Chuyển đổi số và khoa học công nghệ trình độ cao là nền tảng, động lực để Petrovietnam đột phá trong tăng trưởng
Sáng 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các chủ tịch, tổng giám đốc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước với chủ đề "Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng".
Hội nghị được tổ chức nhằm thống nhất về nhận thức, hành động, phương pháp, cách làm trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước khi đối mặt khó khăn. Thủ tướng đặt mục tiêu thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trong năm nay, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, sinh kế, việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng". |
Petrovietnam hiện là Tập đoàn kinh tế có vị trí dẫn đầu trong khối doanh nghiệp nhà nước, với quy mô 43 tỷ USD tài sản hợp nhất, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị hệ sinh thái, với cấu trúc chặt chẽ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và trình độ kỹ thuật cao.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ xu hướng công nghệ, dịch chuyển năng lượng, và đặc biệt là rất "nhạy cảm" với các vấn đề về địa chính trị như thách thức từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, tỷ giá, lãi suất...
Giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của Petrovietnam
Petrovietnam vẫn bám sát và nỗ lực đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm giải pháp lớn.
Cụ thể, trong công tác quản trị, Petrovietnam đã xây dựng các kịch bản ứng phó với giá dầu suy giảm, đồng thời cấu trúc lại các nguồn lực để phân bổ cho các lĩnh vực, cân đối giữa trong và ngoài nước; đưa ra các chính sách về quản trị linh hoạt trong kinh doanh, đầu tư và quản trị rủi ro.
Song song với đó, Tập đoàn triển khai việc mở rộng và cơ cấu lại thị trường, tập trung vào thị trường trong nước, liên kết chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế cả ở khu vực nhà nước và tư nhân; cũng như hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài để triển khai chiến lược khai thác và phát triển các lĩnh vực mới.
![]() |
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: Các giải pháp về công nghệ số đã góp phần giúp Petrovietnam đảm bảo tốc độ tăng trưởng. |
Petrovietnam cũng tập trung vào quản trị danh mục đầu tư gắn với quản trị vốn, tài chính và dòng tiền, kiểm soát các biến động liên quan đến tỷ giá, lãi suất. Đặc biệt, từ nay cho đến cuối năm, Petrovietnam sẽ đưa một số công trình, dự án vào hoạt động như Đại Hùng pha 3, Nhơn Trạch 3&4, Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam, BK-24... Việc các dự án đầu tư đưa vào vận hành thương mại một cách nhịp nhàng sẽ giúp Petrovietnam đảm bảo nhịp độ sản xuất kinh doanh, hướng tới việc đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng.
Quyết liệt triển khai bài bản công tác chuyển đổi số
Ngay từ năm 2022, Petrovietnam đã quyết liệt triển khai mạnh mẽ, bài bản công tác chuyển đổi số. Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng tầm nhìn về chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn, xác định lộ trình cũng như kế hoạch chuyển đổi số qua từng giai đoạn. Trong đó đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ có 32 sáng kiến số.
Để thực hiện mục tiêu này, Petrovietnam đã tích cực hợp tác với các tập đoàn công nghệ trong nước như Viettel, VNPT và FPT để triển khai các sáng kiến số. Cùng với đó, tập trung đào tạo, cập nhật kiến thức chuyển đổi số cho lãnh đạo và toàn thể người lao động trong Tập đoàn thông qua các nền tảng số, cũng như xây dựng và ban hành các giáo trình về chuyển đổi số, văn hóa số. Đặc biệt, tại Petrovietnam, trong các Đại hội Đảng, Tập đoàn cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc xây dựng và trình bày báo cáo.
Đến nay, Petrovietnam đã và đang tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn cho các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn và toàn ngành, đặc biệt là cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác dữ liệu lớn (Big Data) trong lĩnh vực cốt lõi là tìm kiếm, thăm dò, khai thác.
Một điểm nổi bật khác, Petrovietnam đã triển khai và đưa vào vận hành các sản phẩm số, trong đó đã đưa vào hoạt động hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Một số sản phẩm số nổi bật của Petrovietnam như: bản sao số cho các bể trầm tích ở Biển Đông; hệ thống bảo trì tiên đoán; nhà máy thông minh... đã góp phần nâng công suất bình quân của các nhà máy lên trên 120%.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, các giải pháp về công nghệ số đã góp phần giúp Petrovietnam đảm bảo tốc độ tăng trưởng về doanh thu khoảng 16,7%/năm, tăng trưởng về nộp ngân sách khoảng 21,3%/năm trong giai đoạn 2021-2024.
Nhận thức rõ vai trò cũng như tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, ngay từ đầu năm 2025, Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục ban hành Nghị quyết về đột phá chiến lược trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo động lực mới. Thông qua công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, từ đó bảo đảm mục tiêu tăng trưởng liên tục. Tập đoàn cũng tăng đầu tư cho khoa học công nghệ để nâng mức chuyển đổi số của Công ty mẹ lên mức 5, tức là mức dẫn dắt và của toàn Tập đoàn lên mức 4 vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, Petrovietnam lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Tháo gỡ cơ chế, nâng cao hiệu quả chuỗi sinh thái Petrovietnam
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ cấu lại chính sách thuế đối với tài nguyên, đặc biệt là đối với tài nguyên khí, để có thể thúc đẩy các dự án lớn đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, mô hình hoạt động của Petrovietnam theo chuỗi giá trị về hệ sinh thái, do đó, lãnh đạo Petrovietnam kiến nghị Chính phủ tháo gỡ cơ chế để nâng cao hiệu quả của chuỗi sinh thái Petrovietnam, đồng thời khẳng định và phát huy năng lực của các doanh nghiệp.
Để tận dụng năng lực của các ngân hàng thương mại trong nước, đặc biệt là đối với dự án lớn và sử dụng công nghệ nước ngoài, Petrovietnam cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại trong nước được tài trợ tài chính cho các dự án Tập đoàn đang triển khai.
P.V
-
Yết kiến Chủ tịch Quốc hội: Hành trình tri ân, vinh danh người lao động Petrovietnam
-
Tham quan nhà máy - Gặt hái mùa vàng 2025: Phân bón Cà Mau tiếp tục hành trình kết nối nhà nông
-
[VIDEO] Petrovietnam - Vinachem: Hợp tác cùng bứt phá, hướng tới tương lai công nghệ cao
-
[VIDEO] Petrovietnam và KEPCO trao đổi về định hướng phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam