Chuyển đổi số - Tăng tốc, vươn lên tầm cao mới

06:04 | 01/09/2022

5,978 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chuyển đổi số không còn là xu hướng mà là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững. Câu hỏi đặt ra: Trong làn sóng chuyển đổi số ở cả cấp độ toàn cầu và quốc gia, cùng với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, ngành Dầu khí Việt Nam sẽ đứng ở đâu và hướng đi trong tương lai là gì?

Đào Trung Thành - Chuyên gia tư vấn chiến lược chuyển đổi số

Nhiều năm qua, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng đã mang lại nhiều thành công, bao gồm tiết kiệm chi phí, cải tiến tiến độ và chất lượng. Chuyển đổi số trong ngành Dầu khí bằng cách áp dụng công nghệ số đã giúp các doanh nghiệp dầu khí định hình lại phương thức vận hành hoạt động, tối ưu hóa tài sản doanh nghiệp. Đặc biệt trong năm 2022, sản lượng dầu thô của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhờ chuyển đổi số tạo điều kiện thuận lợi và tăng trưởng dài hạn cho ngành Dầu khí.

Thực trạng chuyển đổi số của ngành Dầu khí

Thứ nhất, lĩnh vực thượng nguồn đóng vai trò quan trọng, có giá trị gia tăng cao và cũng là cốt lõi của ngành Dầu khí Việt Nam. Như thể hiện trong hình 1, Deloitte chia lĩnh vực thượng nguồn thành các lĩnh vực nhỏ hơn: Thăm dò, phát triển và khai thác.

Tại Việt Nam, trong từng lĩnh vực cụ thể cũng có sự khác nhau về mức độ trưởng thành số.

Ở lĩnh vực thăm dò, nơi có truyền thống lâu đời trong nghiên cứu, từ lâu đã chứng tỏ mức độ tích hợp dữ liệu cao bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến khác nhau trong cả việc thu thập, xử lý và giải thích tài liệu. Ngày càng có nhiều dữ liệu được thu thập, như trường hợp vụ nổ 3D/4C của Vietsovpetro.

Chuyển đổi số - Tăng tốc, vươn lên tầm cao mới
Bản đồ hiện trạng số và định hướng chuyển đổi số cho lĩnh vực thượng nguồn của ngành công nghiệp dầu khí

Còn trong lĩnh vực khoan tại Việt Nam, bao gồm cả khoan phát triển, rất nhiều dữ liệu được thu thập trong quá trình khoan. Tuy nhiên, những dữ liệu này vẫn còn phân tán, do dự án, các nhà thầu và hợp đồng PSC nắm giữ và chưa được tích hợp tốt để xử lý và giải quyết các vấn đề tối ưu hóa.

Đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, trọng tâm luôn là tối ưu hóa sản lượng và tăng sản lượng khai thác. Tuy nhiên, số lượng cảm biến ít và số lượng thông số có thể theo dõi được hạn chế nên việc tích hợp và xử lý dữ liệu gặp nhiều khó khăn.

Hơn một thập niên trước, Petrovietnam đã phối hợp với Halliburton ủy quyền cho Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Trung tâm dữ liệu thăm dò dầu khí. Sau khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ có thể trực tiếp đưa ngành Dầu khí Việt Nam đến giai đoạn hình ảnh hóa và nâng cao thực tế.

Hơn một thập niên trước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã phối hợp với Halliburton ủy quyền cho Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Trung tâm dữ liệu thăm dò dầu khí. Trung tâm sẽ có thể tổng hợp dữ liệu từ toàn ngành Dầu khí và điều hành các hoạt động trực tuyến ra nước ngoài. Sau khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ có thể trực tiếp đưa ngành Dầu khí Việt Nam đến giai đoạn hình ảnh hóa và nâng cao thực tế.

Tiếp theo là lĩnh vực trung nguồn, nhìn chung, tại đây vẫn còn một số hạn chế nhất định trong chuyển đổi số so với khu vực thượng nguồn, chủ yếu ở các bước nắm bắt và tích hợp. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự ở Việt Nam, dữ liệu chưa đầy đủ và chưa được thống nhất. Các dự đoán về chuyển đổi số trong không gian này cho rằng sẽ có những bước tiến nhảy vọt và có thể sớm tiếp cận các bước phân tích, hình ảnh hóa và thực tế tăng cường.

Cuối cùng là chuyển đổi số trong lĩnh vực hạ nguồn. Dữ liệu được thu thập, tích hợp và phân tích đầu tiên trong lĩnh vực hạ nguồn, các nhà máy chế biến dầu khí của Việt Nam. Tuy nhiên, phân tích cần phải chi tiết, dựa trên dữ liệu đầy đủ hơn, kỹ thuật phân tích hiện đại hơn và chuyển sang trực quan hóa và thực tế tăng cường để hỗ trợ việc ra quyết định. Tất cả các sáng kiến và giải pháp số trong không gian này phải bắt đầu với các mục tiêu kinh doanh và chuyển sang các mô hình và phương pháp kinh doanh mới.

Định hướng tương lai của ngành Dầu khí

Sự thành công và hiệu quả của ngành Dầu khí Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào mức độ tiệm cận sâu rộng, ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 nhằm thực hiện các giải pháp công nghệ, tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh mạnh mẽ.

Mặc dù nhờ vào công nghệ và những thành quả của CMCN 4.0, ngành công nghiệp “nặng” dầu khí đã có những bước tiến vượt bậc, nhưng không thể phủ nhận rằng ngành Dầu khí cũng gặp không ít khó khăn trong công cuộc chuyển đổi số, bởi những nguyên nhân:

Một là, các công ty dầu khí có nhận thức và suy nghĩ khác nhau về chuyển đổi số. Một số công ty đã bắt đầu và sẵn sàng chuyển đổi số, trong khi đó, có những công ty khác vẫn chưa sẵn sàng để bắt đầu. Để tối ưu hóa chuỗi giá trị ngành Dầu khí, việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có nhận thức thống nhất và sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty trong chuỗi hoặc cùng giai đoạn của chuỗi giá trị. Nhận thức hạn chế dẫn đến nguồn lực không được chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số.

Hai là, chuyển đổi số đòi hỏi một nền tảng quản trị tiên tiến. Để có được sự tiến tiến trong quản trị, chuyển đổi số là một công cụ hỗ trợ đắc lực. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình quản trị và các quy trình đi kèm của các doanh nghiệp dầu khí còn lạc hậu, chưa theo kịp thực tiễn tiên tiến trên thế giới. Chính điều này làm cho chuyển đổi số trong ngành công nghiệp dầu khí gặp khá nhiều khó khăn.

Chuyển đổi số - Tăng tốc, vươn lên tầm cao mới
Kiểm tra hệ thống vận hành tấm pin mặt trời tại Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận

Ba là, cơ sở hạ tầng thông tin của các công ty dầu khí vẫn còn nhỏ lẻ và thiếu sự kết nối. Ngay cả trong các lĩnh vực chính là thăm dò và khai thác dầu khí, mỗi nhà điều hành đều có kho dữ liệu, phần mềm và quy trình hoạt động riêng. Chính điều này gây ra sự khó khăn trong việc kết nối dữ liệu khi cần thiết. Khi cơ sở hạ tầng thông tin của doanh nghiệp được đồng bộ hóa, nền tảng công nghệ tiên tiến có thể sẽ giúp quá trình chuyển đổi số của ngành Dầu khí nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Chính vì những khó khăn và bất lợi đó, ngành Dầu khí Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng. Đồng thời, ngành Dầu khí đang có xu hướng thay đổi mạnh mẽ, theo hướng xanh hóa, phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải carbon.

Một số ý kiến đề xuất

Bước đầu tiên trong chuyển đổi số chính là xây dựng một kiến trúc số thật vững chắc. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần đầu tư vào các công cụ và giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và nhân viên trong lĩnh vực này. Các giải pháp kỹ thuật hiệu quả và liền mạch hơn, tránh tắc nghẽn quy trình. Sau khi được thu thập, dữ liệu được sử dụng để tạo ra quy trình làm việc chủ động nhằm phòng ngừa và bảo trì định kỳ, cải thiện độ tin cậy của thiết bị và tuân thủ quy định. Bằng cách số hóa và tự động hóa các quy trình, có thể giảm thiểu lỗi hoặc sự chậm trễ của con người. Ngoài ra, việc áp dụng số hóa cũng cho phép thu thập dữ liệu chính xác, cung cấp cho các công ty dầu khí khả năng hiển thị dữ liệu hiện tại và lịch sử, điều này chắc chắn sẽ cải thiện hiệu quả và lợi nhuận.

Tiếp theo, ngành Dầu khí cần tập trung xây dựng nền tảng năng lực số, trong đó tập trung vào việc ươm mầm tài năng số. Ví dụ, thực hiện chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về quản lý và chuyển đổi số Best-In-Class (BIC), hình thành nhóm nghiên cứu chuyên theo dõi và cập nhật các cơ hội phát triển và công nghệ số trong các ứng dụng công cộng, hoạt động quản lý và sản xuất. Ngoài phát triển tài năng số, các năng lực thiết yếu khác bao gồm:

1. Quản trị dữ liệu: Quản trị dữ liệu đề cập đến việc quản lý toàn bộ vòng đời dữ liệu của một tổ chức. Có thể nói, quản trị dữ liệu là thành phần cốt lõi của quản lý dữ liệu, kết nối các lĩnh vực khác như chất lượng dữ liệu, tham chiếu và quản lý dữ liệu tổng thể, bảo mật dữ liệu, hoạt động cơ sở dữ liệu, quản lý siêu dữ liệu và lưu trữ dữ liệu. Đặc biệt, lượng dữ liệu được khai thác trong hơn 30 năm là rất lớn và các nhà khai thác cần tích hợp dữ liệu, chia sẻ bài học kinh nghiệm từ việc giải quyết các vấn đề thông thường và sử dụng các thuật toán phân tích để tối ưu hóa thiết bị, phụ tùng, dụng cụ thay thế...

2. Thiết lập mạng lưới các đối tác và liên minh công nghệ tạo thành hệ sinh thái: Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình số hóa do các công ty dầu khí cần nâng cấp khả năng số của mình. Tuy nhiên, cần phải đạt được sự cân bằng giữa bảo vệ dữ liệu, các giải pháp độc quyền và sự phát triển của các giải pháp mở, chia sẻ.

Cuối cùng, các công ty trong ngành Dầu khí cần xây dựng văn hóa linh hoạt và sáng tạo để đạt được thành công trong chuyển đổi số. Khả năng cộng tác kém, khả năng chịu lỗi thấp (rất cần thiết cho việc thử nghiệm các công nghệ và ứng dụng mới), hạn chế trao quyền cho nhân viên và thiếu chia sẻ kiến thức, nói cách khác là thiếu “văn hóa linh hoạt” sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy, các công ty dầu khi cần có văn hóa linh hoạt để có thể dễ dàng áp dụng các giải pháp sáng tạo cho những thách thức bên trong và bên ngoài, đồng thời có thể thay đổi hướng đi nhanh chóng khi điều kiện thay đổi.

Quá trình chuyển đổi số sẽ giúp ngành Dầu khí tăng tốc trong tương lai và khi được thực hiện đúng cách với một một chiến lược quản lý phù hợp, con người cùng công nghệ sẽ tiếp tục đưa các công ty dầu khí phát triển ngày càng mạnh mẽ và vươn lên tầm cao mới.

Trong lĩnh vực khoan tại Việt Nam, bao gồm cả khoan phát triển, rất nhiều dữ liệu được thu thập trong quá trình khoan. Tuy nhiên, những dữ liệu này vẫn còn phân tán, do dự án, các nhà thầu và hợp đồng PSC nắm giữ và chưa được tích hợp tốt để xử lý và giải quyết các vấn đề tối ưu hóa.

DMCA.com Protection Status