Chút tâm tình của vận hành viên

11:06 | 03/10/2016

1,028 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) từ ngày đầu mới thành lập. Từng là học viên để rồi nhờ duyên may, tôi đã được vào làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, tôi càng hiểu càng thấm thía ý nghĩa công việc của mình đang làm. Dù tôi chỉ đảm nhiệm một bộ phận rất nhỏ: Vận hành viên máy đánh đống - phá đống thuộc Phân xưởng Hóa nhiên liệu.
chut tam tinh cua van hanh vien
Một trong những công việc hằng ngày của vận hành viên

Nhiều người khi nhắc đến công việc tôi đang làm cứ lắc đầu: Người ta làm lớn không kể gì, công nhân thế mà cũng tự hào! Chỉ thấy than bụi mù mịt, có gì liên quan đến điện đâu? Nhưng với tôi là cả niềm vinh dự, bởi thực sự để làm ra được dòng điện sáng phải trải qua rất nhiều công đoạn với sự nỗ lực của tất cả anh em trong nhà máy. Mặc dù công việc của tôi chỉ là một khâu nhỏ thế nào chăng nữa thì cũng nằm trong dây chuyền đó như cách nói ví von của bạn bè đồng nghiệp: “Nơi cung cấp thức ăn cho nhà máy để tạo ra dòng điện”.

Chắc cũng vì thế nên công việc của chúng tôi tiếp xúc với than là chủ yếu như: Lái máy gom than ngoài hầm tàu; vận hành máy phá đống (máy cào than) để cấp than lên lò; vận hành máy đánh đống (máy rải than) từ tàu chuyển lên băng tải để vào kho.

Một ngày đi ca của tôi gồm 8 tiếng, không phải theo giờ hành chính, lách cách ngày hai buổi dậy sớm cũng thích. Nhưng ai biết được với vận hành viên máy ca kíp cũng có nỗi thống khổ riêng. Khi người ta nghỉ thì mình lại đi làm. Khi mình được nghỉ thì lại không có bạn mà chơi. Đôi khi nghĩ tức cười, tối họ chúc nhau ngủ ngon, chúng tôi lại “lọ mọ” chuẩn bị vào ca. Sáng sớm, mọi người chào buổi sáng. Tôi lại vùi chăn vào giấc ngủ. Nhiều lúc ca đêm về đang ngủ, chuông điện thoại reo, tiếng đứa bạn nheo nhéo trêu cười: “Dậy chào bình minh đi, ngủ gì mà ngủ ghê thế?”.

Đặc điểm công việc vất vả vậy, thế nhưng hôm Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 phát động phong trào Chương trình “Hiến máu nhân đạo”. Hòa mình cùng anh em đồng nghiệp đăng ký tham gia mà trong tôi dâng lên niềm xúc động và tự hào về tình nghĩa của con người nơi đây. Có thể người ngoài mới chỉ nhìn thấy đó là nghĩa cử phải làm, nhưng với vận hành viên đi làm ca kíp mới rõ vẫn còn nhiều thiệt thòi so với làm hành chính khi giờ giấc bị đảo lộn, trái với chu kỳ sinh học bình thường của con người, sức khỏe ít nhiều ảnh hưởng. Vậy mà mọi người không so đo tính toán, vẫn nhiệt tình tham gia đông đủ, đúng như tiêu chí “Một giọt máu triệu niềm tin” của “Ngày hội hiến máu”. Với những người hiến máu khác là hành động đẹp thì với anh em PV Power còn phải thêm chữ hy sinh.

chut tam tinh cua van hanh vien
Công nhân Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng tham gia “Ngày hội hiến máu”

Ai đó bảo “nghề vận hành viên tỉ phú về thời gian” thật không đúng tí nào. Dù không phải chạy đi chạy lại nhiều nhưng những công việc không tên để đảm bảo cho nhà máy “ăn no”, luôn đủ nguyên liệu để sản xuất ra nguồn điện không phải là ít. Ví như đơn giản nhất là khi vận hành máy phá với máy đánh gần nhau, nếu một chút sơ sểnh, không để ý thì hai máy sẽ dễ va chạm nhau gây ra sự cố. Hay như không để ý mà bị tràn than cũng ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy rồi. Do vậy đòi hỏi mỗi vận hành viên phải quan sát tập trung liên tục những thiết bị mình quản lý. Đó là chưa kể những hôm hư hỏng hay vệ sinh công nghiệp thì cứ gọi là “mệt bở hơi tai”. Có hôm, do máy bị sự cố mà nhận ca từ 15 giờ đến tận đầu giờ sáng hôm sau vẫn chưa giao ca. Cũng không ít lần, sau một ca đêm thức trọn vất vả, anh em rủ nhau ngồi ăn bát cháo khi đang khoác trên mình bộ đồng phục đỏ rực đặc trưng của ngành điện lực dầu khí. Người đi qua mát mẻ: “Cái nghề thật thong thả, 8 giờ rồi mà vẫn ngồi đây ăn sáng, cà kê nói chuyện”. Mấy anh em chỉ biết nhìn nhau cười trừ: “Ngoài gia đình mình ra, liệu có ai hiểu công việc mình làm không nhỉ? Có ai hiểu trong lúc mọi người đang ngon giấc, cả nhà máy vẫn bận rộn làm việc để cung cấp dòng điện ổn định?”.

Thêm một điều nữa với vận hành viên máy chúng tôi, để đảm bảo cho công tác an toàn thì cấm tiệt rượu, bia. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì nếu say rượu thì làm sao đảm bảo công tác vận hành an toàn, liên tục. Thế nên chỉ ngửi mùi bia, rượu là không giao ca, nghỉ luôn vận hành. Nhớ hôm ra mắt với bố mẹ vợ tương lai mà tối phải đi ca nên tôi không dám uống rượu. Trong khi họ hàng ở quê vợ cứ bảo rể mới là phải có chén rượu, không được từ chối tấm lòng chân tình. Giải thích mãi thì cũng được mọi người thông cảm. Nên bây giờ các cụ ở quê trước khi mời rượu cũng phải hỏi: “Thế hôm nay mày có phải đi ca không?”. Thỉnh thoảng đi với bạn bè, có tiệc vui cũng không được uống rượu, bia thoải mái. Bạn bè trách nào là kiếm cớ, công việc khắt khe hay là không nhiệt tình. Giải thích mãi không chịu hiểu, chỉ biết cười trừ… “kệ thôi, nghề mình vậy mà”.

Mùa hè, giữa cái chảo lửa miền Trung lại càng nóng. Cơn gió Lào tác quái phả vào mặt nóng rát. Lúc đó kho than mịn nên bụi càng bay mù mịt, hầm tàu như thêm chật hẹp gây khó thở cho những ai chưa quen việc. Vậy mà, không một chút lơ là mọi người vẫn hăng hái vận hành cấp đầy than vào kho. Cũng không ít lần, sau khi vận hành máy xúc bụi than mù mịt phủ kín người, nhuộm bộ quần áo màu đỏ thành màu đen như trang phục của anh công nhân mỏ. Thế nhưng hàm răng trắng vẫn cười, mặc những giọt mồ hôi trộn với bụi than đen xì chảy mướt trên má vì công việc đã hoàn thành đúng chỉ tiêu, kịp thời cung cấp than cho nhà máy là vui rồi.

Nhưng vất vả phải kể đến những hôm thời tiết xấu, lên tàu anh em dễ bị say sóng, hay mùa mưa bão, tàu không hút được than. Lúc đó không có than cho máy cào, máy phá làm việc nên bắt buộc anh em phải chạy xe xúc lật để đưa than lên băng tải. Hoặc khi than xuống thấp thì các máy thường xuyên bị lỗi đánh phá đống không vận hành tự động bắt buộc phải vận hành bằng tay. Biết rằng nhà máy lớn nên cần lượng than lớn, công việc lúc đó sẽ vất vả hơn. Nhưng nếu thiếu than, thiếu thức ăn cho “dạ dày” nhà máy thì làm sao hoạt động được nên anh em đều phải cố gắng làm việc.

Công việc thường ngày của một vận hành viên máy đánh đống phá đống là như vậy. Trong ngành ai cũng biết, để cung cấp than cho sản xuất điện cũng không phải dễ chút nào. Đi ca nhiều cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn, duyên nợ với nghề để rồi tự đúc rút cho những bài học, kinh nghiệm thực tế cho mình. Từ những vận hành viên còn nhiều bỡ ngỡ, có sai sót gì cũng phải gọi chuyên gia nước ngoài, bây giờ chúng tôi đã hiểu hơn những thiết bị, học hỏi được nhiều kinh nghiệm để tự sửa chữa những lỗi hay mắc phải. Ví dụ như lệch ray di chuyển của máy phá, máy đánh bị lệch băng tải... Chỉ cần một tiếng động nhỏ hay chỉ cần một mùi là lạ là phải để ý, xử lý vì chắc những “đứa con” của mình đang có vấn đề.

Dòng điện sáng vẫn luôn tuôn chảy, đồng hành với sự làm việc hăng say, cống hiến của mọi cán bộ, công nhân viên trong nhà máy. Và rồi trong cái lấm lem của bụi than, trong những ca thức trọn đêm dài đằng đẵng của những người vận hành viên ấy, tình cảm anh em đồng nghiệp đã tỏa sáng khi những vất vả, khó khăn trong công việc đều được mọi người san sẻ, giúp đỡ nhau để công việc vận hành được tốt hơn. Cũng để cảm nhận được niềm tự hào cho mỗi cán bộ, công nhân viên khi khoác lên màu áo Điện lực Dầu khí Việt Nam.

Cũng không ít lần, sau khi vận hành máy xúc bụi than mù mịt phủ kín người, nhuộm bộ quần áo màu đỏ thành màu đen như trang phục của anh công nhân mỏ. Thế nhưng hàm răng trắng vẫn cười, mặc những giọt mồ hôi trộn với bụi than đen xì chảy mướt trên má vì công việc đã hoàn thành đúng chỉ tiêu, kịp thời cung cấp than cho nhà máy là vui rồi.

Võ Xuân Bằng

Năng lượng Mới 562

DMCA.com Protection Status