Đoàn Thanh niên PVFCCo: Nặng tình với đồng ruộng

16:40 | 20/06/2017

683 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thế hệ trẻ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) có rất ít người học chuyên ngành nông nghiệp, nhưng trong quá trình làm việc ở môi trường về sản xuất, kinh doanh phân bón như PVFCCo, họ dần trở nên nặng tình với nông dân, với ruộng đồng lúc nào không hay!

Mấy năm gần đây, hầu như năm nào người nông dân cũng đối mặt với điệp khúc được mùa thì mất giá, nông sản phải đổ bỏ, rồi có năm lại mất mùa, thiên tai, lũ lụt, hạn - mặn hoành hành… Những thông tin này khiến cho những người trẻ, với xuất phát điểm không phải ở mảng nông nghiệp và từng không mấy cảm xúc với ruộng đồng cũng phải trăn trở, xót xa vì thấy thương bà con nông dân vô cùng. Rồi từ đó tự thấy trách nhiệm của mình là “phải làm gì đó” với bà con!...

doan thanh nien pvfcco nang tinh voi dong ruong
Một chương trình tập huấn - tư vấn kiến thức nông nghiệp và kỹ thuật canh tác của Đoàn Thanh niên PVFCCo SE

Đó là lời chia sẻ rất chân tình của đồng chí Bí thư Chi đoàn cơ sở Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam bộ (PVFCCo SE) Lê Hoàng Huy khi tôi hỏi về trăn trở của thanh niên PVFCCo với ruộng đồng, nông dân hôm nay.

Huy còn rất trẻ, tuổi đời chưa đến 30, thế hệ mà phần lớn không gắn bó với ruộng đồng, cũng không mấy khi bận tâm về nông nghiệp. Trước đây Huy làm ở PVFCCo SE nhưng chỉ làm việc ở văn phòng, cũng chẳng mấy khi tiếp xúc với bà con, với cây lúa, luống rau. Và tất nhiên là Huy cũng không hiểu mấy về canh tác nông nghiệp.

Nhưng rồi một ngày Huy đã xúc động và quyết tâm “phải làm gì đó”. Huy nói, mình là thanh niên, vừa là cán bộ Đoàn, vừa là đảng viên, không bước ra thị trường để “chiến đấu” thì… rất kỳ cục. Hơn nữa, bản thân làm ở công ty về phân bón mà khi về quê, nghe họ hàng hỏi về kỹ thuật mà mình không hiểu, không tư vấn được thì cảm thấy rất bức xúc, tự ái.

Không riêng gì Huy, được biết phần lớn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở tổng công ty (TCT) hay ở các chi đoàn cơ sở đều là những người trẻ và đều có những trăn trở ban đầu như vậy. Đương nhiên, khi muốn “làm gì đó” thì phải có kiến thức và kinh nghiệm. Bản thân anh em ĐVTN không phải là kỹ sư nông nghiệp, nếu không có kiến thức và cả kinh nghiệm thực tiễn thì nói bà con làm sao tin?!

Thế là, ngoài những đợt tập huấn về kỹ thuật canh tác định kỳ hằng năm cho toàn bộ CBCNV của TCT, được sự ủng hộ của các cấp ủy, ban lãnh đạo TCT cũng như ban lãnh đạo PVFCCo SE, mỗi ĐVTN đã tự mày mò nghiên cứu, học hỏi, thậm chí họ phải đến sống cùng nông dân, ruộng đồng. Họ tích cực tham gia các buổi hội thảo kiến thức nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông địa phương; họ học từ tài liệu hướng dẫn sử dụng phân bón; họ đi cùng anh em cán bộ thị trường khác của công ty đã có kinh nghiệm để học hỏi thêm về cách tiếp xúc, ngôn ngữ sử dụng với bà con cho phù hợp…

Và kết quả là bây giờ không chỉ đơn giản là đứng ra lo khâu tổ chức các chương trình hội thảo, tập huấn - tư vấn về kiến thức nông nghiệp cho bà con mà cán bộ ĐVTN như Huy cũng như ở các cơ sở Đoàn công ty vùng miền khác còn có thể cùng với cán bộ khuyến nông địa phương giải đáp các thắc mắc về kỹ thuật, cách bón phân… giúp tăng năng suất, giảm chi phí cho bà con.

Huy nói, không có gì vui và hạnh phúc bằng khi làm được những việc như vậy. Chính nụ cười và năng suất canh tác của bà con nông dân là liều thuốc tinh thần hữu hiệu trong những lúc mệt mỏi, căng thẳng vì công việc; cũng như là động lực để Huy phấn đấu nhiều hơn trong hành trình góp phần truyền tải kiến thức nông nghiệp cho bà con.

Nói về sự dấn thân học hỏi, trau dồi kiến thức nông nghiệp, sử dụng phân bón để hỗ trợ bà con nông dân của ĐVTN PVFCCo thì không thể không kể đến câu chuyện các đoàn viên cơ sở Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PVFCCo Central) làm mô hình “Vườn thực nghiệm thanh niên”.

doan thanh nien pvfcco nang tinh voi dong ruong
Đoàn Thanh niên PVFCCo Central trồng cây trên vườn thực nghiệm

Các bạn trẻ trong Chi đoàn đã trồng những cây chuối, những luống bí ngô trên diện tích vườn thực nghiệm rộng 1,5ha. Mục đích của mô hình này là để anh em ĐVTN có chỗ trực tiếp thực hành, trao đổi và học hỏi kiến thức nông nghiệp để từ đó trang bị kiến thức cần thiết, tăng sự tự tin khi tư vấn cho bà con nông dân.

Hình ảnh các ĐVTN trong màu áo xanh quen thuộc đội nắng, dầm mưa ngoài vườn để chăm bón cho từng cây chuối, dây bí ngô thật không khác gì so với người nông dân thực thụ gây xúc động sâu sắc.

Bí thư đoàn PVFCCo Central Võ Văn Duy, cũng là một thanh niên rất trẻ, nói: “Để hiểu hết sự vất vả của bà con trong canh tác, để biết chính xác kỹ thuật trồng, chăm sóc thế nào, bón phân với lượng bao nhiêu là vừa… thì không cách gì tuyệt vời hơn là tự tay mình làm”. Tuy dự án chỉ mới thực hiện từ tháng 3 năm nay và chưa thu hoạch để đánh giá kết quả nhưng Duy cũng như anh em ĐVTN đều tin rằng, sẽ có nhiều bài học thực tiễn quý báu được rút ra từ mô hình thú vị này.

Thông thường, đơn vị làm kinh doanh nào cũng muốn quảng cáo để càng bán được nhiều sản phẩm, doanh thu càng cao thì càng tốt. Nhưng với thương hiệu Đạm Phú Mỹ thì lại… ngược lại! Trong các buổi tập huấn về sử dụng phân bón hiệu quả, Duy đều khuyến cáo bà con phải bón phân hợp lý chứ không được lạm dụng. Điều này vừa giúp bà con tiết kiệm chi phí đầu vào vừa giúp bảo vệ môi trường…

Duy không thể nhớ chính xác là hằng năm công ty đã làm bao nhiêu chương trình tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho bà con. Với Duy, mỗi lần được chia sẻ với bà con những hiểu biết của mình là mỗi lần nhận lại được một niềm vui khôn tả. Và mỗi chương trình đều có những điều mới mẻ khiến anh em luôn hào hứng tham gia. Nhất là với các đoàn viên khối kinh tế, được tiếp xúc với nông dân, với ruộng đồng là một môi trường làm việc đầy mới mẻ và thú vị.

Có thể, sẽ khó diễn đạt được bằng lời hay là những con số cụ thể nhưng chắc chắn rằng, các hoạt động tư vấn kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón của thanh niên PVFCCo những năm qua đã và đang góp phần tích cực giúp bà con nông dân yên tâm công tác hiệu quả trên cánh đồng của mình. Không những thế, về ý nghĩa xa hơn nữa thì chính những hoạt động này cũng đang hằng ngày góp phần làm thay đổi, tạo nên một diện mạo mới cho nông thôn Việt Nam.

Lê Trúc

DMCA.com Protection Status