Bản tin Năng lượng Quốc tế 27/12: Trung Quốc là nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu năm 2023

09:01 | 27/12/2023

28,191 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về các lĩnh vực năng lượng thế giới.
Bản tin Năng lượng Quốc tế 27/12: Trung Quốc là nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu năm 2023

1. Tính đến đầu giờ sáng nay 27/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 75,26 USD/thùng, trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 81,07 USD/thùng.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/12, giá dầu đã bất ngờ tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong tháng. Giá dầu do các cuộc tấn công vào tàu ở Biển Đỏ vẫn không có chiều hướng giảm, làm dấy lên lo ngại về gián đoạn vận chuyển, và hy vọng các ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.

2. Ngày 26/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, việc nước này tham gia vào dự án khí tự nhiên hóa lỏng LNG 2 Bắc Cực của Nga không phải là mục tiêu của bất kỳ sự can thiệp hoặc hạn chế nào của bên thứ ba.

Các công ty dầu mỏ quốc doanh lớn của Trung Quốc là CNOOC và CNPC được cho là đã dừng việc tham gia vào dự án Bắc Cực LNG 2 vào ngày 25/12.

3. Trung Quốc đã giành lại vị trí nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu thế giới trong năm nay và sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu toàn cầu vào năm 2024.

Các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới ra mắt trong năm nay và lượng dự trữ khí đốt cao ở châu Âu cũng như Bắc Á vào đầu năm 2024 đã góp phần hạn chế mức tăng giá giao ngay trong 6 tháng tới. Các nhà phân tích dự báo một thị trường “cân bằng tuyệt vời”.

4. Dữ liệu từ công cụ theo dõi cơ sở hạ tầng khí đốt toàn cầu (GGIT) cho thấy, các quốc gia hàng đầu đang phát triển các kho xuất khẩu LNG mới với công suất lần lượt là Mỹ (336,9 triệu tấn/năm), Nga (164,1 triệu tấn/năm), Canada (75,8 triệu tấn/năm), Mexico (69,3 triệu tấn/năm) và Qatar (49 triệu tấn/năm).

Trong khi các dự án LNG mới còn ít được đưa vào hoạt động trong những năm gần đây, một làn sóng các dự án mới khác (một nửa trong số đó đang được xây dựng ở Mỹ và Qatar), với tổng công suất lần lượt là 74 triệu tấn và 33 triệu tấn - có thể làm bão hòa thị trường LNG toàn cầu, làm tăng cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu và khiến một số dự án không có lãi.

5. Bộ Tài chính Nga thông tin, nguồn thu của Moscow từ bán dầu thô đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 10, bất chấp sức ép quốc tế và các dự báo không mấy tích cực.

Trong tháng 10, doanh thu ròng từ dầu mỏ của Nga đạt 11,3 tỷ USD, chiếm 31% thu ngân sách ròng tháng đó.

Một năm qua, Nga tích cực chuyển hướng bán năng lượng từ phương Tây sang châu Á, tận dụng tối đa đội tàu cũ để vận chuyển dầu thô. Các lệnh trừng phạt lên dầu của Moscow, đặc biệt là quy định giá trần 60 USD một thùng, cũng được đánh giá là ngày càng kém hiệu quả.

Bình An

DMCA.com Protection Status