Dấu ấn 30 năm Đảng bộ Vietsovpetro

08:25 | 24/05/2012

501 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trải qua 30 năm hoạt động với chín kỳ đại hội, Đảng bộ Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã lãnh đạo hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, trở thành nhân tố quan trọng bậc nhất đảm bảo cho sự thành công của Vietsovpetro – đơn vị liên doanh đầu tiên và hoạt động hiệu quả hàng đầu của Việt Nam với nước ngoài.

Những dấu ấn lịch sử

Cùng với sự ra đời của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (tháng 11/1981), để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban bí thư Trung ương Đảng, Đặc khu ủy Vũng Tàu – Côn Đảo đã thành lập tổ chức đảng phía Việt Nam để phối hợp với tổ chức Đảng Cộng sản Liên Xô trong Vietsovpetro lãnh đạo, động viên cán bộ, đảng viên và công nhân viên cả 2 phía tập trung sức lực, trí tuệ thực hiện các nhiệm vụ mà hai Đảng và hai Nhà nước giao cho.

Giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ ngoài khơi biển Vũng Tàu

Ngày 26/5/1982, Đảng bộ cơ sở Xí nghiệp Liên doanh Việt – Xô gồm 5 chi bộ đã được thành lập theo quyết định của Đặc khu ủy Vũng Tàu – Côn Đảo. Kể từ đây, qua 9 kỳ đại hội với 30 năm hoạt động từ năm 1982 đến nay, Đảng bộ Vietsovpetro (VSP) đã trở thành hạt nhân lãnh đạo cán bộ công nhân viên tham gia phía Việt Nam thực hiện bốn nhiệm vụ chính mà Đảng, Chính phủ và ngành Dầu khí nước ta đặt ra. Đó là: 1/Nhanh chóng tìm ra dầu đưa vào khai thác. 2/Xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí trên biển. 3/Đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên dầu khí Việt Nam giỏi chuyên môn để từng bước vươn lên làm chủ ngành công nghiệp dầu khí biển Việt Nam. 4/Hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển dịch vụ dầu khí tại Việt Nam cho những doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Lê Quang Trung (nguyên Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro các Khóa IV, V, VI), trước 4 nhiệm vụ nặng nề đó và với mô hình hoạt động rất đặc thù như Liên doanh VSP nên Đảng bộ phía Việt Nam cũng như các chi bộ trực thuộc phải tập trung nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm tạo sự đóng góp trí tuệ của toàn thể đảng viên trong toàn Đảng bộ và sự năng động, sáng tạo của từng chi bộ và mỗi đảng viên.

Trên thực tế, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, của Chính phủ, của Đặc khu ủy Vũng Tàu – Côn Đảo/Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, bốn nhiệm vụ trên đã được Đảng bộ VSP và tập thể lao động quốc tế Việt – Xô cơ bản hoàn thành xuất sắc ngay trong những năm đầu thập kỷ 1990.

Ngay trong nhiệm kỳ Đại hội đầu tiên (1982 – 1984) Đảng bộ VSP đã tập trung phát triển đội ngũ kỹ thuật Việt Nam, nhanh chóng xác định giếng khoan đầu tiên, tiến hành khoan sớm để xác định khả năng dầu công nghiệp và nhanh chóng đưa vào khai thác. Nhờ sự nỗ lực tập trung nghiên cứu của tập thể cán bộ kỹ thuật, đứng đầu là Phó tổng giám đốc phụ trách địa chất Ngô Thường San, giếng khoan BH-5 đã được xác định tại mỏ Bạch Hổ. Tàu khoan Mikhain Mirchin tiến hành khoan giếng này vào ngày 24/5/1984 đã phát hiện dòng dầu công nghiệp. Đây là thành công đầu tiên trong công tác tìm kiếm thăm dò. Có thể nói chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi thành lập, với sự nỗ lực cao độ của tập thể lao động quốc tế, VSP đã tìm thấy dầu với sản lượng công nghiệp, bước đầu thực hiện được nhiệm vụ thứ nhất của Đảng bộ.

Đại hội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) của Đảng bộ XNLD Vietsovpetro

Trong nhiệm kỳ Đại hội lần II (1984 – 1986), Đảng bộ VSP đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu địa chất, địa vật lý để tìm kiếm thêm các mỏ mới trên các lô được giao cho VSP. Đồng thời thực hiện được nhiệm vụ thứ 3 là “xây dựng căn cứ dịch vụ trên bờ đảm bảo cho hoạt động của Liên doanh và phục vụ yêu cầu hoạt động dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam”.

Trong nhiệm kỳ Đại hội lần III (1986 – 1989), dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, tập thể cán bộ kỹ thuật trong VSP đã vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, những khắc nghiệt rủi ro để tìm ra nguồn dầu trữ lượng lớn. Đảng bộ VSP đã bước đầu thực hiện được nhiệm vụ thứ 2 là “đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật các loại, từng bước thay thế Bạn và vươn lên làm chủ ngành công nghiệp tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí”.

Trong nhiệm kỳ Đại hội lần IV (1989 – 1991), Đảng bộ phía Việt Nam trong Liên doanh đã phối hợp có hiệu quả với Đảng bộ phía Liên Xô, lãnh đạo tập thể lao động Việt Nam cùng phía Liên Xô đạt được 3 thành tựu nổi bật: Nhanh chóng phát hiện dòng dầu công nghiệp bảo đảm sớm đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác. Đến cuối năm 1990, tổng sản lượng dầu khai thác đạt 5 triệu tấn. Khẩn trương xây lắp giàn khoan cố định và đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác chỉ sau 2 năm kể từ khi phát hiện dòng dầu công nghiệp. Phát hiện thân dầu có lưu lượng lớn trong tầng đá móng granite nứt nẻ, tăng nhanh sản lượng dầu khai thác hàng năm, vừa góp phần thay đổi quan điểm cơ bản về quá trình hình thành, dịch chuyển tích tụ dầu khí tại các bồn trũng phía Tây Thái Bình Dương, vừa thu hút các nhà thầu nước ngoài quay trở lại hợp tác khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

Trong giai đoạn 1991 – 2010 (với các nhiệm kỳ V, VI, VII, VIII), sau khi Liên Xô tan vỡ, tổ chức Đảng cộng sản Liên Xô trong VSP không còn hoạt động, VSP đã gặp phải những khó khăn, thách thức rất lớn. Song, Đảng bộ VSP (phía Việt Nam) tiếp tục được củng cố, chủ động và sáng tạo theo con đường Đổi mới, đã lãnh đạo tập thể cán bộ công nhân viên phía Việt Nam phối hợp với lãnh đạo và tập thể lao động phía Nga hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do cấp trên giao phó.

Trong các năm 1991 – 1995 của nhiệm kỳ V đã đánh dấu sự lớn mạnh nhanh chóng không chỉ riêng VSP mà đối với ngành dầu khí Việt Nam khi mỏ Bạch Hổ đang bước vào giai đoạn khai thác công nghiệp, đưa mỏ Rồng vào khai thác thử, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công nghệ khai thác trong toàn mỏ. Để thực hiện chủ trương phát triển dịch vụ dầu khí trong nước, Đảng bộ VSP đã chỉ đạo từng bước đưa dịch vụ dầu khí từ nước ngoài vào cho các doanh nghiệp Việt Nam và được Ban lãnh đạo VSP thống nhất cao.

Người thợ Việt – Xô thuở ban đầu bên giếng khoan BH-6 trên mỏ Bạch Hổ

Những bước đi lên của VSP gắn liền với sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ đảng viên trong Liên doanh, đa số lãnh đạo chủ chốt các đơn vị sản xuất, các cơ quan tham mưu đều do đảng viên nắm giữ. VSP đã lần lượt khai thác tấn dầu thứ 10 triệu, rồi 20 triệu, đến 30 triệu vào các năm 1992, 1993, 1995. Gắn hoạt động sản xuất với nhiệm vụ đảm bảo an ninh – quốc phòng, VSP đã nhận thầu xây dựng phần lớn các công trình DK-1 của Bộ Quốc phòng, đến hết năm 1998, VSP đã xây dựng 18 công trình nhà giàn.

Trong giai đoạn này, Đảng ủy VSP đã tập trung nhiều trí tuệ, công sức để phối hợp cùng các đơn vị trong ngành Dầu khí thực hiện Dự án sớm đưa khí vào bờ. Thời kỳ 1991 – 1995 cũng ghi nhận sự phát triển của VSP trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí cho bên ngoài với doanh thu trung bình mỗi năm 10 triệu USD.

Một trong những thành công lớn nhất trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ VSP trong nhiệm kỳ Đại hội lần VI (1996 – 2000) là đã đề ra và tổ chức thực hiện 3 nhiệm vụ có tính chiến lược đối với sự tồn tại và phát triển của VSP. Đó là : Tập trung giải quyết các giải pháp khoa học công nghệ để tăng khả năng thu hồi tối đa dầu ở mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng; tìm kiếm mỏ mới để mở rộng vùng hoạt động; tận dụng năng lực lao động, phương tiện để phát triển dịch vụ ở bên ngoài.

Trong các kỳ Đại hội VII và VIII (2001 – 2005, 2006 – 2010), Đảng ủy đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch khai thác dầu, doanh thu từ bán dầu và nộp ngân sách nhà nước, tiếp tục dẫn đầu ngành dầu khí trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. So với cả thời kỳ 1986 – 2005 thì sản lượng dầu khai thác trong 5 năm 2001 – 2005 chiếm 42%, doanh thu bán dầu chiếm 55,6%, nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam chiếm 61%.

Đây là giai đoạn mà hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô của VSP đạt giá trị kinh tế cao nhất. Trong giai đoạn 2006 – 2010, Đảng ủy đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh, trong đó đã khai thác 39,1 triệu tấn dầu thô, thu gom và đưa vào bờ đạt trên 7,4 tỉ m3 khí, gia tăng trữ lượng đạt 75 triệu tấn dầu quy đổi, nộp ngân sách và lợi nhuận phía Việt Nam đạt 15,5 tỉ USD…

Trong nhiệm kỳ Đại hội IX (2010 – 2015) Đảng ủy VSP đã đề ra mục tiêu tổng quát là “Đẩy mạnh thăm dò, tận thăm dò, phát triển và khai thác các mỏ dầu, khí trong và ngoài nước; phát huy tối đa mọi tiềm năng sẵn có, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường; hoàn thành chuyển đổi VSP theo hướng hiệu quả, phát triển mạnh mẽ, lâu dài, giữ vững vai trò đơn vị chủ lực, đi đầu, đóng góp tích cực vào chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.

Kết quả là trong năm 2011, công tác tìm kiếm thăm dò thu được kết quả khả quan với việc gia tăng trữ lượng thu hồi đạt 5,38 triệu tấn (đạt 114,5% kế hoạch). Đã hoàn thành khối lượng lớn công việc về nghiên cứu đánh giá triển vọng dầu khí, lập chương trình công tác và dự toán ngân sách để xin mở rộn vùng hoạt động ở nhiều lô mới. Trong năm 2011, VSP đã khai thác được 6.400.018 tấn dầu, hoàn thành 103,3% so với kế hoạch năm 2011…

30 năm anh hùng

Có thể kể những thành tựu nổi bật trong 30 năm qua của VSP dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ VSP, đó là: Đã phát hiện 3 mỏ dầu có giá trị thương mại và nhiều cấu tạo chứa dầu, trong đó đặc biệt mỏ Bạch Hổ là mỏ lớn nhất Việt Nam và đứng vào hàng thứ 3 trong các mỏ đã phát hiện ở khu vực vành đai Tây Bắc cung Thái Bình Dương (bao gồm: Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN). Tìm và phát hiện thân dầu trong đá móng nứt nẻ là hiện tượng chưa từng gặp ở hơn 400 mỏ đã phát hiện cho đến nay hơn 50 bể trầm tích tại khu vực vành đai Tây Bắc cung Thái Bình Dương chính là điểm mới, nét đặc sắc và là sự đóng góp lớn nhất của các nhà Địa chất dầu khí Vietsovpetro, các nhà Địa chất Việt Nam – Liên Xô, vạch ra phương hướng mới trong công tác tìm kiếm- thăm dò dầu khí ở khu vực.

Trên thực tế, tiếp theo Bạch Hổ, hàng loạt các thân dầu khí mới từ tầng đá móng đã được phát hiện chính là nhân tố quyết định để ngành dầu khí non trẻ Việt Nam nhanh chóng trưởng thành và hiện đứng hàng thứ 3 trong các nước xuất khẩu dầu trong khối ASEAN, chỉ còn sau Indonesia, Malaysia và đã vượt qua các nước có nền công nghiệp dầu khí lâu đời như Mianmar, Brunei…

Có thể nói, trong 30 năm hoạt động, Đảng bộ VSP đã phát huy được đầy đủ vai trò của tổ chức đảng trong đơn vị liên doanh với nước ngoài. Đảng bộ đã triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với VSP trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu, khí.

Nhìn lại chặng đường 30 năm anh hùng của Đảng bộ VSP, ông Lê Quang Trung cho rằng với đội ngũ hơn 2.000 đảng viên hiện chiếm gần một phần ba tổng số cán bộ công nhân viên, Đảng bộ VSP vừa là hạt nhân lãnh đạo vừa là lực lượng tiên phong tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ do cấp trên giao phó. Đảng bộ VSP đã từng bước xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân kỹ thuật chuyên ngành dầu khí với chất lượng vừa “vừa hồng vừa chuyên”, vừa bảo đảm nhân lực cho VSP vừa cung cấp cán bộ để phát triển ngành Dầu khí theo hướng vươn lên là chủ các hoạt động dầu, khí. Đảng bộ đã lãnh đạo bảo vệ lợi ích của phía Việt Nam trong VSP, đồng thời không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị với phía bạn.

Thực tế ở VSP cho thấy công tác đào tạo, quy hoạch, đánh giá và luân chuyển cán bộ luôn được Đảng ủy chú trọng. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện đúng quy trình, công khai. Việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thực hiện nghiêm ngặt theo quy định chung. Chính nhờ làm tốt công tác cán bộ nên Đảng ủy VSP không những đã đào tạo, rèn luyện cho mình đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, chuyên môn và trình độ quản lý mà còn là nơi cung cấp cán bộ quản lý các cấp cho Tổng công ty Dầu khí (trước đây) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày nay. “Có thể khẳng định Vietsovpetro chính là cái nôi đào tạo lực lượng cán bộ quản lý và kỹ sư hùng hậu cho ngành Dầu khí Việt Nam”, ông Lê Quang Trung nói.

Còn theo ông Bùi Văn Vì (nguyên Phó tổng giám đốc VSP, tham gia ban chấp hành Đảng bộ VSP liên tục từ khóa I đến khóa VIII) thì Đảng bộ VSP vừa là hạt nhân lãnh đạo, vừa là trung tâm đoàn kết của toàn hệ thống chính trị. Đảng bộ đã lãnh đạo xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh, tổ chức các phong trào thi đua quốc tế thiết thực, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất – kinh doanh hàng năm của đơn vị. Không những vậy, Đảng bộ VSP đã xây dựng và củng cố mối quan hệ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Chính Đảng bộ VSP đã lãnh đạo xây dựng mô hình hợp tác kiểu mẫu có hiệu quả cao với Liên Xô/Liên bang Nga trong hoạt động kinh tế.

Những thành tựu của Vietsovpetro trong 30 năm hoạt động được Đảng, Nhà nước 2 phía đánh giá cao. Vietsopetro đã vinh dự được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý nhất như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro cũng hai lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”…

Thực tiễn hoạt động 30 năm qua của Đảng bộ Vietsovpetro đã khẳng định chủ trương xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong đơn vị liên doanh với nước ngoài của Đảng ta ngay từ đầu là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo, thực sự có ý nghĩa nghiên cứu, học tập đối với các tổ chức đảng ở các doanh nghiệp cùng loại hình.

Thế Vinh

DMCA.com Protection Status