Cảm xúc Udon Thani - Vientiane

18:29 | 18/04/2019

1,074 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Thực hiện kế hoạch hoạt động của Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức đợt hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa năm 2019 tại Lào - Thái Lan từ ngày 13-16/4.    

Đoàn công tác gồm 48 đảng viên của Đảng bộ Viện Dầu khí và 14 đảng viên của Đảng bộ Đại học Dầu khí (PVU) do đồng chí Nguyễn Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện Trưởng VPI làm trưởng đoàn.

Các hoạt động chính của Đoàn gồm: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích bản Noong Ổn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani, Vương quốc Thái Lan; Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài Liên quân Việt - Lào tại Bản Cơn, Vientian, Lào.

Tìm lại dấu tích của Bác Hồ tại Thái Lan

Trước giờ lên đường, một số thành viên của Đoàn khi trò chuyện, trao đổi về các hoạt động của chuyến đi đã nhắc tới bí danh “Thầu Chín” của Bác Hồ khi hoạt động ở Thái Lan năm 1928 trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” của tác giả Trần Dân Tiên. Mọi người cố mường tượng khung cảnh một bản nghèo nơi vùng quê heo hút ở Đông Bắc nước Xiêm (Thái Lan) những năm 20 của thế kỷ trước, nơi nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu và Trung Quốc về đó hoạt động, tổ chức và tuyên truyền cách mạng, cùng sống và lao động với bà con Việt Kiều.

Chuyến bay Nội Bài - Vientiane xuất phát từ Hà Nội lúc 9h55, sau khoảng 1 giờ bay hạ cánh tại sân bay Vạt Tày. Sau khi thăm Thạt Luổng, biểu tượng của Phật giáo Tiểu thừa Lào, Đoàn di chuyển sang Udon Thani qua cửa khẩu Hữu Nghị 1 bằng cây cầu bắc qua sông Mê Kông. 14h, Đoàn tới Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

cam xuc udon thani vientiane
Đường Thầu Chín dẫn vào Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani

Tới cổng khu di tích, chúng tôi được bà con Việt kiều hồ hởi tiếp đón, tặng vòng hoa lan may mắn và rẩy nước thơm lấy khước. Sau nghi thức đón tiếp của đại diện Hội người Việt Nam tại Udon Thani, Ban quản lý Khu di tích, đại diện của Đoàn đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo công trước anh linh Người, trao phần thưởng cho các đảng viên có thành tích trong đợt vận động “Học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tiếp đó đoàn tham quan phòng trưng bày tư liệu về Bác, di tích nhà làm việc và sinh hoạt của Người. Qua tư liệu, Đoàn được biết tháng 7/1928, khi từ châu Âu về Xiêm, lúc đầu Bác ở bản Noọng Bua với các tên gọi khác nhau như ông Thọ, Nam Sơn, Thầu Chín... Một thời gian ngắn sau, Bác chuyển về bản Noọng Ổn, xã Xiêng Phin. Tại đây, Bác mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên nhằm làm cho người Xiêm có cảm tình hơn với cách mạng Việt Nam, với người dân Việt Nam trong đó có kiều bào ta. Mặt khác, Người còn giáo dục Việt kiều tôn trọng phong tục tập quán của người Xiêm, vận động mọi người vừa học chữ Xiêm, vừa nói tiếng Việt.

Cùng với việc xây dựng tổ chức, Bác còn dành nhiều thời gian dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ Việt Nam đang hoạt động ở đây. Người giúp Việt kiều đào giếng lấy nước ăn, vỡ đất làm vườn trồng rau, nuôi gà, lợn... chính vì vậy, Người được bà con người Việt, người Xiêm trong làng, xã yêu mến, che chở, giúp đỡ, đùm bọc. Hơn một năm sau, Bác chuyển đến hoạt động ở vùng khác, nhưng hình ảnh của Thầu Chín được nhiều người già ở Udon nhắc đến như một tấm gương cho các thế hệ con cháu sau này noi theo.

Về quá trình xây dựng nhà tưởng niệm và khu di tích, Ban Quản lý cho biết: Năm 2012, nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước Thái Lan và Việt Nam, chính quyền Thái Lan đã quyết định và tạo điều kiện cho việc xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chính nơi Người đã ở và hoạt động làm nơi nghiên cứu, học tập về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, góp phần tăng cường sự hiểu biết và mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Khu tưởng niệm được xây dựng trên khu đất rộng gần 10.000 m2, bao gồm nhiều hạng mục công trình, một số được phục dựng lại như nhà Bác Hồ đã ở và làm việc từ năm 1928, kho thóc, khu sản xuất, chăn nuôi..., một số công trình mới như nhà đa năng, khu tưởng niệm, tủ sách, phòng chiếu phim, phòng hội thảo cùng nhiều tranh ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác. Quá trình xây dựng khu di tích được Bảo tàng Hồ Chí Minh tư vấn về chuyên môn, cung cấp tư liệu lịch sử, được tài trợ bởi Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai và có sự đóng góp của kiều bào. Khu tưởng niệm chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012. Từ đó đến nay đã có nhiều đoàn khách trong nước và bè bạn quốc tế đến với khu tưởng niệm thăm viếng.

cam xuc udon thani vientiane
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với Ban quản lý Khu di tích

Buổi tối, Đoàn tham dự giao lưu văn nghệ với Hội người Việt Nam tại Udon Thani. Qua trò chuyện với Việt Kiều, Đoàn rất ấn tượng, vui mừng khi được biết chính quyền Thái Lan đã cho phép Việt kiều nhập quốc tịch Thái, bà con Việt kiều gặt hái được nhiều thành công, con em Việt kiều học giỏi, người Việt cần cù, chịu khó, thông minh, tham gia và đóng góp vào đời sống kinh tế, chính trị của Thái Lan nên được người Thái tôn trọng.

Tưởng nhớ Liên Quân Việt - Lào

10h ngày 15/4, tại Bản Cơn, Vientian, Đoàn đặt vòng hoa, dâng hương và kính cẩn nghiêng mình trước các Anh hùng liệt sỹ Việt - Lào đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Tượng đài Liên quân Việt - Lào. Mọi người xúc động tưởng nhớ 26 liệt sĩ Việt - Lào đã hy sinh khi đánh đồn Bản Cơn năm 1946, nhớ tới những giai đoạn vô cùng gian khổ và không kém phần ác liệt của bộ đội Việt - Lào được miêu tả trong tác phẩm “Trước giờ nổ súng” của nhà văn Lê Khâm mà thế hệ 6x đã được học trong thời gian học phổ thông mấy chục năm về trước.

cam xuc udon thani vientiane
Tượng đài Liên quân Việt - Lào tại Bản Cơn, Vientian

Các hoạt động chính của đợt Giáo dục truyền thống lịch sử 2019 đã mang lại nhiều cảm xúc cho các thành viên tham dự.

Dương Hồng Sơn - VPI

DMCA.com Protection Status