Điều hành giá xăng dầu: Nên để thị trường quyết định?

20:15 | 30/07/2024

1,240 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả, các chuyên gia kiến nghị việc sửa đổi chính sách quản lý xăng dầu trong thời gian tới cần hướng vào việc thay đổi sang cơ chế thị trường, nên để thị trường quyết định thay vì dùng các mệnh lệnh hành chính.

Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm “Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 30/7, tại Hà Nội.

Mặt bằng giá xăng dầu tương đối ổn định

Tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình cho biết, hiện nay, việc kinh doanh xăng dầu, điều hành giá xăng dầu đang được thực hiện theo Nghị định 83 năm 2014, Nghị định 95 năm 2021 và Nghị định 80 năm 2023. Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù còn một số nội dung trong công tác quản lý điều hành cần nghiên cứu để hoàn thiện hơn, tuy nhiên có thể đánh giá tổng quát việc điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là điều hành giá đã được cơ quan điều hành thực hiện bám sát đúng quy định của nghị định và các văn bản pháp luật hiện nay cũng như theo giá thế giới.

Điều hành giá xăng dầu: Nên để thị trường quyết định?
Các đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: VGP)

Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến xăng dầu có lúc tăng, giảm, nếu nghiên cứu xem xét biểu đồ về giá cả thị trường đối với mặt hàng xăng dầu thì thấy, 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu có xu hướng tăng. Từ cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 6, giá có chiều hướng giảm, từ nửa đầu tháng 6 đến đầu tháng 7 lại tăng liên tiếp 4 phiên điều hành. Sau đó, 3 phiên gần đây, giá có xu hướng giảm.

Đánh giá tổng quát và so sánh mặt bằng giá ở đầu tháng 1 với hiện nay thì không có nhiều biến động. Cụ thể, đầu tháng 1 (kỳ điều hành 4/1/2024), giá RON-95 III là 22.148, cuối tháng 1 vào kỳ điều hành 25/1, giá RON-95 III là 23.680 đồng. Gần đây nhất vào kỳ điều hành 25/7, giá mặt hàng này đang ở mức 22.884 đồng/lít. Chúng ta thấy, mặt bằng giá từ đầu năm 2024 tới thời điểm hiện nay tương đối ổn định, không có biến động lớn.

Phân tích những nguyên nhân tác động giá xăng dầu; có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự thay đổi giá là do thay đổi giá xăng dầu thế giới. Khi mổ xẻ các yếu tố cấu thành giá, ta thấy giá xăng dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65-77% so với giá xăng dầu trong nước, tùy theo mặt hàng xăng dầu.

Về yếu tố chi phí, thuế chiếm khoảng 12-29% trong giá xăng dầu.

Đối với chi phí kinh doanh định mức được xác định trên cơ sở báo cáo kiểm toán kinh doanh xăng dầu cũng như các báo cáo thống kê chi phí thực tế tại doanh nghiệp. Hiện nay, chi phí định mức dao động từ 7,5-11% của giá xăng dầu.

Một số yếu tố cấu thành giá nữa là về lợi nhuận, hoạt động trích, chi quỹ… cũng ảnh hưởng tới giá xăng dầu.

Tựu chung lại, giá thế giới là nhóm tác động lớn nhất tới giá xăng dầu.

Qua các kỳ điều hành, trong Nghị định 80 năm 2023 quy định kỳ điều hành 7 ngày, trong diễn biến đó có cập nhật những thông tin giá thế giới và các yếu tố cấu thành giá.

Với diễn biến đó, yếu tố tác động lớn là giá xăng dầu thế giới, vì nó chiếm trong công thức tính giá cơ sở khoảng 65-70%, vì vậy, diễn biến giá trong 7 tháng vừa qua cũng có những biến động liên tục, nhưng tổng kết lại, mặt bằng giá không có nhiều biến động so với đầu năm 2024.

Nên để thị trường quyết định giá

Theo Đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, xăng dầu là một mặt hàng mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất. Đây cũng là mặt hàng rất nhạy cảm, thường xuyên biến động. Nhạy cảm vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Chính trị thế giới biến động, chiến tranh, mâu thuẫn địa chính trị xảy ra, diễn biến kinh tế thế giới, thậm chí cả vấn đề thiên tai cũng có thể ảnh hưởng đến giá dầu. Điều đó đặt ra vấn đề là phải làm sao bình ổn điều hành giá và bình ổn điều hành giá không chỉ riêng đối với một quốc gia mà cả tầm thế giới. Chúng ta nhìn thấy trên thế giới còn có những liên minh đặt ra những hạn ngạch về việc phải khai thác, sản xuất một lượng bao nhiêu để đảm bảo giá ổn định.

Điều hành giá xăng dầu: Nên để thị trường quyết định?
Đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: VGP)

Ở Việt Nam, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành và bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là chúng ta có 3 công cụ chủ yếu. Công cụ đầu tiên là điều hành thông qua giá cơ sở, mặc dù xăng dầu có rất nhiều doanh nghiệp, các công ty kinh doanh của Nhà nước, kể các doanh nghiệp tư nhân nhưng giá bán ra trên thị trường phải dựa trên mức giá cơ sở và do Nhà nước điều hành, 7 ngày lại phải công bố điều chỉnh một lần. Như vậy, thực chất giá bán ra trên thị trường ấy do Nhà nước ấn định.

Công cụ thứ hai Chính phủ sử dụng là công cụ về thuế, khi chúng ta thấy rằng giá thế giới tăng cao cần phải giảm chi phí cho cấu thành giá chúng ta phải giảm thuế nhập khẩu, thậm chí giảm thuế môi trường.

Công cụ thứ ba là bình ổn giá bằng việc trích lập quỹ bình ổn. Như vậy công cụ sử dụng của chúng ta khá tổng hợp và về mặt hình thức, cơ bản sử dụng công cụ tổng hợp như nhiều quốc gia đã sử dụng.

Việc điều hành như thế đã mang lại kết quả khá tích cực. Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều đó thể hiện trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới chúng ta đã có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá xăng dầu.

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới. Nhập vào cao thì chúng ta vẫn phải điều hành giá cao và khi thị trường xuống thấp mới hạ giá được. Chúng ta phải phụ thuộc vào biến động bất thường, thường xuyên của thế giới, trong vòng chậm nhất cũng là 7 ngày.

Điểm thứ hai là vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính của Nhà nước áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải bán mức giá như thế này. Khi đã dùng hành chính áp đặt như thế sẽ không bảo đảm lợi ích đứng về mặt lợi nhuận do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó tính toán.

Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình nhất như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua có những thời kỳ, có nơi người ta thông báo hết xăng dầu, không bán.

Đối với công cụ về Thuế hay sử dụng công cụ trích Quỹ bình ổn, thực chất chúng ta dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chúng ta chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường.

Công cụ thị trường có thể sử dụng để tạo ra bình ổn giá kể cả khi giá thế giới biến động bất thường nhưng nếu như có công cụ thị trường, các doanh nghiệp có tiềm lực vẫn có thể bán ra ở mức hợp lý với mức dự trữ tốt. Chính từ đó dẫn đến tình trạng chính sách này mang tính chất cào bằng. Doanh nghiệp nào đầu tư kinh doanh tốt thì cũng bán giá đó, doanh nghiệp nào kinh doanh kém cũng bán giá đấy. Tức là không tạo ra sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường.

Nếu chúng ta để thị trường quyết định thì đương nhiên các doanh nghiệp đó sẽ cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí người ta có thể mua lúc rẻ và bán ra lúc đắt thì sẽ có giá hợp lý mà không chịu giá chung thì sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra tiềm lực tốt, tạo ra khả năng kinh doanh tốt. Đấy là những điều chúng ta cần phải khắc phục.

Ông Cường cho rằng việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào mấy điểm.

Thứ nhất, chúng ta phải hướng vào việc thay đổi cơ chế. Cơ chế quản lý hiện nay đang dùng là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết. Vì hiện nay chúng ta có cơ sở để dùng công cụ thị trường, không lo bị động bởi vì xăng dầu sản xuất trong nước có nguồn khá lớn (chiếm 70%), không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và không hoàn toàn bị động. Tôi cho rằng để thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm.

Từ việc dựa vào công cụ thị trường như thế thì đương nhiên giá kinh doanh như thế nào cũng phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết. Nếu như doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Ở đây có hai công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập, chúng ta có thể dùng công cụ đó để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn là chuyện khống chế lượng bán để tăng giá.

Muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh thì chúng ta phải có thị trường cạnh tranh mà muốn có thị trường cạnh tranh thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua.

Chúng ta cũng không thể thả nổi hoàn toàn. Chúng ta phải sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là việc thế giới, các công ty lớn hay sử dụng các công cụ về phái sinh để bình ổn.

Ông cũng cho rằng cần tiến tới việc tạo ra các cơ sở pháp lý và các điều kiện khuôn khổ cho các doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh này để bình ổn. Bên cạnh đó phải có nguồn lực dự trữ quốc gia, phải có thị trường để làm sao cho mọi người có thể tham gia giao dịch tốt.

Đồng quan điểm với ông Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, cần để các doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nút thắt trong tất cả các nghị định trong thời gian vừa qua thì cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá. Chúng ta quy định kỹ quá, rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá (theo Nghị định 95, 80), như vậy cơ quan quản lý Nhà nước làm thay cho doanh nghiệp, kể cả những giai đoạn giá chỉ 15.000 đồng/lít cũng vận hành đúng như thế, chế tài cũng như thế đến khi giá giai đoạn lên đến 33.000 đồng năm 2022 cũng chỉ có những cơ chế đó vận hành.

Điều hành giá xăng dầu: Nên để thị trường quyết định?
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo phát biểu tại tọa đàm

"Do vậy, việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" tôi cho rằng là lớn nhất. Đúng như Giáo sư Cường vừa mới đề cập, chúng ta phải có cơ chế gì để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định", ông Bảo nhấn mạnh.

Ông cho rằng, đối với quản lý Nhà nước, trong thời gian tới là phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế này. Thứ hai, bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì chúng ta sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý, còn lại để thị trường vận hành.

Khi có cạnh tranh thì xu hướng là luôn luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi, bên cạnh đó những quy định kèm theo mang tính chất quốc tế, chúng ta phải áp dụng, đó là những chính sách sử dụng nghiệp vụ về phái sinh. Phái sinh ở đây không thuần túy là việc đầu tư về tài chính mà đây là những nghiệp vụ phòng vệ giá, tức là bảo hiểm giá xăng dầu.

Nhưng quy định cũng thiếu đồng bộ khi những hoạt động về phái sinh không được hoạch toán vào chi phí bảo hiểm của xăng dầu mà lại cho đây là hoạt động về đầu tư tài chính.

Thực tế tất cả các doanh nghiệp xăng dầu trên thế giới đều làm nghiệp vụ phái sinh. Nhưng nếu sử dụng nghiệp vụ này ở Việt Nam, nếu đúng thì không sao nhưng nếu lỗ thì doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bởi đây là hoạt động tài chính, không được tổ chức hoạch toán.

Vấn đề này được điều chỉnh bởi nhiều quy định khác nhau. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tôi cho rằng hết sức đúng đắn, là phải đánh giá, rà soát lại và xây dựng mới nghị định để thay thế những tồn tại trong Nghị định 83, Nghị định 95,… trong thời gian vừa qua.

P.V (t/h)

DMCA.com Protection Status