Cá Ngừ Vàng lội ngược dòng

11:12 | 04/12/2012

2,481 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Khi mới đưa vào khai thác mỏ Cá Ngừ Vàng năm 2008, nhiều ý kiến dự báo mỏ chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, có thể tới năm 2012 sẽ phải đóng mỏ, nhưng tập thể Công ty Liên doanh điều hành chung Hoàn Vũ (HVJOC) đã đưa Cá Ngừ Vàng “lội ngược dòng” để chứng minh điều hoàn toàn trái lại. Mỏ đang cho sản lượng ổn định và có thể khai thác thêm nhiều năm nữa.

Công nghệ phù hợp

Mỏ Cá Ngừ Vàng nằm trong hợp đồng dầu khí Lô 9-2 thuộc bồn trũng Cửu Long, do HVJOC điều hành với các bên tham gia gồm Việt Nam (PVEP), Thái Lan (PTTEP) và Vương quốc Anh (SOCO). Từ năm 2008, bộ máy nhân sự hiện tại điều hành luôn cả Công ty Liên doanh điều hành chung Hoàng Long (HLJOC) hoạt động tại hợp đồng dầu khí Lô 16-1 cũng thuộc bồn trũng Cửu Long.

Cá Ngừ Vàng là mỏ nhỏ nằm trong tầng đá móng có chiều sâu lớn nhất được phát hiện tại Việt Nam. Nếu như mỏ Đông Đô của Công ty Điều hành chung Lam Sơn (Lam Sơn JOC) là mỏ khai thác dầu từ tầng đá móng nông nhất hiện nay - khoảng hơn 1.800m, thì Cá Ngừ Vàng có độ sâu từ 3.700 đến 4.700m dưới mực nước biển. Thân dầu Cá Ngừ Vàng nằm trong đá granit nứt nẻ, đá chứa có độ bất đồng nhất cao. Những yếu tố này gây  rất nhiều khó khăn cho việc đưa dầu lên khỏi mặt nước.

Bản đồ đẳng sâu mặt móng mỏ CNV và sản lượng khai thác dầu ở các giếng khoan

Để giữ được sản lượng khai thác ổn định và kéo dài tuổi thọ mỏ, theo các kỹ sư của HVJOC, điều quan trọng là cần phải ứng dụng công nghệ phù hợp, linh hoạt và tính toán kỹ lưỡng. Nếu áp dụng công nghệ bơm ép nước liên tục trong khai thác, khả năng gây ngập nước, “giết chết mỏ” sớm là gần như chắc chắn. Các kỹ sư của HVJOC đã mạnh dạn và sáng tạo áp dụng bơm ép theo chu kỳ, nhằm tăng tối đa hệ số quét dầu và kéo dài tuổi thọ mỏ. Việc này đòi hỏi các kỹ sư phải bỏ ra cả năm nghiên cứu, tính toán trước đó, đồng thời phải liên tục rút kinh nghiệm, tính toán lại một cách tỉ mỉ, công phu sau mỗi chu kỳ bơm.

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ phù hợp, để duy trì mức khai thác ổn định lâu dài, còn cần có sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời của nhân viên các phòng kỹ thuật trong công ty. Vào đầu mỗi buổi sáng, nhóm điều hành mỏ đều phải tiến hành cuộc họp ngắn gọn báo cáo tình hình sản xuất có sự tham gia của tổng giám đốc và phó tổng giám đốc. Tại buổi họp này, các số liệu khai thác từ giàn gửi về từ đêm hôm trước đã được phân tích nhanh, xem xét và việc điều chỉnh thích hợp cho chế độ khai thác từng giếng được đưa ra và thực hiện, thông qua việc điều chỉnh bơm nước theo chu kỳ, lưu lượng dầu khai thác và giám sát hàm lượng nước trong sản phẩm v.v... Kết quả của những nghiên cứu chuyên sâu hơn được xem xét và giúp cho việc giám sát điều hành mỏ lâu dài.

Hiệu quả lâu dài

Với những nỗ lực bền bỉ và quyết liệt đó, đội ngũ điều hành mỏ Cá Ngừ Vàng đã chứng minh đầy thuyết phục điều ngược lại so với dự đoán ban đầu. Cá Ngừ Vàng cho dòng dầu đầu tiên ngày 25/7/2008, đúng 1 năm sau lễ khởi công đóng giàn đầu giếng. Mỏ được khai thác từ giữa năm 2008 với 4 giếng khai thác và 1 giếng bơm nước từ một giàn đầu giếng không có người, được giám sát và điều hành bởi đội ngũ kỹ sư công nghệ mỏ chuyên nghiệp. Tính tới ngày 1/10/2012, sản lượng khai thác từ mỏ Cá Ngừ Vàng đã vượt mốc 10 triệu thùng dầu thô, doanh thu hơn 900 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 250 triệu USD. Theo những số liệu báo cáo mới nhất, năm nay, mỏ Cá Ngừ Vàng đã về đích sớm.

Kiểm tra, khảo sát định kỳ tại mỏ Cá Ngừ Vàng

Không chỉ sáng tạo linh hoạt trong ứng dụng công nghệ và quản lý khai thác, mỏ Cá Ngừ Vàng là dự án đầu tiên ở Việt Nam thực hiện việc đấu nối đường ống dài 25km với hệ thống khai thác có sẵn của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro. Điều này mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên tham gia góp vốn như giảm bớt mức đầu tư, chi phí vận hành cũng như lợi ích kinh tế cho đơn vị dịch vụ vận hành.

Đây chính là tiền đề rất quan trọng để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục áp dụng kết nối các mỏ Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng (của chủ đầu tư Công ty Liên doanh điều hành chung Thăng Long) với mỏ Tê Giác Trắng của HLJOC. Sự kết nối này sẽ giúp tiết kiệm được hàng trăm triệu đôla Mỹ chi phí đầu tư cho các bên do tận dụng được hệ thống khai thác dầu khí sẵn có của HLJOC. Từ kinh nghiệm kết nối giữa các mỏ này, Tập đoàn có thể tiếp tục nghiên cứu áp dụng cho các dự án khác nữa, nhằm mang lại nguồn lợi tiết kiệm lớn cho ngành Dầu khí và cho đất nước.

Việc điều hành tốt khai thác mỏ Cá Ngừ Vàng của HVJOC đã góp phần rất quan trọng làm nên thành tích rất ấn tượng cho Công ty Điều hành chung Hoàng Long - Hoàn Vũ (HL-HVJOCs) trong năm 2012. Đó là hơn 14 triệu giờ làm việc an toàn tuyệt đối, đảm bảo sức khỏe, giữ gìn môi trường và không để xảy ra tai nạn sự cố mất thời gian lao động. Công tác giám sát và quản lý các mỏ Cá Ngừ Vàng, Tê Giác Trắng cũng luôn đảm bảo an toàn, khai thác ổn định, sản lượng khai thác luôn đạt và vượt kế hoạch hàng tháng, thời gian làm việc đạt 99.9%/97.3%.

Nhờ phần đóng góp khai thác ổn định của mỏ Cá Ngừ Vàng, HL-HVJOCs hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã cam kết thi đua, kế hoạch sản xuất kinh doanh được Tập đoàn giao. HL-HVJOCs cũng tiết kiệm và tăng doanh thu lên tới  375,7 triệu USD (tương đương 8.000 tỉ đồng) nhờ tiết giảm chi phí và tối đa hóa doanh thu. Năm 2012 cũng ghi dấu hiệu quả làm việc cực kỳ ấn tượng của tập thể người lao động HL-HVJOCs với hiệu quả doanh thu đạt 17,3 triệu đôla Mỹ/người/năm, tương đương 360 tỉ đồng/người/năm.

Với hai mỏ Cá Ngừ Vàng và Tê Giác Trắng, HL-HVJOCs đã vươn lên vị trí thứ hai trong các nhà điều hành khai thác dầu khí ở Việt Nam (chỉ sau Vietsovpetro).

Thanh Loan

 

 

DMCA.com Protection Status