Bốn yếu tố làm nên "cây sáng kiến" trẻ Trần Nhật Huy

18:29 | 14/08/2012

957 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petotimes) - Trong gần 10 năm làm việc trong ngành Dầu khí, Giám đốc Công ty Khí Cà Mau Trần Nhật Huy đã trực tiếp chủ trì hoặc là đồng tác giả của gần 20 sáng kiến, cải tiến cả về kỹ thuật hoặc quản lý trong đó có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế hàng chục tỷ đồng hoặc có ý nghĩa lớn về khoa học - kỹ thuật.
"Cây sang kiến" trẻ Trần Nhật Huy đang chia sẻ bí quyết tại buổi giao lưu.

 

Bên lề Hội nghị Tổng kết phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngành Dầu khí giai đoạn 2007-2012, anh đã chia sẻ với phóng viên Petrotimes những “bí quyết” lao động sáng tạo của mình. Theo Trần Nhật Huy có 4 yếu tố chính đã giúp anh trở thành “cây sáng kiến” trẻ của ngành Dầu khí:

Sự đam mê nghề nghiệp, tính kiên trì, tinh thần trách nhiệm: Đây là yếu tố quan trọng nhất bởi vì nếu không có lòng đam mê, yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc thì chúng ta dễ bằng lòng với những cách giải quyết thông thường, với thực trạng hiện tại của hệ thống mà không có nhu cầu phải cải tiến, nâng cao hiệu quả công việc, tối ưu hệ thống.

Hơn nữa, từ lúc nghĩ ra ý tưởng tới lúc đưa vào áp dụng trong thực tế cần phải qua rất nhiều công đoạn vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức như: bảo vệ ý tưởng (với cấp trên / đồng nghiệp), sau đó là đánh giá ảnh hưởng thay đổi, đánh giá rủi ro, thiết kế, lắp đặt, thử nghiệm… nếu như không có lòng đam mê nghề nghiệp và tính kiên trì thì chúng ta khó mà có thể vượt qua.

Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm: Chúng ta đều biết rằng sáng tạo không thể tách rời học tập và rèn luyện thực tiễn, có bột mới gột nên hồ. Ngành công nghiệp Khí là một ngành kỹ thuật hiện đại, tiên tiến với yêu cầu an toàn rất nghiêm ngặt, vì thế để thực hiện những cải tiến, sáng kiến trên những hệ thống hiện đại như vậy đòi hỏi các cá nhân khi đưa ra ý tưởng, hay thực hiện thiết kế, lắp đặt đều cần phải hiểu sâu sắc bản chất cả về lý thuyết lẫn thực tế vận hành của những vấn đề kỹ thuật đang tồn tại của hệ thống cũ, từ đó tìm tòi cải tiến hơn trong hệ thống mới.

Để sáng tạo, chúng ta cần những bộ óc sáng tạo kiên trì hơn là những nhà thông thái cái gì cũng biết nhưng lại chẳng biết sâu cái gì. Edison đã phải làm hàng ngàn thí nghiệm mới được một lần thành công.

Tự tin, dám nghĩ khác, dám nói và dám làm khác: Sự đam mê và trình độ chuyên môn giỏi là chưa đủ. Bởi vì sáng tạo luôn đòi hỏi một cá nhân phải tự tin, dám nghĩ khác, dám làm khác với những tư duy lối mòn thông thường, không đóng kín tư duy của mình trong một cái hộp; dám trao đổi, đề xuất với cấp trên, đồng nghiệp và bảo vệ ý tưởng của mình dựa vào những căn cứ khoa học kỹ thuật/kinh nghiệm thực tiễn và suy luận logic vững chắc.

Để sáng tạo, cần phải khắc phục tính ỳ trong tâm lý, gạt bỏ từ “không thể” ra khỏi suy nghĩ, không tuyệt đối hoá chủ nghĩa kinh nghiệm, tránh tư tưởng an phận, sợ sai, sợ trách nhiệm với suy nghĩ “làm nhiều, nếu tốt hơn thì chẳng được thêm gì, nếu sai hoặc bị kỷ luật, còn không làm, không sai”.

Trước bất cứ một vấn đề về kỹ thuật nào gặp phải, cần tập thói quen thường xuyên đặt ra các câu hỏi như : Tại sao lại thiết kế - lắp đặt - vận hành như thế?, Có thể thay đổi được gì không/có thể cải tiến hay tối ưu hơn được không? Nếu thay đổi thì có ảnh hưởng/rủi ro gì không? Từ đó tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, suy luận logic, trao đổi với đồng nghiệp … để giải đáp câu hỏi của mình.

Môi trường khuyến khích sáng tạo: Môi trường ở đây cần được hiểu là thái độ ứng xử của đồng nghiệp, của cấp quản lý đối với các ý tưởng sáng tạo.

Trong thực tiễn của công nghiệp dầu khí, nhiều sáng kiến chỉ được hình thành nếu như có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, các nhóm chuyên ngành với nhau nhằm bổ sung hỗ trợ các mảng kiến thức cho nhau, tranh luận phản biện trên tinh thần xây dựng nhằm hoàn thiện, nâng cao tính khả thi, loại trừ các rủi ro trong quá trình triển khai sáng kiến trong thực tế.

Ngoài ra, một ý tưởng sáng tạo không thể triển khai được nếu ngay từ ban đầu đã không nhận được sự khuyến khích của cấp trên.

 

Văn Dũng

(ghi)

DMCA.com Protection Status