Bảo vệ môi trường trong khai thác dầu khí

00:00 | 07/08/2022

6,794 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Bên cạnh công tác khai thác, tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí trong nước, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đẩy mạnh, chưa có sự cố môi trường đáng tiếc nào xảy ra.
Tàu khai thác và cung cấp vật tư thiết bị cho các giàn khoan tại mỏ Bạch Hổ của Petrovietnam. (Ảnh: TTXVN)
Tàu khai thác và cung cấp vật tư thiết bị cho các giàn khoan tại mỏ Bạch Hổ của Petrovietnam. (Ảnh: TTXVN)

Trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã và đang có những bước phát triển đáng kể trong lĩnh vực tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu khí. Các hoạt động dầu khí ngoài khơi tập trung nhiều về phía biển Đông Nam thuộc bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn, tiêu biểu là các mỏ dầu Bạch Hổ, Rồng (VSP), Rạng Đông (JVPC), Ruby (Petronas)…; và về phía biển Tây Nam thuộc bồn trũng Malaysia tại Lô B (PQPOC), Lô 46-2, Lô 46- Cái nước (PVEP)… Tính đến cuối năm 2021, tổng trữ lượng dầu khí đã phát hiện thêm trên lục địa Việt Nam là hơn 1,5 tỷ mét khối dầu quy đổi, trong đó có khoảng 734 triệu mét khối dầu và condensate, 798 tỷ mét khối khí. Tổng lượng khai thác cộng dồn tại Việt Nam đạt 485 triệu mét khối dầu và condensate, 213 tỷ mét khối khí, đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước. Cùng với công tác khai thác, tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí ở trong nước, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam luôn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam coi trọng, chưa có sự cố môi trường đáng tiếc nào xảy ra.

Đánh giá về công tác này, Thạc sĩ Bùi Hồng Diễm (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cho biết, tất cả các giai đoạn hoạt động dầu khí ngoài khơi đều gắn liền với việc thải không mong đợi của các loại chất thải như: Nước khai thác thải, dung dịch khoan và mùi khoan, nước thải nhiễm dầu và nước thải sinh hoạt, các chất thải rắn, thải khí… Với phương châm “Bảo vệ môi trường gắn với văn hóa dầu khí”, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Cụ thể, tất cả các dự án dầu khí ngoài khơi đều tuân thủ các quy định của pháp luật như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMC); kế hoạch bảo vệ môi trường; giám sát định kỳ và liên tục các nguồn thải; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, biện pháp ứng phó sự cố hóa chất; thực hiện quan trắc môi trường trước và sau khi thực hiện thu dọn mỏ; thu dọn các công trình, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí… Thí dụ các chất thải rắn nguy hại (cặn dầu, cặn dung dịch gốc tổng hợp, bùn nhiễm dầu, nước nhiễm dầu, hóa chất gốc dầu, gỉ nhiễm dầu, ắc-quy, pin thải)… đều được thu gom, phân loại vào các thùng có dán nhãn riêng, sau đó được vận chuyển về bờ để xử lý. Các công ty dầu khí đều đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với đơn vị xử lý đã được cấp phép, cho nên toàn bộ chất thải nguy hại được xử lý và quản lý tuân thủ theo quy định.

Năm 2014 và năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học gồm: “Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tới môi trường và hệ sinh thái tại khu vực hoạt động dầu khí thuộc bồn trũng Cửu Long”; “Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tới môi trường và hệ sinh thái tại khu vực hoạt động dầu khí thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ hoạt động dầu khí ngoài khơi chỉ ở mức độ nhỏ, cục bộ và ngắn hạn, chất lượng môi trường biển được phục hồi hầu như hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn từ khi chấm dứt hoạt động khoan.

Theo xu hướng phát triển chung của thế giới hướng về phát thải ròng bằng “0”, hiện các đơn vị khai thác dầu khí ở nước ta đã quan tâm đến các giải pháp phát triển bền vững như: Phát triển điện gió ngoài khơi tại các khu vực thăm dò khai thác để thay thế cho các nguồn điện sử dụng nguyên liệu DO và khí; sản xuất hydrogen xanh và phối trộn với khí thiên nhiên… Để tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong công nghiệp dầu khí, nhất là thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng đề nghị Quốc hội sớm phê duyệt ban hành Luật Dầu khí sửa đổi, đồng thời xem xét chấp thuận điều chỉnh Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó định hướng để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển đổi thành Tập đoàn năng lượng, thân thiện với môi trường; cho phép Tập đoàn Dầu khí phát triển các nguồn nhiên liệu tái tạo, năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, hydro… Chính phủ, các bộ có liên quan tiếp tục xây dựng các cơ chế, khung pháp lý, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn để khơi thông, thúc đẩy nguồn tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực tái chế nhựa trên cơ sở tận dụng hạ tầng, thế mạnh trong lĩnh vực chế biến dầu khí của Tập đoàn; đẩy mạnh liên kết chuỗi để sử dụng tài nguyên có hiệu quả, giảm phát thải ra môi trường, thí dụ như chuỗi điện gió ngoài khơi- sản xuất hydro-sản xuất điện, các sản phẩm hóa dầu; chuỗi năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái tạo (sinh khối)-sản xuất nhiên liệu xanh (nhiên liệu sinh học, nhiên liệu phát thải các-bon thấp)...

Theo Báo Nhân dân

Cần lấp những lỗ hổng pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư lĩnh vực Dầu khíCần lấp những lỗ hổng pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư lĩnh vực Dầu khí
PVOIL và Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổng kết công tác phối hợp hoạt độngPVOIL và Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổng kết công tác phối hợp hoạt động
Đoàn Thanh niên PV GAS tổ chức Ngày hội hiến máu “Từ trái tim đến trái tim”Đoàn Thanh niên PV GAS tổ chức Ngày hội hiến máu “Từ trái tim đến trái tim”

DMCA.com Protection Status