Chuyện ghi trên tàu Sao Thủy

07:00 | 13/05/2016

2,668 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chúng tôi may mắn được đặt chân lên con tàu chở dầu thô Mercury đúng dịp kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trên con tàu khổng lồ này, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện thú vị về giọt dầu thô cung cấp cho Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất.

Nhập dầu cũng lắm công phu

Thực ra, thời gian tác nghiệp dầu thô có thể kéo dài cả tuần lễ nhưng có thể nói gọn trong một câu: Tàu Mercury nhận dầu từ tàu FPSO ở mỏ Bạch Hổ, chở về cảng Dung Quất, bơm vào phao Rót dầu không bến (SPM) để nhập vào kho.

chuyen ghi tren tau sao thuy
Tàu dầu thô Mercury cập bến phao SPM bơm hàng

7h30 sáng 30-4-2016, chúng tôi lên tàu dịch vụ của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) để ra phao. Biển Dung Quất thật yên ả. Nắng vàng làm sáng bừng những khuôn mặt mặn mòi vì biển của các kỹ sư, công nhân Phòng Quản lý cảng biển BSR. Kỹ sư Trần Quốc Toản, Đội trưởng Đội SPM dẫn đoàn ra tàu để làm hàng. Con tàu dịch vụ lướt 40 phút trên những con sóng lăn tăn như mặt hồ khiến chúng tôi vẫn cảm thấy... thòm thèm. Trước mắt chúng tôi là tàu Mercury (Sao Thủy) sừng sững như một tòa nhà chung cư 5 tầng, đỏ rực và im lìm giữa biển khơi. Tàu này vào cảng tối 29-4 và phải chờ đến sáng nay mới được tiếp cận phao SPM để bơm dầu.

Cứ ngỡ là tàu dầu thô cứ thế là đến vị trí gần phao rồi thả neo và đợi người của BSR ra cùng phối hợp để bơm dầu. Nhưng không phải thế. Quy trình “ra ngõ đón khách” thật thú vị. Tại cảng dịch vụ Dung Quất, con tàu đưa chúng tôi ra có gần 20 người, mooring master (Chủ hàng hải) là anh Phan Đông Hải - một thủy thủ giàu kinh nghiệm. Kế đến là đội ngũ kỹ sư do anh Trần Quốc Toản đứng đầu và nhóm công nhân BSR là người trực tiếp làm hàng. Đi cùng có hai cán bộ của PV EIC.

Hỏi ra mới biết, họ bên Công ty CP Giám định Năng lượng Việt Nam, thuộc Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với chủ tàu và bên mua BSR để kiểm soát khối lượng dầu nhập về, làm căn cứ để tính thuế. Một bên quan trọng khác là hoa tiêu hàng hải - anh Hoàng Việt. Một chuyến nhập hàng thông thường có bốn bên, gồm: chủ tàu (PV Trans), khách hàng (BSR), giám định và Hoa tiêu hàng hải. Do lực lượng ít nên những nhân sự của giám định và hoa tiêu hàng hải thường đi nhờ tàu của BSR ra đón tàu dầu thô.

chuyen ghi tren tau sao thuy
Con tàu này chứa 90 nghìn tấn dầu thô Bạch Hổ

Tàu Mercury phải neo ngoài biển, cách phao SPM khoảng 6km, tương đương 3 hải lý. Tàu phải chờ nhân sự của BSR, hoa tiêu hàng hải lên tàu hướng dẫn luồng lạch, tàu mới được phép vào cảng để nhập dầu. Sau khi các nhân sự vào vị trí tác nghiệp, anh Hải hỏi qua bộ đàm: “Anh em đã sẵn sàng chưa”. Ở đầu kia hô: “Rõ” cũng là lúc lái tàu được lệnh từ từ đưa con tàu di vào gần phao dưới sự chỉ huy trực tiếp của hoa tiêu Hoàng Việt và sự hỗ trợ của mooring master Phan Đông Hải.

Mặc dù chỉ di chuyển 6km nhưng đi với tốc độ cực chậm nên phải mất 30 phút sau, “người khổng lồ” Mercury mới tiệm cận phao SPM. Nhưng trong nửa giờ ngắn ngủi ấy, chúng tôi phát hiện nhiều điều thú vị. Đầu tiên là nhiệm vụ của anh Hoàng Việt. Mọi người gọi anh là hoa tiêu ngoại hạng. Anh là người chịu trách nhiệm đưa con tàu đi vào luồng, kiểm soát tốc độ và chỉ huy các tàu dịch vụ. Với điều kiện biển êm, công việc sẽ không quá khó khăn. Nhưng sẽ vô cùng rủi ro nếu trời có mây giông và mưa biển, 30 phút làm việc của anh Hoàng Việt diễn ra khó trơn tru.

Giúp Hoàng Việt là Phan Đông Hải - một thủy thủ được đào tạo bài bản ở Monaco (Pháp). Anh đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trên các con tàu dầu thô. Một điều lạ là dù quy trình tác nghiệp có thể sử dụng tiếng Việt và đối tác cũng là người Việt nhưng cả hoa tiêu Hoàng Việt, mooring master Phan Đông Hải, Thuyền trưởng Hoàng Trung Thành và các nhân sự ở vị trí tàu lai dắt, tàu hỗ trợ đều sử dụng tiếng Anh để trao đổi ý kiến. Anh Hải cười: “Tác nghiệp thế cũng thành quen, khó thay đổi lắm”.

chuyen ghi tren tau sao thuy
Tàu dịch vụ Sông Hồng 03 lai dắt ống bơm tiếp cận tàu dầu thô

Tàu Mercury rẽ trái, rồi rẽ phải (gọi theo ngôn ngữ đường bộ) theo hiệu lệnh của hoa tiêu, có lúc lại ì ầm như đứng một chỗ để... tàu dịch vụ và tàu lai dắt tiếp cận. Khi gần đến phao, dường như tàu không di chuyển nhiều nữa bởi nếu tiếp tục cho chân vịt hoạt động, theo quán tính, con tàu chở 90 nghìn tấn dầu có thể lao vào phao SPM, gây gãy phao. Thế là lúc này, con tàu dịch vụ của PSTC mang số hiệu Sông Hồng 03 hì hục như một con trâu khỏe, cần mẫn hũi vào thành tàu Mercury để di cho con tàu tiếp cận vị trí tốt. Nhìn cảnh con tàu Sông Hồng 03 húc vào tàu Mercury, có cảm giác chẳng khác gì “châu chấu đá voi”.

Tưởng rằng sau khi đưa Mercury vào vị trí điểm neo, nhiệm vụ của tàu Sông Hồng 03 đã hết. Chúng tôi thấy con tàu lùi ra phía sau Mercury và neo một cái dây thừng rất to vào tàu dầu thô và đôi lúc lại hì hụi kéo. Thực ra, tàu Sông Hồng 03 đang làm nhiệm vụ giữ cho tàu Mercury thăng bằng để khoảng cách của Mercury đến phao SPM luôn là 60m. Và Sông Hồng 03 với 7 thuyền viên cũng ăn dầm ở dề trên biển hai ngày cho đến khi tàu Mercury bơm hết dầu.

Khi sử dụng máy ảnh, mặc dù được ưu ái, nhưng cũng phải tuân theo lệnh của thuyền trưởng là chỉ tác nghiệp trên khoang lái, không được tiếp cận khu vực bơm dầu. Nhìn từ khoang lái quan sát, thấy việc cẩu hai ống nhập dầu lên boong và lắp đặt vào đầu bơm dầu ra của tàu không hề đơn giản. Thời gian cho công việc này khá dài. Nếu thời tiết đẹp như hôm nay thì việc lắp đặt hai ống chỉ mất khoảng 30 phút. Những hôm biển động, tàu dịch vụ Sông Hồng 03 dập dềnh theo con sóng, đường ống cứ oằn mình như hai con trăn khổng lồ, rất khó lắp đặt. Lúc này trên boong dầu, phía mạn trái có cả thảy 12 người, bao gồm lái cẩu (ngồi tít trên cao), thuyền viên Mercury, công nhân hiện trường BSR, giám sát an toàn...

chuyen ghi tren tau sao thuy
Anh Phan Đông Hải hỗ trợ tác nghiệp trên tàu Mercury

Tất cả những thao tác như cẩu ống, di ống, hạ ống, lắp ống và kiểm tra diễn ra rất... mượt. Đây là công việc tối quan trọng quyết định đến việc nhập dầu. Công việc lắp ống hoàn tất, mọi vị trí báo về mooring master Phan Đông Hải và khi nhận được lệnh “OK”, các nhân sự mới rút về và bắt đầu bơm dầu. Riêng cái phao SPM thì muốn hiểu về nó chắc thông tin phải nén chặt trong một cuốn sách mới truyền tải đủ. Nhiều năm qua, BSR có chủ trương hạ giá thành vận tải dầu thô trên biển và vận chuyển dầu thô từ phao SPM về tới kho.

Thực tế, muốn giảm giá thành vận chuyển thì phải giảm số chuyến, đồng thời tăng trọng tải. Tháng 7-2014, Công ty BSR thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần hai NMLD Dung Quất và nâng cấp công suất của phao SPM từ tiếp nhận tàu 110 ngàn tấn lên 150 ngàn tấn. Việc nâng cấp thành công phao SPM sau đợt bảo dưỡng tổng thể lần hai không chỉ tiết kiệm cho BSR khoảng 20 triệu USD/năm chi phí vận chuyển dầu thô (được tính vào giá dầu thô) mà còn đa dạng hóa dầu thô từ Trung Đông, Liên bang Nga.

Phao SPM cũng được áp dụng nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm thời gian nhập dầu thô. Đó là sáng kiến thiết kế hệ thống nạp khí cho hệ thống thủy lực điều khiển ở phao SPM. Phao SPM nặng 360 tấn, cao 10m, đường ống ngầm dẫn dầu thô dài 4,2km tới nhà máy và hai đường ống nổi dài 242m để nối từ phao rót dầu đến tàu chở dầu thô. Trước kia, hệ thống dùng máy nén khí nạp khí trời nhưng do nồng độ muối cao nên thường gây sự cố máy. Phòng Quản lý cảng biển BSR chế tạo thử giàn hóa hơi nitơ từ dạng lỏng (đóng trong bình) sang dạng khí dùng cho môtơ. Giàn được lắp đặt, vận hành thành công, tiết kiệm cho công ty nhiều tỉ đồng, đồng thời nâng cao hiệu suất làm việc của phao SPM.

Và những chuyện thú vị

Xong việc đưa tàu vào neo gần phao và khi“quân” khoang dưới tiếp tục bơm dầu, Thuyền trưởng Hoàng Trung Thành lại cặm cụi với cái máy tính ở góc khoang lái. Anh Thành đã có 22 năm trong nghề đi biển. Anh xuất thân là lái tàu pháo trong quân đội, nhưng do duyên số nên anh rời quân ngũ ra ngoài lái tàu dân sự.

Anh kể, tàu Mercury đi vào hoạt động hơn 3 năm nhưng lịch sử để lại của nó cũng hết sức truân chuyên. Đầu năm 2007, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) khởi công đóng mới tàu này và lên kế hoạch hạ thủy vào đầu 2009. Nhưng cơn bão số 9 (tháng 9-2009) khiến sóng biển tràn vào ụ, nhấn chìm toàn bộ thiết bị của con tàu. Rồi Vinashin lâm vào khủng hoảng, không đủ khả năng khắc phục hậu quả thiên tai nên đành chuyển giao nguyên trạng con tàu cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác, quản lý. Tàu Mercury được Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) đóng mới hoàn toàn và bàn giao cho PV Trans vào ngày 3-6-2012. Tàu có chiều dài 245m, rộng 43m, cao 20m, mớn nước 11,7m, vận tốc trung bình 14,7 hải lý/giờ. Đây cũng là con tàu chở dầu thô lớn nhất, mang nhãn “Made in Vietnam”.

Chúng tôi thắc mắc quy trình tác nghiệp của tàu dầu thô Mercury, anh Thành phân tích: Tàu nhận nhận hàng ở các mỏ thuộc khu vực mỏ Bạch Hổ, ở đó cũng có hoa tiêu và mooring master hướng dẫn. Sau đó nối ống và bơm dầu vào tàu. Nếu thời tiết đẹp thì quy trình cũng cẩu ống và lắp vào hệ thống truyền tải trên tàu. Nhưng nếu thời tiết có sóng to, tàu dịch vụ sẽ hướng dẫn để tàu dầu kéo ống về và lắp đặt. Khi đó tàu FPSO cũng sẽ dùng bơm để bơm đẩy dầu sang tàu dầu. Công việc này diễn ra khoảng 38 giờ cho lô hàng 90 nghìn tấn dầu Bạch Hổ.

Khi tàu về neo nghỉ ở Vũng Tàu, nhiệm vụ chủ yếu là nhập thực phẩm và nước ngọt sinh hoạt cũng như nước ngọt để hâm hàng. Chuyện hâm 90 nghìn tấn dầu thô là cả một công phu. Lúc nhận hàng từ tàu FPSO, dầu thô Bạch Hổ có nhiệt độ khoảng 510. Trong thời gian ngày rưỡi nhận hàng, bộ phận máy sẽ bắt đầu cho hoạt động lò hơi để đạt nhiệt độ hơi khoảng trên 2000C. Sau đó hơi đi vào các ống được cấu tạo như khung giàn giáo có trong khoang chứa dầu. Nhiệt độ của hơi nước làm nóng ống và làm nóng dầu duy trì ở mức 54-560C. Khi hơi bị nguội sẽ hóa nước và được thu hồi về tiếp tục hâm nóng (có bổ sung nước) tạo thành một vòng tuần hoàn hâm hàng trong khoang chứa dầu. Lò hơi chỉ ngưng hoạt động khi trong khoang không có hàng.

Dầu chua là loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn dầu ngọt, là loại dầu gần như không phải hâm hàng mà nó luôn ở trạng thái lỏng ở nhiệt độ bình thường. Chính vì vậy, ở những nước Trung Đông, việc vận chuyển dầu từ nơi khai thác (chủ yếu trên đất liền) đến cảng xuất khẩu thường bằng đường ống. Dầu ngọt Bạch Hổ không thể sử dụng ống để vận chuyển từ nơi khai thác đến nơi tiếp nhận.

Nghe anh kể, tôi liên tưởng đến câu chuyện những năm 90 của thế kỷ trước, khi lập luận cứ để lựa chọn xây dựng NMLD số 1 của nước ta, nhiều người cho rằng nên đặt ở Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu). Bởi nơi đó gần nguồn cung dầu thô, khoảng cách chỉ khoảng gần 300km đường biển đến mỏ dầu Bạch Hổ. Nhiều người cho rằng, chỉ cần lắp một đường ống dẫn dầu ngầm nước đáy biển thì vừa tiết giảm được kinh phí vận chuyển, vừa duy trì nguồn cung ở bất kỳ diễn biến thời tiết nào.

Tuy nhiên, dầu ngọt Bạch Hổ là chủng dầu chỉ có thể vận chuyển bằng tàu, không thể vận chuyển bằng ống. Nếu sử dụng ống, dòng dầu di chuyển được vài kilômét dưới đáy biển sẽ đông cứng lại. Khi ấy dù có hâm nóng lên mức cao nhất thì khoảng cách 300km là quá xa để dòng dầu duy trì ở trạng thái lỏng. Nếu sử dụng tàu vận chuyển thì thời đó cũng không kinh tế, bởi trọng tải mỗi con tàu cao nhất chỉ vài chục nghìn tấn. Như vậy, phải huy động số lượt tàu nhiều hơn, chi phí sẽ cao hơn sử dụng tàu có trọng tải lớn. Ngoài ra, các nhà khoa học biển và đại dương khẳng định, Long Sơn không có lợi thế cảng nước sâu như các nơi khác. Chính vì vậy, sự lựa chọn Dung Quất là địa điểm xây dựng NMLD đầu tiên của nước ta là hoàn toàn đúng đắn, dựa trên cơ sở khoa học kinh tế, thực tiễn.

Bến phao SPM hiện tại có thể tiếp nhận những con tàu có trọng tải 150 nghìn tấn. Trong giai đoạn nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất sẽ xây dựng bổ sung một bến phao SPM cách bến phao cũ 2km về phía bắc có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 300 nghìn tấn. Lúc đó, NMLD Dung Quất có thể đón nhận những con tàu siêu khổng lồ xuyên đại dương mang dầu khắp nơi trên thế giới cấp cho nhà máy.

Cơ sở hạ tầng sẽ được nâng cấp nhưng vấn đề đặt ra là sự cạnh tranh nguồn dầu từ các nước bán dầu là rất lớn. Lúc đó, BSR phải tham gia đấu thầu cạnh tranh các lô dầu với hàng trăm công ty lớn khác. Và không phải chủng loại dầu thô nào cũng có thể mua về để lọc được. Tất cả cần một quá trình nghiên cứu và thử thách.

BSR đã phân tích tính chất dầu thô được cung cấp bởi các nhà sản xuất, buôn bán dầu (PV Oil, BP, Shell, Chevron, Total, Exxon, Petronas,…), BSR đã sơ loại các loại dầu thô không nằm trong giới hạn vận hành của nhà máy (điểm chảy cao hơn 39oC; hàm lượng lưu huỳnh cao hơn 0,3wt.%;  hàm lượng thủy ngân cao hơn 150 ppb). Bằng các giải pháp kinh tế và kỹ thuật, BSR đã lập được danh sách các loại dầu thô có thể đưa vào phối trộn với dầu thô Bạch Hổ, nâng danh sách các loại dầu thô có khả năng chế biến tại nhà máy từ 48 loại năm 2012 lên 73 loại ở thời điểm hiện tại. Đã thiết lập được tỷ lệ phối trộn của từng nhóm dầu thô làm cơ sở cho việc lập kế hoạch sản xuất, mua dầu, lập kế hoạch nhập dầu, xuất kho phù hợp, đảm bảo cho nhà máy vận hành ổn định ở công suất cao.

BSR cũng đón đầu cho xu hướng sử dụng dầu thô ngoại nhập phối trộn với dầu Bạch Hổ bằng việc xây dựng Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh 2 (SRU2). Phân xưởng có nhiệm vụ phân tách lưu huỳnh ra khỏi dầu thô. Mỗi ngày, NMLD Dung Quất thu được 18 tấn lưu huỳnh.

Theo anh Lê Trọng Khải, Phó trưởng phòng Sản xuất BSR cho rằng: “Giá trị của phân xưởng SRU2 không phải là lượng lưu huỳnh thu hồi được mà sẽ gián tiếp nâng cao chất lượng của hàng triệu tấn dầu thô”. Có thể hiểu nôm na thế này, SRU như một màng lọc, giữ lại lưu huỳnh để biến “dầu chua” thành “không chua”. Những tấn dầu giá rẻ đó mang đi lọc, ra những sản phẩm chất lượng tương đương sản phẩm lọc từ dầu ngọt và mang lại hiệu quả cho nhà máy.

Để sớm nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu, công ty đang nghiên cứu một số giải pháp cho sản phẩm xăng RON 92 và RON 95 đạt tiêu chuẩn EURO 3 như tối đa hóa công suất chế biến của cụm phân xưởng sản xuất cấu tử pha trộn xăng có chỉ số octan cao hoặc nhập bổ sung các cấu tử pha trộn xăng có chỉ số octan cao.

Ngoài ra, BSR cũng sẽ áp dụng giải pháp nhập naphtha và BTBE bằng cách bổ sung một đường ống 12 phi để đưa sản phẩm từ cảng xuất sản phẩm về khu vực sản xuất. Cải hoán tận dụng hai bể kiểm tra xăng và các bơm đi kèm có sẵn để chứa và vận chuyển các cấu tử nói trên. Đồng thời bổ sung một đường ống 6 phi dài 400m để dẫn naphtha từ bể chứa đến đường nhập liệu phân xưởng NHT.

Phương Trà

Năng lượng Mới 522

DMCA.com Protection Status