Điều phi thường từ Hải Thạch - Mộc Tinh (kỳ 1)
Bể Nam Côn Sơn là khu vực có giếng khoan đầu tiên ngoài khơi Việt Nam từ năm 1974. Nhưng mãi tới thập niên 90 thế kỷ trước, các tập đoàn lớn trên thế giới mới bắt tay tiến hành thăm dò dầu khí trở lại. Năm 1992, hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí ở Lô 05-2 và Lô 05-3 bể Nam Côn Sơn được các Nhà thầu BP (Vương quốc Anh), ConocoPhillips (Mỹ) và Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) triển khai. Cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh được phát hiện ở Lô 05-2 và 05-3 vào năm 1995. Trước đó, những mỏ khí Lan Đỏ, Lan Tây cũng đã được công bố, cho thấy một tiềm năng dồi dào.
Năm 2002, mỏ Lan Tây - Lan Đỏ vận chuyển dòng khí đầu tiên. Nhưng Hải Thạch - Mộc Tinh cùng tiềm năng vẫn nằm im lìm cùng biển xanh.
Mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. |
Thách thức và cơ hội
Nói về cái khó ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh thì vô vàn. Đây là vùng nước sâu 140m, điều kiện địa chất của mỏ phức tạp không chỉ nhất Việt Nam mà còn thuộc hàng hiếm trên thế giới. Nhiệt độ và áp suất giếng ở đây rất cao, nhiệt độ dưới giếng khoảng 120-170 độ C, còn áp suất khoảng 420-530 atm. Những loại mỏ khí đốt có áp suất cao và nhiệt độ cao như thế rất hiếm có công ty dầu khí nào dám làm, bởi mức độ nguy hiểm và rủi ro quá lớn. Đó cũng chính là lý do vì sao trong thời gian BP tiến hành khoan thăm dò ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh thường xuyên gặp sự cố, lúc thì bị mất dung dịch khoan trầm trọng, lúc thì bị kẹt cần khoan…
Với những điều kiện đặc biệt phức tạp về mặt địa chất, kỹ thuật, kinh tế và chính trị tại khu vực này, năm 2008, Tập đoàn dầu khí BP và tổ hợp các nhà đầu tư nước ngoài quyết định rút lui sau 17 năm hoạt động, chuyển giao toàn bộ quyền lợi dự án cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong bối cảnh đan xen giữa cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn, với quyết tâm chinh phục dự án, Petrovietnam đã thành lập Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) là chi nhánh trực thuộc Tập đoàn.
BIENDONG POC mang sứ mệnh tiếp tục triển khai công tác phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh và đưa Dự án Biển Đông 01 vào vận hành, khai thác, biến giấc mơ tìm dầu khí tại khu vực đặc biệt này trở thành hiện thực.
Để tiếp tục, yếu tố tiên quyết là phải áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất. Biển Đông 01 là một trong những cụm công trình đặc biệt khó khăn thách thức về khoa học - kỹ thuật khi mà các hãng dầu khí nổi tiếng thế giới đành phải bỏ cuộc vì các điều kiện địa chính trị và khoa học công nghệ khó khăn tại vỉa dầu khí có áp suất và nhiệt độ cực kỳ cao. Nhưng điều thách thức nhất phải kể đến, đó là tất cả mọi phần việc của dự án đều do cán bộ, kỹ sư Việt Nam thiết kế, thi công và điều hành. 90% khối lượng công việc được thực hiện trong nước. Dự án tiếp tục trong bối cảnh bản thân Petrovietnam mới chỉ có 3 mỏ khí và đều phải dựa vào sự hỗ trợ từ nước ngoài.
Kỳ tích của người thợ khoan dầu khí
Bài toán đầu tiên được đặt ra, đóng mới hay thuê giàn khoan nước ngoài? Năm 2009, Việt Nam không có một giàn khoan nào đủ đáp ứng điều kiện ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Nếu đi thuê, trên thế giới cũng không có giàn khoan nào có thể hoàn toàn phù hợp, đều cần phải cải tiến. Chưa kể chi phí thuê lên tới 500 nghìn USD/ngày.
Để tiết kiệm và cũng để tính đường xa, Petrovietnam đã thực hiện đóng mới một hệ thống giàn khoan được xem là thế hệ giàn TAD hiện đại nhất thế giới - PV DRILLING V. Đây là giàn khoan đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ cao để khoan các giếng khoan nhiệt độ cao, áp suất cao (HPHT). Công suất thiết bị chống phun (BOP) được thiết kế với áp suất làm việc lên đến 15.000 psi (tương đương 1.020 atm), đây là những thách thức lớn của công nghệ khoan dầu khí. Một điểm đặc biệt nữa, giàn khoan PV DRILLING V là giàn khoan TAD đầu tiên trên thế giới có tải trọng của tháp khoan thiết kế lên đến 1.500.000 lbs nên có thể thực hiện được các giếng khoan đến độ sâu 30.000 ft (tương đương 9.100m) với độ sâu mực nước biển có thể hoạt động lên đến 4.000 ft (1.200m). Thậm chí, ngay cả khi đặt thiết bị đóng giàn, đối tác nước ngoài cũng phải nâng cấp sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của PV DRILLING V.
Giàn TAD PV DRILLING V hoạt động trên vùng mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh (năm 2016) |
Cũng chính vì giàn khoan PV DRILLING V hiện đại và vô cùng phức tạp nên vấn đề vận hành giàn trở thành một thử thách đặc biệt đối với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư khoan dầu khí của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PV Drilling). Trước đây, họ vốn chỉ quen thuộc với kiểu giàn tự nâng, còn bây giờ là một kiểu giàn hoàn toàn khác, công nghệ rất khác. Vì vậy, lúc ban đầu, nhiều người rất bỡ ngỡ, liên tục phải thay người, người này vào - người kia ra khỏi dự án. Có những anh em đã nhiều năm kinh nghiệm đi giàn jack-up, tưởng sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng rồi không đáp ứng nổi. Ngay cả một số chuyên gia nước ngoài cũng rơi vào tình trạng tương tự vì không chịu nổi sức ép, sự khắc nghiệt và khối lượng công việc quá lớn của dự án.
Đối với một dự án khó và phức tạp như thế này, cần phải có một đội ngũ chuyên nghiệp gắn bó với dự án xuyên suốt ngay từ đầu. Chính vì vậy, bên cạnh đội ngũ kỹ sư người Việt, PV Drilling và BIENDONG POC bắt buộc phải thuê nhiều chuyên gia nước ngoài hỗ trợ vận hành giàn trong thời gian đầu. Ban đầu có tất cả 34 chuyên gia nước ngoài, trong đó có cả những người rất am hiểu dự án từ BP sang. Song song với đó, việc gấp rút đào tạo thế hệ kỹ sư người Việt để đưa vào dự án được BIENDONG POC và PV Drilling ráo riết thực hiện.
(Còn tiếp)
Tr.L
-
[PetroTimesTV] Trí thức ngành Dầu khí khẳng định vai trò trong xây dựng và phát triển đất nước
-
Trí thức ngành Dầu khí khẳng định vai trò, bản lĩnh trong xây dựng và phát triển đất nước
-
BIENDONG POC hưởng ứng Tuần lễ Văn hóa Dầu khí với nhiều hoạt động ý nghĩa
-
“Người gác lửa” thầm lặng giữa biển khơi