Cổ phiếu ngành phân bón liên tục bứt phá

18:33 | 17/10/2021

20,021 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhu cầu sử dụng phân bón tăng mạnh cho nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới trong đại dịch Covid-19, cùng với nguồn cung bị gián đoạn đã đẩy giá phân bón tăng cao, tạo thuận lợi cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành phân bón. Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực, cổ phiếu ngành phân bón liên tục bứt phá, lập những đỉnh giá mới kể từ đầu năm 2021 đến nay.

Các cổ phiếu ngành phân bón như: DCM, DPM, SFG… đều đang giao dịch ở mức giá đỉnh từ trước đến nay và đã tăng hơn 100% trong vòng 1 năm qua.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (15/10), DCM tăng mạnh 1,87% lên 32.700 đồng/cổ phiếu, đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay. Với 4 phiên tăng điểm, trong đó có 1 phiên tăng trần, DCM tăng hơn 15% trong tuần qua. Cổ phiếu này cũng đã tăng hơn 31% trong vòng 1 tháng qua và tăng hơn 160% trong vòng 1 năm qua. Cùng đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu phân bón, trong tuần qua DPM đã tăng 5 phiên liên tiếp (14,3%) lên mức giá đỉnh 42.750 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 150% trong vòng 1 năm qua. Trong khi đó, SFG chốt phiên 15/10 tăng 5,68% lên 16.750 đồng/cổ phiếu, tăng gần 23% trong tuần qua, tăng hơn 146% trong vòng 1 năm qua.

Với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu ngành phân bón liên tục lập những đỉnh mới trong năm 2021
Với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu ngành phân bón liên tục lập những đỉnh mới từ đầu năm đến nay

Cổ phiếu phân bón bứt phá liên tục, một phần đã phản ánh kết quả kinh doanh rất tích cực của các doanh nghiệp phân bón trong năm 2021. Trong đó, kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) tăng trưởng mạnh. Trong quý 2/2021, DCM ghi nhận 2.364 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng tương ứng 24% so với cùng kỳ, đạt 517 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, công ty đem về doanh thu thuần 4.236 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 29% và 20% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ và mặt bằng giá bán các sản phẩm phân bón đều ghi nhận gia tăng mạnh, đặc biệt là giá phân bón đạt mức cao kỷ lục. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2021, giá phân bón thị trường trong nước và thế giới liên tục tăng cao. Tại thị trường Việt Nam, giá phân bón sản xuất tăng từ khoảng 8-55% tùy loại. Cụ thể, phân urê tăng 55%; phân DAP tăng 35-50%; phân supe lân tăng hơn 8%; phân NPK tăng 15-20%.

Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đánh giá, ngoài yếu tố giá thành phẩm hỗ trợ giảm chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng, DCM cho thấy một số tín hiệu sản xuất kinh doanh tích cực khác. Cụ thể, DCM đã xuất xưởng lô phân bón NPK đầu tiên với sản lượng 20.000 tấn đúng vào dịp mùa vụ Hè Thu, tiêu thụ tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mảng phân bón NPK hứa hẹn sẽ là động lực tăng trưởng cho DCM trong những năm tiếp theo, bên cạnh sản phẩm urê đã chiếm lĩnh thị trường rộng lớn là miền Tây Nam Bộ và Campuchia.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) báo kết quả kinh doanh quý 2/2021 với doanh thu thuần đạt 2.913 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 693,5 tỷ đồng, tăng hơn 125% so với cùng kỳ. Đặc biệt biên lãi gộp của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể tăng từ 26,1% lên mức 32%. Lũy kế 6 tháng năm 2021, DPM đạt 4.875,8 tỷ đồng doanh thu, tăng 25,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 872,5 tỷ đồng, cao gấp 2,1 lần so với 6 tháng năm 2020. Đặc biệt, mảng hóa chất của DPM tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm: Sản lượng amoniac (NH3) - sản phẩm hóa chất chính đạt gần 36.200 tấn, vượt 30% kế hoạch 6 tháng và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Các sản phẩm hóa chất khác như UFC85, hóa chất chuyên dụng dầu khí... cũng tiêu thụ khả quan. Theo đó, doanh thu mảng hóa chất ước tăng trưởng 70% và lợi nhuận mảng hóa chất ước tăng gần gấp 4 lần so cùng kỳ.

Mặc dù chưa công bố báo cáo quý 3/2021, nhiều doanh nghiệp phân bón đã hé lộ con số lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Theo ước tính của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), một số đơn vị có tỷ lệ tăng trưởng lãi cao trong kỳ kể đến như: Phân bón Miền Nam (HOSE: SFG) tăng 318,8%, Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) tăng 41,5%. Ngoài ra, Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) và DAP - Vinachem (UPCoM: DDV) đã kinh doanh có lãi với lợi nhuận đạt 186% và 226% tương ứng.

Sản xuất phân bón tại DPM
Sản xuất phân bón tại DPM

Theo PSI, giá phân bón trên thế giới tiếp tục tăng cao là động lực chính cho kết quả SXKD của doanh nghiệp phân bón. Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất phân bón ở nhiều nước, giá nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển đều tăng kỷ lục khiến giá phân bón trên toàn cầu liên tục “nóng” trong những tháng qua và tiếp tục ghi nhận các mốc giá cao mới.

Ông Phạm Lê An Thuận - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định rằng, diễn biến tích cực của các cổ phiếu ngành phân bón không chỉ đến từ giá phân bón thế giới tăng cao, mà còn từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý 3 tích cực. Lợi nhuận của các công ty ngành phân bón sẽ tiếp tục duy trì khả quan trong năm 2021 theo đà tăng của giá phân bón thế giới và có thể tiếp tục nối dài sang 2022.

M.P

Phân bón Cà Mau – Cùng nhau san sẻPhân bón Cà Mau – Cùng nhau san sẻ
PVCFC cán mốc 8 triệu tấn Urê: Hành trình nỗ lực không ngừng vì nông nghiệp ViệtPVCFC cán mốc 8 triệu tấn Urê: Hành trình nỗ lực không ngừng vì nông nghiệp Việt
PVCFC: Hai sứ mệnh, một thương hiệu Phân bón Cà MauPVCFC: Hai sứ mệnh, một thương hiệu Phân bón Cà Mau

DMCA.com Protection Status