Bản tin Năng lượng xanh: G20 nhất trí tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo nhưng chưa đạt được các mục tiêu lớn khác

18:01 | 12/09/2023

9,381 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hôm thứ Bảy (9/9), các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí theo đuổi việc tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030 và chấp nhận nhu cầu năng lượng than, nhưng không đưa ra được các mục tiêu lớn khác về khí hậu.
Bản tin Năng lượng xanh: G20 nhất trí tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo nhưng chưa đạt được các mục tiêu lớn khác

G20 nhất trí tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo nhưng chưa đạt được các mục tiêu lớn khác

20 nền kinh tế lớn trên thế giới đã có những bất đồng liên quan đến cam kết giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm khí thải nhà kính và việc đẩy nhanh hơn nữa các mục tiêu năng lượng tái tạo.

Tuyên bố được các nhà lãnh đạo G20 thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở New Delhi không đề cập đến việc cắt giảm khí thải nhà kính. Tuyên bố cho biết các quốc gia thành viên “sẽ theo đuổi và khuyến khích các nỗ lực tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu… phù hợp với hoàn cảnh quốc gia vào năm 2030.”

Các quốc gia thành viên G20 cùng nhau chiếm hơn 80% lượng khí thải toàn cầu và nỗ lực tích lũy của nhóm nhằm khử cacbon là rất quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu.

G20 đã đồng ý rằng "hoàn cảnh quốc gia" sẽ được tính vào việc giảm dần "năng lượng than không suy giảm" nhưng không đề cập đến việc giảm sử dụng dầu thô, cho thấy các quốc gia như Ả Rập Xê-út giàu dầu mỏ đã chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán.

Liên quan đến việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch, Tuyên bố cho biết các nhà lãnh đạo "nhận thấy tầm quan trọng" của việc đẩy nhanh các biện pháp giúp chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng phát thải thấp" "phù hợp với hoàn cảnh quốc gia".

Khối đã không đạt được sự đồng thuận trong các cuộc họp cấp Bộ trưởng về môi trường và năng lượng. Tuyên bố cũng không cam kết đạt được các cam kết về mức phát thải ròng bằng 0 (Netzero) nhanh hơn mốc năm 2050, là mục tiêu mà các quốc gia G7 đang thúc đẩy.

Thay vào đó, Tuyên bố cho biết: "chúng tôi nhắc lại cam kết của mình nhằm đạt được mức phát thải khí nhà kính/trung hòa carbon toàn cầu vào khoảng giữa thế kỷ này, đồng thời tính đến những phát triển khoa học mới nhất và phù hợp với hoàn cảnh quốc gia khác nhau".

Tuyên bố cũng lưu ý sự cần thiết phải cung cấp nguồn tài chính bền vững và chi phí thấp cho các nước đang phát triển để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang giảm lượng khí thải của những nước này.

Ngành năng lượng mặt trời châu Âu cảnh báo nguy cơ phá sản khi giá giảm

Hôm thứ Hai (11/9), ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của châu Âu đã cảnh báo về tình trạng “bấp bênh” đối với các nhà sản xuất quang điện mặt trời (PV) châu Âu khi giá quang điện mặt trời đạt mức thấp kỷ lục.

Trong một thư gửi Ủy ban châu Âu, Tập đoàn thương mại công nghiệp SolarPower Europe cho biết rằng các công ty châu Âu có nguy cơ phá sản, điều mà họ cho rằng sẽ làm tổn hại đến mục tiêu của EU là đưa vào hoạt động 30 GW chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời.

Theo SolarPower, giá mô-đun PV đã giảm hơn một phần tư kể từ đầu năm. SolarPower Europe cho biết tình hình này đang tạo ra rủi ro cụ thể cho các công ty, có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán khi lượng hàng tồn kho lớn của họ dẫn đến việc phải giảm giá.

Nhu cầu lớn, kết hợp với đầu tư lớn và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất trên thị trường và khiến giá giảm.

Ngành này kêu gọi Ủy ban Châu Âu mua lại kho dự trữ mô-đun năng lượng mặt trời của các công ty châu Âu, thành lập Ngân hàng Sản xuất Năng lượng Mặt trời ở cấp EU và thúc đẩy nhu cầu về năng lượng mặt trời giữa các quốc gia ở Châu Âu.

Các dự án gió ngoài khơi của Hoa Kỳ phải đối mặt với những cơn gió lạm phát

Hiện nay Mỹ không có trang trại gió thương mại quy mô lớn nào đang hoạt động, nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu lắp đặt 30 gigawatt (GW) vào năm 2030 để giúp khử cacbon trong ngành điện và khôi phục hoạt động sản xuất trong nước.

Cho đến nay, Chính phủ liên bang đã phê duyệt một số dự án quy mô lớn, với hai dự án đầu tiên - Vineyard Wind 1 và South Fork - dự kiến ​​sẽ cung cấp nguồn điện đầu tiên vào cuối năm nay và khoảng vài chục dự án đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau.

Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố vào ngày 24/8, khoảng 27 hợp đồng cung cấp điện với tổng công suất hơn 17 GW đã được ký vào cuối tháng 5/2023. Tuy nhiên, lạm phát, tắc nghẽn nguồn cung và chi phí tài chính cao hơn đã làm xói mòn lợi nhuận của nhiều dự án. Báo cáo cho biết một số dự án buộc phải hủy bỏ các thỏa thuận bao tiêu, trong khi những người khác vẫn đang tìm cách đàm phán lại các điều khoản.

Một số nhà phát triển năng lượng gió ngoài khơi cho biết họ cũng đang thúc ép các quan chức giảm bớt các yêu cầu liên quan đến việc nhận trợ cấp theo Đạo luật Giảm phát.

Báo cáo cho biết, trong khi chi phí điện gió đã giảm khoảng 50% kể từ năm 2014, một cuộc khảo sát gần đây trong ngành cho thấy chi phí đã tăng 11%-20% so với năm 2022 và trong một số trường hợp là 30%.

Theo các nhà phát triển gió ngoài khơi, 1 megawatt (MW) dự tính có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 1.000 ngôi nhà ở Mỹ nhưng vì gió là nguồn tài nguyên không liên tục nên 1 MW gió ngoài khơi chỉ có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 500 ngôi nhà ở Mỹ./.

Thanh Bình

(Source: Reuters)

DMCA.com Protection Status