựa trên nghiên cứu cẩn thận về thị trường, hiệu quả kinh tế, và cả những ảnh hưởng đối với môi trường. Sự cân nhắc và điều chỉnh liên tục trong việc áp dụng cơ chế giá là cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, ông Long nhấn mạnh.

Ngoài việc cần sớm ban hành cơ chế về giá, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để phát triển năng lượng tái tạo ổn định, đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra, cần phải ban hành Luật Năng lượng tái tạo. Theo kinh nghiệm của các nước thành công trong phát triển năng lượng tái tạo như Đức, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Âu - Mỹ, cần ban hành Luật Năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi và ổn định về cơ sở pháp lý và chính sách phát triển năng lượng tái tạo, chú trọng các chính sách phối hợp bền vững ở cấp quốc gia và vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo; thúc đẩy và triển khai công nghệ mới; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng trên thị trường năng lượng.

Ở góc độ nhà đầu tư, đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp năng lượng tái tạo cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, cùng các quyết sách của Nhà nước và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, nguồn điện mặt trời và điện gió đã gia tăng nhanh chóng trong các năm gần đây. Tuy nhiên, điện mặt trời đã bị chững lại từ sau ngày 1/1/2021 và gần đây là điện gió sau ngày 1/11/2021. Điều này thể hiện cơ chế chính sách của chúng ta chưa liên tục, đang bị đứt gãy và gián đoạn. Đây cũng được coi một “điểm nghẽn” cần khơi thông và cần có một hành lang pháp lý thông suốt, thông thoáng, rõ ràng và liên tục. Các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài.

Bên cạnh đó, việc bao tiêu sản lượng điện từ các nhà máy cũng chưa rõ ràng, nhiều dự án, nhà máy đang và sắp triển khai vẫn chưa ký được hợp đồng mua bán điện, đã gây lãng phí cho việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, làm thiệt hại lớn về tài chính cho nhà đầu tư.

Từ những vấn đề nêu trên, vị lãnh đạo doanh nghiệp này đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các chính sách hướng tới tạo môi trường đầu tư ổn định, lâu dài làm cơ sở có thể dự đoán/mô phỏng được vấn đề chi phí và phân tích đánh giá tính kinh tế cũng như xem xét dòng doanh thu của các dự án, đặc biệt là các dự án đã đầu tư, đã xây dựng nhưng mới đưa vào vận hành thương mại (COD) được một phần…

Ngoài ra, cần phải nâng cấp, đầu tư hệ thống truyền tải, lưu trữ điện để tránh tình trạng bị nghẽn mạch không giải tỏa được công suất của các nhà máy như thời gian vừa qua.

Bài 5: TS Nguyễn Anh Tuấn: Luật hóa chính sách là nền tảng cho sự phát triển NLTT vững chắc và lâu dài
Bài 6: ĐBQH Phạm Thuý Chinh: Việc ban hành Luật về năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết

Huy Tùng

DMCA.com Protection Status