Đóng góp thầm lặng

10:00 | 26/06/2014

862 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nguyễn Văn Bình thuộc thế hệ công nhân vận hành đầu tiên tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ (PVFCCo). Anh là tấm gương sáng về tính chuyên cần, ham học hỏi và giàu sáng tạo. Không những thế anh còn là một cán bộ công đoàn tận tụy. Nguyễn Văn Bình vừa được tôn vinh là người lao động tiêu biểu trong tháng công nhân.

Năng lượng Mới số 333

Gặp anh Nguyễn Văn Bình tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, câu đầu tiên anh bảo: “Hồi giờ tôi có trả lời báo chí bao giờ đâu? Chẳng biết nói gì nhiều đâu cô nhà báo”. Tôi hiểu sự phân vân của anh. Trong quá trình viết về người dầu khí thì không phải anh là người đầu tiên nói với tôi câu này. Trước đây, trong quá trình tác nghiệp, đã bao lần ra công trường, đến trực tiếp công trình, gặp nhiều kỹ sư, công nhân đang làm việc, tôi xin phép trò chuyện, các anh cũng cười và bảo, dân kỹ thuật tụi tôi không biết nói văn vẻ, ngại lên báo lắm em ơi. Nhưng khi chuyện trò với các anh càng lâu thì không phải vậy. Nhiều kỹ sư, công nhân đang làm việc trên giàn khoan hay ở các ca vận hành trong các nhà máy, từ Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 đến Nhà máy Đạm Phú Mỹ… đều có chất tếu bên cạnh sự dung dị, hòa nhã, chân thành... Anh Nguyễn Văn Bình cũng có nét như thế. 

Anh Nguyễn Văn Bình

Cách đây 10 năm, anh Bình là công nhân vận hành cụm máy nén, nitơ, sau đó đảm nhận vị trí tổ trưởng và là Phó chủ tịch Công đoàn trong xưởng. Hiện Nhà máy Đạm Phú Mỹ có 4 phân xưởng chính là Xưởng ammoniac, Xưởng urê, Xưởng phụ trợ, Xưởng sản phẩm; thành đoạn sau, Nhà máy Đạm Phú Mỹ có 4 phân xưởng vận hành là Xưởng ammoniac, Xưởng urê, Xưởng phụ trợ và Xưởng sản phẩm. Từ năm 2013 đến nay, anh Bình là công nhân vận hành hệ thống DCS của Xưởng Phụ trợ.

Xưởng phụ trợ có nhiệm vụ chính là bổ trợ cho hai xưởng chính trong nhà máy là Xưởng ammoniac và Xưởng urê; có nhiệm vụ sản xuất ra nước demi dùng cung cấp cho lò hơi, khí nén, khí nitơ, lò hơi cao áp, điện... Hiện Xưởng phụ trợ có tổng cộng 75 cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc. Trước đây, anh Bình làm ngoài hiện trường, phụ trách cụm khí nén và khí nitơ; 6 tháng gần đây, anh vào làm việc trong phòng điều khiển. Theo anh dù làm việc bên ngoài hiện trường hay bên trong phòng điều khiển đều giống nhau một điểm là người lao động phải có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Khi còn làm việc bên ngoài, với cương vị tổ trưởng, anh phải quán xuyến tất cả các công việc liên quan đến tổ máy khí nén và khí nitơ, bên cạnh đó, anh phải có kiến thức về các bộ phận vận hành khác trong xưởng để quản lý giúp đỡ anh em. Còn khi vào bên trong thì áp lực nhiều hơn, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì tổ trưởng phải nắm bắt công nghệ sản xuất của các bộ phận khác trong xưởng.

Các kỹ sư, công nhân Nhà máy Đạm Phú Mỹ đều được đưa đi đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn, kỹ năng vận hành nhà máy trước khi nhà máy đi vào hoạt động. Anh Bình chia sẻ: “Dù được học bài bản nhưng giai đoạn đầu cũng thấy khá bỡ ngỡ, tuy nhiên sự bỡ ngỡ cũng qua nhanh. Mỗi công nhân vận hành phải bắt nhịp công việc, phải liên tục bổ trợ kiến thức, học hỏi thêm các anh em kỹ sư…”. Quá trình đó cứ thấm dần thấm dần và giờ đây anh trở thành công nhân vận hành kỳ cựu, với nhiều kinh nghiệm thực tiễn rất tốt trong quá trình làm việc.

Vì có thâm niên trong nghề nên khi các anh em ở Nhà máy Đạm Cà Mau lên Nhà máy Đạm Phú Mỹ thực tập, anh bảo rằng như thấy lại hình ảnh của mình hơn 10 năm về trước, nhiều bỡ ngỡ, nhiều lạ lẫm nhưng luôn thích tìm tòi, học hỏi. Anh bảo rằng: “Tôi tâm sự với anh em, muốn trụ lâu trong nghề vận hành, thứ nhất phải chịu học, thứ hai phải lăn lộn thì sẽ nắm bắt được vấn đề chứ không lăn lộn thì không bao giờ trở thành người vận hành giỏi được”.

Điểm đặc biệt ở Xưởng Phụ trợ của Nhà máy Đạm Phú Mỹ là thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo nhỏ có định kỳ theo chủ đề. Lần này thì hội thảo về máy bơm, lần khác hội thảo về máy nén… Mỗi lần hội thảo diễn ra, các anh em trong ca vận hành đưa ra những vấn đề mà mình tiếp xúc hằng ngày, sau đó thảo luận để sau này ai gặp phải sự số kỹ thuật sẽ biết cách khắc phục nhanh và hiệu quả nhất. Anh Bình chia sẻ: “Những cuộc hội thảo nhỏ như vậy diễn ra trong không khí tranh luận sôi nổi, người này bảo trong quá trình làm việc tôi đã gặp vấn đề này và đã xử lý như thế này; người khác bảo tôi xử lý theo hướng khác. Sau đó, có kỹ sư trong Xưởng Phụ trách vấn đề đào tạo sẽ tổng kết cuộc thảo luận hôm đó và đưa ra kết luận tối ưu nhất”.

Nhiều anh em ở nhà máy cho rằng, đây là giải pháp hay nhất trong vấn đề đào tạo nội bộ tại chỗ. Đối với anh Nguyễn Văn Bình thì qua mỗi buổi hội thảo, không chỉ riêng anh mà tất cả anh em đều nắm bắt vấn đề, trong đó có nhiều cái tự vỡ lẽ ra mà trước đây cứ tưởng mình đã biết, đã rành. Nhất là các bạn trẻ mới vào, hăng hái tham gia vào các buổi hội thảo nhỏ như vậy thì kinh nghiệm đã trao truyền từ thế hệ đi trước đến thế hệ đi sau rất nhanh.

Anh Nguyễn Văn Bình trong ngày lễ tuyên dương Người lao động Dầu khí tiêu biểu 2014

Trong quá trình làm công tác vận hành, bản thân anh Bình thỉnh thoảng cũng gặp những vấn đề hóc búa. Như trong quá trình sản xuất khí nitơ, thỉnh thoảng cũng xảy ra những vấn đề mà không lường trước được. Ví như nồng độ ôxy trong nitơ tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận hành của xưởng. Lúc đầu chưa quen có thể bỡ ngỡ nhưng sau đó bằng kinh nghiệm lâu năm trong công tác vận hành và kiến thức chuyên môn, anh Bình đã nghiệm ra rằng, do có nhiều xưởng sử dụng nhiều khí nitơ cuốn theo ôxy, làm cho nồng độ ôxy trong nitơ tăng cao sẽ làm ảnh hưởng chất lượng nitơ, dễ dẫn đến nitơ không được sạch. Vì thế, người làm công tác vận hành phải biết cách điều chỉnh để khống chế liều lượng cho phù hợp, chiết nitơ sạch phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất…

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, anh Bình còn là cán bộ đoàn năng nổ trong xưởng. Sau bao năm vừa làm chuyên môn vừa làm công đoàn, anh cho rằng, để làm công tác công đoàn hiệu quả thì thủ lĩnh công đoàn phải nhiệt tình, phải biết quan tâm, chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên. Đối với anh những ngày tháng làm công tác công đoàn luôn để lại những kỷ niệm đẹp.

Anh chân thành bộc bạch: “Tôi thấy thật hạnh phúc khi sống trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, nhân ái, cởi mở ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Người lao động ở nhà máy luôn cảm nhận tình cảm ấm áp của ban lãnh đạo nhà máy, của tổ chức công đoàn”. Có lẽ, không riêng anh Nguyễn Văn Bình mà mỗi người lao động ở nhà máy dù làm việc ở những vị trí khác nhau nhưng khi được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, thân thiện, có chế độ đãi ngộ phù hợp với năng lực thì mọi người đều cố gắng cống hiến để góp một phần nhỏ vào thành công chung của đơn vị. Với những đóng góp cho đơn vị, cho ngành, anh Nguyễn Văn Bình đã nhận bằng khen của Tập đoàn trong các năm 2006, 2007, 2008, 2010, 2011, 2012. Đặc biệt, năm 2010, anh vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Giờ đây, công việc đối với anh Nguyễn Văn Bình là niềm đam mê, là ước nguyện được cống hiến chứ không phải nói về sự vất vả. Dù rằng các anh phải làm theo ca, theo kíp, mỗi ca 12 giờ (2 ngày 2 đêm), rồi được nghỉ 2 ngày 2 đêm. Ca đêm có lẽ vẫn vất vả hơn vì trái với đồng hồ sinh học của mỗi người nhưng anh Bình cười bảo: “Chúng tôi quen rồi, cũng thấy bình thường thôi”. Chia tay anh, những ngày sau tôi sẽ tiếp tục gặp những người lao động dầu khí làm việc trực tiếp ở các vị trí khác. Ở họ, tôi đều thấy một điểm chung là ngại nói về mình, chỉ làm việc hăng say, lặng thầm cống hiến, làm việc không để chờ ngày được tuyên dương, khen thưởng hay tôn vinh mà “Chúng tôi làm việc chỉ đơn giản vì công việc”. Có lẽ, đó là chất của người dầu khí hôm nay.

Nguyễn Thanh

DMCA.com Protection Status