Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quỳnh Lâm:

Biển Đông 01 là trường học lớn!

07:05 | 29/08/2016

1,713 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhắc tới “kỳ tích trên Biển Đông” - Dự án Biển Đông 01, không thể không nhắc tới vai trò “thuyền trưởng” của Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông Nguyễn Quỳnh Lâm.

Quyết định của “người thuyền trưởng”

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ngành Dầu khí, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm khẳng định: “Tất nhiên, chỉ có thể là Biển Đông 01, bởi đối với tôi, đây là dự án thể hiện nội lực mạnh mẽ và khát vọng chinh phục của người dầu khí”.

bien dong 01 la truong hoc lon
Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm

Dự án Biển Đông 01 bao gồm việc đầu tư thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo và lắp đặt 2 giàn khai thác đầu giếng tại 2 mỏ Mộc Tinh và Hải Thạch, mỗi giàn có khối lượng 14.000 tấn; 1 giàn xử lý trung tâm đặt tại mỏ Hải Thạch có khối lượng lên đến 30.000 tấn cấu kiện sắt thép và thiết bị. Dự án còn gồm việc xây dựng toàn bộ hệ thống đường ống nối từ giàn đầu giếng vào hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và hệ thống đường ống vận chuyển, cáp điện và cáp điều khiển nội mỏ; khoan 16 giếng khoan khai thác. Đây là công trình trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và là nơi có điều kiện địa chất phức tạp vào loại hiếm có trên thế giới, khí đốt ở giếng có nhiệt độ lên đến 170oC và áp suất hơn 400 atmosphere.

Còn nhớ, vào đầu năm 2009, khi BP và ConocoPhillips rút lui khỏi Dự án khí Hải Thạch và Mộc Tinh (Lô 05.2 và 05.3) và chuyển giao quyền lợi cho PVN. Lúc này, PVN đã quyết định thành lập Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC) để triển khai thực hiện dự án nhằm sớm đưa 2 mỏ trên vào khai thác. Và người được các lãnh đạo “chọn mặt gửi vàng” chính là anh Nguyễn Quỳnh Lâm.

Nhắc tới thời điểm được trao toàn quyền với Dự án Biển Đông 01, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Quỳnh Lâm vẫn không giấu nổi xúc động. Anh kể: “Đó là khoảng đầu tháng 2-2009, tôi được Tổng giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh và anh Phùng Đình Thực, anh Đỗ Văn Hậu (khi đó là Phó tổng giám đốc) gọi lên để trao đổi về Dự án Biển Đông 01, đồng thời các anh đều muốn tôi đi làm Tổng giám đốc Biển Đông POC và chịu trách nhiệm về dự án này”.

Thời điểm ấy, Nguyễn Quỳnh Lâm là cái tên “sáng giá” trong đội ngũ lãnh đạo trẻ dầu khí với kinh nghiệm hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác tại những mỏ “khó nhằn”. Kinh nghiệm đầy mình cùng sự tự tin và quyết tâm, song khi được giao trọng trách điều hành Dự án Biển Đông 01, anh vẫn không giấu được sự lo lắng. Anh nhớ lại: “Lúc đó mình cũng đã có kinh nghiệm nhất định đối với công tác thăm dò, khai thác, nhưng với Biển Đông 01, chúng tôi chỉ có trong tay 1 tờ giấy A4. Nói lo lắng thì không đúng, nhưng thật sự anh em đều thấy chưa đủ tự tin với dự án “khổng lồ” này”.

bien dong 01 la truong hoc lon
Dự án Biển Đông 01

Nhưng sau đó, với sự quyết tâm, nỗ lực và khát vọng chinh phục những thử thách, Nguyễn Quỳnh Lâm cùng các cộng sự và sự góp sức của các đơn vị thành viên của Tập đoàn như Vietsovpetro, PV Drilling, PTSC… đã hoàn thành xuất sắc những phần việc được giao, đặc biệt là việc chế tạo giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PVD V, đã góp phần quan trọng vào thành công của dự án.

Mất 2-3 tháng trời “ngụp lặn” trong tài liệu địa chấn do BP và ConocoPhillips để lại, cộng với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và trực giác nhạy bén của người “thuyền trưởng”, Nguyễn Quỳnh Lâm đã từng bước triển khai và hoàn thiện phương án tổ chức, thiết kế và hoàn thiện dự án với thời gian kỷ lục.

Cho đến thời điểm này, đây là công trình xây dựng trên biển lớn nhất của PVN, với khối lượng sắt thép và thiết bị lên đến 60.000 tấn; và là công trình được thiết kế hiện đại nhất, quy mô nhất ở Đông Nam Á. Đây cũng là công trình được đánh giá cao nhất về hệ số an toàn với 17 triệu giờ công lao động mà không xảy ra bất kỳ sự cố nào. Do có phương án thi công hợp lý, phát huy tối đa sức mạnh nội lực của các đơn vị trong Tập đoàn, công trình đã rút ngắn được thời gian so với dự tính ban đầu của các công ty nước ngoài là 2 năm, và tiết kiệm được 74 triệu USD.

Đối với anh Lâm, thành công của Dự án Biển Đông 01 nằm ở những quyết định kịp thời, thể hiện rõ nét tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Anh cho rằng, ở những thời điểm nhất định, vai trò của người “thủ lĩnh” phải phát huy rõ nét, phải dám đưa ra quyết định vì lợi ích chung. Và sự thật, trong nhiều thời điểm, sự quyết đoán của anh Nguyễn Quỳnh Lâm đã đem lại hiệu quả bất ngờ, mạo hiểm mà xứng đáng.

Đó là thời điểm quyết định hạ thủy khối thượng tầng giàn xử lý trung tâm mỏ Hải Thạch, ban lãnh đạo của Biển Đông POC nhìn nhận giàn đã hoàn thiện 99%, chỉ còn một số chi tiết nhỏ cần hoàn thành và gần như sẵn sàng cho công tác hạ thủy. Tuy nhiên, ngay lúc cần đưa ra quyết định, anh Nguyễn Quỳnh Lâm đã vấp phải những luồng ý kiến trái chiều, những cảnh báo về rủi ro do việc hạ thủy sớm, cũng như những băn khoăn khi hoàn thiện giàn ngoài khơi, nguy cơ đội giá các dịch vụ ngoài biển hay những trục trặc có thể gặp phải khi chạy thử… Những luồng ý kiến này thật sự đã khiến vị lãnh đạo trẻ băn khoăn và trăn trở.

Anh nhớ lại, những trục trặc hay nguy cơ đội giá khi hoàn thiện giàn Công nghệ trung tâm trên biển là điều có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, nếu không hạ thủy phần thượng tầng của giàn trong tháng 9-2012 thì phải chờ tới tháng 4-2013 mới có thể đưa ra biển, trong 6 tháng ấy, chi phí bị đội lên và lãng phí không biết bao nhiêu mà kể. Thời điểm ấy, khi anh Đỗ Văn Hậu tổ chức cuộc họp về phương án hạ thủy giàn Công nghệ trung tâm, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Vì đây là vấn đề kỹ thuật quan trọng, đôi lúc cuộc họp gay gắt tới mức “đập bàn” xưng “ông tôi”. Tất cả cũng chỉ vì lợi ích của dự án và Tập đoàn. Cuối cùng, theo ý kiến tham mưu của ban lãnh đạo Biển Đông POC, anh Hậu đã quyết định sẽ cho hạ thủy topside của giàn Công nghệ trung tâm vào tháng 9-2012. Và chúng tôi cũng chỉ có 1 tuần để thực hiện việc hạ thủy, bởi nếu sóng biển trên 1m thì phải kéo giàn vào bờ, chờ tới khi thời tiết thuận lợi mới tiếp tục triển khai. Trời không phụ lòng người, thời tiết trong thời gian ấy gần như tuyệt vời và đến ngày 9-9, khối thượng tầng giàn xử lý trung tâm PQP-HT đã chính thức được hạ thủy an toàn, thành công và đúng kế hoạch tại Cảng Hạ lưu PTSC, thành phố Vũng Tàu. Đến lúc này, anh em mới có thể thở phào với quyết định quá táo bạo này”.

Khối thượng tầng giàn xử lý trung tâm PQP-HT được hạ thủy theo phương pháp Skidding (kéo trượt trên đường trượt), theo đó khối thượng tầng được hệ thống kích thủy lực chuyên dùng (strand jack) đặt nằm ngang với phương hạ thủy, kéo/đẩy trượt theo đường trượt để dịch chuyển khối thượng tầng từ vị trí chế tạo trên công trường xuống xà lan. Trong suốt quá trình hạ thủy, mặc dù mực nước thủy triều liên tục thay đổi nhưng mặt đường trượt trên xà làn và trên cầu cảng cũng như khu vực chế tạo đều được kiểm soát chặt chẽ và liên tục điều chỉnh sao cho cân bằng thông qua hệ thống bơm ballast được lắp đặt và tính toán chi tiết trên sà lan.

Và sau 4 năm ấp ủ và triển khai, thành công của Dự án Biển Đông 01 đã chứng minh cho ngành dầu khí thế giới rằng, trình độ kỹ thuật của các kỹ sư cũng như trình độ quản lý, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến của người Dầu khí và ngành Dầu khí Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt, có thể sánh ngang với các tập đoàn khai thác dầu khí lớn và đủ sức chinh phục những mỏ có điều kiện địa chất phức tạp.

Dùng người “đúng nơi cần, đúng chỗ thiếu”

Không chỉ là dự án thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Biển Đông 01 mà còn là minh chứng của nội lực Việt Nam.

Nhớ lại thời kỳ đầu của Dự án Biển Đông 01, anh Nguyễn Quỳnh Lâm khẳng định, thành công của dự án phần lớn được quyết định nhờ yếu tố con người. Có thể nói, tới dự án này, Việt Nam mới thực sự làm chủ một dự án, vừa là người thực hiện, vừa là người giám sát, còn chuyên gia nước ngoài chỉ là người được ta thuê làm từng phần công việc. Chính vì thế, Biển Đông 01 là một công trình thuần Việt, thể hiện ý chí và nội lực của chính người Việt; cũng như lời khẳng định với bạn bè quốc tế về năng lực kỹ thuật vượt trội của các kỹ sư dầu khí Việt Nam.

Nhắc tới “biệt tài” lựa chọn và tuyển người cho “kỳ tích trên Biển Đông”, anh Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết: “Muốn mời được người tài về làm việc cho dự án thoạt đầu là điều không dễ dàng, bởi các kỹ sư giỏi thường được các công ty dầu khí ưu đãi nhiều, mức lương cao… Tuy nhiên, anh em dầu khí ai ai cũng muốn được thử thách, được làm việc ở những dự án có tính chất quan trọng và “độc đáo”, nên khi được mời, ai cũng háo hức và phấn khởi”.

bien dong 01 la truong hoc lon
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm (nguyên Tổng giám đốc Biển Đông POC) giới thiệu Dự án Biển Đông 01 cho lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN

Nhắc tới những cộng sự sát cánh từ những ngày đầu thực hiện dự án, anh Nguyễn Quỳnh Lâm không khỏi bồi hồi. Thời điểm ấy, Tổng giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh đã trao cho anh quyền lựa chọn người cho dự án, thể hiện sự tin tưởng cao của lãnh đạo Tập đoàn đối với người chỉ huy trẻ tuổi này. Và sau đó, những cái tên như Trần Hồng Nam, Trần Việt Dũng, Phan Đức Thiện, Lê Trần Minh Trí … bỏ lại sau lưng những công việc quen thuộc với thu nhập ổn định để lần lượt ghi tên mình vào danh sách những người làm nên “kỳ tích” Biển Đông 01.

Vào giai đoạn cao điểm của dự án, có khoảng 60 chuyên gia làm việc tại Dự án Biển Đông 01 so với thực tế kế hoạch ban đầu là gần 100 chuyên gia. Ngay từ ban đầu, Biển Đông POC đã tích cực tìm kiếm nhân sự đủ năng lực, ưu tiên tuyển dụng người Việt Nam có trình độ tương đương để thay thế, đồng thời tăng cường công tác “kèm cặp, chuyển giao” để cán bộ, nhân viên Việt Nam tiếp quản được công việc của chuyên gia trong quá trình hai bên cùng làm với nhau.

“Bật mí” cách chọn người và dùng người trong Dự án Biển Đông 01, anh Nguyễn Quỳnh Lâm nhấn mạnh 8 chữ: “Đúng nơi mình cần, đúng chỗ mình thiếu”. Đối với anh, các kỹ sư Việt Nam có kỹ thuật tốt, ham học hỏi và đặc biệt là có niềm đam mê, khát khao chinh phục những công trình khó. Vì thế, ở những vị trí mà kỹ sư Việt Nam không thể đáp ứng được, ban lãnh đạo mới cân nhắc lựa chọn chuyên gia nước ngoài. Trong những dự án dầu khí trước đó, các đơn vị thuộc PVN chỉ có vị trí thầu phụ, đồng nghĩa với việc các kỹ sư trong nước thường khó có cơ hội tiếp cận những vị trí quan trọng trong dự án, mà chủ yếu các nhà thầu chính sẽ lựa chọn chuyên gia nước ngoài với mức lương “trên trời”.

Ở dự án Biển Đông 01, anh Lâm đã lựa chọn nhiều kỹ sư Việt Nam cho các vị trí quan trọng, bởi anh cũng như ban lãnh đạo tự tin vào năng lực và nỗ lực của các kỹ sư Việt. Quyết định táo bạo này đã tạo ra hiệu quả bất ngờ, khi chi phí quản lý dự án thấp nhất trong lịch sử, giảm xuống còn 4,7% chi phí tổng dự án. Trong khi đó, ở những dự án dầu khí trước đó, chi phí dành cho việc thuê chuyên gia nước ngoài chiếm 10-12% chi phí tổng dự án.

Anh phân tích: “Là chủ đầu tư của dự án, chúng ta có rất nhiều lợi thế trong việc lựa chọn nhân sự chất lượng và tiết giảm được chi phí quản lý dự án. Nếu một chuyên gia nước ngoài phải có mức lương 40.000-45.000USD/tháng bao gồm cả ăn ở, đi lại; thì một chuyên gia Việt Nam chỉ yêu cầu 6.000-7.000USD/tháng. Hơn nữa, Biển Đông 01 là dự án “made in Vietnam”, các kỹ sư Việt Nam còn dành cho nó tình yêu và tâm huyết”.

Ưu tiên không có nghĩa là lạm dụng, Nguyễn Quỳnh Lâm khẳng định, có những khâu chúng ta hơn quốc tế như thăm dò khai thác, điện, kiến trúc giàn khoan… nhưng cũng có nhiều lĩnh vực kỹ sư, công nhân kỹ thuật dầu khí Việt Nam chưa bắt kịp với trình độ của thế giới như cơ khí, thiết bị quay hay QAQC (kỹ sư giám sát, quản lý quy trình đảm bảo chất lượng)… Điều này đặt ra đòi hỏi đối với người quản lý cần công bằng và sáng suốt trong vấn đề nhân lực. Đối với Dự án Biển Đông 01, anh Nguyễn Quỳnh Lâm cùng Ban Giám đốc Biển Đông POC cũng có những quyết định táo bạo, kiên quyết nhưng cũng vô cùng hợp lý. Đó là việc anh quyết định sử dụng kỹ sư người Philippines cho bộ phận QAQC thay vì kỹ sư Việt Nam hay kỹ sư người Mỹ, Australia… Anh lý giải: “Đối với khâu này, kỹ sư Việt Nam chúng ta chưa thể đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt này bởi người Việt nhiều lúc rất cả nể, khó nói thẳng với nhau. Thế nhưng kỹ sư Mỹ hay Úc cũng là lựa chọn “quá tầm”, nên chúng tôi sử dụng các kỹ sư Philippines và quyết định này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, vừa tăng tốc độ dự án, vừa tiết giảm một khoản chi phí không nhỏ”.

Nhắc đến Biển Đông 01 và những vất vả, khó khăn để thực hiện dự án đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Tập đoàn, anh Nguyễn Quỳnh Lâm chia sẻ: “Biển Đông 01 là dự án lớn, khối lượng công việc khổng lồ và có thể nói là “bài toán hóc búa” đối với nhiều anh em tham gia. Bên cạnh những “quyết liệt, chú trọng, tập trung” để có được thành công, cũng có không ít lần chúng tôi vấp phải những khó khăn, trở ngại khi thực hiện dự án. Thế nhưng đối với tôi cũng như nhiều anh em kỹ sư từng làm việc tại dự án, Biển Đông 01 như một trường học lớn, nơi chúng tôi học hỏi, nỗ lực, quyết tâm, rút kinh nghiệm… để đến đích thành công. Nó vừa là trường học, vừa là ngôi sao sáng chói trên ngực áo và trong tâm trí của các kỹ sư dầu khí”.

Đối với anh Nguyễn Quỳnh Lâm, Biển Đông 01 là một thành tựu lớn lao trong sự nghiệp làm dầu khí của anh; nhưng có lẽ đó không phải dự án cuối cùng. Bởi nhắc tới những mỏ mới, những giếng mới … trong mắt anh vẫn ánh lên sự hào hứng, ý chí sắt đá cùng những trăn trở đối với ngành. Trong anh, ngọn lửa nhiệt huyết vẫn luôn rừng rực cháy bất kể anh đang ở vị trí kỹ sư hay ngồi ghế lãnh đạo, bởi trước khi trở thành một Phó Tổng giám đốc, Nguyễn Quỳnh Lâm vẫn là một người dầu khí điển hình, ngày ngày vẫn suy tư, trăn trở để đem hiểu biết, kỹ năng và nhiệt huyết đóng góp vào công cuộc tìm kiếm dòng “vàng đen” quý giá cho đất nước.

Khánh An

Năng lượng Mới 551

DMCA.com Protection Status