Chiến lược tài chính và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030

18:29 | 16/11/2021

4,381 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 16/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam”.
Chiến lược tài chính và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030
Toàn cảnh Diễn đàn

Đây là Diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017, nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn về bối cảnh, triển vọng kinh tế tài chính trong nước và thế giới thời gian tới; các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030; các giải pháp tài chính - ngân sách cho phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam (trong đó tập trung vào các chính sách tài chính cho huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế số...). Diễn đàn không chỉ là sự tiếp nối của các Diễn đàn Tài chính Việt Nam trước đây mà còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu khai mạc
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu khai mạc

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012, nền tài chính quốc gia đã có những chuyển biến rõ nét và đạt được nhiếu kết quả tích cực.

Hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công được nâng cao, đặc biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; cân đối ngân sách tích cực; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần; thể chế tài chính tiếp tục được hoàn thiện đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; an ninh, an toàn tài chính quốc gia được củng cố...

Việt Nam đã huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu (32-34% GDP) và cao hơn giai đoạn 2011-2025 (31,7% GDP). Chính sách thuế, phí đã được rà soát, hoàn thiện cùng với việc đẩy mạnh và hiện đại hóa quản lý thu ngân sách nhà nước, quy mô thu ngày càng tăng, giai đoạn 2011-2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001-2010.

Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 24,7% GDP. Cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân 68,7% giai đoạn 2011-2015 lên 82% giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020 đạt 85,6%.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, bên cạnh các kết quả tích cực, việc thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 cũng gặp những khó khăn, thách thức từ sự biến động của môi trường kinh tế, chính trị thế giới cũng như những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết.

Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với một số hạn chế như: cân đối ngân sách khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19; áp lực tăng chi ngân sách cho các mục tiêu an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vẫn rất cao, nhất là đối với yêu cầu chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo; phân bổ nguồn lực vẫn còn dàn trải; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm... đòi hỏi phải có những định hướng, giải pháp tài chính đồng bộ, toàn diện nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cú sốc khó khăn bởi đại dịch, khôi phục sản xuất và phát triển bền vững.

Tiến sỹ Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết quan điểm của Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 là chính sách tài chính quốc gia phải đóng vai trò tiên phong trong việc huy động, giải phóng, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ , đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số góp phần định hướng, dẫn dắt các nguồn lực xã hội vào các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn.

Vì vậy, theo ông Quỳnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ trên thì cần chú trọng hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; hướng tới một hệ thống thu ngân sách nhà nước đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại thu theo hướng bền vững, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi ngân sách nhà nước, nợ công phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, khả năng vay, trả nợ của nền kinh tế; từng bước cải thiện dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và gặp khó khăn như hiện nay, trước những sức ép lớn về y tế, kinh tế dẫn đến nhu cầu chi ngân sách nhà nước (NSNN) nói chung, chi NSNN cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh nói riêng tăng cao, trong khi thu NSNN có xu hướng giảm.

Do đó, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp tài chính - ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như: Thực hiện miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN với tổng số tiền hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 140 nghìn tỷ đồng để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất - kinh doanh; Ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, tổng mức khoảng 26 nghìn tỷ đồng; Bộ Tài chính cũng đã tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 nhằm huy động các nguồn lực tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, chia sẻ, đoàn kết, thống nhất của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp và việc thực hiện có hiệu quả những giải pháp tài chính nêu trên, tình hình đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, các giải pháp tài chính - NSNN đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp đòi hỏi Chính phủ tiếp tục phải có giải pháp tài chính tổng thể cùng với những nguồn lực cụ thể nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ” .

M.C

DMCA.com Protection Status