Trong khi rất nhiều công ty dầu khí nước ngoài lâm cảnh thua lỗ, thậm chí phải tuyên bố phá sản, giải thể do tác động của “cuộc khủng hoảng kép” dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dường như là ngoại lệ.
Bằng một mô hình quản trị tinh gọn, hiện đại, có tính chủ động, linh hoạt cao, PVN không những không lâm cảnh thua lỗ mà còn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đây được xem là dấu ẩn nổi bật của Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đảng bộ Tập đoàn) trong nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời cũng được xem là “chìa khóa vàng” cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Giai đoạn 2015-2020 là giai đoạn có nhiều khó khăn, thách thức nhất đối với ngành công nghiệp dầu khí. Liên tiếp 2 cuộc khủng hoảng giá dầu diễn ra vào các năm 2015 và 2020, đặc biệt là “cuộc khủng hoảng kép” những tháng đầu năm 2020 đã giáng những đòn mạnh vào ngành công nghiệp hiện đại này.
Là doanh nghiệp dầu khí có phạm vi hoạt động rộng khắp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, những khó khăn, thách thức mà PVN phải đối diện còn lớn hơn rất nhiều khi mà trong nước, nhiều vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với hoạt động dầu khí chậm tháo gỡ, không ít vấn đề tồn tại của giai đoạn trước vẫn đang trong thời gian giải quyết... Tuy nhiên, vượt qua thách thức đó, kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, PVN vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Nhìn vào cách mà PVN ứng phó với 2 cuộc khủng hoảng giá dầu trong bối cảnh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cả chủ quan lẫn khách quan, có thể khẳng định: Đó chính là việc PVN đã “thiết kế” được một mô hình quản trị tinh gọn, hiện đại, có tính chủ động, linh hoạt cao trong quá trình hoạt động. Đảng bộ Tập đoàn đã có nhiều nghị quyết về công tác tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy, sắp xếp doanh nghiệp... và được cụ thể hóa bằng các bộ quy chế quản trị, văn bản quản lý nội bộ...
Bộ máy điều hành PVN được tinh gọn từ 33 đầu mối xuống còn 18 đầu mối, được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, bước đầu đã khắc phục tình trạng ỷ lại, né tránh trách nhiệm, chậm trễ trong xử lý công việc. Cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn PVN thể hiện sự tin tưởng, yên tâm lao động cống hiến, nỗ lực vượt khó, cùng lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.
Công tác cải cách hành chính , áp dụng triệt để các tính năng phần mềm quản lý, xử lý công văn nội bộ được PVN đẩy mạnh, giúp tiết tiệm thời gian, chi phí văn phòng phẩm, đồng thời nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, kiểm soát được tiến độ trong xử lý công việc từ lãnh đạo đến cấp chuyên viên. Các quy chế, quy định quản trị nội bộ được sửa đổi, hoàn chỉnh, hệ thống hóa một cách khoa học, tạo điều kiện cho các hoạt động được thông suốt, phù hợp với những thay đổi về kinh tế, pháp luật, xu hướng công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Với mục tiêu để hoàn thiện và chuẩn hóa hệ thống văn bản quy phạm nội bộ đáp ứng các yêu cầu trong quản lý, điều hành hoạt động của Công ty mẹ - PVN, ngày 30-6-2020, Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành và áp dụng Bộ quy chế quản trị nội bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam dưới dạng E-Book. Bộ quy chế có vai trò định hướng, kiểm tra, giám sát của Công ty mẹ - PVN đối với hoạt động của các đơn vị thành viên PVN bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu thường xuyên rà soát, cập nhật phù hợp với các quy định của pháp luật và hoạt động của PVN, bảo đảm sự phát triển bền vững và minh bạch của PVN.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thời gian qua, Đảng bộ Tập đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc PVN giai đoạn 2017-2020 theo đúng tiến độ, nội dung tại công văn số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ, mang lại hiệu quả cao. Chỉ với 3 đơn vị thực hiện cổ phần hóa là PV OIL, PV Power và BSR, PVN đã mang lại giá trị thặng dư khoảng 7.450 tỉ đồng. Việc phân cấp, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị, khuyến khích sự năng động của đơn vị cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ thông qua người đại diện vốn từng bước được thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của PVN.
Trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư phát triển của PVN hạn chế, một trong những yêu cầu cấp bách, thường xuyên được Đảng bộ Tập đoàn đặt ra là quản trị hiệu quả nguồn lực tài chính, từ khâu lập kế hoạch tài chính hằng năm, trung và dài hạn trên cơ sở các giả định thị trường, từ đó hoàn thiện hệ thống báo cáo quản trị, phân tích tài chính làm cơ sở để ra quyết định đúng đắn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời tiếp tục đề xuất kiến nghị Nhà nước hoàn thiện cơ chế tài chính phù hợp với mô hình phát triển doanh nghiệp của ngành Dầu khí nhằm huy động được mọi nguồn lực, phát huy tối đa thế mạnh của PVN; thực hiện lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa hợp lý để thu hồi vốn, đáp ứng yêu cầu bổ sung vốn chủ sở hữu.
Khi những chi tiết, bộ phận đó vận hành trơn tru, mỗi cán bộ, công nhân viên xác định rõ được vai trò, vị trí của mình trong quá trình vận hành đó và hết lòng cống hiến, sẽ tạo ra động lực vô cùng to lớn giúp cỗ máy đó hoạt động với hiệu suất cao nhất.
Một mô hình quản trị mới đã được PVN hình thành và đang ngày càng được hoàn thiện. Và với những kết quả sản xuất kinh doanh đã đạt được trong thời gian qua có thể khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của mô hình quản trị mà PVN đã và đang xây dựng, hoàn thiện. Đó là một mô hình quản trị tinh gọn, hiện đại, có tính linh hoạt, chủ động cao. Mô hình đó, như Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng từng khẳng định, sẽ là là “chìa khóa” quyết định toàn bộ hiệu quả, năng suất, chất lượng của công việc cũng như tạo động lực thúc đẩy cho PVN và các đơn vị thành viên ổn định nhịp độ sản xuất kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ được giao; là cơ sở mang tính nền tảng, tạo thế và lực để PVN phát triển bền vững.
Với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ Tập đoàn xác định công tác quản trị là nhân tố quan trọng, trong đó quản lý và quản trị doanh nghiệp là giải pháp trung tâm, quản trị nguồn nhân lực là giải pháp đột phá. Trên quan điểm đó, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu toàn diện PVN và các đơn vị thành viên; tăng cường công tác quản trị chiến lược từ khâu hoạch định thiết lập, triển khai tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá và điều chỉnh chiến lược nhằm đạt được những mục tiêu phát triển dài hạn của PVN; tiếp tục cải cách, đổi mới, áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính...; kiên quyết chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân; phân cấp, phân quyền rõ ràng đi đôi với chế tài xử lý trách nhiệm giữa PVN và người đại diện vốn tại đơn vị, doanh nghiệp; chú trọng quản trị rủi ro, thiết lập các quy trình, quy chế kiểm soát rủi ro phù hợp với mô hình hoạt động của PVN...
Nội dung: Thanh Ngọc
Thiết kế: Duy Tiến
Lọc dầu Dung Quất kỳ vọng ở nửa cuối năm |
Thanh niên BSR với công tác BDTT NMLD Dung Quất lần thứ 4 |
Công đoàn BSR tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2018-2023 |