Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế

20:11 | 11/12/2015

1,730 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chiều 12/11, tại Hà Nội, Bộ Tư Pháp phối hợp cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội nghị về Hội nhập Kinh tế Quốc tế- Cơ hội và thách thức.

Dự Hội nghị có đại diện một số ban Đảng Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật  (Bộ Tư pháp); đại diện các Vụ, cơ quan Bộ Tư Pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

co hoi va thach thuc trong hoi nhap kinh te
Đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Thành viên HĐTV Tập đoàn phát biểu khai mạc Hội nghị

Về phía lãnh đạo PVN, có các Thành viên Hội đồng thành viên Phạm Xuân Cảnh; Đinh Văn Sơn; Phan Ngọc Trung; các Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập, Lê Minh Hồng, Nguyễn Sinh Khang. Đại diện các ban Pháp chế một số Tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề công tác pháp chế doanh nghiệp nhà nước; những thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nhà nước.

Công tác pháp chế đóng vai trò quan trọng

Tổng quan về pháp chế DNNN hiện nay, theo ông Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), thời gian qua, kết quả hoạt động của khối DNNN đã góp phần chủ yếu và quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Trong đó các DN giữ vai trò then chốt của nền kinh tế quốc gia như: Dầu khí, than, xăng dầu, khoáng sản, dệt may, bưu chính viễn thông…, đóng góp 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, đảm bảo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động. “Thành công của các DN này trong hội nhập quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến thành công chung Việt Nam trong hội nhập. Trong đó có vai trò, đóng góp không nhỏ của tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế doanh nghiệp”, ông Trần Văn Đạt nhấn mạnh.

Tính đến nay, trong tổng số 33 DN ở Trung ương đã hình thành được 21 tổ chức pháp chế độc lập. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện có 1.260 người làm công tác pháp chế, có thể nói công tác pháp chế dần trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho lãnh đạo các DN trong điều hành, chỉ đạo hoạt động SXKD, đảm bảo hoạt động của DN thực hiện trong hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

co hoi va thach thuc trong hoi nhap kinh te
Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" cho 4 đồng chí  đã có nhiều công lao, đóng góp xây dựng ngành Tư pháp Việt Nam.

Bên cạnh vai trò quan trọng trong công tác pháp chế, Phó Vụ trưởng Trần Văn Đạt cũng đề cập đến một số bất cập hiện nay. Còn nhiều DN mới chỉ bố trì được người làm công tác pháp chế chuyên trách, một số nơi chỉ bố trí làm kiêm nhiệm, đội ngũ làm công tác pháp chế còn thiếu và yếu, thậm chí là chưa có. Những bất cập, vướng mắc đó nguyên nhân được chỉ ra là do nhận thức của lãnh đạo về vị trí, vai trò của pháp chế còn hạn chế, có nơi mang tính hình thức, dẫn đến các vi phạm pháp luật trong hoạt động DN.

Bản thân người làm công tác pháp chế chưa phát huy được khả năng của mình trong tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo, nhiều DN chưa có chế độ đãi ngộ tốt với người làm pháp chế… Để công tác pháp chế phát huy vai trò trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò công tác pháp chế trong DNNN; quan tâm đầu tư nguồn lực, củng cố, kiện toàn tổ chức, đồng thời đặt ra yêu cầu với người làm công tác pháp chế tự nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, chủ động tham mưu các vấn đề pháp lý cho lãnh đạo DN. Về phía Bộ, tiếp tục hoàn thiện với các Bộ, ngành hoàn thiện công tác pháp chế DNNN cho phù hợp với thực tiễn.

Thành tựu hội nhập và thách thức

Nhận thức rõ chủ trương mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới là chủ trương xuyên suốt trong các văn kiện, thể hiện rõ quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng với vấn đề hội nhập quốc tế. Đây là nền tảng cho các văn bản pháp luật ban hành sau đó, cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động hội nhập. Theo ông Trần Toàn Thắng, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có thể nói tiến trình hội nhập của Việt Nam nhìn chung được đánh giá là nhanh, có thành tựu nhất định, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thương mại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đối với quốc tế, hiện Việt Nam đã xây dựng quan hệ ngoại giao cùng 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, đối tác toàn diện với 11 nước. Hội nhập đã góp phần vào tăng trưởng đạt 7,34% trong giai đoạn 1991-2011.

co hoi va thach thuc trong hoi nhap kinh te
Ông Trần Toàn Thắng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày tham luận tại Hội nghị

Đặc biệt, khi gia nhập WTO, nước ta đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, riêng 2007 đạt 8,46%, cơ cấu kinh tế được cải thiện nhiều mặt, chuyển dịch nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, Việt Nam thoát ra khỏi các quốc gia kém phát triển. Có thể thấy, thương mại là thành tựu lớn nhất trong quá trình hội nhập, xuất khẩu không ngừng tăng, là động lực quan trọng trong cho tăng trưởng kinh tế.

Song song với những thành tựu đạt được, Hội nghị tập trung thảo luận đến những thách thức hiện nay. Đó là chúng ta chưa tận dụng hết cơ hội, lợi ích. Ví dụ, nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ DN biết đến các hiệp định FTA không nhiều, có tới 75% DN không biết về cộng đồng AEC, một số ít DN biết về các hiệp định với EU hoặc giữa ASEAN và các đối tác. Tham luận của các chuyên gia cũng chỉ rõ năng lực kinh tế còn hạn chế, việc cải cách thể chế, xây dựng hàng rào phi thuế quan phù hợp… đặt ra nhiều vấn đề cấp bách hiện nay.

Sử dụng trọng tài thương mại, bài học của PVN

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận thêm về một số vấn đề trong tranh chấp trong hoạt động thương mại và kinh tế quốc tế. Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam khi hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu đó là sự rủi ro, tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều.

co hoi va thach thuc trong hoi nhap kinh te
Trưởng ban Pháp chế PVN Phan Anh Minh tham luận tại Hội nghị

Góp ý cho vấn đề này, đại diện Ban Pháp chế PVN cho rằng, thời gian qua trọng tài thương mại quốc tế đang là hình thức được Tập đoàn lựa chọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến các hợp đồng dầu khí, thương mại bởi tính khách quan, độc lập, chuyên nghiệp, hơn cả là phán quyết chung thẩm. Kinh nghiệm đã chỉ rõ, thứ nhất, hình thức này mang tính linh hoạt, nhanh chóng. Thứ hai, phán quyết của trọng tài thường khách quan, chính xác, có độ tin cậy. Thứ ba, tính bảo mật thông tin cao, bởi bí mật nghề nghiệp, uy tín trên thương trường có ý nghĩa sống còn đối với DN, mang nhiều ưu điểm hơn so với nguyên tắc xét xử công khai. Cuối cùng là quyết định trọng tài có giá trị đối với các bên, nghĩa là có hiệu lực thi hành ngay, các bên không có quyền kháng cáo hay kháng nghị.

Chưa kể, phương thức giải quyết sử dụng trọng tài so với tòa án còn tiết kiệm về thời gian và tiền bạc do kiện tụng kéo dài. Ngoài ra, đó là các kinh nghiệm trong việc lựa chọn luật sư tư vấn, trọng tài viên, các chuyên gia có kinh nghiệm, nhân chứng, chú trọng vai trò đầu mối của Ban pháp chế và phối hợp chặt chẽ cùng các bên liên quan…

co hoi va thach thuc trong hoi nhap kinh te
Vụ trưởng Vũ Hồng Tuyến phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vũ Hồng Tuyến đánh giá cao các tham luận, ý kiến đóng góp, thể hiện được nhiều vấn đề trong bối cảnh hội nhập. Phát huy những thành tựu đạt được đồng thời rút kinh nghiệm, nâng cao vai trò của cán bộ pháp chế, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị trong phạm vi nhiệm vụ chức năng của mình tham mưu cho lãnh đạo các DNNN trong việc tham gia hội nhập quốc tế; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Tư pháp về công tác pháp luật, pháp chế; kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong việc hội nhập kinh tế quốc tế tốt hơn; chủ động kiến nghị, đề xuất những vướng mắc phát sinh trong sản xuất kinh doanh.

Nhân dịp này, Hội nghị đã trao Kỷ niệm Chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" cho 4 đồng chí  đã có nhiều công lao, đóng góp xây dựng ngành Tư pháp Việt Nam.

Nguyễn Kiên

DMCA.com Protection Status