DQS đã vượt qua “sóng dữ”

08:24 | 01/06/2018

1,617 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Do “lịch sử để lại”, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) lâm vào tình trạng bi đát về tài chính, dẫn tới “khủng hoảng” việc làm và “chảy máu” chất xám… Trước thực tế đó, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có nhiều quyết sách, cùng với sự nỗ lực vượt bậc từ chính mình, “con tàu” DQS dần vượt qua những cơn sóng dữ. 

Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

Trong buổi làm việc mới đây với Phó tổng giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh, chúng tôi được biết: Năm 2017, DQS đã cơ bản thoát khỏi tình trạng thua lỗ; đời sống của cán bộ, công nhân viên về cơ bản đã được cải thiện, người lao động có việc làm đều đặn... Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, lại đang lâm vào khủng hoảng cả về kinh tế và truyền thông, DQS “trụ” lại, rồi từng bước vươn lên là điều đáng ghi nhận.

Năm 2017, DQS đã hoàn thành đóng mới tàu LPG cho Nhà máy Khí Cà Mau; đóng tàu kéo 2.800 mã lực phục vụ cho hoạt động tại khu vực đảo Lý Sơn và hoàn thành việc sửa chữa tàu Côn Sơn cho Vietsovpetro, sửa chữa 3 tàu cho Petrolimex...

Có thể thấy sự “chung tay” tạo điều kiện để DQS thoát dần khỏi cơn “bĩ cực” vừa là nghĩa cử, vừa là trách nhiệm chính trị hết sức lớn lao của các đơn vị thành viên PVN. Tất nhiên, nếu DQS không có năng lực thực sự thì dù có “ưu ái” đến đâu các đơn vị thành viên PVN cũng không thể “nhắm mắt” giao việc được. Theo thống kê, năm 2017 tỷ lệ sử dụng dock của DQS lên tới 90%, khá cao, chứng tỏ khối lượng công việc của DQS thực hiện rất ổn định.

dqs da vuot qua song du
Tàu Chí Linh của Vietsovpetro được đưa vào âu tàu của DQS sửa chữa

Cùng với đó, năm 2017, DQS đã nỗ lực “kéo” được các sản phẩm ngoài ngành. Cụ thể: DQS đã tiếp nhận 1 sà lan của Australia, hiện đang tiến hành sửa chữa tại Vũng Tàu. DQS đã tham gia đấu thầu quốc tế và trúng thầu hợp đồng sửa chữa tàu Chí Linh của Vietsovpetro. Tàu Chí Linh đã vào trong dock an toàn và đã bắt đầu công tác sửa chữa từ cuối tháng 4-2018. Để có được hợp đồng này, DQS đã phải cạnh tranh với các hãng lớn của Malaysia, Singapore, Trung Quốc... Thắng thầu về cả chất lượng, tiến độ, giá cả. Đây được coi là tiền đề để DQS vươn lên mạnh mẽ triển khai sản xuất, kinh doanh trong năm 2018.

Theo ông Nguyễn Anh Minh, năm 2018, nhu cầu thị trường nhìn chung vẫn rất thấp, khối lượng các đơn hàng đóng mới đã giảm khoảng 90-95% so với cùng kỳ 3 năm trước. Các tàu được giao trong thời điểm này chủ yếu đã được đặt hàng trong giai đoạn 2016 trở về trước.

Có thể nhận định: DQS đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bước vào năm 2018, tuy còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng con đường phát triển dần lộ rõ. Ông Nguyễn Anh Minh cho biết: Một mặt, DQS tiếp tục dựa vào nguồn đơn hàng đóng mới và sửa chữa từ PVN; mặt khác tiếp tục vươn ra thị trường bên ngoài. Và đến bây giờ, DQS đã sẵn sàng tham gia vào sân chơi bình đẳng, lành mạnh, cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước.

Những mục tiêu trong năm 2018

Con đường phát triển của DQS là giữ vững các khách hàng truyền thống - các đơn vị trong ngành Dầu khí và từng bước vươn ra các khách hàng doanh nghiệp ngoài ngành. Trong năm 2018, con đường phát triển của DQS vẫn bám sát mục tiêu này.

Đối với các đơn hàng của ngành Dầu khí, DQS đang có nhiều đơn hàng như tham gia sửa chữa giàn Đại Hùng cho PVEP, đóng mới FSO cho mỏ Sao Vàng Đại Việt, hoán cải kho chứa cho mỏ Cá Rồng Đỏ...

Đối với ngoài ngành, DQS đang tham gia việc đóng mới những module cho Samsung. Ngoài ra còn các dự án khác mà DQS đang chuẩn bị tham gia như: Xây dựng nhà máy lọc dầu tại Arập Xêút; đấu thầu đóng mới các tàu cá Ấn Độ; đóng mới các tàu hàng khô cho Canada, Singapore.

Ông Nguyễn Anh Minh cũng cho hay: Năm 2018, DQS phấn đấu cố gắng có được các đơn hàng đóng mới 1 tàu LPG, 1 tàu dịch vụ đa năng 4.000 mã lực cho tỉnh Quảng Ngãi, đóng mới xà lan cho các chủ tàu tư nhân. Đây là các đơn hàng tiềm năng mà DQS đã đàm phán xong về mặt tiến độ, kỹ thuật, đang chuẩn bị đàm phán về giá cả.

Bên cạnh các đơn hàng truyền thống là đóng mới và sửa chữa các phương tiện thủy thì DQS đã từng bước vươn ra để thực hiện các hợp đồng mới. Đó là thi công cấu kiện cho các nhà máy công nghiệp. Cụ thể, trong năm 2018, DQS đã ký hợp đồng với một khách hàng tư nhân đang làm nhà thầu phụ cho Nhà máy Thép Hòa Phát tại Quảng Ngãi để làm ống cho công trình này. Cũng tại Nhà máy Thép Hòa Phát, DQS cũng đang ký hợp tác thi công cảng.

Thời gian qua, DQS cũng làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát để xác định hướng hợp tác giữa hai doanh nghiệp, cụ thể là đang đàm phán hợp đồng thương mại đầu tiên cung cấp dịch vụ cho các hoạt động của Nhà máy Thép Hòa Phát tại Quảng Ngãi.

Cần được tạo cơ chế hoạt động

Nói như vậy không có nghĩa DQS đã thoát khỏi những khó khăn gay gắt. Thời gian qua, do giá dầu suy giảm nên các chủ tàu phải cạnh tranh rất khốc liệt về giá cước. Chính vì điều đó nên chi phí dành cho sửa chữa, bảo dưỡng bị tiết giảm rất nhiều, dẫn đến việc các nhà máy đóng và hoạt động sửa chữa các phương tiện vận tải biển trên thế giới thiếu hợp đồng.

Trong bối cảnh đó, các nước sẽ dựng những hàng rào bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Ví dụ, Nhật Bản đã có thông báo 100% tàu của nước này có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc có vốn vay thương mại của các ngân hàng Nhật Bản đều phải đóng và sửa chữa trong nước. Còn ở Trung Quốc, trong năm 2017, có tới 96-97% các đơn hàng đóng mới và sửa chữa tàu biển do các doanh nghiệp trong nước thực hiện.

Trao đổi về vấn đề này, Phó tổng giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh cho rằng: DQS là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng, thuộc ngành công nghiệp cơ bản của đất nước. Không chỉ ở Việt Nam, mà tất cả các nước trên thế giới, ngành công nghiệp nặng đều được nhà nước bảo hộ để chống lại những sự cạnh tranh không bình đẳng đến từ phía nước ngoài.

“Do lịch sử để lại, báo cáo tài chính của DQS không thỏa mãn các yêu cầu cơ bản của các gói thầu, nên DQS bị loại từ vòng sơ loại là điều không khó hiểu. Đây là điều cực kỳ bất lợi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Nếu được tạo cơ chế tham gia thì DQS sẵn sàng tham gia một cách sòng phẳng về chất lượng, tiến độ, giá cả. Thực tế đã chứng minh các sản phẩm của DQS đã tạo được sự tin cậy của khách hàng”, ông Minh nói.

Trong những năm vừa qua, một vấn đề bất lợi nữa mà DQS phải đối mặt là khủng hoảng truyền thông. Đã có những thông tin không đúng về phá sản, giải thể đã làm cho DQS “chảy máu” chất xám trầm trọng, đã mất 300-400 công nhân có tay nghề cao, họ rời khỏi công ty vì có những tin đồn giải thể, phá sản.

Năm 2018, khi đã bước qua những thời điểm khó khăn nhất để đi vào sản xuất kinh doanh ổn định và hướng tới những mục tiêu lớn hơn thì DQS lại đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó là khó khăn về cơ chế, thuế. DQS là doanh nghiệp trong nước, nên khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp của Việt Nam thì phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng. Nhưng doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng đóng mới và sửa chữa tàu biển thì lại thuộc danh mục không chịu thuế. DQS đã phải chấp nhận “cuộc đấu” 10% về thuế. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi khi đàm phán, DQS sẽ có rất nhiều lợi thế về giá cả, cũng như chi phí.

Những doanh nghiệp đóng tàu trong nước như DQS rất cần có những giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước để duy trì và phát triển ngành này trong cơn bão suy thoái của ngành vận tải biển thế giới.

DQS đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Con đường phát triển dần lộ rõ. Một mặt, DQS tiếp tục dựa vào nguồn đơn hàng đóng mới và sửa chữa từ PVN; mặt khác tiếp tục vươn ra thị trường bên ngoài. DQS sẵn sàng tham gia vào sân chơi bình đẳng, lành mạnh, cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước.

Trung Hội - Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status