Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Xây dựng phương án tối ưu nhất

09:08 | 04/06/2022

6,851 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Điểm đặc biệt tại dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba này là đã đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm đây là đạo luật chuyên ngành về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, trong thảo luận tại Tổ, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, các quy định về ưu đãi thu hút đầu tư, cũng như quy trình, thủ tục hành chính tại dự thảo Luật mới phúc đáp phần nào đòi hỏi thực tế nên đã đưa ra một số phương án tối ưu hơn cho Ban soạn thảo nghiên cứu triển khai.

Thiết kế quy trình thực hiện chi tiết và rõ ràng nhất

Từ thực tế hoạt động dầu khí, ĐBQH, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh tán thành với sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành, vì đây là một hoạt động rủi ro cao “như đi câu vậy”, từ thăm dò ra túi dầu rồi mới khoan thăm dò và quá trình khoan thăm dò có khi cũng không tìm ra. Hoạt động dầu khí cũng chịu tác động của nhiều thông lệ quốc tế đồng thời liên quan đến yếu tố an ninh - quốc phòng. Hiện nay chúng ta có rất nhiều mỏ nhỏ và muốn đầu tư thêm kỹ thuật để khai thác các mỏ xa, mỏ khó song chưa đủ năng lực. Vì vậy, phải có cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt mới thu hút được nhà đầu tư ngoại. “Ban soạn thảo đã có cách tiếp cận đúng khi theo hướng là một luật chuyên ngành về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Tất nhiên, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng cần có quy định rõ ràng để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Trên thực tế, hoạt động dầu khí hiện được điều chỉnh, liên quan đến rất nhiều luật như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng… Điều này đã gây rào cản khó khăn cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Từ vướng mắc thực tế này, nhà đầu tư đề nghị cần có sự áp dụng thống nhất về pháp luật để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Dự thảo Luật đã giải quyết được một phần vấn đề này, song ĐBQH Trần Sỹ Thanh nhận thấy, chưa triệt để, cần nghiên cứu hoàn thiện thêm.

Nêu cụ thể về hạn chế này, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) chỉ rõ, tại dự thảo Luật có nhiều điều khoản quy định theo hướng nội dung này ngoài áp dụng theo quy định của Luật Dầu khí (sửa đổi) thì áp dụng quy định của luật liên quan. Cách quy định này không tốt, nếu chỉ dừng ở quy định chung chung như vậy, sau này sẽ rất khó áp dụng. Do vậy, ĐBQH tỉnh Thái Bình mong muốn “quy trình đặc thù của hoạt động dầu khí phải được thiết kế ở mức chi tiết nhất, rõ ràng nhất có thể, để sau khi ban hành luật có thể áp dụng ngay trên thực tế”. Như vậy sẽ giúp tránh trường hợp chúng ta lại phải ngồi lại với nhau để bàn trong trường hợp phải áp dụng quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư thì cụ thể là quy định nào? Nếu không quy định được chi tiết nhất ở dự thảo Luật cũng có thể giao Chính phủ hướng dẫn để tránh quy định chung chung khiến chúng ta rất hay vướng trong thực hiện.

Chính sách thu hút đầu tư phải thực sự cạnh tranh hơn

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), trong những năm gần đây, sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam đang trên đà suy giảm, năm 2016 khai thác được 17,23 triệu tấn (bao gồm cả khai thác ở trong nước và hợp tác quốc tế khai thác ở nước ngoài), sau đó giảm dần qua các năm, đến năm 2021 sản lượng khai thác là 11 triệu tấn (trong đó, khai thác trong nước là 9,1 triệu tấn, hợp tác khai thác từ các mỏ nước ngoài là 1,9 triệu tấn). Hiện nay, muốn khai thác các mỏ kế tiếp thì phải khai thác, thăm dò ở các vùng nước sâu, xa bờ, điều kiện thi công phức tạp. Do đó, ĐBQH Trần Hoàng Ngân tán thành với việc quy định cơ chế chính sách đặc thù cho ngành dầu khí để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

ĐBQH Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, nhiều nước đã phát triển một hệ thống ưu đãi thuế mới, không chỉ là miễn hay giảm thuế theo một mức “cứng”, áp dụng cho tất cả các hoạt động, mà ưu đãi theo chi phí mục tiêu. Tức là, họ không giảm thuế suất một cách chung chung mà sẽ hướng đến kích thích những hoạt động họ mong muốn phát triển. Tùy theo hoạt động nào muốn phát triển, họ sẽ có những chính sách ưu đãi phù hợp với từng hoạt động, thậm chí là từng dự án, từ đó kích thích các đầu tư mạnh hơn.

Bên cạnh cơ chế ưu đãi đầu tư thông thường, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã thiết kế thêm một cơ chế ưu đãi đặc biệt để áp dụng cho dự án quan trọng. Tán thành với việc bổ sung cơ chế ưu đãi nêu trên, song ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nên tham vấn ý kiến các chuyên gia, địa phương về nội dung này. Nhất là khi dự thảo Luật đang thiết kế cơ chế này theo cách chỉ kích hoạt chính sách ưu đãi đặc biệt khi những cơ chế ưu đãi thông thường không phát huy được. Nếu thực hiện theo nguyên tắc này sẽ làm kéo dài thời gian xem xét áp dụng, có thể làm giảm sự hấp dẫn của chính sách ưu đãi. Nhà đầu tư thường hướng đến những chính sách ưu đãi nhanh chóng được áp dụng, nhưng ở đây chúng ta sẽ phải đợi thực hiện một số quy trình đấu thầu, tìm kiếm nhà đầu tư mà không tìm được nhà đầu tư theo cơ chế thông thường mới chuyển sang cơ chế ưu đãi đặc biệt”, ông Phan Đức Hiếu phân tích.

“Chúng ta không nên thiết kế theo hướng không áp dụng được cái này thì mới áp dụng cái kia. Nên nghiên cứu để cho phép kích hoạt song song hai cơ chế ưu đãi thông thường và ưu đãi đặc biệt để tìm kiếm ngay được những nhà đầu tư”. Lý giải cho đề xuất nêu trên, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, mục tiêu của chúng ta hiện nay là hiệu quả trong hoạt động dầu khí, xét cả trên khía cạnh thời gian và hiệu quả kinh tế nên cần tính đến phương thức tốt nhất để thực hiện được mong muốn này.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng chỉ thiết kế chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, trong khi nhiều ĐBQH đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm thế giới, theo hướng triển khai những ưu đãi linh hoạt, phù hợp với từng dự án và từng nhu cầu của nhà đầu tư, dựa trên nguyên tắc chung là hài hòa hóa lợi ích. Với cách làm này chúng ta cũng sẽ tránh được bài toán cạnh tranh quốc tế, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Các quy định tại dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã thực hiện được mục tiêu đề ra là góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Nhưng, trong thảo luận tại Tổ về dự án Luật này, nhiều ĐBQH đã thẳng thắn chỉ rõ, các quy định về ưu đãi thu hút đầu tư, hay quy trình, thủ tục hành chính được quy định tại dự thảo Luật mới phúc đáp phần nào đòi hỏi thực tế; và đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng phương án tối ưu nhất.

Theo Lê Bình/ Báo điện tử Đại biểu Nhân dân

DMCA.com Protection Status